Phải chăng một lần ‘cắm sừng’ thì cả đời là kẻ ‘cắm sừng’?

Tác giả: .Ngưn.

Liệu một người từng có tiền sử “cắm sừng” sẽ tiếp tục hành vi đó với người yêu tiếp theo? Bạn có nên tin và yêu một người từng lừa dối người yêu cũ?

Rất ít chủ đề có thể khiến trái tim chúng ta cuồng quay trong sự phẫn nộ, uất ức, tổn thương như chủ đề về sự phản bội trong tình yêu. Bị “cắm sừng” thật là một điều vô cùng đau đớn. Và càng chua xót hơn khi đây lại là điều phổ biến trong các mối quan hệ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phản bội xảy ra tới 20% cuộc hôn nhân [1] và 70% các cuộc hẹn hò [2]. Thực tế, đó là lý do phổ biến dẫn đến các cuộc ly hôn [3].

Trong tiếng Anh có câu ngạn ngữ rằng “Once a cheater, always a cheater”, nghĩa là một lần “cắm sừng” thì cả đời là kẻ đi “cắm sừng”. Sự thật có đúng như vậy không?

Câu đó sẽ đúng trong trường hợp…

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí học thuật Archives of Sexual Behavior năm 2017 đã cho thấy, những người từng không chung thủy trong một mối quan hệ có nguy cơ phản bội lần nữa cao hơn gấp 3,5 lần. Giới tính và tình trạng mối quan hệ đều không có tác động đáng kể nào đến kết quả. Nghĩa là dù nam hay nữ, thẳng hay cong, hẹn hò hay đã kết hôn thì đều có khả năng phản bội như nhau.

Có một số lý do thuộc về mặt sinh học thôi thúc một người phản bội. Một khám phá khoa học gần đây đã phát hiện “gen cắm sừng” hoặc biến thể của gen có thể khiến đàn ông cần mẫn cho người yêu mình thồn canxi hết lần này đến lần khác. Ở phụ nữ thì vẫn chưa thấy biến thể gen nào tương tự.

Ảnh của cottonbro studio

Một lý giải khác nằm ở đặc điểm tính cách. Một số người có khuynh hướng chấp nhận rủi ro cao và thích tìm kiếm cảm giác mạnh. Họ hứng thú với những mối quan hệ ngoài luồng trong ly kỳ và mạo hiểm. Điều này có liên quan đến sự thiếu hụt dopamine, hóc môn tạo cảm giác hưng phấn. Nó kích thích não bộ sinh ra những ham muốn làm các hoạt động giúp bạn cảm thấy vui vẻ như mua sắm, ăn uống hoặc làm tình. Nói cách khác, những người tìm kiếm cảm giác mạnh sẽ cần cảm giác mạnh hơn (trong tình huống này là hành vi lừa gạt người yêu để léng phéng với người tình) nhằm cảm nhận sự hưng phấn bị thiếu hụt.

Câu ấy vẫn có thể sai nếu như…

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí học thuật Archives of Sexual Behavior đã nói ở phần trên, vẫn có nhiều người được khảo sát là đã từng phản bội một lần và không bao giờ lặp lại hành vi đó nữa.

Phàm là con người thì ai cũng có ít nhất một lần mắc sai lầm. Chính những sai lầm đó sẽ giúp mỗi người trưởng thành hơn về mặt nhận thức. Chuyện phản bội cũng như vậy. Họ cảm thấy hối hận tràn trề và muốn sửa đổi, có thể là với chính người thương bị cho “cắm sừng” hoặc với người mới. Không ít mối quan hệ sau khi trải qua sóng gió của sự phản bội và ngờ vực đã trở nên khắng khít hơn và duy trì được lâu dài.

Vậy có nên yêu một người từng có tiền sử “cắm sừng” không?

Tôi tin rằng không ai trong chúng ta muốn bị dán nhãn tính cách chỉ vì những hành vi tồi tệ của mình trong quá khứ. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt giữa một người sẽ tiếp tục “ngựa quen đường cũ” và một người đã hối hận và quyết tâm không lặp lại sai lầm đó nữa?

Theo tiến sĩ Alexandra H. Solomon, chìa khóa ở đây chính là sự tự nhận thức về mối quan hệ (relational self-awareness – viết tắt là RSA). Đây là quá trình luyện tập liên tục để ý thức được mình là ai trong một mối quan hệ thân thiết với người khác. Cách bạn đối xử với một người sẽ bị ảnh hưởng bởi gia đình, văn hóa, tính cách và kinh nghiệm sống của bạn. Nếu không có sự tự nhận thức này (hoặc ở mức độ thấp), chúng ta sẽ dễ bị mắc kẹt trong sự lặp đi lặp lại của những sai lầm mà mình từng mắc phải.

Ảnh của Keenan Constance

Vậy làm thế nào để biết mức độ tự nhận thức của một người từng có tiền sử “cắm sừng”? Hãy khiến người đó kể lại chuyện cũ và xem thái độ của người đó về hành vi phản bội của mình.

“Người yêu cũ của em lạnh nhạt lắm, suốt ngày chỉ biết công việc công việc mà chẳng thèm quan tâm em nhiều. Em rất buồn chán nên mới sa ngã vào vòng tay người khác…”

Nếu thái độ của người ấy chỉ toàn đổ lỗi cho người cũ thì mức độ tự nhận thức về mối quan hệ rất thấp. Bởi sự tự nhận thức này biểu hiện ở việc tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình để phục vụ sự phát triển và chữa lành những tổn thương bên trong. Khi họ chỉ biết đổ lỗi, họ sẽ không học hỏi được gì từ các hành vi sai trái, do đó có nguy cơ “ngựa quen đường cũ” rất cao.

“Anh không muốn nhắc lại chuyện đáng xấu hổ đó. Mình nên quên quá khứ và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, với em.”

Ngược lại với sự đổ lỗi ở trên là xấu hổ. Thái độ này cũng cho thấy mức độ tự nhận thức thấp. Vì xấu hổ sẽ ngăn cản người đó đối mặt với hành vi sai lầm của mình. Họ đóng kín chúng trong một chiếc hộp và niêm phong lại, vứt vào tận đẩu tận đâu trong ký ức đến mức quên bẵng sự tồn tại của nó. Sự trốn tránh ấy sẽ làm họ không biết vì sao mình hành xử như vậy và nên sửa chữa thế nào. Nguy cơ lặp lại lỗi lầm cũng vì thế mà tăng cao.

“Anh đã phản bội người yêu cũ. Khi cô ấy biết được, anh đã vô cùng xấu hổ và tự nhìn nhận lại mình. Anh hiểu được lý do mình lại phản bội lòng tin của cô ấy. Anh rất hối hận và muốn thay đổi. Em sẽ tin và cho anh cơ hội chứ?”

Thái độ không hề né tránh mà biết nhận lỗi cho thấy sự tự nhận thức cao. Dù gì thì đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Nghe câu trên mà ai chẳng liêu xiêu cái lòng và muốn gật gù cái đầu với niềm tin sáng sủa vào tương lai? Nhưng cũng không loại trừ khả năng người ta chỉ hứa suông, nói những lời chót lưỡi đầu môi. Thế thì chúng ta chỉ còn cách quan sát hành động của đối phương.

Chốt lại

Bạn thấy sợ hãi là điều dễ hiểu khi yêu phải một người từng có tiền sử không chung thủy. Nhưng việc của bạn là cố gắng không để sự phán xét và buộc tội ảnh hưởng đến thái độ của bạn. Vì điều này chỉ càng làm cho đối phương rơi vào thế phòng thủ, không thể mở lòng, rồi khiến bạn rơi vào sự lo lắng không cần thiết. Hãy tạo một cuộc nói chuyện cởi mở trong không khí thoải mái và quan sát thái độ cũng như hành động của đối phương. Bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình là có nên đặt niềm tin vào người đó không.

Nguồn thông tin:

[1] Blow, A. J., & Hartnett, K. (2005). Infidelity in committed relationships II: A substantive review. Journal of Marital and Family Therapy, 31(2), 217–233. doi:10.1111/j.1752-0606.2005.tb01556.x.

[2] Knopp, K., Scott, S., Ritchie, L., Rhoades, G. K., Markman, H. J., & Stanley, S. M. (2017). Once a Cheater, Always a Cheater? Serial Infidelity Across Subsequent Relationships. Archives of Sexual Behavior, 46(8), 2301–2311. https://doi.org/10.1007/s10508-017-1018-1

[3] Scott, S. B., Rhoades, G. K., Stanley, S. M., Allen, E. S., & Markman, H. J. (2013). Reasons for divorce and recollections of premarital intervention: Implications for improving relationship education. Couple & Family Psychology, 2(2), 131–145. doi:10.1037/a0032025.

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tác giả: .Ngưn.

Tình dục trả thù: Những mặt lợi & hại mà bạn cần cân nhắc

Bạn vừa phát hiện người yêu đã “ăn vụng” bên ngoài và trong cơn giận dữ, bạn lao vào vòng tay của người khác để trả thù. Hoặc bạn vừa chia tay với người ấy và trong suy nghĩ thoáng hiện ra ý định muốn cưa cẩm bạn thân của người cũ để trả đũa.

Hiện không có định nghĩa chính xác về tình dục trả thù. Mọi người chọn làm điều đó vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng có một điều rõ ràng là làm tình với mục đích trả thù lại khá phổ biến. Trong một cuộc khảo sát năm 2015 với 170 sinh viên đại học, 25% cho biết họ đã quan hệ tình dục như một hình thức trả thù trong 8 tháng trước đó.

Dù lý do là gì đi nữa, kiểu tình dục này rất phức tạp; có thể có nhiều suy nghĩ và cảm xúc gắn liền với nó. Vì vậy, bạn hãy hít một hơi thật sâu và cân nhắc những điều sau đây trước khi đưa ra bất kỳ quyết định vội vàng nào.

Những mặt lợi và hại của tình dục trả thù

Lợi

+ Giúp bạn khép lại vết thương lòng hoặc kết thúc một mối quan hệ.

+ Giúp bạn lấy lại sự tự tin và sức hấp dẫn của mình.

+ Mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát.

+ Có thể giúp giảm căng thẳng.

+ Cung cấp lượng hormone dopamin, oxytocin khi làm tình.

Hình ảnh được đăng tải bởi Charlie Foster trên Unsplash

Hại

+ Tình dục trả thù có thể phản tác dụng. Bạn lên giường với người này để trả đũa người kia nhưng có thể sau đó bạn lại nảy sinh tình cảm với người này, cuối cùng một lần nữa bị tình cảm chơi đùa.

+ Tình dục không phải lúc nào cũng đem lại cảm giác hạnh phúc. Nếu quan hệ với một người có sở thích khác nhau hoặc không có sự quan tâm chăm sóc thì bạn sẽ chỉ nhận về sự thất vọng sau cuộc “yêu”.

+ Vì mục đích của bạn khi làm tình là để trả thù chứ không vì yêu thích nên bản thân chuyện quan hệ sẽ không mang lại cảm giác vui sướng cho bạn.

+ Nếu bạn quan hệ với một người để trả đũa người khác thì ít nhiều bạn đang lợi dụng người đó. Điều này vô tình làm tổn thương cảm xúc người ta nếu sau này đối phương biết được sự thật.

+ Bạn có thể sẽ thấy tội lỗi và hối tiếc.

Lưu ý: Những mặt lợi và hại trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy hoàn cảnh mỗi người mà sẽ có các mặt lợi và hại riêng biệt. Bạn nên ngồi xuống và viết ra danh sách ưu nhược điểm của tình dục trả thù nếu bạn quyết định làm chuyện này.

Tình dục trả thù có lành mạnh không?

Câu trả lời là có và cả không.

Có khi chúng ta chỉ xét về bản chất của tình dục. Tình dục dưới mọi hình thức khác nhau có thể đem lại nhiều lợi ích về cảm xúc, tinh thần và thể chất.

Ví dụ, khi bạn làm tình, cơ thể sẽ sản xuất một loạt các chất hóa học mang lại cảm giác dễ chịu, ví dụ dopamine, serotonin, norepinephrine và oxytocin. Những hormone này là thuốc giải độc tự nhiên cho các yếu tố gây căng thẳng về sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm.

Nhưng khi bạn gắn động cơ trả thù với tình dục thì những lợi ích này không còn nữa. Bạn cần nhớ một điều rằng hành động làm tình chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng hệ quả – bao gồm cả việc nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn như thế nào – có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng.

Điều này đưa chúng ta đến điểm tiếp theo: liệu bạn có thấy hối tiếc sau khi trả thù bằng tình dục không?

Hình ảnh được đăng tải bởi Harli Marten trên Unsplash

Liệu bạn sẽ thấy hối hận sau khi trả thù bằng tình dục không?

Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào mỗi người. Bởi chúng ta quyết định trả thù bằng tình dục với những lý do khác nhau, mang ý nghĩa cũng khác nhau. Bạn mới là người quyết định xem mình có hối hận hay không. Nhưng có bằng chứng cho thấy việc trả thù có thể khiến bạn thấy tồi tệ về lâu dài.

Một bản đánh giá của ba nghiên cứu về tác động của việc trả thù cho thấy những người thực hiện cuối cùng lại chìm đắm trong trải nghiệm đó nhiều hơn – nói cách khác là cảm thấy tồi tệ hơn – so với những người không làm vậy. Những người quyết định không trả thù thì có thể quên đi nhanh chóng, và tâm tình cũng trở nên mau tốt hơn.

Vẫn có nghiên cứu cho thấy nhiều người sau khi trả thù lại thấy hài lòng hơn. Nhưng đây là trong trường hợp người trả thù hiểu lý do tại sao họ làm vậy và sau khi đã cân nhắc kỹ càng mặt lợi hại.

Lời khuyên giúp bạn bớt hối hận khi trả thù bằng tình dục

Cách duy nhất để đảm bảo bạn không hối tiếc khi trả thù bằng tình dục là không làm điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn quyết tâm thực hiện thì những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn tránh bị tổn thương nhiều hơn.

+ Đợi ít nhất 24 giờ rồi hãy quyết định. Hành động bốc đồng có thể là quyết định đúng đắn vào lúc này nhưng nó lại tạo ra nhiều hối tiếc hơn về sau. Bạn hãy cố gắng đợi thêm ít nhất 24 giờ, để tâm trí bình tĩnh lại rồi mới ra quyết định.

+ Đưa ra quyết định trong khi tỉnh táo. Một tâm trí tỉnh táo có thể cân nhắc những ưu và nhược điểm của một hành động tốt hơn so với tâm trí đang bị cảm xúc lấn át.

+ Hãy thành thật với người mà bạn muốn quan hệ để trả thù. Bạn nên cho người ta biết về động cơ của bạn – trước khi lên giường – để đối phương quyết định xem có muốn tham gia vào chuyện này hay không.

+ Đừng kể lể chuyện này cho quá nhiều người. Trả thù bằng tình dục không phải là chuyện hay ho gì nên bạn hạn chế kể lể cho nhiều người biết. Bởi đó có thể là lưỡi dao hại bạn trong tương lai. Bạn chỉ nên kể cho người mình tin tưởng khi muốn hỏi xin lời khuyên. 

Nguồn thông tin từ: Revenge Sex: Tips for Doing It Without Regret, Plus the Pros and Cons (greatist.com) 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Quãng nghỉ khi yêu: Có nên “tạm dừng” mối quan hệ không?

Bạn rất yêu người ấy. Nhưng hiện tại bạn thấy cần một chút không gian riêng để giải quyết vấn đề của mình hoặc giải tỏa nỗi bất an đâu đó trong mối quan hệ. Đây là lúc bạn cần quãng nghỉ trong chuyện tình cảm. 

Điều này không có nghĩa hai bạn sẽ chính thức chia tay mà chỉ là nhấn nút “tạm dừng” mối quan hệ trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó, bạn (hoặc cả hai) có không gian và thời gian cần thiết để đánh giá lại mối quan hệ và đưa ra được quyết định tốt nhất cho hai bên. 

Ở bài viết này, SEBT sẽ đi sâu vào chủ đề “quãng nghỉ trong mối quan hệ” và đưa ra vài lời khuyên để bạn “tạm dừng” đúng cách, mang lại hiệu quả cho hai bên.

Đầu tiên, việc tạm dừng mối quan hệ có đem lại hiệu quả không?

Khi bạn muốn tạm dừng nghĩa là mối quan hệ đang có vấn đề ở đâu đó. Thay vì chia tay vĩnh viễn, bạn chọn chỉ tạm dừng, như vậy bạn vẫn đang tìm cách để cải thiện mối quan hệ. Đây là một tín hiệu tích cực chứ không phải tiêu cực như nhiều người nghĩ.

Hơn nữa, khi bạn đang trong mối quan hệ thì khó mà nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan. Cho bản thân một chút không gian có thể giúp bạn xem xét mối quan hệ của mình từ một góc nhìn khác.

Như vậy, việc tạm dừng mối quan hệ nếu được thực hiện đúng cách sẽ giúp bạn nhìn mọi thứ rõ ràng hơn và sắp xếp lại cảm xúc của mình. Để từ đó, dù bạn đưa ra quyết định đi tiếp hay dừng lại (vĩnh viễn), bạn cũng không hối tiếc hay lấn cấn trong lòng.

Việc tạm dừng mối quan hệ có lành mạnh không?

Nó sẽ lành mạnh nếu cả hai bạn đều có động lực đúng đắn để thay đổi và sử dụng lần “tạm dừng” này như một cơ hội để hoàn thiện bản thân cũng như phát triển mối quan hệ hơn.

Ngược lại, việc tạm dừng sẽ không lành mạnh nếu nó được dùng như một kiểu trừng phạt đối phương hoặc một sự né tránh, muốn làm chệch hướng khỏi các vấn đề cần giải quyết (khi một trong hai không có ý định giải quyết).

Trong trường hợp này, việc tạm dừng chỉ mang lại lợi ích cho một người và gây tổn hại đến hạnh phúc của người kia.

Chia tay với tạm dừng có gì khác nhau?

Điểm khác biệt giữa chia tay và tạm dừng là với tạm dừng, bạn thường có ý định quay lại với nhau. Bạn tạm dừng để dành thời gian và không gian cải thiện, phát triển bản thân hoặc tìm cách giải quyết các khúc mắc trong mối quan hệ.

Ngoài ra, có một số cặp đôi muốn tạm dừng khi họ không đủ tinh thần hoặc thể chất để ưu tiên cho mối quan hệ vì dính mắc một số thứ khác quan trọng hơn ở thời điểm đó như chăm sóc bố mẹ bị ốm, mải lo cho công việc…

Tùy thuộc vào từng cặp đôi mà sự tạm dừng sẽ có cách thức khác nhau. Đó có thể là sự xa cách về thể xác, hạn chế nói chuyện hoặc thay đổi các “quy tắc” xung quanh mối quan hệ. Nhưng dù là gì thì điểm chung của việc tạm dừng chính là hai bạn thoát khỏi những thói quen hàng ngày khi yêu đương. Ví dụ bình thường một tuần gặp nhau 5 lần thì bây giờ sẽ không gặp nhau nữa, chỉ nói chuyện hỏi han 1, 2 lần.

Khi nào bạn cần tạm dừng mối quan hệ?

Hình ảnh được đăng tải bởi Manuel Meurisse trên Unsplash

Đó là khi mối quan hệ xuất hiện những vấn đề gây khó chịu, ví dụ người đó làm ra chuyện khiến bạn bối rối, chẳng hạn như ngoại tình hoặc quyết định đi nước ngoài một thời gian mà không nói cho bạn biết. Bạn bùng nổ, bạn tức giận, bạn choáng ngợp, bạn hoang mang. Cảm xúc của bạn lúc ấy vô cùng mạnh mẽ và có thể khiến bạn đưa ra quyết định làm bạn hối tiếc về sau.

Bằng cách tạm dừng mối quan hệ, cho nhau không gian và thời gian riêng, bạn có thể bình tĩnh lại và bắt đầu suy nghĩ cẩn thận hơn, như là:

“Liệu mình có đang quan trọng hóa vấn đề không?”

“Liệu mình có thể chịu được để tha thứ và bỏ qua cho người ta không?”

Một lý do khác khiến bạn muốn tạm dừng là khi bạn đang thấy mình đặt chân vào một bước ngoặt mới trong cuộc sống, không phù hợp để yêu đương lúc này. Ví dụ như bạn được thăng thức, thuyên chuyển sang chỗ làm mới hoặc bạn muốn tập trung phát triển bản thân hơn. Như vậy, việc tạm dừng sẽ cho bạn thời gian để tìm hiểu xem bạn có sẵn sàng bước vào mối quan hệ cam kết lúc này không.

Thêm một lý do nữa dẫn đến sự tạm dừng mà bạn khó thừa nhận: bạn thấy hai người không thực sự phù hợp với nhau nhưng vẫn muốn duy trì mối quan hệ vì bạn sợ cô đơn, bạn sợ mình sẽ không chịu được nếu không có người yêu. Lúc này, bạn nên nhấn nút “tạm dừng” mối quan hệ. Khi cho mình không gian và thời gian ở một mình, có thể bạn sẽ nhận ra mọi thứ không đáng lo sợ như bạn nghĩ.

Vài lời khuyên để bạn có khoảng thời gian tạm dừng suôn sẻ và hiệu quả

Đảm bảo mục đích tạm dừng của hai bên là lành mạnh

Hình ảnh được đăng tải bởi Aleksandr Popov trên Unsplash

Trước khi quyết định tạm dừng mối quan hệ, hai bạn phải đảm bảo tất cả xuất phát từ mục đích lành mạnh (cải thiện bản thân, giải quyết vấn đề để mối quan hệ tốt hơn). Nếu bạn không có ý tiếp tục mối quan hệ thì đừng chọn tạm dừng rồi im luôn. Hoặc nếu cả hai không nỗ lực cải thiện mối quan hệ trong thời gian tạm dừng thì dù sau này có tiếp tục, mối quan hệ cũng dễ dàng tan vỡ.

Tránh hành động theo cảm xúc

Nhiều người dễ đưa ra quyết định sau trận cãi vã nảy lửa, dẫn đến những lựa chọn và hành động thiếu sáng suốt của cả hai. Ví dụ nếu mối quan hệ đang cực kỳ căng thẳng mà bạn vội vàng muốn tạm dừng khi chưa thực sự nghĩ kỹ về lý do và cách thức sẽ kết nối lại sau đó thì tạm dừng chỉ khiến mối quan hệ thêm tồi tệ và nhanh đổ vỡ.

Vì vậy, trước khi bàn bạc với người ấy về quyết định tạm dừng, bạn hãy chậm lại, cho mình thời gian bình tĩnh để suy nghĩ kỹ nhé.

Lập kế hoạch tạm dừng

Trước khi bạn và người ấy nhấn nút tạm dừng mối quan hệ, hai bạn phải lên kế hoạch thật chi tiết. Đầu tiên là xác định rõ lý do để không lãng phí thời gian. Ví dụ hai bạn hy vọng điều gì sẽ thay đổi sau khi kết thúc tạm dừng? Không ghen tuông thái quá? Bớt nghĩ nhiều để tránh gây ra tranh cãi không đáng có?

Thứ hai là xác định thời gian tạm dừng. Một tuần? Hai tuần? Hay ba tuần? Theo các nhà tâm lý, ba tuần là mốc thời gian cơ bản để thiết lập. Vì sao? Bạn sẽ cần khoảng một tuần để cơ thể và tâm trí điều chỉnh, làm quen với việc không ở cạnh người yêu nữa. Sau đó một tuần để sắp xếp hoặc xác định cảm xúc, suy nghĩ của bạn. Rồi thêm một tuần để bạn đưa ra hướng đi tiếp theo cho mối quan hệ.

Tất nhiên đây chỉ là mốc cơ bản để bạn tham khảo. Bạn có thể rút ngắn hoặc kéo dài tùy thuộc vào tình trạng mối quan hệ hiện tại.

Đặt ra những quy tắc cơ bản khi tạm dừng

Không phải ai cũng có định nghĩa tạm dừng giống nhau. Có người cho rằng tạm dừng cũng giống chia tay tạm thời, vậy người đó được quyền đi chơi với người khác giới. 

Vì vậy, hai bạn cần đặt ra các quy tắc để đảm bảo cả hai có cùng chung quan điểm về tạm dừng mối quan hệ. Sau đó, hai bạn có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào bản thân và mối quan hệ, không phải lo lắng người kia có “xằng bậy” trong thời gian tạm dừng. 

Còn chuyện người kia có nghiêm túc thực hiện hay không thì lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Bạn có lo lắng cũng chẳng ích gì. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến.

Dành thời gian suy ngẫm

Nếu bạn thực sự quyết tâm giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ thì hãy đặt ra một số mục tiêu riêng cho lần tạm dừng này. 

Hình ảnh được đăng tải bởi The HK Photo Company trên Unsplash

Bạn có thể viết nhật ký, đọc sách hoặc tìm gặp các chuyên gia về mối quan hệ để nhận tư vấn. Ví dụ với viết nhật ký, bạn thử viết những gì đã xảy ra, nó khiến bạn thấy thế nào, và bạn muốn thay đổi điều gì trong tương lai. Bạn càng viết cụ thể càng tốt.

Khi bạn dành thời gian suy ngẫm, hãy cố gắng tìm ra những mặt khiến bạn thấy khó chịu ở những vấn đề bạn gặp phải trong mối quan hệ. Ví dụ bạn thích nấu ăn cho người ấy. Nhưng người ấy chẳng bao giờ chịu rửa bát mà bạn phải làm từ A đến Z. 

Đôi khi vì quá yêu mà người ta bỏ qua những tín hiệu không lành mạnh. Nhưng gốc rễ vấn đề lại đến từ các tín hiệu đó. Dành thời gian một mình suy ngẫm sẽ giúp bạn nhìn rõ những tín hiệu ấy, tìm ra lý do khiến bạn thấy khó chịu. Người ấy không chịu rửa chén bát có phải khiến bạn thấy người ấy không thực sự quan tâm đến bạn? Hiểu được gốc rễ vấn đề có thể giúp hai bạn cải thiện để tốt hơn.

Một phần khác của sự suy ngẫm là khám phá ra cách bạn xử lý việc xa nhau. Chuyện nhớ nhung người yêu là điều hợp lý: một người luôn ở cạnh bạn bấy lâu nay đột nhiên ít hiện diện đi. Tuy nhiên, nếu việc xa người ấy trong khoảng thời gian tạm dừng khiến bạn lo lắng, chán nản, bất an thì điều đó cho thấy bạn là người phụ thuộc vào mối quan hệ này.

Hãy cùng nhau quay lại để đưa ra quyết định

Sau khoảng thời gian tạm dừng mối quan hệ, hai bạn hãy cùng nhau quay lại như đã ước hẹn. Dù hai bên đưa ra quyết định như thế nào – tiếp tục mối quan hệ hay chia tay mãi mãi – thì hãy gặp mặt và cho nhau một cái thông báo rõ ràng, cụ thể. 

Những câu trả lời mà bạn tìm thấy trong lúc tạm dừng có thể không phải là điều mà một hoặc cả hai bạn thực sự mong đợi. Nhưng chúng lại là điều tốt nhất cho bạn vào thời điểm này.

Nguồn thông tin trong bài: Taking a Break in a Relationship: 6 Tips For Couples on a Break (womenshealthmag.com)

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Lựa chọn sống chung với người yêu: hãy xuất phát từ mong muốn của chính mình

Câu chuyện hôm nay không quá thiên về chữa lành mà là câu chuyện để SEBT có thể chia sẻ thêm với các bạn về vấn đề sống chung với người yêu. Bởi lẽ cũng nhiều bạn cảm thấy một bầu trời màu hồng khi bắt đầu ở chung, sau một thời gian thì lại như mớ hỗn độn, rồi quay qua trách nhau, và tổn thương nhau. Vì thế SEBT mong có thể mang đến cho bạn những góc nhìn để bạn có quyết định cho riêng mình và chịu trách nhiệm với mọi kết quả của quyết định đó. 

Y mới đi làm và vẫn đang thuê phòng ở ghép với bạn. Còn anh người yêu của Y đã ra ở riêng, bây giờ anh muốn Y sang sống chung với anh ấy.

Trước đây có một đợt Y bị ngã xe bong gân nên cùng sang ở với anh khoảng 1 tháng, và sau đấy có ở thêm vài tháng nữa. Nhưng Y vẫn thỉnh thoảng về phòng trọ của mình. 

Y nghe mọi người bảo nhau là không nên ở chung với người yêu vì người yêu sẽ nhanh chán và sẽ không muốn kết hôn với mình nữa (vì đã sống chung như vợ chồng rồi). Y muốn từ chối sống chung nhưng người yêu Y lại thấy buồn khi không sống cùng nhau. Y không biết phải làm sao để vẹn cả đôi đường.

Sống chung với người yêu

Sống chung với người yêu hay không là lựa chọn của mỗi người, không có câu trả lời đúng cho tất cả. Vì sống chung sẽ có nhiều câu chuyện với cách mở bài, thân bài và kết bài hoàn toàn khác nhau giữa các cặp đôi. Nếu đã quyết định sống chung thì bạn hãy tự hỏi mình nên sống với nhau như thế nào để không hối hận với quyết định đó.

Những câu nên hỏi

Hình ảnh từ Karolina Grabowska

Mỗi người chúng ta đều bắt đầu một hành động vì một kết quả nào đó. Vậy khi muốn sống chung, chúng ta thật sự nghĩ đến kết quả gì. Vì sao chúng ta lại lựa chọn sống chung với người yêu? Bạn và người yêu có ngồi nói chuyện với nhau rõ ràng về quan điểm sống chung của mỗi người chưa? Mình sẽ phân công công việc trong cuộc sống chung như thế nào, tài chính ra sao, nếu có mâu thuẫn thì chúng ta sẽ làm gì? Vì đó là một nơi mà hai người phải cùng vun đắp chứ không chỉ có từ một phía chăm sóc, một phía cho đi giống như lúc hẹn hò bình thường.

Trong chặng hành trình lâu dài ở mỗi người có xuất hiện hình ảnh đi cùng nhau chưa? Mình và người yêu nên liệt kê hết tất cả những lý do vì sao chúng ta muốn bắt đầu sống chung. Bởi hai cá thể đang ở hai không gian tự do, dẫu là có sợi dây liên kết tình yêu, nhưng bước đến việc sống cùng nhau thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ừ thì sẽ đẹp thời gian đầu đó, nhưng nếu cả hai chưa có nhiều góc nhìn về cuộc sống khi sống chung ở nhiều khía cạnh thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Mà nếu chúng ta chưa đủ vững, bạn và người yêu có thể gục ngã ngay lập tức.

Chúng ta cũng có thể nghĩ đơn giản là sống chung vì muốn trải nghiệm mà thôi, kết quả thế nào không quan trọng. Vậy thì bạn phải giữ vững tinh thần đó kể cả khi hai bên kết thúc, không còn sống với nhau nữa. Vì tất cả hiện thực cuộc sống của bạn như thế nào là do bạn quyết định, không nên đổ lỗi cho người khác hay đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Mong muốn gắn bó lâu dài

Việc sống cùng nhau cũng do một phần mong muốn gắn bó dài lâu với người kia. Nhưng mong muốn này đôi lúc bị cảm xúc chi phối, nên những câu chuyện diễn ra sau đó có thể làm mình và người yêu dễ dàng phản ứng thái quá, hay nghĩ đến chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. 

Vì thế ta cần một độ “chín” nhất định trong mình, trong người yêu về sự vận hành cuộc sống, về mối quan hệ và đặc biệt là nhân sinh quan, tức là cách chúng ta đón nhận, đối đãi với những sự việc diễn ra với mình. Nó giúp bạn được phần nào định hình việc sống chung cùng nhau phải có những rõ ràng từ ban đầu, để sống chung thật sự là cơ hội cho chúng ta hiểu và thấu cảm nhau hơn. Như thế sẽ tốt hơn là một sự dâng trào nhất thời của cảm xúc.

Học cách chấp nhận

Hình ảnh từ Ketut Subiyanto

Những điều diễn ra trong lúc hai người sống bên nhau mỗi ngày sẽ giúp bạn học cách chấp nhận, đánh giá xem khả năng bản thân giải quyết vấn đề của cuộc sống hai người thế nào, và phải làm gì để giữ lửa mối quan hệ sau những mâu thuẫn. 

Bạn có thể vỡ mộng, có thể có những bất ngờ, có thể có cãi vã, thậm chí có cả oán trách đến chán ghét. Thì giả sử mọi thứ bày biện “một cách xấu xí” ra như vậy đó, bạn có đủ bản lĩnh đối mặt không?

Lựa chọn và vì chính mình

Lựa chọn, tất cả đều là vì chính mình chứ không vì ai khác. Dẫu đó là cảm xúc muốn được ở gần người yêu hay đã rất lý trí suy xét mọi mặt thì đều phải thật sự do bạn muốn và dám chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Nếu bạn lựa chọn sống chung với người yêu theo trào lưu thì cũng do bạn quyết định. Hay bạn lựa chọn sống chung do không muốn làm người yêu buồn thì đó cũng xuất phát từ sự tự nguyện của bạn, bạn thấy điều đó xứng đáng để làm. Và một khi đã quyết định, bạn hãy có trách nhiệm với mọi lựa chọn của mình. 

Sống

Khi bạn sống, bạn có rất nhiều vai trò cần đảm nhiệm để chất lượng cuộc sống phù hợp với mong muốn của bản thân. Người yêu bạn cũng thế. Sống chung là sự kết hợp của hai cá thể, hai cuộc sống khác nhau, nên lại càng có nhiều thứ phải thỏa thuận rõ ràng, phải nỗ lực, phải hài hòa để cùng phát triển. Chắc chắn ai cũng muốn sống thật ngon lành, thật toả sáng cho cuộc đời mình. Nên khi bạn sống chung với người yêu là sẽ sống cho hai cuộc đời. Đây là lý do mà bạn cần suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn và chịu trách nhiệm với mọi lựa chọn của mình.

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Một nửa phù hợp sẽ đến rất bất ngờ, đó là vào lúc bạn đang yêu thương mình

Tình dục cũng dần được cởi mở hơn, mọi người cũng nghiêm túc tìm hiểu, quan tâm kiến thức làm sao để quan hệ an toàn, tìm hiểu chính mình, cũng như những diễn biến tâm lý của bản thân trong tình yêu. Bên cạnh đó, cũng không ít bạn vì tình dục mà cảm thấy tự ti với bản thân. 

T là nữ, 25 tuổi, T từng có người yêu nhưng chưa quan hệ bao giờ. Bạn trai gần đây nhất rất bất ngờ khi biết T chưa có lần đầu. T cảm thấy tự ti về chuyện này. Hiện tại T và bạn trai đã chia tay. T đang rất stress vì chẳng biết có phải bạn trai chán mình vì mình không đồng ý quan hệ hay không. 

Một người tự ti về chính mình có nhiều nguyên do. Thật ra điểm chạm đến tinh thần của mỗi người là khác nhau, nên việc cảm thấy buồn, vui, xấu hổ, tự ti diễn ra cũng rất đặc trưng ở từng người. Đơn giản vì hệ quy chiếu của mỗi người không ai giống ai, trong góc nhìn của mình tại thời điểm đó sự việc đó vô tình làm mình thấy không tin vào chính mình. 

Ngoài ra khi ngồi trên ghế nhà trường hay trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta ít có cơ hội được học, hiểu về mối quan hệ tình cảm, sự gắn kết giữa người với người, tình dục và tình yêu tách biệt với nhau hay kết hợp ra sao. Nên ai cũng cần va chạm một số chuyện nào đó, để rồi đi tìm câu trả lời “Vì sao lại thế, có phải do mình chưa tốt?”.

Mối quan hệ lâu dài

Mối quan hệ tình cảm lâu dài dựa trên nhiều yếu tố. Đó có thể là sự thấu hiểu; tôn trọng những gì thuộc về nhau; hệ thống giá trị niềm tin và đạo đức có điểm chung hay không. Nếu chỉ vì việc bản thân chưa quan hệ mà đối phương không thích mình nữa, thì mình và người đó đang có những góc nhìn, quan điểm trong cuộc sống khác nhau mà thôi. Chúng ta sẽ phù hợp với người mà có điểm giao về quan điểm sống với mình. 

Giá trị cũng như sự hấp dẫn của con người thể hiện ở việc người đó đối nhân xử thế thế nào, nỗ lực với cuộc sống ra sao, thấu cảm với những người khác mình; chứ không phải do việc quan hệ hay chưa quy định. Giả sử nếu tiêu chuẩn của đối phương là người phải có kỹ năng tình dục điêu luyện thì đó là lựa chọn của họ, chứ không phải do bản thân mình chưa đủ tốt. 

Hình ảnh được đăng tải bởi Cody Black trên Unsplash

Nếu chúng ta có cố gắng với người mà khác mình quá nhiều về giá trị niềm tin, quan điểm thì mình không thể đi xa được. Chúng ta cũng chẳng thể tận hưởng được hạnh phúc trong mối quan hệ. Sao chúng ta phải tự làm khổ mình và chạy theo tiêu chuẩn của người khác. Chúng ta phải là người yêu thương bản thân trước chứ không phải vì cái đánh giá của người khác mà ấn định mình như lời họ nói. 

Người yêu mình thật sự, người phù hợp với mình thật sự, họ sẽ biết nên làm gì để gìn giữ mối quan hệ, chứ không lấy lý do là em/anh không muốn quan hệ để dừng mối quan hệ. 

Lựa chọn của bản thân

Chúng ta rạng rỡ thế nào đều là do mình lựa chọn cả. Bản thân có sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần tốt thì tự nhiên mình sẽ tỏa sáng theo cách đặc biệt của mình. Chúng ta tự tin thể hiện mình là ai thật tự nhiên, thật chân thành thì khi gặp một người, họ thích mình, muốn đi với mình lâu dài thì đó là vì họ yêu con người của mình. 

Chúng ta không được dừng việc yêu thương chính mình. Mình không yêu mình thì làm sao người khác có thể yêu mình được. Những gì thuộc về chúng ta thì mỗi ngày ta hãy tự nhìn lại, tự cho mình lời cảm ơn với cơ thể đã đồng hành suốt những năm qua. Mình thấy chỗ nào chưa đẹp, mình có thể tìm hiểu những phương pháp để mình thay đổi, và sự thay đổi phải xuất phát từ mong muốn của mình chứ không phải của ai khác. 

Chúng ta có ước mơ, hoài bão, có dự định phát triển bản thân. Khi chúng ta nỗ lực cho điều đó thì sẽ thấy bản thân tuyệt vời làm sao. Sức hút của mỗi người đến từ sự tự tin với những gì thuộc về mình, từ sự làm chủ cuộc sống của mình.

Quan hệ khi đã sẵn sàng

Việc quan hệ của mỗi người phải có sự đồng thuận của cơ thể. Khi chúng ta chưa thấy sẵn sàng thì chưa quan hệ, vì chuyện tình dục không chỉ là thể chất mà còn tác động đến tinh thần, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Nếu mình không chuẩn bị kỹ càng thì mình quan hệ cũng chỉ làm tổn thương bản thân mà thôi. Vì sao chúng ta phải tự ti khi chúng ta chưa quan hệ nhỉ? Cuộc sống của mình do mình quyết định, cơ thể của mình thì mình biết nó đang như thế nào, và chỉ chúng ta mới có thể bảo vệ được bản thân tốt nhất.

Hình ảnh được đăng tải bởi Djim Loic trên Unsplash

Nếu ta quan hệ chỉ để thỏa mãn bạn tình thì cũng sẽ chẳng tận hưởng được hương vị ngọt ngào của tình dục, mà lại còn cảm thấy như mình đang phải ép buộc bản thân làm theo lời người khác điều mà mình chưa muốn, chưa sẵn sàng làm. 

Người yêu mình thực sự sẽ sẵn sàng lắng nghe cảm nhận của mình chứ không phán xét, không bỏ đi khi mình chưa muốn quan hệ. 

Đồng lòng

Mối quan hệ đã đi đoạn đường dài có thể sẽ thấy chán, nhưng bản thân mình và đối phương cần chậm lại, tìm xem mình nên làm gì để bước qua giai đoạn chán đó. Một người muốn buông tay thì mình có cố cũng chẳng làm gì, còn nếu cả hai đã đồng lòng thì chuyện gì cũng có thể vượt qua. 

Ai đến và đi cũng đều có ý nghĩa trong cuộc đời mình. Họ đến, họ có yêu mình nhưng rồi rời đi thì đó giống như một cách thông báo cho mình rằng người này chưa phải là người phù hợp với mình. Và ai đó đang đợi được gặp phiên bản đặc biệt của mình. Cứ thoải mái bước đi, chúng ta sẽ gặp được người ấy lúc bản thân không ngờ nhất và cũng là lúc bản thân tràn đầy sự yêu thương với chính mình.

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Liệu chúng ta có cần cả khoái cảm lẫn thân mật để chuyện làm tình được tốt hơn không?

Chúng ta thường nghĩ chuyện tình dục sẽ cực kỳ thỏa mãn khi có cả sự thân mật lẫn khoái cảm. Nhưng thực tế, hai yếu tố này không phải lúc nào cũng có mối liên hệ với nhau. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết một mối quan hệ thân mật có thể tiến triển tốt dù không có khoái cảm, và một mối quan hệ chỉ dựa trên khoái cảm vẫn hoạt động ổn khi không có sự thân mật.

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu hai khái niệm khoái cảm và sự thân mật, khám phá ý nghĩa của chúng và xem đời sống tình dục của chúng ta sẽ như thế nào khi chỉ có cái này mà không có cái kia.

Vậy chính xác thì chúng ta muốn nói gì khi nói về sự thân mật và khoái cảm?

Mỗi người sẽ có định nghĩa riêng về hai khái niệm này. Với SEBT, khi nói về sự thân mật là đang nói tới cảm giác gần gũi về mặt cảm xúc giữa hai hoặc nhiều người. Còn khi nói về khoái cảm là đang ám chỉ những thứ mang lại cảm giác dễ chịu – trong bối cảnh bài viết này là những thứ thuộc về thể chất và tình dục.

Thông thường nếu có liên quan tới tình yêu và tình dục thì hai khái niệm này luôn đan xen vào nhau. Chúng ta có thể xây dựng một mối quan hệ vừa đầy thân mật vừa nhiều khoái cảm. Ví dụ như quan hệ tình dục với người mà bạn yêu thương.

Nhưng chúng ta cũng có thể trải nghiệm khoái cảm mà không cần sự thân mật. Chẳng hạn như có mối quan hệ tình một đêm với người lạ gặp ở quán bar. Tương tự, chúng ta có thể trải nghiệm sự thân mật mà không cần đến niềm vui thể xác. Ví dụ khi chúng ta dành thời gian với một người bạn thân thiết nào đó.

Vậy có phải mối quan hệ nào cũng cần hai yếu tố này làm bệ phóng không? Và điều gì sẽ xảy ra khi một mối quan hệ đang thiếu cái này hoặc cái kia?

Hình ảnh được đăng tải bởi Clem Onojeghuo trên Unsplash

Để tìm hiểu, SEBT xin trích dẫn hai quan điểm trái ngược nhau về sự thân mật và khoái cảm.

Quan điểm đầu tiên là của Esther Perel, một nhà trị liệu tâm lý. Trong bài báo xuất bản năm 2016 với tựa đề The Mystery of Eroticism (Tạm dịch “Sự bí ẩn của chủ nghĩa khiêu dâm”), Perel đã phác thảo mối quan hệ giữa khoái cảm và sự thân mật:

“Sự thân mật sâu sắc không đảm bảo bạn sẽ có đời sống tình dục tốt đẹp”.

Cô giải thích ngay cả những cặp đôi/vợ chồng có tình cảm sâu sắc với nhau không phải lúc nào cũng trải nghiệm khoái cảm cùng nhau. Bởi cô tin vẫn còn thiếu sót một yếu tố là sự khiêu dâm – khêu gợi (eroticism).

“Đối với một số người, tình yêu và ham muốn không thể tách rời nhau; nhưng đối với những người khác, đôi khi hai điều ấy bị ngắt kết nối một cách không thể cứu vãn được. Sự quan tâm, lo lắng, bảo vệ và trách nhiệm nuôi dưỡng tình yêu có thể làm dập tắt ham muốn. Trên thực tế, đối với nhiều người, hưng phấn tình dục xuất phát từ việc không cảm thấy có trách nhiệm hoặc bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc. Gánh nặng tình cảm được giảm đi sẽ cho phép họ thấy tự do về mặt tình dục.”

Perel viết rằng một số người cảm thấy có trách nhiệm và quan tâm đến bạn tình đến mức họ khó tập trung vào trải nghiệm khoái cảm của chính mình. Do đó, mối quan hệ của họ là một mối quan hệ tập trung vào thân mật và yêu thương chứ không nhất thiết phải đòi hỏi tình dục. 

Mặt khác, cũng có những người thấy thoải mái hơn khi ở bên người mà họ không bị ràng buộc về cảm xúc.

Đôi khi điều này có thể là do sự xã hội hóa dựa trên giới tính (về mặt sinh học) xung quanh tình dục. Phụ nữ thường được cho là phải quan tâm đến nhu cầu của đối phương hơn nhu cầu của chính mình, và họ khó có thể thư giãn để trải nghiệm khoái cảm với bạn tình. 

Quan điểm thứ hai của nhà trị liệu tình dục Lisa Thomas đưa chúng ta đến với một khía cạnh khác về sự thân mật và khoái cảm. Cô tin rằng sự thân mật luôn tồn tại trong mọi kiểu quan hệ, dù là tình một đêm hay 1:1. 

Nhưng nó giống như một dải quang phổ với một đầu chỉ mức cao nhất của sự thân mật (chúng ta cực kỳ cởi mở, kết nối với bạn tình, tích cực khi tương tác với nhau) và một đầu là mức thấp nhất của sự thân mật (chúng ta khép kín, tự ti về mình, không có khả năng thân mật với đối phương).

Mặt khác, Thomas cũng tập trung vào một vấn đề tương tự như Perel. Đó là nhiều người thiếu tự tin về bản thân, thấy mình không đủ gợi cảm và đẹp đẽ. Thomas khuyến khích mọi người bỏ đi mọi cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ về tình dục; nắm lấy ham muốn của mình và luôn nghĩ mình xứng đáng được trải nghiệm sự thân mật và khoái cảm khi làm tình. 

Như vậy, SEBT đã dẫn ra hai quan điểm trái ngược về sự thân mật và khoái cảm chỉ để nói lên một điều rằng: 

Không có câu trả lời nào là chính xác và duy nhất cho câu hỏi: Liệu chúng ta có cần cả khoái cảm lẫn sự thân mật để chuyện làm tình được tốt hơn không?

Đối với một số người, sự thân mật và khoái cảm là điều kiện tiên quyết trong một mối quan hệ. Đối với những người khác, một trong hai quan trọng hơn cả, cái còn lại thì có cũng được, không có cũng không sao. 

Điều quan trọng là tự mỗi người xác định được đâu là điều khiến chúng ta thấy thỏa mãn và hài lòng nhất mà không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến xung quanh hoặc khuôn mẫu của xã hội. 

Cuối cùng, SEBT sẽ đưa ra vài gợi ý để làm tăng hai yếu tố khoái cảm và sự thân mật cho những ai đang cần.

Cách tăng sự thân mật trong mối quan hệ:

Hình ảnh được đăng tải bởi Priscilla Du Preez 🇨🇦 trên Unsplash

1. Tăng sự tin cậy. Điều này có nghĩa bạn phải giữ lời hứa với đối phương khi hứa hẹn sẽ làm điều gì đó; tôn trọng mong muốn của đối phương khi người ấy chia sẻ suy nghĩ của mình; chịu trách nhiệm cho hành động và lời nói của mình.

Khi người ấy biết mình có thể tin tưởng vào bạn, bạn sẽ trở thành người mà người ấy có thể tin tưởng. Và tin tưởng chính là yếu tố then chốt tạo nên sự thân mật.

2. Tìm thời gian để trò chuyện với nhau. Không phải là nói chuyện kiểu “Tối nay ăn gì?”, “Mai đi đâu chơi?” mà xa hơn, hãy nói với nhau về ước mơ, hy vọng, nỗi sợ hãi và mong muốn của bạn để tạo ra sự gần gũi sâu sắc hơn về cảm xúc và tinh thần.

3. Tận hưởng những trải nghiệm phi tình dục. Đừng chỉ chạm vào nhau khi quan hệ mà hãy thân mật cả những lúc không làm tình. Một cái ôm, nắm tay hoặc xoa lưng nhẹ nhàng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về mặt cảm xúc trong ngày. Và sự thân mật sẽ tăng lên khi hai người cảm thấy thoải mái về thể chất lẫn tinh thần.

Cách tăng khoái cảm trong mối quan hệ:

1. Loại bỏ quan hệ thâm nhập trong hoạt động tình dục. SEBT biết bạn sẽ thấy cấn cấn khi đọc đến đây. Nhưng nếu bạn luôn quan hệ mà bỏ qua dạo đầu hoặc chỉ xem nhẹ nó thì đã đến lúc cần thay đổi. 

Bạn hãy thử tập trung vào những hoạt động tình dục khác trừ thâm nhập để xem liệu bạn và bạn tình có thể tìm thấy khoái cảm không. Điều này giúp giảm bớt áp lực phải đạt cực khoái khi quan hệ thâm nhập, cho phép hai bạn khám phá những vùng nhạy cảm khác trên cơ thể mà cũng đem lại khoái cảm không kém. 

2. Khám phá các kiểu khoái cảm phi tình dục. Bạn hãy thử nghĩ xem có những hoạt động nào đem lại khoái cảm mà không gợi dục không? Ví dụ massage cho nhau? Chạy bộ hoặc tập yoga cùng nhau? Nấu một bữa ăn ngon? Hãy khám phá 5 ngôn ngữ khoái cảm, sử dụng cả 5 giác quan để tìm kiếm những điều phi tình dục mà vẫn mang lại khoái cảm cho cả hai bạn.

3. Quan tâm hơn đến sức khỏe tình dục. Đôi khi bạn không thấy khoái cảm khi quan hệ là vì hoạt động đó khiến bạn khó chịu. Ví dụ là cơn đau khi quan hệ, nỗi lo mang thai ngoài ý muốn, xuất tinh sớm, viêm âm đạo, rối loạn cương dương… Nếu bạn đang gặp những tình trạng này thì nên thăm khám bác sĩ để giải quyết mọi vấn đề bạn có thể gặp phải.

Nguồn thông tin từ: Do we need both intimacy and pleasure to have good sex? – Normal (itsnormal.com) 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link