Sống gần nhau nhưng tần suất “yêu” lại giảm hơn so với lúc yêu xa, vì sao thế?
Chào em, cảm ơn em đã gửi tâm sự về cho SEBT. SEBT xin phản hồi em như sau.
1/ Tần suất “yêu” của mỗi cặp đôi là khác nhau, mỗi thời điểm cũng không giống nhau
Thật ra tần suất “yêu” của mỗi cặp đôi sẽ khác nhau nên mình chẳng thể lấy trường hợp của người khác áp đặt lên cho mối quan hệ của mình. Vì mỗi người mỗi khác, và mỗi thời điểm bản thân lại phản ứng với chuyện “yêu” cũng không giống nhau. Có những khi mệt mỏi, quá nhiều việc thì chúng ta chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến quan hệ tình dục. Có khi mình vẫn yêu người ấy nhưng chỉ đơn giản là cơ thể nó chẳng ham muốn chút nào. Cũng giống như mình thích coi phim, nhưng đôi lúc có thời gian rảnh mình vẫn chỉ muốn nằm dài mà không xem hay làm gì khác.
Hình ảnh được cung cấp bởi Azrul Aziz trên Unsplash
2/ Có thể bạn em đang gặp căng thẳng trong cuộc sống
Có thể bạn đang lo lắng chuyện nào đó trong lòng mà chưa giải tỏa được. Em hãy nói chuyện với bạn. Thay vì chỉ tập trung vào tần suất quan hệ, mình chuyển sang nâng đỡ tinh thần, thấu hiểu lẫn nhau. Không phải lúc nào cũng quan hệ hùng hục thường xuyên mới là yêu đậm sâu. Mà sẽ có những giai đoạn mình cần tạm dừng lại để tập trung vào những khía cạnh khác để làm bền chặt thêm sợi dây gắn kết của cả hai. Bởi trong một mối quan hệ, tình dục đâu phải là tất cả, đúng không?
3/ Có thể bạn em đang thấy “nhạt” với chuyện quan hệ
Về chủ đề này, SEBT gửi bài viết sau để em hiểu rõ hơn vì sao mình lại cảm thấy “yêu” không còn vui như lúc ban đầu: Vì sao em hiện tại quan hệ không còn cảm giác sướng như ban đầu?
Đây là phần phản hồi cho câu hỏi của một bạn nữ, nhưng với nam giới cũng có thể có cảm giác chuyện “yêu” không còn “sướng” như giai đoạn đầu. Em có thể đọc để hiểu rõ hơn. Và có thể có lúc em cũng không muốn quan hệ một chút nào.
Hình ảnh được cung cấp bởi Joe Yates trên Unsplash
4/ Dù sống chung nhưng hai bên cũng cần có không gian riêng
Thật ra lúc yêu xa thì cảm giác luôn muốn được gặp nhau, quyện vào nhau là phản ứng bình thường của mọi cặp đôi. Còn lúc ở chung, chạm mặt nhiều quá thì cũng dễ tạo cảm giác “chán”. Quan trọng là hai bên cần ngồi lại nói chuyện để tìm cách làm mới, đổi gió cho mối quan hệ. Chứ không thể cứ làm mãi những hoạt động cũ.
Ngoài ra, hai em dù ở chung nhưng vẫn nên có không gian riêng, ví dụ có những sở thích riêng, những lần đi chơi không có nhau. Không gian riêng sẽ giúp cả hai thỏa mãn sở thích của bản thân, có khoảng lặng tự nhìn nhận về mình, nhìn nhận về mối quan hệ và giảm cảm giác “chán”.