Người yêu tự động chạm vào “cô bé” khi em chưa đồng ý
Chào em, cảm ơn em đã gửi câu hỏi về cho SEBT. SEBT xin phản hồi em như sau.
Em chia sẻ em không biết làm thế nào, là cụ thể em đang lo lắng điều gì em nhỉ? Em lo lắng bạn lại tiếp tục chạm vào cô bé của em hay sao. Nếu em sợ như vậy thì thứ nhất, khi em nói bạn em không muốn thì bạn cũng đã tôn trọng em, không chạm nữa, điều này đã thể hiện bạn biết trân trọng những cảm nhận của em, cơ thể của em và em đã hiểu khi chưa có sự đồng thuận bạn không được tiếp tục cử chỉ thân mật.
Em muốn bảo vệ mình tốt hơn thì nói rõ ràng với bạn, với cả chính em là tụi em đang ở lứa tuổi đi học, yêu nhau là chuyện bình thường, nhưng gần gũi thân mật chạm đến vùng kín thì tụi em nên tìm hiểu kĩ kiến thức về cơ thể trước đã. Và chuyện quan hệ tình dục, dù chỉ đụng chạm bên ngoài cũng có thể được coi là hành vi tình dục, tụi em ở ngưỡng cửa 15 – 16 tuổi, có thể tò mò về cơ thể của bản thân, nhưng để tương tác với nhau tại khu vực vùng kín thì mình không nên vội em nhé.
Lứa tuổi được quan hệ tình dục theo pháp luật Việt Nam là đúng 16 tuổi trở lên nhưng phải cần trang bị đầy đủ kiến thức về sinh sản, tránh thai, các bệnh lây nhiễm. Vì 15 – 16 tuổi, ở độ tuổi này có thể tụi em chưa kiểm soát được hết những kết quả của việc quan hệ thể xác, nếu hành động thì sẽ có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của tụi em.
SEBT nghĩ em nên chậm lại một chút để trả lời những câu hỏi sau:
1/ Em và bạn đều đã trang bị đủ kiến thức về sinh sản, tránh thai, mối quan hệ chưa?
2/ Em và bạn đã nói chuyện với nhau về tâm lý, trách nhiệm và kinh tế cho mọi rủi ro có thể xảy ra khi quan hệ tình dục hay có những cử chỉ thân mật trên cơ thể ở những nơi nhạy cảm chưa? Ví dụ tụi em đụng chạm nhau vùng kín nhưng chưa biết cách vệ sinh thế nào, làm tổn thương và dẫn đến tình trạng lây nhiễm, tụi em sẽ làm gì? Tụi em có biết cách để chăm sóc bản thân nếu có lây nhiễm khi tương tác với nhau về thể xác không?
3/ Và giả sử tụi em có phát sinh quan hệ tình dục, có thai ngoài ý muốn khi còn đang đi học, tụi em giải quyết thế nào?
4/ Khi đụng chạm cơ thể của nhau, nếu làm cả hai bị tổn thương không chỉ thể chất mà tinh thần, làm tụi em sợ cơ thể của mình, thì tụi em có thể tiếp tục việc học, tiếp tục vui vẻ cho tương lai tươi đẹp phía trước của mình không?
Hình ảnh được cung cấp bởi Andrew Seaman trên Unsplash
Hãy tự hỏi mình, tự hỏi nhau để tụi em có mối quan hệ lành mạnh, an toàn. Cơ thể của mình thì mình phải bảo vệ em nhé. Bạn trai em có thể dịu dàng với em, cơ thể em cũng sẽ tự phản ứng với những cử chỉ thương yêu một cách tự nhiên theo sự phát triển của em. Chỉ là nhắc nhớ bản thân, mình còn ở lứa tuổi chưa thể lường trước được hết mọi kết quả khi có đụng chạm cơ thể với người yêu, nên mình cần luyện tập sự mạnh mẽ nói “không’, sự phản kháng phù hợp nếu thấy không an toàn.
15 – 16 tuổi là lúc em chập chững chuyển qua giai đoạn trưởng thành, mình dần học cách suy nghĩ cho việc mọi kết quả đến với mình đều do hành động của mình cả. Và cơ thể của em sẽ có những tín hiệu để em biết em cần bản lĩnh bảo vệ mình.
Yêu nhau có thể được, hẹn hò với nhau có thể được, muốn có những cử chỉ thân mật thì phải nghĩ đến mình đang đi học, mình chịu được những kết quả xấu nhất khi một nam một nữ tương tác thể chất với nhau không? Từ đó em sẽ biết mình nên gặp bạn trai mình ở những địa điểm nào, nên có hành động thể hiện yêu thương thế nào cho an toàn.
Hy vọng SEBT chia sẻ đến em được những thông tin hữu ích để mình chăm sóc bản thân tốt hơn, cũng như có đời sống tình dục an toàn, lành mạnh. Mong rằng em có thể hỗ trợ team SEBT có thêm động lực trong việc lan tỏa nhiều kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục bổ ích hơn nữa bằng cách donate cho SEBT qua tài khoản sau:
Ngân hàng: TP Bank
Số tài khoản: 02034029903 _ Nguyễn Minh Trang
Chân thành cảm ơn em. Chúc em thật nhiều sức khỏe, trang bị đầy đủ kiến thức để yêu thương, chăm sóc bản thân đúng cách và vững tin tận hưởng đời sống tình dục an toàn, lành mạnh. Em nhé.