Ta có nên quan hệ tình dục để thể hiện tình yêu với người ấy không?

Tác giả: .Ngưn.

Ở trường của em, nhiều bạn nữ muốn hoặc đã từng quan hệ tình dục. Họ giải thích đó như thể là một hành động tuyên bố với cả thế giới tình yêu của họ dành cho người thương. Cũng có người nói với em rằng họ muốn mất trinh trước khi vào đại học và em hơi sốc khi nghe vậy.

Em thực lòng không muốn quan hệ cho đến khi em trưởng thành hơn và không phải đang đi học. Từ những gì em quan sát, các mối tình thời đi học không kéo dài được lâu. Và em thì không muốn “ăn trái cấm” với một người sẽ không đi cùng mình trong thời gian dài.

Nhưng rồi em hẹn hò với một chàng trai. Tụi em có nói về chuyện quan hệ và em cảm thấy nếu muốn ở bên anh ấy thì em phải lên giường với ảnh. Thật sự em không thấy chuyện này đúng đắn lắm. Oke có thể khi yêu nhau, người ta cần quan hệ tình dục để thể hiện tình cảm và giữ một người ở bên mình. Nhưng em vẫn chưa sẵn sàng để vượt giới hạn.

Em nên làm gì đây?

Ảnh của Vitaly Gorbachev

Chào em,

Thực chất em không cần phải hoạt động tình dục cho đến khi em thấy sẵn sàng. Trinh tiết không phải là thứ em cần chạy đua với người ta để… mất. Sẽ không có giải thưởng nào trao cho em nếu em là người đầu tiên trong trường ăn trái cấm. Và cũng không có hình phạt nào giáng xuống người cuối cùng hoặc người không bao giờ quan hệ trong suốt những năm đi học.

Nếu em vẫn đang cân nhắc việc quan hệ với bạn trai hiện tại vì cảm thấy đó là cách duy nhất khiến anh ấy ở bên em, đã đến lúc em nên nhấn nút “tạm dừng” để suy ngẫm lại về mối quan hệ này.

Theo lời em tâm sự, chính bản thân em cũng cảm thấy chuyện này không đúng đắn lắm. Và chị khuyến khích em nên lắng nghe bất kỳ tiếng nói nội tâm nào vì đó là tiếng nói khôn ngoan. Quan hệ tình dục với ai đó vì em sợ đối phương sẽ rời bỏ em nếu em từ chối thì em chỉ đang quan hệ vì áp lực chứ không phải tự nguyện hay thích thú. Điều này cũng đồng nghĩa chuyện tình dục đang thiếu sự đồng thuận.

Một người yêu tử tế sẽ không muốn em làm bất cứ điều gì mà em chưa sẵn sàng hoặc không hào hứng. Nếu người ấy rời xa em, hoặc là vì hai em có nhu cầu khác nhau về tình dục (điều này hoàn toàn ổn), hoặc là vì người ta hẹn hò với em chỉ vì muốn lên giường với em và xem em như một nơi để đáp ứng nhu cầu sinh lý thay vì là một con người với giới hạn và mong muốn riêng (điều này không ổn chút nào).

Có một quan niệm ảnh hưởng đến suy nghĩ của em và bạn bè xung quanh là tình dục như một nghi thức tình yêu kỳ diệu, gắn kết hai người với nhau một cách sâu sắc.

Đúng là làm tình với ai đó có thể thay đổi một mối quan hệ, theo hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Nhưng cũng đúng là nhiều người đã quan hệ tình dục và không có bất kỳ thay đổi lớn nào trong mối quan hệ của họ. Lý do rất đơn giản: tình dục sẽ không làm cho ai đó yêu bạn. Nó không thể. Nó không có loại sức mạnh đó. Nó sẽ không khiến ai đó ở lại với bạn nếu đã muốn rời đi.

Và điều này cũng đồng nghĩa quan hệ tình dục không phải là bằng chứng cho thấy em yêu ai đó. Loại tư duy “tình yêu không có tình dục là tình đồng chí”, tình dục = tình yêu đã đẩy nhiều bạn trẻ hoạt động tình dục trước khi họ sẵn sàng và mong muốn. Hoặc tệ hơn, có người sử dụng loại tư duy này để lôi kéo người yêu quan hệ dù người ta không muốn. Đây thực sự là một điều vô cùng tồi tệ.

Cũng có ý kiến cho rằng tình dục là cách duy nhất để có được kết nối sâu sắc với một người. Đây cũng là một quan niệm sai lầm khác về mối quan hệ giữa tình dục và tình yêu. Tình dục chỉ là một trong nhiều cách giúp chúng ta thân mật với người khác mà thôi. Nếu em chưa sẵn sàng cho việc ăn trái cấm, em vẫn có thể làm nhiều điều khác để thấy gần gũi với người yêu về mặt tình cảm và thể chất.

Thêm một điều cũng cần nói rõ là mọi người gán khá nhiều ý nghĩa khác nhau cho hoạt động tình dục. Với một số người, tình dục bị ràng buộc rất nhiều khi nói đến tình yêu, và làm tình với ai đó là cách thể hiện tình cảm của mình. Những người khác thì theo đuổi tình dục với mong muốn có được khoái cảm, và tình yêu chẳng đóng vai trò gì lớn lao với họ. Lại có người xem tình dục là thứ để vui chơi qua đường, người thì coi đó là việc chỉ để làm với một người, lý tưởng nhất là người mà họ sẽ kết hôn.

Ảnh của Pixabay

Em có đề cập đến những cuộc tình ngắn ngủi thời đi học. Đúng là nhiều mối quan hệ, dù là ở thời cắp xách đến trường hay đến lúc cắp túi đi làm, đều không kéo dài được lâu. Và việc chúng ta có thoải mái khi quan hệ tình dục trong những cuộc tình ngắn ngủi đó không thì phụ thuộc vào ý nghĩa mà chúng ta gán cho tình dục.

Theo chị thấy, em không thích vượt quá giới hạn trong một mối quan hệ ngắn ngủi, và điều đó hoàn toàn ổn. Nhưng nếu có người bạn ngược lại với em, để bản thân tìm kiếm khoái cảm trong các cuộc tình qua đường, thì điều này cũng chẳng có gì bất thường.

Ý nghĩa mà mỗi người gán cho tình dục, không có cái nào tốt đẹp hơn hay xấu xa hơn những cái còn lại. Nó chỉ trở thành vấn đề khi em chọn nó vì em bị tác động từ người khác, sợ bị người khác đánh giá hoặc lựa chọn của em vi phạm pháp luật và ảnh hưởng xấu đến người khác (lên giường với người đã có gia đình chẳng hạn).

Lựa chọn đúng với người này có thể lại sai với người khác. Đó là lý do tại sao không có một quy tắc chính thức nào về thời điểm, cách thức và đối tượng mà chúng ta chọn quan hệ tình dục.

Mong rằng câu trả lời trên đây sẽ giúp em gỡ được phần nào tơ rối trong lòng.

Thân mến.

Nguồn thông tin từ: Scarletteen.

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tác giả: Ngo Thuy

Chia sẻ để thấu, để hiểu, để mở rộng khả năng chứa đựng của trái tim

Hôm nay là một bức thư về chuyện “yêu” chưa hòa hợp, và rồi dẫn đến cãi nhau của đôi bạn trẻ. Ai cũng khó mở lời nói lên quan điểm của mình. Liệu rằng chúng ta có thể tìm được điểm giao để mình phát triển mối quan hệ tích cực hơn không? 

Người yêu của D là người thích những vấn đề về tình dục. Những lúc rảnh rỗi, người yêu sẽ rủ D vào khách sạn để quan hệ. Nhưng tính D thì không quan tâm đến những chuyện này cho lắm (cụ thể là không thích quan hệ). Vì lần nào quan hệ xong D cũng bị đau (mặc dù anh vẫn làm nhẹ nhàng) nên từ đó D có cảm giác sợ khi “yêu”. 

D không biết làm sao để nói với người yêu rằng hiện tại trong mình mỗi lần nghe đến quan hệ là như muốn trốn đi. Vì thế mỗi lần ngồi nói chuyện với người yêu về chủ đề tình dục, hai người đều bất đồng quan điểm dẫn tới cãi nhau. 

D không muốn như vậy, D muốn thoát khỏi tâm lý sợ hãi tình dục  của mình và muốn gìn giữ mối quan hệ. 

Với câu chuyện của D, SEBT có đôi lời muốn chia sẻ như sau.

Hãy chia sẻ thật lòng cảm nhận của mình

Những cảm nhận đau đớn, khó chịu hiện có của bản thân về chuyện “yêu” nếu chúng ta chưa được chia sẻ thật lòng với đối phương thì sẽ cứ bị dồn nén lại, khiến cơ thể cảm thấy sợ mỗi lần nói đến chuyện tình dục, dù rằng bản chất tình dục chẳng có gì xấu cả. 

Đúng là chuyện quan hệ có những góc độ nhạy cảm, nhưng cảm nhận của mình như thế nào thì mình cần chia sẻ rõ ràng với đối phương, chứ nếu cứ cố gắng tìm cách nói giảm nói tránh thì đôi lúc sẽ trở thành một sự hiểu lầm khác. 

Hình ảnh từ Elina Fairytale

Ở đây không phải là bản thân trút giận hay mặt nhăn mày nhó nói về cơn đau của mình. Mà mình thật tâm nói với người yêu, ví dụ như anh ơi hiện tại mỗi lần quan hệ em thấy đau lắm, nó làm cơ thể em như co rúm lại, em phải gồng mình rất nhiều khi làm tình. Anh có thể cho em thời gian để cơ thể em ổn định, cũng như chúng mình hãy cùng tìm hiểu làm sao để quan hệ một cách mượt mà hơn và em không phải chịu những cơn đau này không? 

Đối với bất kỳ giới nào, nếu quan hệ thấy đau và không thoải mái thì cần chia sẻ với đối phương. Đừng giữ trong lòng và cố gồng mình chịu đựng.

Bên cạnh đó mỗi người cũng nên nói lên mong muốn rằng chúng ta hãy tôn trọng cảm nhận, góc nhìn của nhau về việc làm tình. Nó cũng giống như nhiều khía cạnh khác của mối quan hệ, không phải cứ yêu là hòa hợp liền. Mỗi người hy vọng cả mình và cả đối phương sẽ lắng nghe nhau nhiều hơn, thấu hiểu để dung hòa tốt hơn.

Nói rõ quan điểm

Có lẽ mình đau, nhưng đối phương thì làm tình có cảm giác rất tuyệt, nên người ấy có thể nói về những điểm tích cực của chuyện tình dục, còn mình do đau nhưng lại đè nén nên vô hình trung bản thân thấy việc làm tình chẳng có gì hay. Do đó, mình cần kiên định và thể hiện rõ ràng quan điểm của mình là cả hai nên chậm lại, tạm ngừng quan hệ, nói với đối phương cho mình thời gian để chữa lành những cơn đau, và mong người ấy đồng hành cùng mình trên chặng đường chữa lành ấy. 

Tiếp đến mình sẽ có những buổi nói chuyện chia sẻ nghiêm túc về quan điểm tình dục khi tâm thế mỗi người cảm thấy thoải mái và xứng đáng nói rõ ràng với đối phương, khi mình đã giải tỏa được những khúc mắc, những khó chịu trong lòng. 

Cả hai chiêm nghiệm lại tình dục đối với mỗi người quan trọng như thế nào trong mối quan hệ. Với người ấy thì họ đánh giá tình dục ở vị trí nào, còn với mình tình dục sẽ ở vị trí nào. Giả sử hai người thật sự lệch nhau thì cả hai có sẵn sàng vì nhau để dung hòa hay không, dung hòa trong sự thoải mái chứ không phải cố ép mình. 

Mình cãi nhau bởi dường như mỗi người đang cố gắng chứng minh mình đúng. Một mối quan hệ mà quá rạch ròi đúng sai thì nó dễ dẫn đến tâm lý thắng thua, vô tình sợi dây gắn kết giữa hai người lỏng dần. Nên chăng là mỗi người hiểu được dung lượng chấp nhận của mình, chia sẻ với nhau, để mình thấu được ranh giới vượt ngưỡng giới hạn của nhau, và bảo vệ mình, bảo vệ đối phương phù hợp nhất. Từ đó mình sẽ nhìn nhận lại được mối quan hệ một cách rõ ràng hơn.

Tìm hiểu tình dục sâu hơn

Mặt khác, bản thân nên tìm ra nguyên nhân khiến mình bị đau khi quan hệ. Bởi tình dục không nên gây đau đớn mà phải đem lại trải nghiệm thoải mái. Mình luôn bị đau mỗi khi quan hệ nghĩa là đang có vấn đề xảy ra mà mình cần tìm cách giải quyết triệt để chứ mình không thể cứ mãi tránh né. Khi giải quyết được rồi, có thể mình sẽ có cảm nhận khác về chuyện tình dục và cũng dễ dung hòa với nhu cầu của người yêu em hơn.

Bên cạnh đó mình cũng nên hiểu rõ về sự đồng thuận, sự giao tiếp rõ ràng khi có trải nghiệm làm tình. Điều này thật sự quan trọng để cả hai nâng đỡ nhau trong chuyện tình dục.

Thật ra vấn đề đau khi quan hệ rất hay gặp ở bạn nữ. Một mặt vì tâm lý, vì cơ thể chưa thể cởi mở với chuyện “yêu”. Nhưng cũng có thể liên quan đến sức khỏe thể chất, ví dụ do bạn nữ có tình trạng co thắt âm đạo. 

Co thắt âm đạo

Hình ảnh từ Elina Fairytale

Do bạn nữ gặp hiện tượng co thắt âm đạo, một trong những vấn đề tình dục mà phụ nữ có thể gặp phải và phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Đó là sự thắt chặt tức thời của các cơ xung quanh âm đạo khi có vật thể cố gắng thâm nhập, khiến cho việc “tiến vào” trở nên khó khăn, đau đớn hoặc thậm chí là bít lại không cho vào.

Phản xạ vô điều kiện này xuất hiện khi cơ thể cảm nhận sự xâm nhập ở mức khó chịu, đau đớn (dù mới chỉ tưởng tượng), đáng sợ hoặc nguy hiểm. Tâm trí có thể đã sẵn sàng nhưng cơ thể lại gào thét cấm vào. Hiện tượng này làm cả bạn nữ và partner thấy đau khổ và bất lực khi không thể hòa quyện thành một.

Để chữa được chứng này thì bạn cần sự giúp đỡ của các chuyên gia, bác sĩ. Họ sẽ kiểm tra thể chất của bạn nữ xem có đúng là đang mắc co thắt âm đạo không, rồi từ đó sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Khả năng chứa đựng của trái tim

Mỗi thời điểm chúng ta sẽ có khả năng chứa đựng khác nhau. Ví dụ như bản thân có thể không thích ăn khổ qua, nhưng vô tình một ngày lại ăn được một món rất ngon chế biến từ khổ qua, tình yêu với khổ qua trong mình bỗng nhiên thay đổi.

Có lúc mình muốn người yêu phải trùng lặp với mình về một số quan điểm trong công việc, trong không gian riêng của mỗi người. Tuy nhiên đến khi khác, mình sẽ thấy rằng mỗi người có một giá trị riêng, hệ tư tưởng riêng, và mình thích cái riêng của người ấy, nó chạm đến mình, nó làm mình yêu họ hơn. Hay câu nói nào đó của người ấy khiến mình được bừng tỉnh trong lúc cần ai đó vực dậy, mình lại thấy yêu và muốn tiến xa hơn.

Mình thấy thích hay không thích điều gì đó, hợp hay không hợp là do khả năng chứa đựng của trái tim mà thôi. 

Điều tuyệt diệu là trái tim ta có thể mở rộng tới mức vô cùng – vô lượng tâm – không có biên giới. Tâm ta có thể ôm trọn trời đất này và cả vũ trụ, nếu nó phá vỡ được ranh giới của cái tôi bé nhỏ. Nhưng chẳng cần phải đi hết cả thế gian này để trải lòng ra như biển như đất thì ta mới có thể ôm hết muôn loài. Hiểu mình, chấp nhận mình trước, chia sẻ cảm nhận thật của mình, để thấu, để hiểu, để mở rộng khả năng chứa đựng trái tim, để thấy rằng ai cũng đáng trân quý theo cách riêng. 

Thầy Minh Niệm

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Thế nào là cảm giác an toàn trong tình yêu?

Theo bạn, thế nào là cảm giác an toàn trong tình yêu? Là khi người ấy luôn khen ngợi bạn xinh đẹp dù bạn đang trong bộ dáng tơi tả? Là khi người ấy luôn tán thành và ủng hộ mọi quyết định của bạn?

Chúng ta thường cho rằng điều mình đang tìm kiếm trong tình yêu là một người luôn say mê và khen ngợi mọi mặt tốt đẹp của mình. Nhưng thực tế, ta lại thấy yên tâm hơn khi ở cạnh một người biết rõ lỗi lầm của ta nhưng vẫn có thể đối xử bằng sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn.

Chúng ta không muốn ai đó ca ngợi mình. Chúng ta cần người làm một chuyện khó khăn hơn: đó là nhìn thấu con người thật của chúng ta mà vẫn giữ nguyên tấm lòng yêu thương.

Hình ảnh từ Anna Pou

Khi nghe ai đó khen ngợi ta thật đáng yêu, thật giỏi giang, ban đầu ta có thể thấy vui sướng nhưng dần dà nó sẽ dẫn đến cảm giác lo lắng. Bởi chúng ta vốn không hoàn hảo, và người ấy sẽ sớm phát hiện ra những mặt xấu xí, yếu kém và phức tạp hơn bên trong chúng ta. 

Cuối cùng, chúng ta không còn muốn được ngợi khen, thay vào đó là muốn được chấp nhận con người thực của mình. Nghĩa là chấp nhận những mặt nóng nảy, ủ rũ, hiếu thắng, ghen tị, lo lắng, ngớ ngẩn, vụng về của chúng ta. Nghĩa là ai đó biết được những mặt này nhưng không bỏ chạy, không phỉ báng, không tức giận, không lên án chúng ta.

Đây mới là phần thưởng thực sự của tình yêu. Đây mới là điều mang lại cảm giác an toàn trong tình yêu. 

Điều dịu dàng nhất mà chúng ta có thể nghe được từ người yêu là chúng ta quái dị nhưng thú vị, ngớ ngẩn nhưng đáng yêu, nóng tính nhưng hoạt bát. Chúng ta muốn người ấy biết những mặt xấu xí đó xuất phát từ những nỗi đau và khó khăn trong quá khứ. Chúng ta đã phải đấu tranh rất nhiều để giúp bản thân trưởng thành hơn, tích cực hơn. Và giờ đây, chúng ta cần một người thấu hiểu, chứ không phải chỉ trích, để chúng ta có thêm động lực để hoàn thiện mình hơn.

Bất kỳ ai cũng có thể khen ngợi sự đáng yêu dịu dàng tốt tính của bạn khi mới yêu nhau. Nhưng phần thưởng đích thực của tình yêu là khi bạn tìm được một người biết rõ bạn tệ hại đến mức nào nhưng vẫn kiên nhẫn ở cạnh bạn để nhắc nhở rằng bạn đang cố gắng thế nào, và động viên bạn phát triển hơn, trưởng thành hơn. 

Lược dịch từ: What We Really, Really Want in Love – The School of Life

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

“4 kỵ sĩ khải huyền” khiến mối quan hệ bị đổ vỡ

4 kỵ sĩ khải huyền là một phép ẩn dụ được nhắc đến trong kinh thánh, sẽ mang đến ngày tận thế của trái đất. 4 kỵ sĩ đại diện cho chiến tranh, bệnh tật, nạn đói và cái chết.

Bài viết dưới đây sẽ sử dụng phép ẩn dụ này để chỉ 4 yếu tố trong giao tiếp mà có thể khiến mối quan hệ tình cảm của bạn bị rạn nứt và đổ vỡ. Đó là chỉ trích, xem thường, phòng thủ và lảng tránh.

Kỵ sĩ đầu tiên: Chỉ trích

Hình ảnh được đăng tải bởi Afif Ramdhasuma trên Unsplash

Yếu tố đầu tiên trong giao tiếp ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ là chỉ trích. Chỉ trích khác với việc đưa ra lời nhận xét hay phàn nàn. Chỉ trích nghiêng về tấn công cá nhân nhiều hơn; trong khi phàn nàn hay phê bình nhằm mục đích giúp đối phương nhận ra chỗ còn kém để sửa đổi. Ví dụ như:

Phê bình: Em thấy lo khi anh tới trễ nhưng không gọi gì cho em hết; em có gọi nhưng anh cũng không nghe máy. Em cứ tưởng anh gặp chuyện gì rồi. Em mong là lần sau, anh có tới trễ thì nhắn hay gọi cho em nói một tiếng nhé.

Chỉ trích: Anh có biết mỗi lần mình tới trễ mà không liên lạc được làm em lo thế nào không? Em không nghĩ anh quên mà chỉ là do anh ích kỷ, không bao giờ nghĩ tới cảm nhận người khác. Anh chả bao giờ quan tâm xem em thấy thế nào cả!

Cái nguy hiểm của chỉ trích là một mình nó không khiến mối quan hệ tan vỡ mà nó sẽ kéo theo “3 kỵ sĩ khác”. Đến khi 4 kỵ sĩ cùng xuất hiện thì ngày “tận thế” của mối quan hệ cũng tới.

Kỵ sĩ thứ hai: Xem thường

Hình ảnh được đăng tải bởi Ayo Ogunseinde trên Unsplash

Xem thường thể hiện ở việc mình đối xử thiếu tôn trọng với đối phương, chế nhạo người ấy bằng những lời mỉa mai; nhại lại giọng nói hoặc cử chỉ của đối phương để chế giễu. Mục đích của sự xem thường là để đối phương cảm thấy mình vô dụng.

Xem thường vượt xa cả sự chỉ trích. Nếu chỉ trích là công kích tính cách cá nhân thì sự xem thường nhấn sâu vào mặt đạo đức của họ. Ví dụ:

“Anh mệt hả? Có mệt như em không? Em đã phải trông con suốt cả ngày, chạy vạy như điên để con không phá phách. Còn anh thì chỉ việc đi làm về rồi ngồi phịch xuống cầm điện thoại chat chit chơi game thì than mệt cái gì? Có mệt bằng em không?”

Nghiên cứu thậm chí còn cho thấy những cặp đôi xem thường nhau có nhiều khả năng mắc bệnh truyền nhiễm (cảm lạnh, cúm…) hơn những cặp đôi khác do hệ miễn dịch suy yếu! 

Sự xem thường xuất hiện là do những suy nghĩ tiêu cực về đối phương cứ kéo dài âm ỉ. Và nó là dấu hiệu dự báo lớn nhất cho cái kết chia tay hoặc ly hôn.

Kỵ sĩ thứ 3: Phòng thủ

Phòng thủ thường là phản ứng trước những lời chỉ trích. Tất cả chúng ta đều ít nhiều có tính phòng thủ, đặc biệt khi các mối quan hệ đang gặp khó khăn. Nếu cảm thấy bị buộc tội oan, chúng ta thường tìm cớ bào chữa và đóng vai thành nạn nhân vô tội để đối phương phải rút lại lời nói.

Hình ảnh được đăng tải bởi engin akyurt trên Unsplash

Tiếc là cách làm này lại không có hiệu quả. Những lời bào chữa của chúng ta chỉ như muốn nói với người ấy rằng chúng ta không coi trọng ý kiến của người ấy và chúng ta sẽ không chịu trách nhiệm cho những lỗi sai của mình.

Ví dụ tình huống thế này:

A: Em đã gọi cho cái H để nói tối nay chúng ta sẽ không tới như đã hẹn chưa?

B: Hôm nay em rất bận, anh đâu biết lịch em bận đến mức nào đâu. Sao anh không làm giúp em? 

Người B ở ví dụ trên không chỉ phản ứng một cách phòng thủ mà còn đổ lỗi ngược lại cho người A. 

Nếu người B trả lời theo cách khác, không thể hiện sự phòng thủ mà cho thấy thái độ sẵn sàng nhận trách nhiệm, thừa nhận lỗi của mình và hiểu quan điểm người A thì mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều. Ví dụ như người B có thể trả lời là:

“Ôi em quên mất, lẽ ra sáng nay em nhờ anh làm chuyện đó giúp em do hôm nay em bận quá. Là lỗi của em. Em sẽ gọi cho cái H bây giờ luôn”.

Dù phản ứng phòng bị là chuyện dễ hiểu khi chúng ta thấy căng thẳng hoặc bị tấn công nhưng cách tiếp cận này chỉ làm mối quan hệ thêm xấu đi mà thôi. 

Kỵ sĩ thứ 4: Né tránh

Né tránh lại là một phản ứng xuất hiện khi bị xem thường. Thay vì đối mặt với vấn đề cùng nhau, họ lại né tránh bằng những hành động như tắt máy, không trả lời tin nhắn, phớt lờ, tỏ ra bận rộn… Chúng ta hay gọi là “chiến tranh lạnh”. 

Mà đã là chiến tranh thì sẽ không dễ kết thúc nhanh. Tình hình kéo dài càng khiến mối quan hệ thêm bế tắc khi vấn đề cứ nằm đó mà chẳng thể ngồi lại nói chuyện để giải quyết.

Thuốc giải độc cho 4 kỵ sĩ

Hình ảnh được đăng tải bởi Hannah Busing trên Unsplash

Việc bạn xác định được 4 kỵ sĩ đang hiện hữu trong những mâu thuẫn của mối quan hệ là bước cần thiết đầu tiên để loại bỏ chúng. Bước tiếp theo là tìm kiếm “thuốc giải độc” – tức những hành động tích cực để thay thế chúng. Dưới đây là một số gợi ý cho từng kỵ sĩ:

Kỵ sĩ chỉ trích

Thay vì: Công kích cá nhân

Hãy: Bắt đầu bằng một cái ôm, sau đó chia sẻ cảm xúc của mình, sử dụng đại từ chỉ bản thân (“em thấy…”, “anh nghĩ là…”) và hỏi ngược lại suy nghĩ của người ấy.

Kỵ sĩ xem thường

Thay vì: Xúc phạm hoặc chế nhạo đối phương

Hãy: Luôn ghi nhớ những điểm tích cực của đối phương và thường xuyên thể hiện sự biết ơn, đánh giá cao các mặt tốt đó.

Kỵ sĩ phòng thủ

Thay vì: Biến mình thành nạn nhân và đổ lỗi ngược lại cho đối phương

Hãy: Chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình và nói lời xin lỗi.

Kỵ sĩ né tránh

Thay vì: Lảng tránh, phớt lờ, gây chiến tranh lạnh

Hãy: Dám đối mặt với vấn đề. Nhưng trước đó bạn hãy nghỉ ngơi, dành thời gian làm điều gì đó để xoa dịu cơn giận trong bạn (đi dạo, tập thể dục, gội đầu dưỡng sinh), sau đó quay lại cuộc trò chuyện khi bạn thấy đủ bình tĩnh và đã sẵn sàng.

Nguồn thông tin từ: The Four Horsemen: Criticism, Contempt, Defensiveness, & Stonewalling (gottman.com)

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Sự quyến rũ của tâm trí trần trụi khi làm tình

Ta có thể dễ dàng cởi bỏ quần áo trước mặt ai đó nhưng chỉ đến khi ta bộc lộ sự trần trụi trong tâm trí thì đó mới là lúc ta thật sự trở nên quyến rũ.

Cho tới giờ, có 3 nỗi lo chính khi ta ân ái trên giường:

1. Nỗi lo cơ thể mình không đủ hấp dẫn.

2. Nỗi lo mình không đủ khỏe để khiến đối phương thăng hoa.

3. Nỗi lo kỹ thuật mình quá kém, không thể khiến đối phương đạt khoái cảm.

3 nỗi lo này phản ánh quan điểm cơ bản rằng tình dục chủ yếu là một hoạt động thể thao hoặc bộ môn aerobic mà đòi hỏi để trở thành người làm tình giỏi, cơ thể ta phải thật dẻo dai và linh hoạt.

Nhưng điều này lại có nguy cơ gây ra hiểu lầm rằng đó mới là cốt lõi của sự khêu gợi. Dù tình dục theo truyền thống sử dụng phần thân xác là chủ yếu nhưng khoái cảm tình dục lại xuất phát từ trong tâm trí nhiều hơn.

Bằng chứng là khi công nghệ phát triển, hai người dù cơ thể cách nhau nửa vòng trái đất vẫn có thể tạo ra sự khêu gợi đặc biệt và làm cho nhau “sướng”.

Trở thành một người làm tình giỏi thực chất là kỹ năng thuộc về tâm trí. Tình dục sẽ trở nên thú vị hơn khi nó hoạt động như một sự giải phóng những tưởng tượng hoặc ý tưởng trong suy nghĩ chúng ta. Chất lượng của một cuộc làm tình sẽ được nâng lên một tầm cao mới khi ta được phép thừa nhận và chia sẻ những mong muốn mà thường phải giấu kín, ví dụ như:

+ Ta mong muốn được kiểm soát và thống trị nhiều hơn.

+ Hoặc ta chỉ muốn được phục tùng trong ngoan ngoãn và yếu đuối.

Hình ảnh được đăng tải bởi DAVIDCOHEN trên Unsplash

+ Ta muốn hóa thân vào những nhân vật để thể hiện khát khao hoang dã của mình, ví dụ như chơi trò nhập vai bác sĩ và bệnh nhân…

+ Hoặc ta thú nhận rằng thứ khiến mình thấy “nắng” không nằm ở bộ phận sinh dục mà nằm ở những thứ “bên lề” như cổ tay, đôi tai, đôi giày hoặc chiếc quần tất.

+ Ta muốn lao thẳng vào người ấy và “ăn” một cách thô bạo chứ không phải nhẹ nhàng.

Sự quyến rũ là cảm giác phấn khích khi ta được giải phóng để thoải mái thể hiện cho nhau những mong muốn mà bị xã hội gán cái nhãn “cấm kỵ”. Sự khêu gợi nảy sinh từ một nơi an toàn mà ở đó, ta đủ tin tưởng để thể hiện với nhau một khía cạnh rất khác trong chúng ta so với ngày thường: có phần điên rồ và tàn nhẫn hơn.

Người làm tình giỏi không phải là người biết giữ cuộc “yêu” lâu dài trên giường mà là người khuyến khích ta thể hiện những mong muốn từ tận sâu trong tâm trí, đồng thời cũng rất thành thật về những sở thích riêng tư của mình.

Và đó là lúc hai tâm trí trở nên trần trụi với nhau.

Và đó là lúc ta mới thật sự trở nên quyến rũ.

Lược dịch thông tin từ: The Fear of Being Bad in Bed – The School of Life

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Biết ơn người bạn đời, để thấm chữ tình chữ nghĩa vợ chồng

Bức thư tâm tình mà một độc giả gửi đến SEBT chất chứa nỗi niềm của cặp vợ chồng đã trải qua nhiều giông bão của cuộc đời. Có lẽ giờ đây vợ chồng anh đang muốn có những điều mới trong mối quan hệ của mình. Tuy nhiên có những nút thắt hằn sâu trong tim mà cả hai đều chưa tháo gỡ được, nên anh muốn được giải bày, được có thêm góc nhìn để anh được nắm tay vợ anh đi tiếp với sự hạnh phúc. 

Anh và vợ anh đã yêu nhau được 8 năm rồi, nhưng đời sống tình dục của vợ chồng đang càng ngày càng đi xuống và dạo gần đây thì anh cảm thấy hơi khủng hoảng.

Khoảng vài năm đầu khi mới quen thì cả hai yêu xa, mỗi khi gặp nhau thì có quan hệ bình thường. Sau này khi vợ anh chuyển ra nước ngoài sống cùng với anh thì vợ chồng có thai ngoài ý muốn 1 lần. Vì chưa sẵn sàng nên cả hai quyết định chấm dứt thai kỳ và sau đó vợ anh đặt vòng IUD ngừa thai.  

Từ đó vợ chồng ít quan hệ hơn vì lần nào vợ anh cũng bị đau khi thâm nhập. Vợ anh nói cảm giác rất khó chịu. Sau một thời gian thì cả hai cũng quyết định tháo vòng nhưng vợ anh vẫn đau.

Việc quan hệ lại ít hơn nữa, và vợ anh cũng bắt đầu khó ướt hơn, cũng không có nhiều ham muốn quan hệ. Cộng thêm việc hai vợ chồng đang gặp khó khăn về mặt kinh tế nên cả hai lao đầu vào công việc. Cứ thế mọi thứ bị dòng đời hối hả cuốn trôi đi.

Từ đó đến nay cũng 4 năm, bây giờ 2 vợ chồng có nhiều thời gian bên nhau hơn và đang muốn có con nhưng mỗi lần quan hệ đều thất bại. Vợ anh bây giờ hoàn toàn không có ham muốn tình dục, anh cũng cố gắng kích thích nhưng có lẽ vì anh cố gắng quá nên thành áp lực khiến anh cũng không cương cứng được.

Vợ chồng anh cũng đã đi khám tổng quát, mọi thứ đều bình thường, nhưng quả thật cả hai đang rất hoang mang với bản thân, với mối quan hệ. 

Câu chuyện vợ chồng anh khiến SEBT cũng trăn trở nhiều, SEBT xin phép có đôi lời chia sẻ, hy vọng phần nào cho anh cũng như các bạn đang gặp trường hợp giống anh có thêm góc nhìn. Từ đó chiêm nghiệm lại mối quan hệ và có những bước đi cùng người bạn đời thấm đẫm yêu thương hơn. 

Việc quan hệ tình dục nên là điều làm mình thấy thoải mái

Việc quan hệ tình dục nên là điều mình thấy thoải mái khi làm chứ không phải cố gắng để hàn gắn những nỗi đau, những vết thương. Nó cũng không phải để mình quan hệ với sự gồng mình nhằm phát triển mối quan hệ, gồng mình cho ước muốn có con mà quên đi sự cảm nhận, dòng chảy cảm xúc bên trong mỗi người. Nếu không thì chuyện tình dục sẽ mãi xoay quanh một vũng lầy không thoát ra được. Vì chuyện tình cảm, sự lâu dài của hai vợ chồng còn nhiều khía cạnh khác chứ không chỉ đơn thuần xoay quanh việc quan hệ, mà đặc biệt là chỉ quan hệ thâm nhập mà thôi. 

Đi qua nhiều sóng gió cuộc đời ai cũng như một chiếc ly có quá nhiều cặn. Mình cứ mãi tiếp tục lao tới, tiếp tục khuấy động mà không tĩnh lặng thì dù có cố gắng làm gì, bản thân cũng cảm thấy rất khó khăn, thấy rất áp lực. 

Quan trọng là bây giờ mỗi người cần điều chỉnh lại nội tâm của mình, cần cảm nhận được sự hạnh phúc nơi chính mình, thì từ từ mình mới gắn kết sâu sắc với nhau hơn, và cơ thể thả lỏng với chuyện “yêu” hơn.

Có những cơn đau những tưởng là thể chất nhưng lại liên đới với tinh thần, cần được chữa lành

Việc mình quyết định chấm dứt thai kỳ trong quá khứ, chắc chắn mỗi người mỗi hoàn cảnh, đã cân nhắc kỹ càng mới thực hiện. Thật lòng đừng vì ánh nhìn áp lực từ xã hội mà oán trác chính mình vì điều này. 

Nhưng cơ thể của người phụ nữ sẽ có nhiều nỗi đau thể chất lẫn tinh thần trong thời gian đó và cả về sau mà vì đối phương, yêu chồng, vì cuộc sống của cả hai, người phụ nữ sẽ cố tình né tránh, cố tình kiềm lại mà chưa một lần được nói ra, được bày tỏ một cách thoải mái.

Hình ảnh được đăng tải bởi Andre Revilo trên Unsplash

Cộng với việc khi người vợ quyết định đặt vòng IUD, đây là biện pháp tránh thai hiệu quả, nếu là loại chứa nội tiết tố thì cơ thể của cô ấy sẽ có nhiều xáo trộn về nhịp sinh học, về cách đáp ứng với những cảm xúc của mình, và nhất là chuyện quan hệ. 

Quả thật người phụ nữ đã rất kiên nhẫn, đã rất nỗ lực cho mối quan hệ vợ chồng, nhưng có lẽ cô ấy đang bỏ quên bản thân, bỏ quên những nỗi lòng của mình, bỏ quên những điều mình khó chịu mà không dám nói. Chính vì thế mà cô ấy cứ mãi đau, cứ nghĩ đến chuyện quan hệ là thấy rất tổn thương, rồi dần dà không muốn nữa. Bây giờ lại thêm kế hoạch có em bé, trong khi những chất chứa trong lòng cô ấy chưa giải quyết thì thật sự rất khó để sinh linh đáng yêu xuất hiện. 

Một người thầy về thiền học, và phật học đã từng chia sẻ với SEBT, con cái là bạn tâm linh của bố mẹ. Nghĩa rằng khi bố mẹ có tâm an lành, an vui, tần số rung động nội tâm rung động ở mức cân bằng hoặc hướng dương, thì sẽ kết nối được với con cái từ lúc chưa hình thành đến khi tới cuộc đời bố mẹ.

Bản thân mỗi người cần cảm nhận được hạnh phúc nơi chính mình

Cả anh và chị đều rất rối ren với chính mình, với mối quan hệ của mình. Sao mình không thử cho nhau hành trình tìm về tâm thức, tìm về những kỉ niệm đã qua, cả buồn cả vui, cả những chất chứa mà chưa một lần dám đối diện, để rồi dám nói cho nhau nghe. 

Hiện tại cuộc sống anh chị đã ổn hơn, SEBT nghĩ là ổn hơn về mặt tài chính anh nhỉ, vậy thì mình hãy dành thời gian đi sâu vào tâm thức, tinh thần, mở rộng nhân sinh cùng nhau. Thay vì mình cứ chăm chú vào vết thương chuyện làm tình, cả anh và chị đang đi ngược lại với ánh sáng, đang nỗ lực lấy bóng tối ra khỏi trái tim mình, đang tự xoáy mình vào nỗi đau và vùng vẫy làm sao để mình hết đau. Điều mình cần làm tự hỏi làm sao để mình được hạnh phúc, chuyện hôn nhân được nở hoa.

Chính anh chị phải buông được những đoạn tơ rối rắm trong mình về chuyện “yêu”, về hình ảnh của mình với đối phương, về hình ảnh của chính mình, và chuyển sang xây dựng một nền tảng yêu thương để cảm nhận hạnh phúc, cảm nhận làn gió mới của mối quan hệ.

Gửi lời biết ơn đến bản thân, đến người bạn đời khi bản thân sẵn sàng

Hình ảnh được đăng tải bởi Elizabeth Tsung trên Unsplash

Cơ thể mỗi người đã trải qua rất nhiều sóng gió, rất nhiều thử thách mà có lẽ chúng ta chưa một lần ngồi xuống biết ơn vì sự nỗ lực của nó. Sự yêu thương bản thân không bao giờ là quá muộn, và luôn xứng đáng. Hai từ yêu thương nghe ngắn gọn là thế nhưng năng lượng lại rất đong đầy. Chúng ta có thể tìm hiểu thêm ý nghĩa của yêu thương để mình tìm ra ánh sáng cho con tim của mình. 

Chúng ta thường nghĩ nếu đã là vợ chồng thì không nhất thiết nói lời yêu thương quá nhiều. Tuy nhiên mỗi người đều là một phiên bản khác nhau ở mỗi thời điểm, cũng như chúng ta đã quyết định người ấy ở bên mình, thì quả thật gửi những lời biết ơn chân thành đến đối phương vì sự hiện diện, vì đã nắm tay nhau trong suốt hành trình vừa qua rất xứng đáng. Bởi trân trọng thì sở hữu, biết ơn thì thiên trường địa cửu.

Năng lượng của trân trọng và biết ơn sẽ khơi dậy những hạt mầm tích cực trong mỗi người. Nó sẽ xây dựng những hình ảnh rất tốt đẹp của bản thân, của đối phương trong ta, và chính mỗi người sẽ thăng hoa từ những điều bình dị, từ chặng đường mà mình đã đồng hành với nhau. Để rồi chúng ta sẽ tự nhiên mở lời mình “yêu” nhau anh nhé, em nhé một cách rất thân thương. Chậm rãi thôi ta ơi, không cần vội.

Cùng xây dựng 3 thứ quý giá

Tam bảo, 3 thứ quý giá trong mối quan hệ đó là chung người thầy hiền trí, chung nhóm bạn tốt, chung những quyển sách hay. Mỗi người dù đã là vợ chồng cũng cần có không gian riêng, còn điều để kết nối, để làm bền chặt cho mối quan hệ tình cảm vợ chồng là cùng xây dựng tam bảo. 

Cặp đôi chúng ta có thể tìm hiểu và tham gia những lớp phát triển về nhân sinh quan để bắt đầu mình hình thành một môi trường có chung người thầy hiền trí, chung nhóm bạn tốt, chung những quyển sách hay về cách mình mở rộng cái tuệ trong sự nhìn nhận cuộc sống. Lúc đó mình tự nhiên có sự đồng ngôn, đồng giá trị sống với người bạn đời. Điều này sẽ gieo những hạt mầm tốt cho mối quan hệ và đơm hoa thơm quả ngọt trong từng thời điểm chúng ta ở bên nhau.

Con cái sẽ đến vào thời điểm phù hợp

Có lẽ chuyện có con về mặt sinh học như một mặc định của xã hội về một gia đình đầy đủ, nhưng hãy hỏi chính mình rằng vì sao chúng ta muốn có con? 

Con cái sẽ đến với bố mẹ vào thời điểm phù hợp, vào lúc mà chính bố mẹ thấy rất hạnh phúc với cuộc sống này mà không lệ thuộc quá nhiều đến điều kiện ngoại cảnh. Em bé đáng yêu sẽ gõ cửa để làm đong đầy hơn cho bố mẹ, như một món quà tuyệt vời cho bố mẹ khi bố mẹ có một tâm thế bình an, an vui nhất với mọi điều diễn ra với chính mình. Khi ấy em bé sẽ đón nhận được tình thương thật sự từ bố mẹ, chứ không phải vì có em mà bố mẹ mới vui. Bố mẹ phải tự mình hạnh phúc thì khi em đến, niềm vui nhân lên nhiều hơn. 

Nếu có mong cầu thì hãy mong cầu làm sao bản thân có thể an yên với cuộc sống này, với những gì đang có, chứ đừng mong phải có điều kiện gì đó mình mới hạnh phúc. Hạnh phúc là điều mình cho phép xảy ra, không phải thứ mình mãi theo đuổi.

Người bạn đời đến với mình như một duyên lành. Biết ơn người bạn đời, để thấm chữ tình chữ nghĩa vợ chồng, để trưởng thành vì đã là của nhau, đã quyết định nắm tay nhau. 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link