Em năm nay 19 tuổi, mẹ em phát hiện em có toy nên la mắng em nặng lời, em nên làm gì?
Chào em, cảm ơn em đã gửi tâm sự về cho SEBT. SEBT xin phản hồi em như sau.
Sử dụng toy cũng là một cách hiểu bản thân
Như em chia sẻ, em sử dụng toy để hiểu bản thân em, và em cũng biết cân bằng để mình không bị “lệ thuộc”. SEBT thấy em cũng đang trên con đường tìm hiểu kiến thức về tình dục, tính dục đúng đắn. Em tự tin vào điều đó, và tiếp tục trang bị thêm cho mình nhiều thông tin, từ đó em biết cách bảo vệ, biết cách yêu thương em.
Thật ra sau này dù em quan hệ có dùng toy hay không thì cảm giác ở mỗi lần quan hệ cũng sẽ khác, bởi cảm nhận của cơ thể với kích thích tình dục là rất đa dạng. Em có thể từ từ tìm hiểu thêm để mình thấu hiểu mình, thấu hiểu bạn tình của mình.
Hình ảnh được cung cấp bởi Allef Vinicius trên Unsplash
Sự la mắng
Cái hiểu của mẹ và cái hiểu của em đang lệch nhau, không ai có thể trách trách ai bởi em được tiếp cận nhiều thông tin, còn mẹ thì chưa. Mẹ la mắng đó giống như một cơ chế bảo vệ chính mẹ, bảo vệ cho điều mà mẹ vô cùng yêu thương, vô cùng trân trọng. Mẹ sợ con gái mẹ sẽ có chuyện không hay, sẽ bị dị nghị. Và chính nỗi sợ làm nên cơn thịnh nộ của mẹ. Thực chất của mọi cơn giận là bên trong con người đang có tổn thương hay có một nỗi sợ.
Cần thời gian
Hệ quy chiếu của em và của mẹ đang khác nhau, vì thế để mình có thể nói chuyện hòa hợp thì mình cần thời gian. Chẳng thể nào một sớm một chiều mà mình và mẹ có thể chia sẻ những chủ đề liên quan đến tình dục một cách thẳng thắn ngay được. Quan trọng là nếu em đã biết mình cần và nên làm gì để bảo vệ mình trong tình dục thì hãy cứ tự tin, làm đúng theo niềm tin đó. Em sống tốt, sống khỏe, sống hạnh phúc thì mẹ cũng cảm nhận được. Và đó cũng là điều mà mẹ rất mong muốn.
Hình ảnh được cung cấp bởi Bence Halmosi trên Unsplash
Bây giờ mình chưa thể nói chuyện với mẹ, mình có thể viết thư cho mẹ. Mình chia sẻ nỗi lòng, suy nghĩ của mình, không oán trách mẹ mà giải bày để mẹ hiểu mình hơn, em ạ.
Em có thể đang chịu tiếng oan, có hình ảnh xấu trong mắt mẹ, nhưng tận sâu mẹ vẫn rất thương em. Có thể em được biết đến nhiều thông tin hơn, vậy thì em sẽ là người chủ động để nâng đỡ, hàn gắn sợi dây kết nối với mẹ. Nếu em thấy mình vẫn đang bảo vệ mình tốt, thì hãy tự tin với điều đó.
Bên trong em
Có thể bên trong em cũng sẽ vướng mắc hình ảnh mẹ giận dữ, mẹ nói tiếng lớn, nói điều em tổn thương. Em có thể im lặng để tâm mình lắng đọng, để hình ảnh của mẹ không trở nên xấu hơn. Như thế em mới có đủ tâm thái bình yên mà tiếp tục đối diện với mẹ, để có thể mở lời, nói chuyện với mẹ. Từ từ từng bước một, em cứ ôm ấp, xoa dịu những cảm xúc của em đã. Và nhìn về phía ánh sáng, mình sẽ không cố gắng tranh cãi ai đúng ai sai, mà mục tiêu lớn hơn là cả em và mẹ có thể kết nối sâu sắc hơn, chia sẻ được nhiều điều trong cuộc sống hơn.
Hình ảnh được cung cấp bởi Evan Krause trên Unsplash
Đây sẽ là hành trình dài, nhưng SEBT nghĩ nó xứng đáng em ạ. Tuy là người thân, mỗi người cũng đang học cách làm mẹ, làm con, cũng sẽ có những bỡ ngỡ, những vụng về, những khi bốc đồng, cả những lúc chẳng thể hiểu nổi đối phương vì sao lại hành động như vậy. Và rồi để nhận ra mẹ là người đã dạy cho mình rất nhiều thứ, tất cả có thể quay lưng với mình nhưng mẹ sẽ không bao giờ làm vậy. Ngược lại nếu mình chủ động gắn kết, mẹ cũng có thêm một người bạn thân là em, để có thể xoa dịu mẹ những lúc mẹ cảm thấy bất lực với vai trò là người mẹ. Em nhé.