Em mới bị rối loạn lo âu và trầm cảm, sau đó quan hệ em thấy chân tay bị tê cứng và bủn rủn, em nên làm gì?
Chào em, cảm ơn em đã gửi câu hỏi về cho SEBT. SEBT xin phản hồi em như sau.
Rối loạn lo âu
Em bị rối loạn lo âu và trầm cảm là mình được chẩn đoán bởi bác sĩ hay sao em nhỉ? Nếu em đã thăm khám thì có dùng thuốc gì không, có thì em cần hỏi ý kiến bác sĩ về những biểu hiện có thể có trên cơ thể khi dùng thuốc. Nghĩa là em có đang điều trị thì cần chia sẻ những tình trạng bất thường của cơ thể trong mọi hoạt động cho bác sĩ để bác sĩ bám sát phác đồ và có điều chỉnh phù hợp cho em. Còn em chưa thăm khám nhưng thấy mình không ổn thì cần phải đi gặp bác sĩ em nhé.
SEBT sẽ chia sẻ những ảnh hưởng về mặt cơ chế sinh học có thể có do việc rối loạn lo âu tác động đến chuyện “yêu”.
Rối loạn lo âu, trầm cảm ảnh hưởng đến tình dục. Nó bắt đầu với các chất hóa học trong não gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh giao tiếp giữa não, nơi bắt đầu ham muốn tình dục và các cơ quan sinh dục của bạn. Khi não em có nghĩ đến ham muốn, hay em nhận kích thích tình dục, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục. Lưu lượng máu tăng lên gây hưng phấn thông qua sự cương cứng hoặc bôi trơn âm đạo.
Ở người rối loạn lo âu và trầm cảm, các chất liên quan đến tình dục bị mất cân bằng. Kết quả là ham muốn tình dục cũng thay đổi. Mức độ thấp của một số hóa chất này cũng có thể làm giảm cảm giác dễ chịu. Ngoài ra cơ thể em có thể phản ứng bằng việc cảm thấy hồi hộp lo lắng với chuyện yêu. Khi đó sự tuần hoàn của máu đến những vùng nhạy cảm có thể thay đổi, có thể ít hơn làm cơ thể em tê cứng, bủn rủn.
Tùy mỗi người mà việc rối loạn lo âu ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động trong cuộc sống. Ví dụ như em thì thấy chuyện “yêu” của mình trở nên khó khăn, còn một số bạn sẽ cảm thấy hồi hộp lo lắng khi đứng trước nhiều người mặc dù trước đây bạn ấy hoàn toàn tự tin với đám đông.
Hình ảnh được cung cấp bởi Yuri Efremov trên Unsplash
Lắng nghe bản thân
Em rối loạn lo âu, nghĩa là có một vấn đề hay câu chuyện gì đó tác động đến tinh thần của em. Sức khỏe tinh thần em không khỏe, thì em cần giải quyết được nguyên nhân gốc rễ cả về mặt thể chất lẫn tâm trí. Tức là câu chuyện đó, nguyên nhân đó là gì, em phải hiểu rõ nhất, bây giờ có giải quyết được không, hay đó là vết thương trong lòng em? Em cần chữa lành cho chính mình đã, để giúp cơ thể của em khỏe mạnh toàn diện trở lại.
Khi em khỏe thì sự tập trung của não bộ với những cái chạm tình dục mới hoạt động bình thường, còn khi em vẫn lo âu về một chuyện gì đó, em sẽ khó có thể tận hưởng cuộc “yêu”. Và như em chia sẻ, nếu em càng cố gồng mình thì em sẽ có thể sợ luôn cả việc quan hệ.
Hình ảnh được cung cấp bởi JoelValve trên Unsplash
Nói chuyện với đối phương
Em có những cảm nhận gì ở hiện tại về chuyện quan hệ thì cần chia sẻ với đối phương, đừng cố gắng chịu đựng hay sợ nói ra làm người ấy phật lòng. Bất cứ ai đang có sự khó chịu, hay không khỏe trong người thì nên nói ra, để chúng ta có những sự điều chỉnh phù hợp, cũng như hỗ trợ nâng đỡ.
Có thể giai đoạn này em cần tập trung để cải thiện sức khỏe tinh thần của mình trước, và nếu được, em nên cùng làm với bạn trai em. Việc mà tụi em hỗ trợ về tinh thần cũng tạo được sự kết nối sâu sắc hơn cho mối quan hệ, nó cũng mang đến những nốt thăng hoa cho em và bạn. Sau đó khi em thấy khỏe thật sự, cả hai đều sẽ thấy có một năng lượng mới dồi dào cho những cuộc làm tình của mình, em nhé.