Quan hệ nam – nam có cần phải xét nghiệm STIs không?
Chào em, cảm ơn em đã gửi câu hỏi về cho SEBT. SEBT xin phản hồi em như sau.
Xét nghiệm STIs
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là bệnh phát triển trong cơ thể khi vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng được truyền sang thông qua quan hệ tình dục với người mắc STIs. Điều này có thể xảy ra khi thực hiện những hình thức quan hệ sau:
+ Quan hệ tình dục qua đường hậu môn, miệng hoặc âm đạo
+ Chia sẻ đồ chơi tình dục chưa được vệ sinh sạch sẽ
+ Dùng chung kim tiêm
+ Tiếp xúc da kề da (với một số bệnh STIs như herpes và HPV)
Như vậy không phân biệt quan hệ nam – nam, nam – nữ hay nữ – nữ, một khi chuẩn bị bước vào quan hệ tình dục và đã trải nghiệm thì chúng ta đều cần phải xét nghiệm STIs định kỳ, rồi chia sẻ với bạn tình. Đây là cách mình bảo vệ cơ thể của nhau và xây dựng niềm tin vững chắc cho mối quan hệ tình cảm em nhé.
Hình ảnh được cung cấp bởi hypsouthwark
Các khâu chuẩn bị trước khi quan hệ cửa sau
SEBT đã làm về chủ đề này rất kĩ càng qua các clip trên kênh Youtube của SEBT. Đúng là có những phân đoạn dành cho mối quan hệ nam – nữ, nhưng em hoàn toàn có thể áp dụng cho mình, cho mối quan hệ của mình và cả khi em muốn “tự sướng” ở cửa sau.
SEBT gửi em chuỗi video liên quan đến quan hệ cửa sau nhé: Link
Bao quy đầu
Việc cắt bao quy đầu không bắt buộc cho tất cả mọi người, nó tùy thuộc vào quan điểm thẩm mỹ của mỗi người cũng như sự cảm thấy thuận tiện khi vệ sinh. Cắt bao quy đầu có thể giúp em vệ sinh “cậu ciu” dễ dàng hơn. Còn không cắt mà em vẫn có thể chăm sóc tốt cho “cậu ciu” thì chẳng có gì phải lo lắng.
Về độ nhạy cảm trong tình dục hay khả năng sinh sản thì cắt hoặc không cắt bao quy đầu đều không ảnh hưởng gì cả.
Em có thể tham khảo thêm bài viết: Nên cắt hay không cắt bao quy đầu? Những lợi hại mà bạn cần biết
Hình ảnh được cung cấp bởi Jeremy Bishop trên Unsplash
Quan hệ lần đầu
Cảm nhận sau quan hệ lần đầu của mỗi người mỗi khác, không ai giống ai cả em ạ. Việc mà bạn bot có dấu hiệu mệt mỏi, nhức đầu thật ra là chia sẻ từ cá nhân nên em không cần lo lắng về điều này. Giả sử em có gặp tình trạng này thì mình cứ để tự nhiên sẽ hết, cũng giống như lúc mình mệt mỏi, đau đầu thì bình thường mình vẫn để nó tự hết đúng không? Hay em có thể ăn uống những món mình thích để giúp tâm trạng tốt hơn.
Quan trọng của việc quan hệ lần đầu là mình cần trao đổi rõ ràng quan điểm về tình dục của nhau, đồng thuận tư thế trải nghiệm và các bước cần chuẩn bị để “yêu” trọn vẹn. Bên cạnh đó trong lúc “yêu”, mỗi người đang học cách hiểu cơ thể của mình, của đối phương nên em cứ chậm rãi, đi từ điểm ít nhạy cảm đến nơi nhạy cảm hơn, nếu có đau hay khó chịu thì dừng lại điều chỉnh. Sau quan hệ xong thì mình vệ sinh sạch sẽ (như hướng dẫn ở chuỗi video mà SEBT nói ở trên), cũng như lên kế hoạch nói chuyện để chia sẻ cảm nhận của nhau, và trao đổi mình có thể làm gì để những lần sau tuyệt vời hơn.
Hình ảnh được cung cấp bởi Joshua Earle trên Unsplash
Nguồn bài viết
Với những nội dung trên các kênh của SEBT, em có thể tham khảo để có những kiến thức nền tảng về tình dục, về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục về thể chất lẫn tinh thần, chứ mình không nhất thiết tách biệt nam – nam hay nam – nữ. Vì ví dụ như về STIs, hay những lây nhiễm ai cũng có thể mắc, và cách phòng ngừa thế nào là có lợi ích chung cho tất cả mọi người. Hay với quan hệ lần đầu, không chỉ có nam – nữ mới đau mà ai cũng có thể, vậy thì mình xử trí ra sao, em có thể đọc để hiểu được rằng sự giao tiếp trong tình dục là rất quan trọng.
Khi em đọc các bài viết về tình dục, em sẽ dần cảm thấy, có rất nhiều sắc màu ở chủ đề, cảm nhận của mỗi người lại rất khác, cái mình học được đó là lắng nghe chia sẻ, chấp nhận những điều ngược nhau thế nào. Mình khoan hãy gói gọn và quá rập khuôn quan hệ nam nam, nam – nữ hay nữ – nữ.
Về những nguồn thông tin khác, em có thể tham khảo các trang web uy tín sau. Em tìm kiếm chủ đề mình đang muốn nghiên cứu thì sẽ ra nhiều bài để em đọc, em nhé.
1/ https://www.healthline.com/
2/ https://www.medicalnewstoday.com/