3 bước dễ dàng tìm ra điều bạn thực sự cần trong mối quan hệ
Đã bao giờ bạn đồng ý yêu một người chỉ vì bố mẹ, bạn bè bảo rằng người đó đẹp trai, tốt tính, ổn định, yêu không sợ thiệt thòi? Bạn thích một người vì bạn cảm thấy “nên” ở cùng vì một vài lý do chứ không xuất phát từ chính tình cảm của bạn? Bạn muốn tìm kiếm một người bạn đời thích hợp nhưng lại mù mờ không biết “thích hợp” là như thế nào?
Để biết chính xác những gì bạn mong muốn ở đối phương cũng như từ một mối quan hệ là rất khó. Đặc biệt khi bạn còn trẻ hay thiếu kinh nghiệm yêu đương. Quá trình tìm ra những điều bạn thực sự cần trong mối quan hệ khá tiêu tốn nhiều công sức. Nhưng lại rất đáng giá để yêu đúng người và có mối quan hệ bền lâu. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn với 3 bước cụ thể và dễ thực hiện như sau.
Bước 1: Xác định các yếu tố khiến mối quan hệ tan vỡ
Xây dựng danh sách những thứ bạn không thể thỏa hiệp
Có đôi khi để biết những gì bạn mong muốn trong một mối quan hệ thì cách tốt nhất là bắt đầu từ việc xác định cái bạn không thích. Thông thường, tìm thứ mình thích thì khó chứ cái mình ghét lại biết rất rõ. Việc bạn cần làm bây giờ là ngồi xuống và bình tĩnh viết ra danh sách các tiêu chí có thể khiến một mối quan hệ tiềm năng bị loại bỏ.
Một nghiên cứu của Peter K Jonason – tiến sĩ khoa Tâm lý học Đại cương, trường ĐH Padova – cùng các đồng nghiệp đã cho thấy những kiểu người dễ khiến mối quan hệ bị đổ vỡ là:
+ Có vấn đề về sức khỏe: bị bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STDs), có mùi hôi cơ thể, nghiện rượu và ma túy…
+ Đã có người yêu hoặc đã kết hôn
+ Hẹn hò cùng lúc nhiều người
+ Không đáng tin, không có cảm giác an toàn, không biết cách quan tâm…
Xem xét lại các mối quan hệ trước đây
Hãy nhớ lại những mối quan hệ bạn từng có – dù là tình yêu, tình bạn hay tình thân. Đối với các mối quan hệ đã kết thúc không mấy tốt đẹp, bạn hãy suy nghĩ xem điều gì đã góp phần làm cho tan vỡ. Còn những mối quan hệ khiến bạn không thấy hài lòng hay hạnh phúc, bạn cũng vẫn viết xuống bất kỳ yếu tố tiêu cực làm bạn có cảm nhận như vậy.
Bạn hãy xem những vấn đề trên là nền tảng cho những gì bạn không muốn ở một mối quan hệ trong tương lai.
Suy nghĩ về bất kỳ vấn đề mà bạn thấy ở các mối quan hệ xung quanh bạn
Mối quan hệ của người khác cũng có ảnh hưởng nhất định đến bạn. Đặc biệt là chuyện tình yêu của cô bạn thân hay anh chị em trong gia đình. Họ sẽ tâm sự với bạn khi có rắc rối xảy ra, nên bạn có thể sẽ biết những vấn đề mà họ đã hoặc đang trải qua.
Ví dụ, em gái bạn đang bị suy sụp nặng nề vì bạn trai đã bắt cá hai tay. Bạn giúp em ấy vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời cũng nhận thức được tầm quan trọng của sự chung thủy trong một mối quan hệ. Từ đó, bạn lưu ý đến mọi dấu hiệu chẳng lành từ các mối quan hệ của người khác mà bạn sẽ không muốn xảy ra trong mối quan hệ của chính mình.
Học hỏi từ những sai lầm của người khác cũng là một cách giúp bạn có được mối quan hệ bền lâu hơn trong tương lai.
Bước 2: Xác định nhu cầu của bạn
Hãy yêu bản thân trước
Một trong những quan điểm sai lầm của nhiều người về tình yêu là họ tìm kiếm một nửa thích hợp để người đó yêu thương và giúp bản thân tốt hơn. Nhưng thực chất, đối phương chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ. Chính bạn phải tự hoàn thiện bản thân trước. Khi bạn học được cách tự yêu mình thì bạn sẽ không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Điều này góp phần xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.
Hãy học cách yêu thương bản thân bằng những việc như:
+ Lên danh sách liệt kê các điểm tốt hoặc điểm mà bạn thích về mình (ví dụ như sự thân thiện, luôn lạc quan trong mọi tình huống…)
+ Chăm sóc cơ thể mỗi ngày
+ Kiểm soát sự căng thẳng và tránh xa năng lượng tiêu cực
+ Không mãi nhớ nhung quá khứ mà hãy sống cho hiện tại
+ Hiểu được nhu cầu và mong muốn bên trong
…

Ảnh của Designecologist
Suy nghĩ về kiểu tình yêu mà bạn muốn
Bạn hy vọng trong mối quan hệ mới, bạn sẽ yêu như thế nào? Kỳ vọng của bạn về người ấy ra sao? Hãy suy nghĩ thành thật và vô tư nhất có thể. Điều này giúp bạn xác định được đâu là kiểu người bạn không muốn hẹn hò, đâu là những cách yêu bạn không thể thỏa hiệp và đâu là mối quan hệ bạn thực sự muốn tìm kiếm để gắn bó lâu dài.
Ví dụ, bạn muốn một tình yêu mà hai bên tôn trọng nhau và cho nhau khoảng thời gian – không gian riêng. Như vậy, bạn sẽ không thích hợp với người luôn thích “bám lấy” người yêu 24/24 hoặc thường tra hỏi người yêu làm gì, đi đâu, với ai mọi lúc mọi nơi.
Chuyển danh sách các yếu tố khiến mối quan hệ tan vỡ thành những phẩm chất cần thiết
Bây giờ, đã đến lúc bạn quay lại danh sách các yếu tố khiến mối quan hệ tan vỡ mà bạn đã lập ban đầu. Sau đó chuyển chúng thành danh sách các phẩm chất mà bạn mong muốn trong mối quan hệ tiếp theo.
Ví dụ, trong danh sách có yếu tố “nghiện bia rượu, thuốc lá”, bạn có thể biến điều đó thành phẩm chất “biết quan tâm đến sức khỏe thể chất”. Bạn hiểu mình không muốn yêu đương với một người hay chè chén say xỉn. Vì vậy, bạn sẽ ưu tiên tìm kiếm một người biết quan tâm đến sức khỏe hơn.
Hãy trở thành người mà bạn muốn hẹn hò
Một cách đơn giản để khám phá người bạn đời lý tưởng là hãy trở thành người có những đặc điểm mà bạn đang tìm kiếm. Phương pháp này cho phép bạn kiểm tra xem liệu kỳ vọng của mình có thực tế không. Đồng thời, bạn có cơ hội đánh giá những gì bạn sẵn sàng cho đi trong một mối quan hệ. Và khi đó, bạn cũng có khả năng thu hút những người giống như bạn. Quả thật là một mũi tên bắn trúng ba con nhạn.
Ví dụ, nếu việc biết quan tâm sức khỏe thể chất là đặc điểm quan trọng mà bạn đang tìm kiếm ở một người bạn đời, vậy hãy cố gắng dành khoảng một tháng để tập trung chăm sóc sức khỏe chính mình. Chẳng hạn như ăn uống đủ ba buổi, ngủ đúng giờ, dành ra 30 phút tập thể dục, nghĩ tích cực, kiểm soát sự căng thẳng. Sau khi đã hình thành thói quen trong một tháng, hãy tiếp tục duy trì ở những tháng tiếp theo.
Hoặc bạn cho rằng “giàu có” là điều kiện cần thiết ở người bạn tìm kiếm. Nhưng hiện tại, bản thân bạn đang gặp khó khăn về vấn đề tiền bạc. Vậy bạn nên gia giảm điều kiện này xuống thành mức “ổn định về mặt tài chính” là đủ.
Bước 3: Hẹn hò với nhiều người một cách ngẫu nhiên
Đi chơi với một vài người theo kiểu tình cờ, không ràng buộc
Khi bạn đã hoàn thành hai bước trên thì đã đến lúc chuyển sang giai đoạn thực hành: bắt đầu hẹn hò trên tinh thần thoải mái mà không quá đặt nặng vấn đề. Hãy đi uống cà phê, xem phim với vài người có vẻ đáp ứng những tiêu chuẩn của bạn.

Ảnh của Khoa Võ
Tuy nhiên, hãy đặt ra ranh giới và những hạn chế trước khi bắt đầu làm theo cách này. Bạn chắc chắn sẽ không muốn trở nên thân mật với nhiều người cùng lúc. Hãy dứt khoát ngừng gặp người không cho bạn cảm thấy sự kết nối tự nhiên. Nếu ai đó trở nên nghiêm túc hoặc bạn bắt đầu cảm thấy thu hút bởi người này hơn những người còn lại, hãy cắt đứt quan hệ với những người kia và tập trung củng cố mối quan hệ với người bạn có cảm tình.
Đánh giá khả năng phù hợp của bạn với người đó
Hãy xem xét mức độ phù hợp của người đó với các phẩm chất, yếu tố trong danh sách mà bạn đã lập ra ở hai bước trên. Khi bạn tìm hiểu người này, đừng vì bất kỳ điều gì mà chịu thỏa hiệp hay quên đi những mong muốn và nhu cầu của chính bạn.
Mặt khác, nếu có người đáp ứng mọi tiêu chuẩn bạn đặt ra trên giấy, nhưng bạn lại không có bất kỳ “phản ứng hóa học” nào với người đó. Chẳng sao cả! Ép dầu ép mỡ, không ai nỡ ép… cảm xúc. Thay vào đó, hãy chuyển sang tìm hiểu đối tượng khác.
Nói chuyện nghiêm túc với người đó về mối quan hệ này
Nếu bạn nhận thấy bạn và người ấy khá hợp nhau, cùng chia sẻ những giá trị, mục tiêu, sở thích, cách nhìn về cuộc sống giống nhau, thì đã đến lúc bạn nên nói chuyện thẳng thắn và nghiêm túc về mối quan hệ này.
Một khi bạn cảm thấy chắc chắn rằng người đó là một nửa mà bạn đang tìm kiếm, bạn cần đảm bảo đối phương cũng nghĩ như vậy. Hãy thẳng thắn bày tỏ cảm xúc của bạn. Nếu người ấy không có ý định xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc và lâu dài, bạn cần biết điều đó sớm và dừng lại ngay khi có thể. Đừng nghĩ rằng bạn có thể thay đổi suy nghĩ của họ bằng cách này hay cách khác. Sai lầm của chúng ta là luôn nghĩ rằng mình có thể thay đổi người khác. Nhưng thực tế thì thường phũ phàng hơn chúng ta tưởng.
Vậy là bây giờ, bạn đã biết cách để tìm ra điều bạn thực sự cần trong một mối quan hệ qua 3 bước đơn giản. Điều tiếp theo bạn cần làm là hành động: ngồi xuống, tìm một tờ giấy, cây bút và bắt đầu bước 1. Bạn tiến hành càng sớm thì mùa đông này, bạn không cần phải chịu cảm giác lạnh lẽo một mình.
Danh mục khám phá
Thế nào là cảm giác an toàn trong tình yêu?
Theo bạn, thế nào là cảm giác an toàn trong tình yêu? Là khi người ấy luôn khen ngợi bạn xinh đẹp dù bạn đang trong bộ dáng tơi tả? Là khi người ấy luôn tán thành và ủng hộ mọi quyết định của bạn?
Chúng ta thường cho rằng điều mình đang tìm kiếm trong tình yêu là một người luôn say mê và khen ngợi mọi mặt tốt đẹp của mình. Nhưng thực tế, ta lại thấy yên tâm hơn khi ở cạnh một người biết rõ lỗi lầm của ta nhưng vẫn có thể đối xử bằng sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn.
Chúng ta không muốn ai đó ca ngợi mình. Chúng ta cần người làm một chuyện khó khăn hơn: đó là nhìn thấu con người thật của chúng ta mà vẫn giữ nguyên tấm lòng yêu thương.

Hình ảnh từ Anna Pou
Khi nghe ai đó khen ngợi ta thật đáng yêu, thật giỏi giang, ban đầu ta có thể thấy vui sướng nhưng dần dà nó sẽ dẫn đến cảm giác lo lắng. Bởi chúng ta vốn không hoàn hảo, và người ấy sẽ sớm phát hiện ra những mặt xấu xí, yếu kém và phức tạp hơn bên trong chúng ta.
Cuối cùng, chúng ta không còn muốn được ngợi khen, thay vào đó là muốn được chấp nhận con người thực của mình. Nghĩa là chấp nhận những mặt nóng nảy, ủ rũ, hiếu thắng, ghen tị, lo lắng, ngớ ngẩn, vụng về của chúng ta. Nghĩa là ai đó biết được những mặt này nhưng không bỏ chạy, không phỉ báng, không tức giận, không lên án chúng ta.
Đây mới là phần thưởng thực sự của tình yêu. Đây mới là điều mang lại cảm giác an toàn trong tình yêu.
Điều dịu dàng nhất mà chúng ta có thể nghe được từ người yêu là chúng ta quái dị nhưng thú vị, ngớ ngẩn nhưng đáng yêu, nóng tính nhưng hoạt bát. Chúng ta muốn người ấy biết những mặt xấu xí đó xuất phát từ những nỗi đau và khó khăn trong quá khứ. Chúng ta đã phải đấu tranh rất nhiều để giúp bản thân trưởng thành hơn, tích cực hơn. Và giờ đây, chúng ta cần một người thấu hiểu, chứ không phải chỉ trích, để chúng ta có thêm động lực để hoàn thiện mình hơn.
Bất kỳ ai cũng có thể khen ngợi sự đáng yêu dịu dàng tốt tính của bạn khi mới yêu nhau. Nhưng phần thưởng đích thực của tình yêu là khi bạn tìm được một người biết rõ bạn tệ hại đến mức nào nhưng vẫn kiên nhẫn ở cạnh bạn để nhắc nhở rằng bạn đang cố gắng thế nào, và động viên bạn phát triển hơn, trưởng thành hơn.
Lược dịch từ: What We Really, Really Want in Love – The School of Life

“4 kỵ sĩ khải huyền” khiến mối quan hệ bị đổ vỡ
4 kỵ sĩ khải huyền là một phép ẩn dụ được nhắc đến trong kinh thánh, sẽ mang đến ngày tận thế của trái đất. 4 kỵ sĩ đại diện cho chiến tranh, bệnh tật, nạn đói và cái chết.
Bài viết dưới đây sẽ sử dụng phép ẩn dụ này để chỉ 4 yếu tố trong giao tiếp mà có thể khiến mối quan hệ tình cảm của bạn bị rạn nứt và đổ vỡ. Đó là chỉ trích, xem thường, phòng thủ và lảng tránh.
Kỵ sĩ đầu tiên: Chỉ trích

Hình ảnh được đăng tải bởi Afif Ramdhasuma trên Unsplash
Yếu tố đầu tiên trong giao tiếp ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ là chỉ trích. Chỉ trích khác với việc đưa ra lời nhận xét hay phàn nàn. Chỉ trích nghiêng về tấn công cá nhân nhiều hơn; trong khi phàn nàn hay phê bình nhằm mục đích giúp đối phương nhận ra chỗ còn kém để sửa đổi. Ví dụ như:
Phê bình: Em thấy lo khi anh tới trễ nhưng không gọi gì cho em hết; em có gọi nhưng anh cũng không nghe máy. Em cứ tưởng anh gặp chuyện gì rồi. Em mong là lần sau, anh có tới trễ thì nhắn hay gọi cho em nói một tiếng nhé.
Chỉ trích: Anh có biết mỗi lần mình tới trễ mà không liên lạc được làm em lo thế nào không? Em không nghĩ anh quên mà chỉ là do anh ích kỷ, không bao giờ nghĩ tới cảm nhận người khác. Anh chả bao giờ quan tâm xem em thấy thế nào cả!
Cái nguy hiểm của chỉ trích là một mình nó không khiến mối quan hệ tan vỡ mà nó sẽ kéo theo “3 kỵ sĩ khác”. Đến khi 4 kỵ sĩ cùng xuất hiện thì ngày “tận thế” của mối quan hệ cũng tới.
Kỵ sĩ thứ hai: Xem thường

Hình ảnh được đăng tải bởi Ayo Ogunseinde trên Unsplash
Xem thường thể hiện ở việc mình đối xử thiếu tôn trọng với đối phương, chế nhạo người ấy bằng những lời mỉa mai; nhại lại giọng nói hoặc cử chỉ của đối phương để chế giễu. Mục đích của sự xem thường là để đối phương cảm thấy mình vô dụng.
Xem thường vượt xa cả sự chỉ trích. Nếu chỉ trích là công kích tính cách cá nhân thì sự xem thường nhấn sâu vào mặt đạo đức của họ. Ví dụ:
“Anh mệt hả? Có mệt như em không? Em đã phải trông con suốt cả ngày, chạy vạy như điên để con không phá phách. Còn anh thì chỉ việc đi làm về rồi ngồi phịch xuống cầm điện thoại chat chit chơi game thì than mệt cái gì? Có mệt bằng em không?”
Nghiên cứu thậm chí còn cho thấy những cặp đôi xem thường nhau có nhiều khả năng mắc bệnh truyền nhiễm (cảm lạnh, cúm…) hơn những cặp đôi khác do hệ miễn dịch suy yếu!
Sự xem thường xuất hiện là do những suy nghĩ tiêu cực về đối phương cứ kéo dài âm ỉ. Và nó là dấu hiệu dự báo lớn nhất cho cái kết chia tay hoặc ly hôn.
Kỵ sĩ thứ 3: Phòng thủ
Phòng thủ thường là phản ứng trước những lời chỉ trích. Tất cả chúng ta đều ít nhiều có tính phòng thủ, đặc biệt khi các mối quan hệ đang gặp khó khăn. Nếu cảm thấy bị buộc tội oan, chúng ta thường tìm cớ bào chữa và đóng vai thành nạn nhân vô tội để đối phương phải rút lại lời nói.

Hình ảnh được đăng tải bởi engin akyurt trên Unsplash
Tiếc là cách làm này lại không có hiệu quả. Những lời bào chữa của chúng ta chỉ như muốn nói với người ấy rằng chúng ta không coi trọng ý kiến của người ấy và chúng ta sẽ không chịu trách nhiệm cho những lỗi sai của mình.
Ví dụ tình huống thế này:
A: Em đã gọi cho cái H để nói tối nay chúng ta sẽ không tới như đã hẹn chưa?
B: Hôm nay em rất bận, anh đâu biết lịch em bận đến mức nào đâu. Sao anh không làm giúp em?
Người B ở ví dụ trên không chỉ phản ứng một cách phòng thủ mà còn đổ lỗi ngược lại cho người A.
Nếu người B trả lời theo cách khác, không thể hiện sự phòng thủ mà cho thấy thái độ sẵn sàng nhận trách nhiệm, thừa nhận lỗi của mình và hiểu quan điểm người A thì mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều. Ví dụ như người B có thể trả lời là:
“Ôi em quên mất, lẽ ra sáng nay em nhờ anh làm chuyện đó giúp em do hôm nay em bận quá. Là lỗi của em. Em sẽ gọi cho cái H bây giờ luôn”.
Dù phản ứng phòng bị là chuyện dễ hiểu khi chúng ta thấy căng thẳng hoặc bị tấn công nhưng cách tiếp cận này chỉ làm mối quan hệ thêm xấu đi mà thôi.
Kỵ sĩ thứ 4: Né tránh
Né tránh lại là một phản ứng xuất hiện khi bị xem thường. Thay vì đối mặt với vấn đề cùng nhau, họ lại né tránh bằng những hành động như tắt máy, không trả lời tin nhắn, phớt lờ, tỏ ra bận rộn… Chúng ta hay gọi là “chiến tranh lạnh”.
Mà đã là chiến tranh thì sẽ không dễ kết thúc nhanh. Tình hình kéo dài càng khiến mối quan hệ thêm bế tắc khi vấn đề cứ nằm đó mà chẳng thể ngồi lại nói chuyện để giải quyết.
Thuốc giải độc cho 4 kỵ sĩ

Hình ảnh được đăng tải bởi Hannah Busing trên Unsplash
Việc bạn xác định được 4 kỵ sĩ đang hiện hữu trong những mâu thuẫn của mối quan hệ là bước cần thiết đầu tiên để loại bỏ chúng. Bước tiếp theo là tìm kiếm “thuốc giải độc” – tức những hành động tích cực để thay thế chúng. Dưới đây là một số gợi ý cho từng kỵ sĩ:
Kỵ sĩ chỉ trích
Thay vì: Công kích cá nhân
Hãy: Bắt đầu bằng một cái ôm, sau đó chia sẻ cảm xúc của mình, sử dụng đại từ chỉ bản thân (“em thấy…”, “anh nghĩ là…”) và hỏi ngược lại suy nghĩ của người ấy.
Kỵ sĩ xem thường
Thay vì: Xúc phạm hoặc chế nhạo đối phương
Hãy: Luôn ghi nhớ những điểm tích cực của đối phương và thường xuyên thể hiện sự biết ơn, đánh giá cao các mặt tốt đó.
Kỵ sĩ phòng thủ
Thay vì: Biến mình thành nạn nhân và đổ lỗi ngược lại cho đối phương
Hãy: Chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình và nói lời xin lỗi.
Kỵ sĩ né tránh
Thay vì: Lảng tránh, phớt lờ, gây chiến tranh lạnh
Hãy: Dám đối mặt với vấn đề. Nhưng trước đó bạn hãy nghỉ ngơi, dành thời gian làm điều gì đó để xoa dịu cơn giận trong bạn (đi dạo, tập thể dục, gội đầu dưỡng sinh), sau đó quay lại cuộc trò chuyện khi bạn thấy đủ bình tĩnh và đã sẵn sàng.
Nguồn thông tin từ: The Four Horsemen: Criticism, Contempt, Defensiveness, & Stonewalling (gottman.com)

Cách thủ dâm không làm ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ với bạn tình
Bản chất của thủ dâm là lành mạnh nhưng không ít bạn gặp phải vấn đề khi quan hệ với bạn tình. Ở nam giới, họ lên đỉnh dễ dàng khi thủ dâm nhưng lại rất khó đạt cực khoái lúc quan hệ với bạn tình. Ở nữ giới cũng tương tự như thế.
Vậy nguyên nhân là vì sao và cách khắc phục như thế nào? Làm sao để vẫn “thử đầm” nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc yêu với bạn tình sau này? Câu trả lời sẽ có ở trong bài viết hôm nay.
Vì sao bạn thủ dâm thì thuận lợi còn khi quan hệ với bạn tình lại gặp khó khăn?
Như SEBT đã nói ngay từ đầu, bản chất của thủ dâm là lành mạnh. Nếu nó gây hại thì có thể là do bạn đang dùng sai kỹ thuật.
Một nghiên cứu từ năm 2022 (1) đã chỉ ra rằng khi nam giới thủ dâm quá mạnh hoặc quá mức kèm với tốc độ nhanh (ví dụ như vuốt quá chặt vào dương vật) thì sẽ làm giảm cảm giác. Đây được gọi là hội chứng death grip, khiến bạn khó lên đỉnh khi quan hệ với bạn tình.
Tương tự ở nữ giới, thủ dâm cũng không làm ảnh hưởng đến độ nhạy của âm đạo hoặc âm vật. Nếu quan hệ với bạn tình mà bạn không lên đỉnh thì lý do có thể thuộc một trong hai trường hợp sau:
+ Bạn lên đỉnh ở điểm C (âm vật) nhưng bạn tình dạo đầu chưa đủ, bỏ qua hoặc không kích thích điểm C ở mức bạn cần để lên đỉnh.
+ Bạn dùng đồ chơi có tốc độ rung mạnh để thủ dâm, khiến bạn đã quen với mức kích thích đó, trong khi bạn tình chưa kích thích đủ đến mức bạn cần để lên đỉnh.
Các mẹo nâng cấp kỹ thuật “tự yêu” không làm ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ với bạn tình
Với nam giới
1. Linh hoạt thử nhiều tư thế
Khi quan hệ với bạn tình, ta thường thay đổi nhiều tư thế cho cuộc yêu thêm thú vị. Vậy tại sao bạn không áp dụng điều này khi “tự xử”? Lần tới bạn hãy thử thủ dâm khi:
+ Nằm xuống
+ Ngồi thẳng
+ Đứng lên
+ Dựa vào tường
2. Đừng vội vàng
Nhiều bạn nam có thói quen thủ dâm vội vàng vì chịu ảnh hưởng từ những trải nghiệm trong quá khứ như sợ bị bố mẹ bắt quả tang. Nhưng như SEBT đã giải thích ở trên, thói quen này chỉ khiến bạn khó lên đỉnh hơn khi quan hệ với bạn tình hoặc làm trầm trọng thêm vấn đề xuất tinh sớm.
Kỹ thuật đúng ở đây là hãy thủ dâm với tốc độ thật chậm, kéo dài thời gian “tự yêu” và tận hưởng cơn cực khoái diễn ra chậm rãi và dài hơn.
3. Sử dụng gel bôi trơn
Thủ dâm trong tình trạng khô có thể khiến bạn gặp khó khăn khi quan hệ với bạn tình nữ, bởi môi trường bên trong âm đạo vốn ẩm ướt. Hơn nữa thủ dâm khô cũng dễ làm dương vật bị tổn thương ít nhiều nếu dùng lực quá mạnh.

Hình ảnh được đăng tải bởi Johnny Brown trên Unsplash
Vì vậy, bạn nên thoa thêm gel bôi trơn, vừa giúp quá trình tự yêu được trơn tru, bớt ma sát, vừa làm bạn không quên đi cảm giác ướt át lúc quan hệ với bạn tình nữ. Hơn nữa thủ dâm “ướt” cũng tránh khiến bạn dùng lực quá mạnh dẫn đến sau này quan hệ thâm nhập khó lên đỉnh.
4. Lắng nghe cơ thể khi thủ dâm
Bạn có thể chưa từng nghĩ thủ dâm như một hành động thiền định, nhưng nếu bạn sử dụng nó với mục đích này, bạn sẽ thấy tự tin và thoải mái hơn khi ở trên giường với bạn tình.
Do đó, lần tới lúc thủ dâm bạn hãy chú ý đến:
+ Hơi thở
+ Nhịp tim
+ Bạn có đang căng thẳng không?
+ Bạn đang thư giãn hay lo lắng?
5. Thử thủ dâm bằng tay không thuận
Việc thử tự xử bằng tay không thuận vừa giúp bạn khám phá cảm giác mới lạ vừa rèn kỹ năng linh hoạt trên giường, có ích cho bạn khi quan hệ với bạn tình.
6. Thử các kiểu vuốt khác nhau
Các chàng trai có xu hướng một khi đã tìm thấy một kiểu vuốt “hợp gu” là sẽ gắn bó với nó suốt.
Thói quen này có thể khiến bạn không chuẩn bị được cho những cảm giác khó lường mà bạn tình nữ tạo ra khi đang ân ái với nhau. Để rồi dẫn đến tình trạng khó lên đỉnh lúc quan hệ.
Vì vậy, khi thủ dâm, bạn hãy thử nhiều kiểu vuốt khác nhau, tạo ra phản xạ giúp bạn dễ dàng hòa nhập với các kiểu kích thích mới lạ từ bạn tình.
Bạn có thể tham khảo các kiểu vuốt ở bài này: 3 cách thủ dâm thường thấy ở các bạn nam khó lên đỉnh khi quan hệ với bạn tình – SEBT – Cổng thông tin về giáo dục giới tính (sexedubytrang.com)
7. Đừng chỉ tập trung vào phần đầu dương vật
Phần đầu dương vật đúng là nơi nhạy cảm hơn bất kỳ chỗ nào khác trên bộ phận sinh dục của nam giới nhưng cuộc “tự yêu” sẽ trở nên nhàm chán nếu chỉ mãi tập trung vào một chỗ.
Lần tới, bạn hãy thử khám phá những nơi hay ho khác như bìu. Nó cũng chứa nhiều đầu dây thần kinh để bạn nghịch. Bạn chú ý đến hai “trái bóng”, kéo nhẹ hoặc vuốt ve sao cho tìm thấy kiểu kích thích phù hợp với mình.
8. Thủ dâm có ý thức

Hình ảnh được đăng tải bởi Icons8 Team trên Unsplash
Nhận ra cơ thể bạn hoạt động thế nào, đặc biệt liên quan đến kích thích và cực khoái là rất quan trọng. Bạn cần học cách thủ dâm có ý thức, nghĩa là đặt ra các mục tiêu cụ thể khi thủ dâm và cố gắng đạt được. Ví dụ bạn sẽ “tự yêu” trong bao lâu? Có dùng bao cao su hay không? Có thêm gel bôi trơn không? Có sử dụng đồ chơi nào hỗ trợ không?…
Bằng cách này, bạn sẽ làm quen với việc kết nối não với vùng sinh dục, giúp bạn kiểm soát dương vật khi quan hệ với bạn tình tốt hơn.
Với nữ giới
Giải pháp cũng tương tự với nam giới là bạn hãy thủ dâm có ý thức với tốc độ chậm lại, tập cho bản thân quen với kích thích bằng với kích thích bạn tình làm cho bạn.
Nếu có dùng đồ chơi thì hãy giảm cường độ lại từ từ. Ví dụ bình thường bạn để ở mức 4 thì lần tới giảm xuống mức 3, sau khi quen dần ở mức 3 thì tiếp tục giảm xuống cho đến khi cường độ kích thích ngang với cường độ kích thích của bạn tình.
Điều quan trọng là bạn không cần phải vội vàng lên đỉnh với tốc độ cực mạnh mà hãy chú trọng đến việc tận hưởng từng khoảnh khắc của khoái cảm đem lại.

Sự nhàm chán là chìa khóa cho một mối quan hệ lâu dài và hạnh phúc
“Làm sao để yêu lâu không chán?” luôn là một trong những lo lắng thường gặp của các đôi đang yêu. Nhưng Mark Manson, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất theo Thời Báo New York “The Subtle Art of Not Giving a Fuck”, cho rằng chính sự nhàm chán mới là điều cần thiết cho một mối quan hệ tình yêu lâu dài.
“Lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu”. Mối quan hệ yêu đương nào cũng vậy, khởi đầu luôn tràn ngập trong niềm đam mê và thích thú tìm hiểu đối phương. Các hormone tình yêu như oxytocin, dopamine hay serotonin không ngừng tiết ra, hòa quyện vào nhau khiến các cặp nghiện nhau như nghiện thuốc phiện.
Nhưng thời gian trôi qua, hormone tình yêu giảm xuống. Các đôi vẫn gắn bó với nhau nhưng không còn cảm xúc phấn khích, cuồng nhiệt như ban đầu. Lúc này, họ nghĩ rằng trời ơi lẽ nào chúng mình đang dần thấy chán nhau khi mà các buổi hẹn hò cuối tuần giờ đây đã thay thế bằng việc ngồi ở nhà gác chân lên nhau xem Netflix. Họ lo lắng và cố gắng tìm cách tạo ra sự mới mẻ, hâm nóng lại ngọn lửa tình yêu nhiệt huyết như ban đầu.
Nhưng Mark Manson lại tin rằng, sự nhàm chán chính là chìa khóa cho một mối quan hệ bền vững và hạnh phúc. Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì mối quan hệ tình cảm lâu dài là khả năng chấp nhận sự nhàm chán cùng nhau. Những cặp vợ chồng bên nhau hơn 60 năm không phải vì họ luôn tạo ra những điều mới mẻ đầy kích thích mà do họ biết cách làm những việc nhàm chán cùng nhau và luôn tận hưởng sự bình yên khi đồng hành bên nhau.
Những cặp đôi bên nhau lâu dài thích làm những việc vụn vặt nhỏ nhặt hằng ngày cùng nhau
Trong một mối quan hệ tình cảm bền vững, khi niềm đam mê cùng sự phấn khích đã giảm dần, hai người vẫn ở bên nhau, làm những việc lặp đi lặp lại hằng ngày cùng nhau. Chẳng hạn như cùng nhau đi chợ, nấu ăn, mua sắm, hốt phân cho mèo, cuối tuần cùng nằm lười trên giường hoặc xem bộ phim dài tập trên Netflix. Một mối quan hệ lâu dài không dựa trên các cảm xúc nồng nhiệt điên cuồng hay đầy tình tiết “drama”, mà dựa vào sự hỗ trợ và khả năng chia sẻ cuộc sống của nhau.
Họ biết bỏ qua các tiêu chuẩn do mạng xã hội áp đặt
Mark cũng tin rằng mạng xã hội góp phần hình thành quan niệm sai lầm rằng các đôi vợ chồng muốn hôn nhân bền vững thì nên tạo những điều mới mẻ, tình thú… à nhầm thú vị trong cuộc sống. Mọi người bắt đầu so sánh cuộc sống của họ với những bức ảnh của bạn bè đăng trên newsfeed. Họ sợ bỏ lỡ, sợ những người xung quanh luôn gặp nhiều thứ thú vị, còn họ thì không. Cách nhìn này đã gây thêm áp lực cho họ và buộc họ phải làm cái gì đó để khuấy động lên, tưng bừng lên.
Nhưng thực tế thì nhàm chán là một phần tất yếu của cuộc sống. Bạn thử tưởng tượng xem nếu cuộc đời mà lúc nào cũng náo nhiệt thì mệt mỏi biết chừng nào. Hơn nữa, náo nhiệt quá sẽ khiến bạn dần trở nên chai lỳ với mọi thú vui trong đời. Ông bà ta nói rồi, cái gì quá cũng đều không tốt, chỉ nên duy trì ở mức độ vừa phải, đủ để cảm nhận hương vị tuyệt vời của nó. Cho nên mới cần đến vai trò của nhàm chán, làm cân bằng cảm xúc, giúp ta còn mãi thòm thèm trước những niềm vui thú.

Ảnh của Tan Danh
Có một câu nói rất hay rằng:
Cuộc đời hạnh phúc là cuộc đời sống phần nhiều trong yên tĩnh, vì chỉ trong bầu khí tĩnh lặng, niềm hoan lạc đích thực mới có thể nảy mầm.
Vì vậy, bạn không cần phải đặt áp lực quá lớn cho mối quan hệ của mình bằng cách cố gắng tạo sự mới mẻ, thú vị liên tục. Thay vào đó, hãy làm điều mà bạn thấy thoải mái. Nếu buồn chán quá thì thỉnh thoảng rủ nhau đi chơi hay cùng tham gia một khóa workshop nào đó. Hoặc cùng đọc cho nhau nghe những lời thơ giản dị êm đềm của chị Nhược Lạc:
những ngày,
cơn gió nổi lên
hạt mưa rơi xuống
gọi tên lá mầmem nằm nghiêng
mắt ân cần
đợi anh bắc ấm
thức lên tuần tràchúng mình đếm những ngày qua
đếm sang ngày mới
biết là về đâutháng ngày không thiết bể dâu
xiết lời thề hẹn
bắc cầu đa đoananh giăng lên tấm vải màn
em thâu xếp lại một gian bếp vừa
khói thơm nhắc những buổi trưa
chén thô kéo những sớm vừa nắng maiuống xong hớp nước còn dài
lá xao còn những lớp lai láng lòng
dầu nghiêng đáy mắt còn trông
sóng hồ gió nổi ngập mùa bão mâyta về sống lại vườn cây
tát xong gàu nước, giữ đầy hũ tương
về gieo lại nắng vô thường
chao nghiêng giữa buổi tiếng thương ạ ờimai này thêm tiếng khóc cười
thêm dăm muỗng bột, thêm mười muỗng canh
thêm người ngủ giữa lòng anh
thêm khuya thức trọn, thêm vành trán dôta về in giấc mơ hồ
nhắc nhau một chén nước thô cũ mèm
anh về sống lại cùng em
bắc thêm ấm nước, thức mềm lá xanhtrước khi tiếng khóc lảnh lanh…
những ngày (này)

Phải chăng một lần ‘cắm sừng’ thì cả đời là kẻ ‘cắm sừng’?
Liệu một người từng có tiền sử “cắm sừng” sẽ tiếp tục hành vi đó với người yêu tiếp theo? Bạn có nên tin và yêu một người từng lừa dối người yêu cũ?
Rất ít chủ đề có thể khiến trái tim chúng ta cuồng quay trong sự phẫn nộ, uất ức, tổn thương như chủ đề về sự phản bội trong tình yêu. Bị “cắm sừng” thật là một điều vô cùng đau đớn. Và càng chua xót hơn khi đây lại là điều phổ biến trong các mối quan hệ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phản bội xảy ra tới 20% cuộc hôn nhân [1] và 70% các cuộc hẹn hò [2]. Thực tế, đó là lý do phổ biến dẫn đến các cuộc ly hôn [3].
Trong tiếng Anh có câu ngạn ngữ rằng “Once a cheater, always a cheater”, nghĩa là một lần “cắm sừng” thì cả đời là kẻ đi “cắm sừng”. Sự thật có đúng như vậy không?
Câu đó sẽ đúng trong trường hợp…
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí học thuật Archives of Sexual Behavior năm 2017 đã cho thấy, những người từng không chung thủy trong một mối quan hệ có nguy cơ phản bội lần nữa cao hơn gấp 3,5 lần. Giới tính và tình trạng mối quan hệ đều không có tác động đáng kể nào đến kết quả. Nghĩa là dù nam hay nữ, thẳng hay cong, hẹn hò hay đã kết hôn thì đều có khả năng phản bội như nhau.
Có một số lý do thuộc về mặt sinh học thôi thúc một người phản bội. Một khám phá khoa học gần đây đã phát hiện “gen cắm sừng” hoặc biến thể của gen có thể khiến đàn ông cần mẫn cho người yêu mình thồn canxi hết lần này đến lần khác. Ở phụ nữ thì vẫn chưa thấy biến thể gen nào tương tự.

Ảnh của cottonbro studio
Một lý giải khác nằm ở đặc điểm tính cách. Một số người có khuynh hướng chấp nhận rủi ro cao và thích tìm kiếm cảm giác mạnh. Họ hứng thú với những mối quan hệ ngoài luồng trong ly kỳ và mạo hiểm. Điều này có liên quan đến sự thiếu hụt dopamine, hóc môn tạo cảm giác hưng phấn. Nó kích thích não bộ sinh ra những ham muốn làm các hoạt động giúp bạn cảm thấy vui vẻ như mua sắm, ăn uống hoặc làm tình. Nói cách khác, những người tìm kiếm cảm giác mạnh sẽ cần cảm giác mạnh hơn (trong tình huống này là hành vi lừa gạt người yêu để léng phéng với người tình) nhằm cảm nhận sự hưng phấn bị thiếu hụt.
Câu ấy vẫn có thể sai nếu như…
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí học thuật Archives of Sexual Behavior đã nói ở phần trên, vẫn có nhiều người được khảo sát là đã từng phản bội một lần và không bao giờ lặp lại hành vi đó nữa.
Phàm là con người thì ai cũng có ít nhất một lần mắc sai lầm. Chính những sai lầm đó sẽ giúp mỗi người trưởng thành hơn về mặt nhận thức. Chuyện phản bội cũng như vậy. Họ cảm thấy hối hận tràn trề và muốn sửa đổi, có thể là với chính người thương bị cho “cắm sừng” hoặc với người mới. Không ít mối quan hệ sau khi trải qua sóng gió của sự phản bội và ngờ vực đã trở nên khắng khít hơn và duy trì được lâu dài.
Vậy có nên yêu một người từng có tiền sử “cắm sừng” không?
Tôi tin rằng không ai trong chúng ta muốn bị dán nhãn tính cách chỉ vì những hành vi tồi tệ của mình trong quá khứ. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt giữa một người sẽ tiếp tục “ngựa quen đường cũ” và một người đã hối hận và quyết tâm không lặp lại sai lầm đó nữa?
Theo tiến sĩ Alexandra H. Solomon, chìa khóa ở đây chính là sự tự nhận thức về mối quan hệ (relational self-awareness – viết tắt là RSA). Đây là quá trình luyện tập liên tục để ý thức được mình là ai trong một mối quan hệ thân thiết với người khác. Cách bạn đối xử với một người sẽ bị ảnh hưởng bởi gia đình, văn hóa, tính cách và kinh nghiệm sống của bạn. Nếu không có sự tự nhận thức này (hoặc ở mức độ thấp), chúng ta sẽ dễ bị mắc kẹt trong sự lặp đi lặp lại của những sai lầm mà mình từng mắc phải.

Ảnh của Keenan Constance
Vậy làm thế nào để biết mức độ tự nhận thức của một người từng có tiền sử “cắm sừng”? Hãy khiến người đó kể lại chuyện cũ và xem thái độ của người đó về hành vi phản bội của mình.
“Người yêu cũ của em lạnh nhạt lắm, suốt ngày chỉ biết công việc công việc mà chẳng thèm quan tâm em nhiều. Em rất buồn chán nên mới sa ngã vào vòng tay người khác…”
Nếu thái độ của người ấy chỉ toàn đổ lỗi cho người cũ thì mức độ tự nhận thức về mối quan hệ rất thấp. Bởi sự tự nhận thức này biểu hiện ở việc tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình để phục vụ sự phát triển và chữa lành những tổn thương bên trong. Khi họ chỉ biết đổ lỗi, họ sẽ không học hỏi được gì từ các hành vi sai trái, do đó có nguy cơ “ngựa quen đường cũ” rất cao.
“Anh không muốn nhắc lại chuyện đáng xấu hổ đó. Mình nên quên quá khứ và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, với em.”
Ngược lại với sự đổ lỗi ở trên là xấu hổ. Thái độ này cũng cho thấy mức độ tự nhận thức thấp. Vì xấu hổ sẽ ngăn cản người đó đối mặt với hành vi sai lầm của mình. Họ đóng kín chúng trong một chiếc hộp và niêm phong lại, vứt vào tận đẩu tận đâu trong ký ức đến mức quên bẵng sự tồn tại của nó. Sự trốn tránh ấy sẽ làm họ không biết vì sao mình hành xử như vậy và nên sửa chữa thế nào. Nguy cơ lặp lại lỗi lầm cũng vì thế mà tăng cao.
“Anh đã phản bội người yêu cũ. Khi cô ấy biết được, anh đã vô cùng xấu hổ và tự nhìn nhận lại mình. Anh hiểu được lý do mình lại phản bội lòng tin của cô ấy. Anh rất hối hận và muốn thay đổi. Em sẽ tin và cho anh cơ hội chứ?”
Thái độ không hề né tránh mà biết nhận lỗi cho thấy sự tự nhận thức cao. Dù gì thì đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Nghe câu trên mà ai chẳng liêu xiêu cái lòng và muốn gật gù cái đầu với niềm tin sáng sủa vào tương lai? Nhưng cũng không loại trừ khả năng người ta chỉ hứa suông, nói những lời chót lưỡi đầu môi. Thế thì chúng ta chỉ còn cách quan sát hành động của đối phương.
Chốt lại
Bạn thấy sợ hãi là điều dễ hiểu khi yêu phải một người từng có tiền sử không chung thủy. Nhưng việc của bạn là cố gắng không để sự phán xét và buộc tội ảnh hưởng đến thái độ của bạn. Vì điều này chỉ càng làm cho đối phương rơi vào thế phòng thủ, không thể mở lòng, rồi khiến bạn rơi vào sự lo lắng không cần thiết. Hãy tạo một cuộc nói chuyện cởi mở trong không khí thoải mái và quan sát thái độ cũng như hành động của đối phương. Bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình là có nên đặt niềm tin vào người đó không.
Nguồn thông tin:
[1] Blow, A. J., & Hartnett, K. (2005). Infidelity in committed relationships II: A substantive review. Journal of Marital and Family Therapy, 31(2), 217–233. doi:10.1111/j.1752-0606.2005.tb01556.x.
[2] Knopp, K., Scott, S., Ritchie, L., Rhoades, G. K., Markman, H. J., & Stanley, S. M. (2017). Once a Cheater, Always a Cheater? Serial Infidelity Across Subsequent Relationships. Archives of Sexual Behavior, 46(8), 2301–2311. https://doi.org/10.1007/s10508-017-1018-1
[3] Scott, S. B., Rhoades, G. K., Stanley, S. M., Allen, E. S., & Markman, H. J. (2013). Reasons for divorce and recollections of premarital intervention: Implications for improving relationship education. Couple & Family Psychology, 2(2), 131–145. doi:10.1037/a0032025.
