10 câu hỏi giúp bạn chọn được biện pháp tránh thai phù hợp
Hiện nay đã có rất nhiều biện pháp tránh thai cho phụ nữ. Nhiều lựa chọn hơn cũng đồng nghĩa với việc nhiều bối rối hơn khi chúng ta khó xác định được cái nào phù hợp với mình.
Không có biện pháp tránh thai nào là hoàn hảo cho tất cả phụ nữ. Loại phù hợp nhất với bạn sẽ tùy thuộc vào sức khỏe, hoàn cảnh, và thay đổi theo thời gian. Trả lời 10 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra “chân ái” cho đời sống tình dục thăng hoa mà không phải lo âu.
Trước tiên, chúng ta cùng điểm qua các biện pháp tránh thai phổ biến
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Triệt sản
Thắt ống dẫn trứng cho nữ giới và thắt ống dẫn tinh ở nam giới là những thủ thuật y tế giúp ngăn ngừa vĩnh viễn khả năng mang thai trong tương lai.
Biện pháp tránh thai nội tiết tố có hiệu quả ngắn hạn
Thuốc tránh thai, miếng dán và vòng âm đạo đều chứa progestin, một loại hormone khiến chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại và lớp nội mạc tử cung mỏng đi khiến tinh trùng không thể gặp trứng. Hầu hết các biện pháp cũng chứa estrogen, hormone có tác dụng ngăn buồng trứng phóng thích trứng.
Biện pháp tránh thai có hiệu quả lâu dài
Vòng tránh thai và que cấy tránh thai là hai biện pháp tránh thai có hiệu quả lâu dài, trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 10 năm, tùy loại. Que cấy và vòng tránh thai nội tiết cũng chứa hormone progestin để tránh thai, trong khi vòng tránh thai bằng đồng ngăn tinh trùng gặp trứng.
Biện pháp tránh thai rào cản
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Đây là biện pháp bao gồm bao cao su (cho nam và nữ), thuốc diệt tinh trùng, miếng xốp tránh thai, màng ngăn âm đạo, nắp chụp cổ tử cung. Chúng được sử dụng mỗi khi bạn quan hệ tình dục hoặc như một phương pháp dự phòng cho các biện pháp tránh thai khác.
Biện pháp tự nhiên
Nữ giới sẽ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và tránh quan hệ (hoặc dùng biện pháp tránh thai khác) vào những ngày trong tháng mà cô ấy có nhiều khả năng mang thai nhất.
1. Hiệu quả tránh thai như thế nào?
Mỗi biện pháp có hiệu quả tránh thai khác nhau và đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chúng ta. Hiệu quả này được tính bằng cách có bao nhiêu phụ nữ mang thai nếu 100 phụ nữ sử dụng biện pháp này trong một năm.
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Ví dụ, nếu một biện pháp tránh thai có hiệu quả 99% thì cứ 100 phụ nữ sẽ có 1 người mang thai trong một năm.
Một số biện pháp được liệt kê dưới đây, chẳng hạn như thuốc tránh thai, bao gồm cụm từ “nếu được sử dụng đúng cách”. Điều này là do những người sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn, nếu không thì thực tế sẽ không mang lại hiệu quả tránh thai như mong muốn.
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả hơn 99%:
+ Que cấy tránh thai
+ Vòng tránh thai
+ Triệt sản nữ
+ Triệt sản nam hoặc thắt ống dẫn tinh
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả hơn 99% nếu luôn được sử dụng đúng cách, nhưng thường hiệu quả dưới 95% với cách dùng thông thường:
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày
+ Miếng dán tránh thai
+ Vòng âm đạo
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả 98% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Bao cao su cho nam
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả 95% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Bao cao su cho nữ
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả từ 92% đến 96% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung có chất diệt tinh trùng
2. Bạn có thể đưa việc tránh thai thành một phần trong thói quen hàng ngày không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Nếu bạn là người có trí nhớ tốt, dễ dàng thực hiện một thói quen đều đặn mỗi ngày thì bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn tránh thai hơn. Lý do vì bạn ít quên việc mình phải tránh thai bằng cách uống thuốc mỗi ngày hoặc dán lại miếng dán định kỳ.
Bạn có thể muốn dùng một biện pháp mà chỉ cần sử dụng khi quan hệ tình dục, ví dụ như bao cao su (cho nam hoặc nữ), hay bạn sẽ thích một biện pháp mà cần dùng hàng ngày như thuốc tránh thai. Ngoài ra, bạn có thể xem xét các biện pháp khác như miếng dán, thuốc tiêm, que cấy mà không cần sử dụng hàng ngày hoặc mỗi lần quan hệ.
Tóm lại:
*Các biện pháp được sử dụng mỗi khi quan hệ:
+ Bao cao su cho nam và nữ
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung.
*Các biện pháp cần sử dụng hàng ngày:
+ Thuốc tránh thai hàng ngày (riêng loại 21 viên thì bạn nghỉ 7 ngày sau khi uống hết vỉ đầu tiên)
*Các biện pháp sử dụng theo tuần:
+ Miếng dán tránh thai (trong thời gian 3 tuần, cứ 1 tuần là thay miếng dán 1 lần, tuần thứ tư nghỉ)
*Các biện pháp sử dụng theo tháng:
+ Vòng âm đạo (đặt vào âm đạo liên tục trong 3 tuần rồi tháo ra, nghỉ 1 tuần)
*Các biện pháp với liều dùng từ 1 đến 3 tháng/lần:
+ Thuốc tiêm tránh thai
*Các biện pháp với liều dùng từ 3 đến 5 năm một lần (hoặc hơn)
+ Que cấy tránh thai
*Các biện pháp thay mới từ 5 năm đến 10 năm một lần
+ Vòng tránh thai
3. Bạn có thoải mái khi đưa biện pháp tránh thai vào âm đạo không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Nếu bạn thấy thoải mái thì có thể cân nhắc sử dụng:
+ Vòng âm đạo
+ Bao cao su nữ
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung
Nếu bạn muốn một biện pháp lâu dài hơn và không ngại bác sĩ đưa vào tử cung qua đường âm đạo thì có thể cân nhắc sử dụng:
+ Vòng tránh thai
4. Bạn có khó chịu nếu chu kỳ kinh nguyệt thay đổi không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Một số biện pháp tránh thai có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Ví dụ như giúp kỳ kinh ngắn hơn, nhẹ hơn, ít đau hơn. Cũng có biện pháp lại khiến kỳ kinh kéo dài và nặng nề hơn (như vòng tránh thai bằng đồng).
Nếu bạn muốn cải thiện các triệu chứng khó chịu vào mùa dâu thì có thể dùng các biện pháp tránh thai sau:
+ Thuốc tránh thai hàng ngày
+ Miếng dán tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Vòng tránh thai bằng nội tiết tố
+ Vòng âm đạo
5. Bạn có hút thuốc không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Người hút thuốc có thể sử dụng hầu hết các biện pháp tránh thai. Nhưng nếu bạn trên 35 tuổi và hút thuốc thì một số biện pháp lại không phù hợp với bạn như thuốc tránh thai hàng ngày (loại có cả hormone estrogen), miếng dán hoặc vòng âm đạo. Thay vào đó, bạn có thể cân nhắc các biện pháp khác như:
+ Vòng tránh thai
+ Que cấy tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày (loại chỉ có progestogen)
6. Bạn có đang thừa cân?
Cân nặng của bạn sẽ không ảnh hưởng đến hầu hết các biện pháp tránh thai. Ngược lại, hầu hết các biện pháp cũng không làm bạn tăng cân.
Tuy nhiên, thuốc tiêm tránh thai có thể khiến bạn tăng cân một chút nếu sử dụng từ 2 năm trở lên.
7. Điều gì xảy ra nếu bạn không thể sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Một số biện pháp tránh thai hoạt động bằng cách sử dụng hormone tương tự như hormone do phụ nữ sản xuất tự nhiên, là estrogen và progestogen. Những biện pháp này sẽ không phù hợp với một số phụ nữ, chẳng hạn những người mắc các bệnh lý như ung thư vú.
Trong trường hợp này, bạn nên thay thế bằng các biện pháp tránh thai không nội tiết tố như:
+ Vòng tránh thai bằng đồng
+ Bao cao su cho nam và nữ
+ Màng chắn âm đạo và nắp chụp cổ tử cung
8. Nếu bạn không thể sử dụng biện pháp tránh thai có chứa estrogen thì sao?
Biện pháp tránh thai chứa hormone estrogen không thích hợp cho những phụ nữ:
+ Trên 35 tuổi và hút thuốc
+ Thừa cân
+ Đang dùng một số loại thuốc
+ Mắc một số bệnh lý như vấn đề lưu thông máu hoặc chứng đau nửa đầu Migraine
Những đối tượng này có thể cân nhắc các biện pháp khác như:
+ Vòng tránh thai
+ Que cấy tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestogen
9. Bạn có đang dùng loại thuốc nào để điều trị bệnh không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Một số biện pháp tránh thai có thể bị ảnh hưởng nếu bạn đang dùng loại thuốc nào đó. Hãy hỏi bác sĩ để biết thêm chi tiết.
Các biện pháp tránh thai không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc khác là:
+ Vòng tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Màng chắn âm đạo
+ Nắp chụp cổ tử cung
+ Bao cao su cho nam và nữ
10. Bạn có kế hoạch mang thai trong thời gian sắp tới không?
Bạn có thể mang thai ngay sau khi ngừng sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào (trừ triệt sản).
Khả năng sinh sản của phụ nữ thường trở lại bình thường trong tháng đầu tiên sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, đặt vòng âm đạo hoặc dán miếng tránh thai.
Nếu bạn muốn khả năng sinh sản nhanh chóng trở lại bình thường thì hãy xem xét các biện pháp sau:
+ Que cấy tránh thai
+ Vòng tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestogen
+ Màng chắn âm đạo
+ Nắp chụp cổ tử cung
+ Bao cao su (cho nam và nữ)
Nếu dùng tiêm thuốc tránh thai, khả năng sinh sản của bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường.
*Cuối cùng thì mình chỉ muốn nhắc lại là cách duy nhất để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs) là sử dụng bao cao su. Các biện pháp tránh thai khác chỉ ngăn ngừa mang thai chứ không bảo vệ bạn khỏi STIs.
Nguồn thông tin từ: Which method of contraception suits me? – NHS (www.nhs.uk)
Danh mục khám phá
Tránh thai sau khi phá thai: Cần lưu ý điều gì để bảo vệ sức khỏe?
Có 2 loại phá thai mà bạn cần biết:
1. Phá thai bằng phẫu thuật (hay còn gọi chấm dứt thai kỳ bằng phẫu thuật) là hành động cố ý chấm dứt thai kỳ bằng thủ thuật phẫu thuật do bác sĩ thực hiện.
2. Phá thai bằng thuốc (hay còn gọi chấm dứt thai kỳ bằng thuốc) là hành động cố ý chấm dứt thai kỳ bằng các loại thuốc cụ thể cần được bác sĩ kê đơn.
Sau khi phá thai thì bao lâu bạn có thể mang thai?
Dù bạn phá thai bằng phẫu thuật hay bằng thuốc, bạn đều có thể rụng trứng ngay sau khi phá thai. Và điều này có thể xảy ra ngay trước khi kinh nguyệt của bạn trở lại.
Hình ảnh được đăng tải bởi Julia Caesar trên Unsplash
Do đó, điều quan trọng là bạn phải bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai ngay lập tức nếu có phát sinh quan hệ và muốn tránh thai ngoài ý muốn.
Sau khi phá thai thì bao lâu bạn có thể quan hệ được?
Bạn có thể quan hệ tình dục qua đường âm đạo sau 2 tuần hoặc vài ngày sau khi hết chảy máu.
Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn tránh bơi lội hoặc tắm bồn, và sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san trong 2 tuần hoặc vài ngày sau khi hết chảy máu.
Bạn có thể sử dụng biện pháp tránh thai nào sau khi phá thai?
Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những biện pháp bạn có thể lựa chọn cũng như biện pháp nào phù hợp với thể trạng của bạn nhất.
Hình ảnh được đăng tải bởi charlesdeluvio trên Unsplash
Nhìn chung các biện pháp tránh thai bao gồm loại tác dụng ngắn, tác dụng dài hoặc vĩnh viễn:
Nhóm các biện pháp tránh thai có tác dụng ngắn bao gồm: bao cao su (phải được dùng mỗi khi quan hệ) hoặc thuốc tránh thai hàng ngày (phải uống mỗi ngày).
Nhóm các biện pháp tránh thai có tác dụng dài, và nếu ngừng thì mang thai lại được mà không cần thực hiện thêm bất kỳ hành động nào khác. Chúng bao gồm que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai và vòng tránh thai (nội tiết hoặc bằng đồng).
Nhóm các biện pháp tránh thai vĩnh viễn, khó có thể mang thai lại, bao gồm triệt sản nữ và thắt ống dẫn tinh nam.
Biện pháp tránh thai sẽ có hiệu quả sau khi phá thai bao lâu?
Điều này tùy thuộc vào loại biện pháp tránh thai bạn chọn và loại phá thai bạn đã thực hiện.
Biện pháp tránh thai sau khi phá thai bằng phẫu thuật
Các loại que cấy, thuốc tiêm, vòng tránh thai và thuốc tránh thai nội tiết đều được coi là có hiệu quả ngay sau khi bạn phá thai bằng phẫu thuật.
Nếu bạn tiêm tránh thai hoặc bắt đầu dùng thuốc tránh thai sau hơn 5 ngày sau khi phá thai, bạn sẽ cần dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong một tuần. Bởi lúc này, thuốc tiêm và thuốc tránh thai chưa phát huy tác dụng bảo vệ. Còn nên dùng thêm biện pháp nào thì bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhé.
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Bạn có thể đặt vòng tránh thai ngay sau khi phá thai bằng phẫu thuật, bao gồm cả khi bạn đang được gây mê hoặc dùng thuốc an thần.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy vẫn có nguy cơ vòng tránh thai bị đẩy ra (di chuyển ra khỏi vị trí hoặc rơi ra); và nguy cơ này tăng nhẹ khi được đặt ngay sau khi phá thai.
Biện pháp tránh thai sau khi phá thai bằng thuốc
Bạn có thể dùng hầu hết các biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố (thuốc viên, thuốc tiêm hoặc que cấy) tại thời điểm phá thai bằng thuốc.
Thời điểm chính xác có thể thay đổi tùy theo loại biện pháp tránh thai. Để cho chắc chắn thì bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn kỹ càng hơn nhé.
Ngoài ra, bạn có thể đặt vòng tránh thai ngay lập tức hoặc vài ngày sau khi phá thai bằng thuốc. Trong thời gian chờ đặt vòng, bạn cần sử dụng một biện pháp tránh thai khác nếu có phát sinh quan hệ và không muốn mang thai.
Cuối cùng, bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. SEBT khuyên bạn đọc để lấy kiến thức và thông tin, còn quan trọng nhất vẫn là gặp bác sĩ để được tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe của mình.
Nguồn thông tin từ: Contraception after an abortion – Better Health Channel
Tránh thai sau khi sinh: Biện pháp nào phù hợp với bạn?
Phụ nữ sau khi sinh có rất nhiều nỗi lo. Một trong số đó là cách phòng tránh thai với những thắc mắc như:
Sau sinh thì khi nào mình mới bắt đầu dùng biện pháp tránh thai?
Nếu đang cho con bú thì có nên dùng thuốc tránh thai không?
Cho con bú có tác dụng tránh thai không?
Vì vậy ở bài viết này, SEBT sẽ thông tin đến bạn mọi điều cần biết về phòng tránh thai sau khi sinh.
Sau sinh thì khi nào bạn mới bắt đầu dùng biện pháp tránh thai?
Nhìn chung, nữ giới có khả năng sinh sản khoảng 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt. Kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại bất kỳ lúc nào từ khoảng sáu tuần đến ba tháng sau khi sinh, tùy thuộc vào việc bạn chỉ cho con bú, cho con bú sữa công thức hay sử dụng cả hai biện pháp.
Hình ảnh được đăng tải bởi Alexander Grey trên Unsplash
Kinh nguyệt của bạn có thể không trở lại cho đến khi bạn giảm hoặc ngừng cho con bú. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có khả năng sinh sản mà không hề hay biết.
Nói tóm lại, nếu bạn muốn sử dụng biện pháp tránh thai thì nên bắt đầu từ khoảng 3 tuần sau khi sinh.
Cho con bú có tác dụng tránh thai không?
Cho con bú có thể được dùng như một hình thức tránh thai bằng cách trì hoãn việc kinh nguyệt trở lại. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng nếu bạn cho con bú thường xuyên và đều đặn. Cụ thể, cho con bú như một biện pháp tránh thai chỉ có tác dụng nếu:
+ con bạn dưới 6 tháng tuổi.
+ kinh nguyệt của bạn chưa trở lại.
+ bạn cho con bú hoàn toàn theo nhu cầu, cả ngày lẫn đêm (tức là tối thiểu 6 lần bú kéo dài trong 24 giờ, không có khoảng cách giữa các lần bú quá 4 giờ).
Nếu con bạn đã ngừng bú hoàn toàn thì phương pháp này không còn hiệu quả nữa và bạn sẽ cần sử dụng một hình thức tránh thai khác.
Vậy đâu là biện pháp tránh thai an toàn nếu bạn đang cho con bú?
Câu trả lời là:
+ Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin
+ Thuốc tiêm tránh thai (loại Depo-Provera® hoặc Depo-Ralovera®)
+ Que cấy tránh thai (Implanon NXT™)
+ Triệt sản vĩnh viễn (thắt ống dẫn trứng).
Nếu bạn cần sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp thì loại an toàn để sử dụng là thuốc tránh thai khẩn cấp levonorgestrel.
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Biện pháp tránh thai không được khuyến khích nếu bạn đang cho con bú
1. Thuốc tránh thai loại kết hợp vì nó có thể làm giảm sản xuất sữa mẹ nếu bạn đang cho con bú dưới 6 tuần tuổi.
2. Thuốc tránh thai khẩn cấp loại ulipristal acetate (UPA) không được khuyến khích vì nó được bài tiết qua sữa mẹ và vẫn chưa biết là có tác động lên trẻ sơ sinh hay không. Nếu ai đã sử dụng thuốc này thì được khuyên là không nên cho con bú trong bảy ngày sau khi uống.
Làm thế nào để chọn được biện pháp tránh thai phù hợp với mình sau khi sinh?
Để chọn được biện pháp tránh thai nào phù hợp nhất với bạn sau khi sinh thì hãy hỏi bác sĩ về:
Hình ảnh được đăng tải bởi Bermix Studio trên Unsplash
+ Các biện pháp tránh thai nào phù hợp với tình hình hiện tại của bạn.
+ Cách thức hoạt động của chúng và hiệu quả của chúng như thế nào khi sử dụng (tức xác suất thất bại trong thực tế).
+ Các biện pháp nào phù hợp với cơ thể và lối sống của bạn (nếu bạn hay quên thì khó dùng thuốc tránh thai hàng ngày).
+ Bạn có thể bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai sớm nhất khi nào.
+ Bạn và bạn đời có thể chia sẻ trách nhiệm tránh thai như thế nào.
+ Các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Đặc biệt, bạn hãy tìm hiểu về hiệu quả của từng biện pháp tránh thai nhé. Tuy không có biện pháp nào hiệu quả 100% nhưng sẽ có biện pháp mang hiệu quả cao hơn những biện pháp khác.
Cuối cùng, nếu bạn vẫn không biết lựa chọn như thế nào thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn nhé.
Nguồn thông tin từ: Contraception after giving birth – Better Health Channel
Mang bao hay không mang bao?
Hôm nay SEBT muốn chia sẻ về một chủ đề rất quen thuộc: mang bao hay không mang bao? Thật ra câu trả lời sẽ tùy thuộc ở mỗi người chứ không có đúng hay sai. Điều quan trọng là bạn biết được một khi mình đã quyết định thì mọi kết quả đều do mình. Mình là người chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn trong cuộc sống này.
X và bạn trai quen nhau lâu rồi, cũng đã quan hệ, và những lần trước thì rất ổn. Một lần X và bạn trai quan hệ thì có rách bao cao su. Sau đó bạn trai nói thích cảm giác không bao, bạn cũng hay xem phim p0rn thấy người ta chơi không bao. Rồi dạo gần đây bạn trai hay bị xìu lúc đeo bao vào. X và bạn trai phân vân không biết có nên đeo bao hay không.
Trong câu chuyện trên, SEBT có vài điều muốn chia sẻ như sau.
Khi quan hệ có nên đeo bao hay không?
Trước khi bạn quyết định khi quan hệ có đeo bao cao su hay không, trước hết bạn và bạn tình hãy trả lời các câu hỏi sau:
1/ Các bạn đã trang bị đủ kiến thức về sinh sản, tránh thai cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục chưa?
2/ Các bạn đã trang bị kiến thức về vệ sinh trước và sau khi quan hệ chưa? Vì tình trạng viêm nhiễm sau khi quan hệ trần đang gia tăng.
3/ Các bạn đã nói chuyện với nhau về tâm lý, trách nhiệm và kinh tế cho mọi rủi ro có thể xảy ra khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su chưa? Ví dụ như nếu lỡ có thai ngoài ý muốn thì các bạn sẽ làm gì? Kể cả khi các bạn đã quyết định dùng biện pháp tránh thai khác như thuốc tránh thai hàng ngày.
Bởi một khi đã quan hệ thâm nhập thì luôn có khả năng mang thai dù sử dụng biện pháp tránh thai lâu dài với hiệu quả cao. Vì không biện pháp nào đảm bảo 100% hiệu quả cả.
4/ Quan hệ không dùng bao cao su còn liên quan đến các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, các bạn đã biết về tình trạng sức khoẻ của nhau chưa? Các bạn đã có thói quen đi khám sức khỏe sinh sản và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục định kỳ chưa? Giả sử quan hệ không dùng bao cao su, các bạn mắc các bệnh STIs thì sẽ giải quyết như thế nào?
Bạn và bạn tình cần ngồi lại, cùng trả lời thật nghiêm túc các câu hỏi trên, rồi hẵng quyết định lựa chọn biện pháp ngừa thai nào, và có nên quan hệ không dùng bao cao su hay không. Khi bạn đã quyết định hành động thì bản thân hãy có bản lĩnh chịu trách nhiệm với mọi sự lựa chọn của mình, không đổ lỗi cho ai hay đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Phim ảnh và việc mang bao cao su
Như vậy chúng ta cũng thấy câu chuyện có mang bao cao su hay không cũng phải cân nhắc nhiều khía cạnh về mặt sức khoẻ chứ không phải dừng lại ở việc là bạn nam thích hay không, bạn bị xìu khi mang, hay là vì bạn muốn cảm giác trần giống trên phim ảnh.
Phim ảnh mang lại cho chúng ta những hình ảnh để kích thích, để có thêm công cụ thực hành, trải nghiệm tình dục. Nhưng sự an toàn là do chính chúng ta tạo ra cho mình. Trên phim ảnh diễn viên quan hệ trần có thể không mang thai, không lây nhiễm bệnh vì họ có những cách bảo vệ theo luật làm phim, còn chúng ta quan hệ không sử dụng bao cao su thì luôn có xác suất cao mang thai và lây nhiễm bệnh. Và khi có rủi ro xảy ra, chúng ta là người chịu trách nhiệm bởi đó là quyết định của mình, chứ phim ảnh hay những mong muốn không dùng bao của người trong cuộc đều không thể bảo vệ cơ thể của các bạn.
Bạn có thể xem video này để hiểu thêm về thế giới phim p0rn:
[Tập 209] Phim Khi*u D*m Có Đạo Đức | CCS | SEBT (youtube.com)
Cảm nhận trong cuộc “yêu” là cả cơ thể
Chúng ta cũng không thể đổ lỗi hết cho bao cao su làm mình bị xìu vì nó làm mất cảm giác chân thật. Bởi khi kích thích, mình chưa mang bao, đến khi chuẩn bị cương thì mới mang vào, nghĩa là bạn nam đã có thể cảm nhận được sự hưng phấn của những cái chạm từ bạn tình.
Khi bạn nam chuẩn bị xuất tinh là lúc bạn bước vào giai đoạn lên đỉnh, đây là chuyện có thể xảy ra rất tự nhiên mà không lệ thuộc vào việc mang bao hay không, vì phần lớn não bộ mới là nơi kiểm soát phản ứng tình dục chứ không phải phần bên dưới như mình nghĩ. Có lẽ do bạn trai muốn quan hệ trần nên sinh ra tâm lý không thích đeo bao vào hay đeo bao làm mất cảm xúc.
Thay đổi để mang bao hiệu quả
Sử dụng bao cao su mỏng, ôm sát nhưng vẫn có hiệu quả bảo vệ cao
Hiện nay đã có nhiều loại bao cao su mỏng đến mức có cảm giác đeo như không đeo, có sẵn cả gel bôi trơn nhằm tăng khoái cảm đồng thời mang lại sự bảo vệ tối ưu.
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Mình kích thích bằng tay hoặc đồ chơi đến khi “cậu ciu” chuẩn bị cương cứng thì mới đeo vào, vì thế bạn nam không cần áp lực rằng khi đeo vào thì cảm giác thăng hoa bay mất. Sau
Đeo bao cao su theo cách gợi cảm hơn
Một trong những cách để đeo bao không bị mất cảm xúc đó là bạn nữ trực tiếp đeo cho bạn nam. Cả hai cùng thực tập để hỗ trợ bạn dùng bao cao cao su thật thoải mái. Trên hết bạn tình đeo bao cao su cho mình, hình ảnh không những gợi cảm mà còn rất đẹp, rất văn minh, mang tinh thần cùng nhau an toàn tận hưởng cuộc “yêu”.
Bạn gái có thể đeo bao cao su cho bạn nam hoặc sử dụng tay “vuốt trụ”, sau đó khi bạn nam chuẩn bị gần cương thì bạn nữ đeo cho bạn.
Cả hai có thể cùng “tự sướng”
Cả hai có thể cùng “tự sướng”, đây là cách mà chúng ta nhìn quá trình thăng hoa của nhau, khi ấy bạn nam thấy được có sự đồng hành của người mình yêu, có người ấy ở bên, thì việc bạn nam mang bao cao su sẽ như một cách thể hiện bản lĩnh của bạn ấy, rồi bạn sẽ có hình ảnh tốt với bao cao su hơn.
Kích thích những điểm nhạy cảm khác
Bên cạnh đó cảm nhận trong cuộc “yêu” có thể là khắp cơ thể, là cái sâu bên trong khi thấy gắn kết với người ấy, thấy được kích thích nhiều nơi chứ không chỉ là tập trung vào cảm giác của dương vật.
Vì thế chúng ta có thể cùng nhau cảm nhận từng cái mơn trớn khi “yêu”, sau đó mình khoan hãy thâm nhập. Mà thả cho cơ thể thoải mái, tận hưởng những nét chạm trên cơ thể, đến khi bạn chuẩn bị xuất tinh thì bạn mang bao cao su vào, thay vì thâm nhập bạn nữ tiếp tục ôm bạn nam, hôn bạn hoặc kích thích những điểm nhạy cảm trên người bạn. Như vậy thì dần dần, bạn nam có thể cảm được cực khoái ngay cả khi đeo bao cao su.
Việc luyện tập này sẽ cần thời gian nên cả hai hãy kiên nhẫn, chậm rãi và dùng biện pháp tránh thai khác cho đến khi bạn nam quay lại cảm giác thoải mái khi dùng bao cao su (ví dụ thuốc tránh thai hàng ngày).
Sự an toàn là lựa chọn ở chính bạn. Nếu bạn thật sự mong muốn được tận hưởng tình dục trọn vẹn với sự bảo vệ cơ thể mình và cơ thể đối phương tốt nhất, bạn sẽ tự có cách phù hợp.
Bắt đầu thử nghiệm một biện pháp tránh thai không chứa hormone dành cho nam giới
Một nhóm gồm 16 người đàn ông Anh đang tham gia thử nghiệm loại thuốc này. Thuốc hiện có tên YCT-529 và là loại thuốc tránh thai dành cho nam giới không chứa hormone đầu tiên được thử nghiệm trên cơ thể người.
Thuốc viên này do YourChoice Therapeutics sản xuất và được phát triển bởi công ty phát triển dược phẩm Quotient Sciences. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn cản quá trình sản xuất tinh trùng tiếp cận với vitamin A, từ đó ngăn chặn quá trình sản xuất tinh trùng trong ống sinh tinh ở tinh hoàn.
Thuốc YCT-529 ngăn tinh trùng được hình thành và giải phóng thông qua việc ngăn chặn thụ thể axit retinoic, một dạng vitamin A. Sự thiếu hụt vitamin A trước đây được phát hiện là nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở chuột, khỉ và chuột cống.
“Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã hiểu ra vitamin A rất cần thiết cho khả năng sinh sản của nam giới. YCT-529 là chất ức chế thụ thể-alpha [RAR-a] của axit retinoic có tác dụng ngăn chặn việc sản xuất tế bào tinh trùng trong tinh hoàn cũng như sự phóng thích của chúng bằng cách ngăn chặn RAR- alpha (một trong ba thụ thể hạt nhân liên kết với axit retinoic, một dạng vitamin A)”, Gunda Georg, giáo sư chính tại Đại học Dược của Đại học Minnesota và là một trong những nhà phát triển loại thuốc tránh thai mới, phát biểu.
Hình ảnh được đăng tải bởi marian anbu juwan từ Pixabay
Ông còn cho biết thêm: “Trong các nghiên cứu giao phối với chuột, YCT-529 có hiệu quả 99% và có thể đảo ngược tác dụng, nghĩa là nếu ngừng dùng YCT-529 thì vẫn có khả năng sinh sản trở lại. Các nghiên cứu trên khỉ cũng cho thấy điều tương tự. Cả chuột và khỉ đều không cho thấy bất kỳ tác dụng phụ nào”.
Ngoài ra, những con chuột này được phát hiện có khả năng sinh sản trở lại sau 4 đến 6 tuần.
Các dạng thuốc tránh thai dành cho nam giới trước đây hoạt động bằng cách ức chế testosterone, điều này không dẫn tới tác dụng ngăn chặn sản xuất tinh trùng mà dẫn đến các vấn đề trong việc lấy lại khả năng sinh sản đầy đủ cũng như gây ra những tác dụng phụ như tăng cân, mụn trứng cá, dễ gây hấn và giảm ham muốn tình dục. Đây cũng là những tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai nội tiết tố dành cho phụ nữ, sử dụng hormone estrogen và progesterone để ngăn ngừa rụng trứng.
Theo kết quả trên Tạp chí Nội tiết lâm sàng và Chuyển hóa, vào năm 2016, thử nghiệm giai đoạn II của nghiên cứu ngừa thai tiêm cho nam giới do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủy quyền đã bị dừng do tác dụng phụ.
Các phương pháp tránh thai khác dành cho nam giới đang được thử nghiệm bao gồm thuốc tránh thai nội tiết tố dành cho nam giới có tên là dimethandrolone undecanoate, và gel tránh thai nội tiết tố, đã được đưa vào thử nghiệm giai đoạn III vào năm 2022.
Những thử nghiệm này được hy vọng là bước đầu tiên hướng tới việc nam giới và nữ giới sử dụng các biện pháp tránh thai một cách bình đẳng hơn. Theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tình dục, từ 34 đến 82,3% nam giới sẵn sàng sử dụng các biện pháp tránh thai dành cho nam giới.
Heather Vahdat, giám đốc điều hành YourChoice Therapeutics cho biết:
“Mặc dù hầu hết nam giới coi việc tránh thai là trách nhiệm chung nhưng họ có rất ít lựa chọn để dùng. Nghiên cứu đầu tiên trên cơ thể người về thuốc tránh thai không chứa hormone dành cho nam giới là một cột mốc được chờ đợi từ lâu và là một thành tựu mang tính bước ngoặt trong nỗ lực giành quyền tự chủ sinh sản.
Trong khi công việc quan trọng còn ở phía trước, chúng tôi tin rằng nghiên cứu đầu tiên trên cơ thể người của YCT-529 là một bước quan trọng hướng tới một tương lai mà cả nam giới và nữ giới đều có quyền quyết định cũng như kiểm soát việc sử dụng các biện pháp tránh thai, mang thai và sinh con. Đây là một loại công bằng về sức khỏe mà chúng tôi tin rằng đã có từ lâu.”
Thử nghiệm giai đoạn I dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6 năm 2024, sau đó sẽ cần nhiều giai đoạn hơn trước khi viên thuốc được đưa ra thị trường.
Nguồn thông tin từ: Male Contraceptive Pill Enters First Trial (newsweek.com)
Bước qua nỗi sợ và bản lĩnh chịu trách nhiệm cuộc đời của mình
Q gửi đến SEBT những dòng thư tâm sự với một ám ảnh tâm lý vì sự bồng bột của mình. Q đã từng quan hệ vào thời điểm bản thân chưa tìm hiểu gì về tình dục, về sự an toàn trong tình dục, để rồi phải rất hoảng sợ khi chạy đi mua thuốc TTKC để dùng.
Mọi chuyện đi qua, Q biết mình không có thai nhưng sau đó là những tháng ngày cứ nhìn vào bụng là Q như thấy có gì đó đang chuyển động. Q lại hoảng loạn, tự trách bản thân dại dột. Q không biết nên làm gì để thoát khỏi những suy nghĩ, những tưởng tượng và những nỗi lo sợ do chính mình tạo ra.
SEBT nghĩ cũng rất nhiều bạn giống Q, các bạn bắt đầu quan hệ rồi lo lắng và uống thuốc TTKC. Bức thư của Q cũng làm SEBT phải chậm lại một nhịp. SEBT hy vọng chia sẻ với các bạn đôi điều để các bạn bước vào quan hệ tình dục với tâm thế sẵn sàng cả thể chất lẫn tinh thần.
Nỗi sợ
Các bạn bước vào quan hệ tình dục nhưng chưa chuẩn bị gì về sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất cùng cách bảo vệ cho mình an toàn, quả thật rất dễ rơi vào vòng xoáy lặp lại của sự hoảng sợ, lo lắng về việc mang thai ngoài ý muốn sau quan hệ.
Có bạn dù chuyện đã qua, nhưng vẫn bị nỗi sợ bủa vây. Thật ra ngẫm nghĩ lại thì mọi hành động của bản thân sẽ cho ra kết quả tương ứng. Có thể nỗi sợ đến từ việc các bạn chưa đủ vững tâm lý để đối diện cho những rủi ro khi quan hệ tình dục không an toàn, cũng có thể nỗi sợ vì sợ người khác dị nghị rằng mình đã quan hệ khi còn quá bồng bột. Hay nỗi sợ đến từ sự khủng hoảng sau quan hệ.
Những nỗi sợ đến với chúng ta như một sự thông báo, là hãy tìm ra bài học mà nỗi sợ muốn nhắn nhủ, để cải thiện, thay đổi bản thân. Ngoài ra nỗi sợ còn là một dấu chỉ cho chúng ta biết rằng nếu có bản lĩnh đối diện, chịu trách nhiệm với mọi hành động của mình thì sẽ không có gì bó buộc mình nữa.
Nỗi sợ có thể có lý do đằng sau, chúng ta cần chậm lại để hỏi chính mình vì sao chúng ta sợ? Hiểu được nguyên nhân, tiếp tục tự vấn liệu những điều đó có thể giải quyết được không? Nếu có thể thì còn gì sợ nữa, mà nếu không thì sợ để làm gì?
Nỗi sợ cũng giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về chính mình. Thấy mình chưa đúng thì hãy từ đó mà tự mình thay đổi. Nỗi sợ không thể nhấn chìm mình, quá khứ cũng không thể cản bước mình sống tốt hơn cho hiện tại và tương lai.
Một lần chưa đúng, đã biết và thay đổi thì mạnh mẽ bước tiếp
Tự biết bản thân mình lúc quan hệ không an toàn là hành động bồng bột và cũng đang cố gắng thay đổi bản thân thì hãy tin yêu mình, tiếp tục sống tốt. Nhận ra điều mình làm chưa đúng đã là một sự đáng khen ngợi rồi.
Quá khứ không giới hạn sự tốt đẹp của cuộc sống, mà chỉ có chính chúng ta giới hạn mà thôi. Đời người có sai, có sửa kịp thời và nỗ lực để phát triển hơn nữa chứ không phải lúc nào cũng luôn đúng, luôn hoàn hảo.
Ở đây, không phải là bạn hoàn toàn có thể bắt đầu quan hệ không an toàn khi chưa chuẩn bị cho mình kiến thức liên quan, sau đó uống thuốc TTKC rồi mới tự ngộ ra điều mình làm chưa đúng. Mà thông điệp mà SEBT muốn gửi gắm là chúng ta luôn nỗ lực để bản thân được ổn định về tinh thần và thể chất, giúp mình có cuộc sống tốt đẹp nhất. Tìm hiểu được gì đúng đắn, chuẩn bị được gì tốt nhất cho bản thân thì hãy làm.
Hình ảnh được đăng tải bởi Jackson David trên Unsplash
Chỉ là trong cuộc đời có những lúc nhận thức chúng ta chưa đủ, hành động chưa đúng, kết quả là nhận lấy là sự tổn thương của bản thân. Nhưng không vì thế mà chúng ta sống mãi trong tổn thương, sống mãi trong lỗi lầm và quá khứ. Từ những vấp ngã, chúng ta biết mình sai ở đâu, tự mình đứng lên, thay đổi bản thân, yêu thương mình nhiều hơn, và biết cách bảo vệ mình tốt hơn.
Kiến thức luôn là công cụ hỗ trợ cuộc sống
Con người sinh ra và lớn lên, được phát triển, được trưởng thành tốt, được mở mang đầu óc, được hiểu mình muốn gì, mình nên làm gì với mình để cuộc đời đáng sống, đều cần có cho mình sự trang bị kiến thức. Kiến thức từ những nguồn thông tin chính thống, kiến thức từ sự va chạm cuộc sống, kiến thức từ sự kiên nhẫn tìm hiểu, kiến thức từ sự yêu thương cơ thể này, từ mong muốn bản thân sẽ luôn là phiên bản ngày một phát triển.
Tự mình trang bị cho mình kiến thức đủ đầy cũng là cách chúng ta chăm chút cho căn nhà cơ thể của mình, chăm chút cho từng suy nghĩ, hành động và bản lĩnh chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.
Nỗi sợ có thể đến từ việc chúng ta “không biết gì”. Trong tình dục, hay bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống khi chỉ dựa vào sự thúc giục của bản năng, nghe lời truyền miệng, bắt đầu mà không trang bị kiến thức gì cho mình, chúng ta sẽ dễ rơi vào những nỗi sợ do sự “không biết”. Vì thế chuyện tình dục, những gì liên quan đến sức khỏe luôn cần chúng ta thật sự nghiêm túc tìm hiểu để mình vững tin và khỏe mạnh với chính mình hơn.
Xin lỗi và cảm ơn bản thân
Cơ thể cần được xin lỗi và cảm ơn. Khi chúng ta thấy hành động mình chưa đúng với cơ thể, bản thân nên xin lỗi tấm thân này. Ngoài ra chúng ta cũng nên cảm ơn chính mình rằng đã nhận ra cái sai và thay đổi để sống tốt hơn. Những hoạt động hàng ngày hiện tại chúng ta vẫn thực hiện được là nhờ cơ thể phối hợp nhịp nhàng với mình.
Chúng ta còn được nhìn cuộc sống, được thở, được ăn, được uống, được làm việc, được học tập, những thứ nhỏ nhất đều là sự hỗ trợ đắc lực từ cơ thể. Mỗi ngày ngồi xuống viết lời cảm ơn, ôm lấy cơ thể mình, biết ơn những gì bạn ấy đã làm cho mình. Từ từ chúng ta sẽ kết nối lại tình thương yêu với chính mình.
Bóng đêm không đáng sợ, điều đáng sợ là để lại bóng đêm trong cuộc đời mình.
Thầy Thích Thiện Thuật