Liệu chúng ta có cần cả khoái cảm lẫn thân mật để chuyện làm tình được tốt hơn không?

Tác giả: .Ngưn.

Chúng ta thường nghĩ chuyện tình dục sẽ cực kỳ thỏa mãn khi có cả sự thân mật lẫn khoái cảm. Nhưng thực tế, hai yếu tố này không phải lúc nào cũng có mối liên hệ với nhau. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết một mối quan hệ thân mật có thể tiến triển tốt dù không có khoái cảm, và một mối quan hệ chỉ dựa trên khoái cảm vẫn hoạt động ổn khi không có sự thân mật.

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu hai khái niệm khoái cảm và sự thân mật, khám phá ý nghĩa của chúng và xem đời sống tình dục của chúng ta sẽ như thế nào khi chỉ có cái này mà không có cái kia.

Vậy chính xác thì chúng ta muốn nói gì khi nói về sự thân mật và khoái cảm?

Mỗi người sẽ có định nghĩa riêng về hai khái niệm này. Với SEBT, khi nói về sự thân mật là đang nói tới cảm giác gần gũi về mặt cảm xúc giữa hai hoặc nhiều người. Còn khi nói về khoái cảm là đang ám chỉ những thứ mang lại cảm giác dễ chịu – trong bối cảnh bài viết này là những thứ thuộc về thể chất và tình dục.

Thông thường nếu có liên quan tới tình yêu và tình dục thì hai khái niệm này luôn đan xen vào nhau. Chúng ta có thể xây dựng một mối quan hệ vừa đầy thân mật vừa nhiều khoái cảm. Ví dụ như quan hệ tình dục với người mà bạn yêu thương.

Nhưng chúng ta cũng có thể trải nghiệm khoái cảm mà không cần sự thân mật. Chẳng hạn như có mối quan hệ tình một đêm với người lạ gặp ở quán bar. Tương tự, chúng ta có thể trải nghiệm sự thân mật mà không cần đến niềm vui thể xác. Ví dụ khi chúng ta dành thời gian với một người bạn thân thiết nào đó.

Vậy có phải mối quan hệ nào cũng cần hai yếu tố này làm bệ phóng không? Và điều gì sẽ xảy ra khi một mối quan hệ đang thiếu cái này hoặc cái kia?

Hình ảnh được đăng tải bởi Clem Onojeghuo trên Unsplash

Để tìm hiểu, SEBT xin trích dẫn hai quan điểm trái ngược nhau về sự thân mật và khoái cảm.

Quan điểm đầu tiên là của Esther Perel, một nhà trị liệu tâm lý. Trong bài báo xuất bản năm 2016 với tựa đề The Mystery of Eroticism (Tạm dịch “Sự bí ẩn của chủ nghĩa khiêu dâm”), Perel đã phác thảo mối quan hệ giữa khoái cảm và sự thân mật:

“Sự thân mật sâu sắc không đảm bảo bạn sẽ có đời sống tình dục tốt đẹp”.

Cô giải thích ngay cả những cặp đôi/vợ chồng có tình cảm sâu sắc với nhau không phải lúc nào cũng trải nghiệm khoái cảm cùng nhau. Bởi cô tin vẫn còn thiếu sót một yếu tố là sự khiêu dâm – khêu gợi (eroticism).

“Đối với một số người, tình yêu và ham muốn không thể tách rời nhau; nhưng đối với những người khác, đôi khi hai điều ấy bị ngắt kết nối một cách không thể cứu vãn được. Sự quan tâm, lo lắng, bảo vệ và trách nhiệm nuôi dưỡng tình yêu có thể làm dập tắt ham muốn. Trên thực tế, đối với nhiều người, hưng phấn tình dục xuất phát từ việc không cảm thấy có trách nhiệm hoặc bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc. Gánh nặng tình cảm được giảm đi sẽ cho phép họ thấy tự do về mặt tình dục.”

Perel viết rằng một số người cảm thấy có trách nhiệm và quan tâm đến bạn tình đến mức họ khó tập trung vào trải nghiệm khoái cảm của chính mình. Do đó, mối quan hệ của họ là một mối quan hệ tập trung vào thân mật và yêu thương chứ không nhất thiết phải đòi hỏi tình dục. 

Mặt khác, cũng có những người thấy thoải mái hơn khi ở bên người mà họ không bị ràng buộc về cảm xúc.

Đôi khi điều này có thể là do sự xã hội hóa dựa trên giới tính (về mặt sinh học) xung quanh tình dục. Phụ nữ thường được cho là phải quan tâm đến nhu cầu của đối phương hơn nhu cầu của chính mình, và họ khó có thể thư giãn để trải nghiệm khoái cảm với bạn tình. 

Quan điểm thứ hai của nhà trị liệu tình dục Lisa Thomas đưa chúng ta đến với một khía cạnh khác về sự thân mật và khoái cảm. Cô tin rằng sự thân mật luôn tồn tại trong mọi kiểu quan hệ, dù là tình một đêm hay 1:1. 

Nhưng nó giống như một dải quang phổ với một đầu chỉ mức cao nhất của sự thân mật (chúng ta cực kỳ cởi mở, kết nối với bạn tình, tích cực khi tương tác với nhau) và một đầu là mức thấp nhất của sự thân mật (chúng ta khép kín, tự ti về mình, không có khả năng thân mật với đối phương).

Mặt khác, Thomas cũng tập trung vào một vấn đề tương tự như Perel. Đó là nhiều người thiếu tự tin về bản thân, thấy mình không đủ gợi cảm và đẹp đẽ. Thomas khuyến khích mọi người bỏ đi mọi cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ về tình dục; nắm lấy ham muốn của mình và luôn nghĩ mình xứng đáng được trải nghiệm sự thân mật và khoái cảm khi làm tình. 

Như vậy, SEBT đã dẫn ra hai quan điểm trái ngược về sự thân mật và khoái cảm chỉ để nói lên một điều rằng: 

Không có câu trả lời nào là chính xác và duy nhất cho câu hỏi: Liệu chúng ta có cần cả khoái cảm lẫn sự thân mật để chuyện làm tình được tốt hơn không?

Đối với một số người, sự thân mật và khoái cảm là điều kiện tiên quyết trong một mối quan hệ. Đối với những người khác, một trong hai quan trọng hơn cả, cái còn lại thì có cũng được, không có cũng không sao. 

Điều quan trọng là tự mỗi người xác định được đâu là điều khiến chúng ta thấy thỏa mãn và hài lòng nhất mà không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến xung quanh hoặc khuôn mẫu của xã hội. 

Cuối cùng, SEBT sẽ đưa ra vài gợi ý để làm tăng hai yếu tố khoái cảm và sự thân mật cho những ai đang cần.

Cách tăng sự thân mật trong mối quan hệ:

Hình ảnh được đăng tải bởi Priscilla Du Preez 🇨🇦 trên Unsplash

1. Tăng sự tin cậy. Điều này có nghĩa bạn phải giữ lời hứa với đối phương khi hứa hẹn sẽ làm điều gì đó; tôn trọng mong muốn của đối phương khi người ấy chia sẻ suy nghĩ của mình; chịu trách nhiệm cho hành động và lời nói của mình.

Khi người ấy biết mình có thể tin tưởng vào bạn, bạn sẽ trở thành người mà người ấy có thể tin tưởng. Và tin tưởng chính là yếu tố then chốt tạo nên sự thân mật.

2. Tìm thời gian để trò chuyện với nhau. Không phải là nói chuyện kiểu “Tối nay ăn gì?”, “Mai đi đâu chơi?” mà xa hơn, hãy nói với nhau về ước mơ, hy vọng, nỗi sợ hãi và mong muốn của bạn để tạo ra sự gần gũi sâu sắc hơn về cảm xúc và tinh thần.

3. Tận hưởng những trải nghiệm phi tình dục. Đừng chỉ chạm vào nhau khi quan hệ mà hãy thân mật cả những lúc không làm tình. Một cái ôm, nắm tay hoặc xoa lưng nhẹ nhàng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về mặt cảm xúc trong ngày. Và sự thân mật sẽ tăng lên khi hai người cảm thấy thoải mái về thể chất lẫn tinh thần.

Cách tăng khoái cảm trong mối quan hệ:

1. Loại bỏ quan hệ thâm nhập trong hoạt động tình dục. SEBT biết bạn sẽ thấy cấn cấn khi đọc đến đây. Nhưng nếu bạn luôn quan hệ mà bỏ qua dạo đầu hoặc chỉ xem nhẹ nó thì đã đến lúc cần thay đổi. 

Bạn hãy thử tập trung vào những hoạt động tình dục khác trừ thâm nhập để xem liệu bạn và bạn tình có thể tìm thấy khoái cảm không. Điều này giúp giảm bớt áp lực phải đạt cực khoái khi quan hệ thâm nhập, cho phép hai bạn khám phá những vùng nhạy cảm khác trên cơ thể mà cũng đem lại khoái cảm không kém. 

2. Khám phá các kiểu khoái cảm phi tình dục. Bạn hãy thử nghĩ xem có những hoạt động nào đem lại khoái cảm mà không gợi dục không? Ví dụ massage cho nhau? Chạy bộ hoặc tập yoga cùng nhau? Nấu một bữa ăn ngon? Hãy khám phá 5 ngôn ngữ khoái cảm, sử dụng cả 5 giác quan để tìm kiếm những điều phi tình dục mà vẫn mang lại khoái cảm cho cả hai bạn.

3. Quan tâm hơn đến sức khỏe tình dục. Đôi khi bạn không thấy khoái cảm khi quan hệ là vì hoạt động đó khiến bạn khó chịu. Ví dụ là cơn đau khi quan hệ, nỗi lo mang thai ngoài ý muốn, xuất tinh sớm, viêm âm đạo, rối loạn cương dương… Nếu bạn đang gặp những tình trạng này thì nên thăm khám bác sĩ để giải quyết mọi vấn đề bạn có thể gặp phải.

Nguồn thông tin từ: Do we need both intimacy and pleasure to have good sex? – Normal (itsnormal.com) 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tác giả: .Ngưn.

Quãng nghỉ khi yêu: Có nên “tạm dừng” mối quan hệ không?

Bạn rất yêu người ấy. Nhưng hiện tại bạn thấy cần một chút không gian riêng để giải quyết vấn đề của mình hoặc giải tỏa nỗi bất an đâu đó trong mối quan hệ. Đây là lúc bạn cần quãng nghỉ trong chuyện tình cảm. 

Điều này không có nghĩa hai bạn sẽ chính thức chia tay mà chỉ là nhấn nút “tạm dừng” mối quan hệ trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó, bạn (hoặc cả hai) có không gian và thời gian cần thiết để đánh giá lại mối quan hệ và đưa ra được quyết định tốt nhất cho hai bên. 

Ở bài viết này, SEBT sẽ đi sâu vào chủ đề “quãng nghỉ trong mối quan hệ” và đưa ra vài lời khuyên để bạn “tạm dừng” đúng cách, mang lại hiệu quả cho hai bên.

Đầu tiên, việc tạm dừng mối quan hệ có đem lại hiệu quả không?

Khi bạn muốn tạm dừng nghĩa là mối quan hệ đang có vấn đề ở đâu đó. Thay vì chia tay vĩnh viễn, bạn chọn chỉ tạm dừng, như vậy bạn vẫn đang tìm cách để cải thiện mối quan hệ. Đây là một tín hiệu tích cực chứ không phải tiêu cực như nhiều người nghĩ.

Hơn nữa, khi bạn đang trong mối quan hệ thì khó mà nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan. Cho bản thân một chút không gian có thể giúp bạn xem xét mối quan hệ của mình từ một góc nhìn khác.

Như vậy, việc tạm dừng mối quan hệ nếu được thực hiện đúng cách sẽ giúp bạn nhìn mọi thứ rõ ràng hơn và sắp xếp lại cảm xúc của mình. Để từ đó, dù bạn đưa ra quyết định đi tiếp hay dừng lại (vĩnh viễn), bạn cũng không hối tiếc hay lấn cấn trong lòng.

Việc tạm dừng mối quan hệ có lành mạnh không?

Nó sẽ lành mạnh nếu cả hai bạn đều có động lực đúng đắn để thay đổi và sử dụng lần “tạm dừng” này như một cơ hội để hoàn thiện bản thân cũng như phát triển mối quan hệ hơn.

Ngược lại, việc tạm dừng sẽ không lành mạnh nếu nó được dùng như một kiểu trừng phạt đối phương hoặc một sự né tránh, muốn làm chệch hướng khỏi các vấn đề cần giải quyết (khi một trong hai không có ý định giải quyết).

Trong trường hợp này, việc tạm dừng chỉ mang lại lợi ích cho một người và gây tổn hại đến hạnh phúc của người kia.

Chia tay với tạm dừng có gì khác nhau?

Điểm khác biệt giữa chia tay và tạm dừng là với tạm dừng, bạn thường có ý định quay lại với nhau. Bạn tạm dừng để dành thời gian và không gian cải thiện, phát triển bản thân hoặc tìm cách giải quyết các khúc mắc trong mối quan hệ.

Ngoài ra, có một số cặp đôi muốn tạm dừng khi họ không đủ tinh thần hoặc thể chất để ưu tiên cho mối quan hệ vì dính mắc một số thứ khác quan trọng hơn ở thời điểm đó như chăm sóc bố mẹ bị ốm, mải lo cho công việc…

Tùy thuộc vào từng cặp đôi mà sự tạm dừng sẽ có cách thức khác nhau. Đó có thể là sự xa cách về thể xác, hạn chế nói chuyện hoặc thay đổi các “quy tắc” xung quanh mối quan hệ. Nhưng dù là gì thì điểm chung của việc tạm dừng chính là hai bạn thoát khỏi những thói quen hàng ngày khi yêu đương. Ví dụ bình thường một tuần gặp nhau 5 lần thì bây giờ sẽ không gặp nhau nữa, chỉ nói chuyện hỏi han 1, 2 lần.

Khi nào bạn cần tạm dừng mối quan hệ?

Hình ảnh được đăng tải bởi Manuel Meurisse trên Unsplash

Đó là khi mối quan hệ xuất hiện những vấn đề gây khó chịu, ví dụ người đó làm ra chuyện khiến bạn bối rối, chẳng hạn như ngoại tình hoặc quyết định đi nước ngoài một thời gian mà không nói cho bạn biết. Bạn bùng nổ, bạn tức giận, bạn choáng ngợp, bạn hoang mang. Cảm xúc của bạn lúc ấy vô cùng mạnh mẽ và có thể khiến bạn đưa ra quyết định làm bạn hối tiếc về sau.

Bằng cách tạm dừng mối quan hệ, cho nhau không gian và thời gian riêng, bạn có thể bình tĩnh lại và bắt đầu suy nghĩ cẩn thận hơn, như là:

“Liệu mình có đang quan trọng hóa vấn đề không?”

“Liệu mình có thể chịu được để tha thứ và bỏ qua cho người ta không?”

Một lý do khác khiến bạn muốn tạm dừng là khi bạn đang thấy mình đặt chân vào một bước ngoặt mới trong cuộc sống, không phù hợp để yêu đương lúc này. Ví dụ như bạn được thăng thức, thuyên chuyển sang chỗ làm mới hoặc bạn muốn tập trung phát triển bản thân hơn. Như vậy, việc tạm dừng sẽ cho bạn thời gian để tìm hiểu xem bạn có sẵn sàng bước vào mối quan hệ cam kết lúc này không.

Thêm một lý do nữa dẫn đến sự tạm dừng mà bạn khó thừa nhận: bạn thấy hai người không thực sự phù hợp với nhau nhưng vẫn muốn duy trì mối quan hệ vì bạn sợ cô đơn, bạn sợ mình sẽ không chịu được nếu không có người yêu. Lúc này, bạn nên nhấn nút “tạm dừng” mối quan hệ. Khi cho mình không gian và thời gian ở một mình, có thể bạn sẽ nhận ra mọi thứ không đáng lo sợ như bạn nghĩ.

Vài lời khuyên để bạn có khoảng thời gian tạm dừng suôn sẻ và hiệu quả

Đảm bảo mục đích tạm dừng của hai bên là lành mạnh

Hình ảnh được đăng tải bởi Aleksandr Popov trên Unsplash

Trước khi quyết định tạm dừng mối quan hệ, hai bạn phải đảm bảo tất cả xuất phát từ mục đích lành mạnh (cải thiện bản thân, giải quyết vấn đề để mối quan hệ tốt hơn). Nếu bạn không có ý tiếp tục mối quan hệ thì đừng chọn tạm dừng rồi im luôn. Hoặc nếu cả hai không nỗ lực cải thiện mối quan hệ trong thời gian tạm dừng thì dù sau này có tiếp tục, mối quan hệ cũng dễ dàng tan vỡ.

Tránh hành động theo cảm xúc

Nhiều người dễ đưa ra quyết định sau trận cãi vã nảy lửa, dẫn đến những lựa chọn và hành động thiếu sáng suốt của cả hai. Ví dụ nếu mối quan hệ đang cực kỳ căng thẳng mà bạn vội vàng muốn tạm dừng khi chưa thực sự nghĩ kỹ về lý do và cách thức sẽ kết nối lại sau đó thì tạm dừng chỉ khiến mối quan hệ thêm tồi tệ và nhanh đổ vỡ.

Vì vậy, trước khi bàn bạc với người ấy về quyết định tạm dừng, bạn hãy chậm lại, cho mình thời gian bình tĩnh để suy nghĩ kỹ nhé.

Lập kế hoạch tạm dừng

Trước khi bạn và người ấy nhấn nút tạm dừng mối quan hệ, hai bạn phải lên kế hoạch thật chi tiết. Đầu tiên là xác định rõ lý do để không lãng phí thời gian. Ví dụ hai bạn hy vọng điều gì sẽ thay đổi sau khi kết thúc tạm dừng? Không ghen tuông thái quá? Bớt nghĩ nhiều để tránh gây ra tranh cãi không đáng có?

Thứ hai là xác định thời gian tạm dừng. Một tuần? Hai tuần? Hay ba tuần? Theo các nhà tâm lý, ba tuần là mốc thời gian cơ bản để thiết lập. Vì sao? Bạn sẽ cần khoảng một tuần để cơ thể và tâm trí điều chỉnh, làm quen với việc không ở cạnh người yêu nữa. Sau đó một tuần để sắp xếp hoặc xác định cảm xúc, suy nghĩ của bạn. Rồi thêm một tuần để bạn đưa ra hướng đi tiếp theo cho mối quan hệ.

Tất nhiên đây chỉ là mốc cơ bản để bạn tham khảo. Bạn có thể rút ngắn hoặc kéo dài tùy thuộc vào tình trạng mối quan hệ hiện tại.

Đặt ra những quy tắc cơ bản khi tạm dừng

Không phải ai cũng có định nghĩa tạm dừng giống nhau. Có người cho rằng tạm dừng cũng giống chia tay tạm thời, vậy người đó được quyền đi chơi với người khác giới. 

Vì vậy, hai bạn cần đặt ra các quy tắc để đảm bảo cả hai có cùng chung quan điểm về tạm dừng mối quan hệ. Sau đó, hai bạn có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào bản thân và mối quan hệ, không phải lo lắng người kia có “xằng bậy” trong thời gian tạm dừng. 

Còn chuyện người kia có nghiêm túc thực hiện hay không thì lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Bạn có lo lắng cũng chẳng ích gì. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến.

Dành thời gian suy ngẫm

Nếu bạn thực sự quyết tâm giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ thì hãy đặt ra một số mục tiêu riêng cho lần tạm dừng này. 

Hình ảnh được đăng tải bởi The HK Photo Company trên Unsplash

Bạn có thể viết nhật ký, đọc sách hoặc tìm gặp các chuyên gia về mối quan hệ để nhận tư vấn. Ví dụ với viết nhật ký, bạn thử viết những gì đã xảy ra, nó khiến bạn thấy thế nào, và bạn muốn thay đổi điều gì trong tương lai. Bạn càng viết cụ thể càng tốt.

Khi bạn dành thời gian suy ngẫm, hãy cố gắng tìm ra những mặt khiến bạn thấy khó chịu ở những vấn đề bạn gặp phải trong mối quan hệ. Ví dụ bạn thích nấu ăn cho người ấy. Nhưng người ấy chẳng bao giờ chịu rửa bát mà bạn phải làm từ A đến Z. 

Đôi khi vì quá yêu mà người ta bỏ qua những tín hiệu không lành mạnh. Nhưng gốc rễ vấn đề lại đến từ các tín hiệu đó. Dành thời gian một mình suy ngẫm sẽ giúp bạn nhìn rõ những tín hiệu ấy, tìm ra lý do khiến bạn thấy khó chịu. Người ấy không chịu rửa chén bát có phải khiến bạn thấy người ấy không thực sự quan tâm đến bạn? Hiểu được gốc rễ vấn đề có thể giúp hai bạn cải thiện để tốt hơn.

Một phần khác của sự suy ngẫm là khám phá ra cách bạn xử lý việc xa nhau. Chuyện nhớ nhung người yêu là điều hợp lý: một người luôn ở cạnh bạn bấy lâu nay đột nhiên ít hiện diện đi. Tuy nhiên, nếu việc xa người ấy trong khoảng thời gian tạm dừng khiến bạn lo lắng, chán nản, bất an thì điều đó cho thấy bạn là người phụ thuộc vào mối quan hệ này.

Hãy cùng nhau quay lại để đưa ra quyết định

Sau khoảng thời gian tạm dừng mối quan hệ, hai bạn hãy cùng nhau quay lại như đã ước hẹn. Dù hai bên đưa ra quyết định như thế nào – tiếp tục mối quan hệ hay chia tay mãi mãi – thì hãy gặp mặt và cho nhau một cái thông báo rõ ràng, cụ thể. 

Những câu trả lời mà bạn tìm thấy trong lúc tạm dừng có thể không phải là điều mà một hoặc cả hai bạn thực sự mong đợi. Nhưng chúng lại là điều tốt nhất cho bạn vào thời điểm này.

Nguồn thông tin trong bài: Taking a Break in a Relationship: 6 Tips For Couples on a Break (womenshealthmag.com)

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Cương cứng không phải là dấu hiệu cho thấy sự đồng thuận

Mỗi khi nhắc đến các vụ cưỡng hiếp hay tấn công tình dục, chúng ta thường cho rằng thủ phạm là đàn ông còn nạn nhân là phụ nữ. Nhưng thực tế, số lượng nam giới là nạn nhân của quấy rối, lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp không hề ít. Thủ phạm có cả đàn ông lẫn phụ nữ.

Số lượng nữ giới cưỡng hiếp đàn ông phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy hoặc nghe trên tin tức, mạng xã hội. Bởi người ta không dám báo cáo vì xấu hổ hoặc sợ bị kỳ thị khi bị coi là “không phải đàn ông đích thực”. 

Khi phụ nữ quấy rối hoặc cưỡng hiếp đàn ông, họ thường ép buộc đàn ông cương cứng và thậm chí xuất tinh. Điều này khiến nam giới rất hoang mang bởi họ không hề muốn quan hệ nhưng cơ thể thì phản ứng ngược lại. Có người còn lấy hiện tượng này để vu cho họ là có sự đồng thuận chứ không hề bị cưỡng ép, là “đang thấy sướng gần chết mới cương lên chứ bị hiếp cái gì”.

Hình ảnh được đăng tải bởi Jon Tyson trên Unsplash

Lại nói thêm, chính vì hoang mang, bị cương trong ép buộc và đang bị đe dọa nên sinh ra hiện tượng cơ thể bị tê liệt, đông cứng hoàn toàn. Khi nạn nhân không chống cự lại nữa thì thủ phạm càng cho rằng nạn nhân đã đồng thuận và sẵn sàng tham gia vào hành vi quan hệ tình dục.

Thực chất, chỉ cương cứng thôi thì không có nghĩa người đó đã sẵn sàng hoặc muốn quan hệ tình dục. Cương cứng và xuất tinh là những phản ứng sinh lý thường không được kiểm soát một cách có ý thức. Chúng có thể xuất phát từ sự hưng phấn hoặc ham muốn nhưng đau đớn, sợ hãi hoặc lo lắng cũng làm đương sự cương lên. 

SEBT đã từng có bài viết nói về chủ đề phụ nữ “ướt” không có nghĩa là đang ham muốn.

Tương tự với đàn ông, cương cứng không đồng nghĩa là đang ham muốn hay đồng thuận quan hệ.

Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) chỉ ra rằng nam giới và phụ nữ đều có khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục như nhau. Tuy nhiên, hành vi tấn công tình dục đối với nam giới lại không được báo cáo đầy đủ, không được công nhận cũng như không được điều trị.

Theo dữ liệu của Mạng lưới Quốc gia về Hiếp dâm, Lạm dụng & Loạn luân (RAINN), cứ 33 đàn ông thì có 1 người từng bị tấn công hoặc bị cưỡng hiếp trong đời. Và cứ 10 nạn nhân bị hiếp dâm thì có 1 người là nam giới. Nhưng đây chỉ là những gì được báo cáo.

Thực tế nhiều nam giới không muốn báo cáo vì xấu hổ, sợ bị chế nhạo, sỉ nhục, bị coi là kẻ yếu đuối hoặc sợ không ai tin tưởng mình. Ngoài ra, nếu người hiếp dâm mình là đàn ông, nạn nhân lo ngại người khác sẽ nghi ngờ xu hướng tính dục của mình.

Hình ảnh được đăng tải bởi Andrik Langfield trên Unsplash

Từ vấn đề này, chúng ta hãy cùng điểm qua những quan niệm sai lầm về tính dục của nam giới:

+ Đàn ông luôn sẵn sàng tham gia vào hoạt động tình dục.

+ Chỉ khi thấy hưng phấn và ham muốn thì “cậu bé” sẽ cương cứng. 

+ Đàn ông mà không muốn quan hệ thì là bị bệnh hoặc bất thường.

+ Đàn ông chỉ bị cưỡng hiếp bởi những người đàn ông khác.

+ Đàn ông mà cương cứng thì nghĩa là đồng thuận quan hệ.

+ Xuất tinh là biểu hiện của sự thích thú khi quan hệ tình dục.

+ “Đàn ông đích thực” không bị tấn công tình dục.

+ Đàn ông thích làm chủ trong phòng ngủ.

Những quan niệm sai lầm này đã khiến cho quá trình xác định và nhận biết hành vi tấn công tình dục gặp khó khăn. Tình trạng cương cứng hoặc xuất tinh khiến cuộc tấn công gây tranh cãi, bởi không ít người cho rằng nạn nhân chắc chắn đã bị kích thích hoặc ít nhất là thấy thỏa mãn tình dục ở một khía cạnh nào đó.

Ngay cả trong liệu pháp tâm lý, nhà trị liệu đôi khi đặt câu hỏi liệu nạn nhân có thực sự bị cưỡng hiếp hay không. Những thái độ và hành vi này thường khiến nạn nhân cảm thấy bị coi thường và bị hạ thấp.

Do đó, nam giới thường không nhận được sự hỗ trợ về mặt y tế, pháp lý hoặc tinh thần như là nữ giới trong các vụ tấn công tình dục. Điều này sẽ kéo dài sự đau khổ và tổn thương của nạn nhân do chấn thương tâm lý.

Hy vọng chúng ta sẽ xóa bỏ được cái nhìn định kiến giới lỗi thời rằng đàn ông thường là thủ phạm độc ác còn phụ nữ chỉ là nạn nhân bất lực. Bất cứ giới nào nếu phải quan hệ tình dục khi không có sự đồng thuận thì đều là nạn nhân cả. Và thủ phạm có thể là bất kỳ ai trong chúng ta.

Lược dịch từ bài viết: An Erection Is Not Consent | Psychology Today

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Chưa có người yêu thì nên trải nghiệm quan hệ tình dục với gái ngành không?

Đến một độ tuổi, mỗi người sẽ có sự phát triển mong muốn trong tình dục, sẽ tìm kiếm cho mình những điều mình thích, những điều phù hợp với mình. Trong quá trình phát triển đó chúng ta không chỉ dừng lại ở việc “muốn” mà còn nên cân nhắc, phân tích nhiều khía cạnh để thực hiện điều mình “muốn” một cách an toàn. Trong tình dục, mỗi cơ thể sẽ mong được xúc chạm theo những cách khác nhau, quan trọng nhất là chúng ta cần chậm rãi xem xét câu chuyện về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần trước khi bắt đầu quan hệ. 

T năm nay 22 tuổi, là nam chưa có người yêu. T rất muốn trải nghiệm cảm giác tình dục với người khác giới. Dạo gần đây T có tìm hiểu về dịch vụ gái ngành. Nhưng T cũng đắn đo về sự không an toàn khi dùng dịch vụ đi kèm với nhiều hậu quả khác. T không biết phải làm sao khi muốn trải nghiệm tình dục nhưng phải trong an toàn, ngặt nỗi điều kiện hiện tại chưa cho phép (không có người yêu). 

Thật ra mọi người sẽ dễ dàng nghĩ, nếu bản thân đã thấy quan hệ với người khác không an toàn thì sao phải quan hệ. Câu trả lời đã quá rõ, đúng không? Tuy nhiên đôi lúc trong thâm tâm, cái mình muốn và những phân tích lý trí lại lẫn vào nhau, làm ta không thể phân định được nên làm gì cho đúng. Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta cần giao tiếp. Mỗi lần giao tiếp, chia sẻ với người khác là chúng ta đang sắp xếp lại dòng suy nghĩ của mình, để rồi tự có câu trả lời phù hợp cho bản thân trong mọi vấn đề. 

Mong muốn

Hình ảnh được đăng tải bởi Noah Silliman trên Unsplash

Khi cơ thể mình thật sự muốn làm gì đó, nó sẽ kích thích bản thân làm cho bằng được, vì đó là một trong những cơ chế để cơ thể phát triển. Nhưng đôi lúc vì quá hướng đến mục tiêu, chúng ta lại dễ dàng bỏ quên những điều nhỏ bé mà giúp chúng ta nhận ra rằng dường như mình cần chậm lại, đừng vì quá muốn thỏa mãn sự khát khao trong người mà khiến bản thân không an toàn. Tất nhiên cũng sẽ có lúc chúng ta vẫn quyết tâm làm, để đến khi vấp ngã thì mới tự nhận ra có những cách làm hiệu quả hơn. Tất cả đều là quá trình chúng ta lớn và trưởng thành. 

Trong tình dục mỗi người cũng sẽ có những mong muốn khác nhau, muốn được trải nghiệm những hình thức khác nhau. Ở một lúc nào đó, cơ thể tự nhiên rất rạo rực, rất muốn quan hệ, rất muốn được cảm nhận sự thăng hoa. Những dòng chảy này hoàn toàn tự nhiên, không ai có thể phán xét đúng sai ở đây. 

Chỉ là việc mình thỏa mãn sự mong muốn của bản thân trong tình dục thì không dừng lại ở việc thoả mãn rồi xong. Bởi nó còn liên quan đến nhiều câu chuyện về sức khỏe thể chất, tinh thần mà nếu mình không có những góc nhìn, kiến thức cơ bản thì sẽ dễ đưa mình đến rủi ro mà mình không kiểm soát được. 

Tự hỏi bản thân

Việc mình muốn trải nghiệm quan hệ tình dục là chuyện bình thường theo sự phát triển tự nhiên của cơ thể. Trước khi quan hệ với bất kỳ ai, chúng ta phải tự hỏi mình:

1/ Bả thân đã có những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, sức khoẻ tình dục, việc ngừa thai và các bệnh STIs hay chưa? 

2/ Nếu mình chưa có người yêu, mình muốn quan hệ với bạn tình để trải nghiệm thì cũng nên tự hỏi rằng mình muốn quan hệ tình dục kết hợp tình yêu hay bản thân có thể tách biệt tình yêu và tình dục? Có thể bạn sẽ chưa thể trả lời được ngay. Vậy giả sử bạn quan hệ với người mình không yêu thì sau này có người yêu, bạn có thể chia sẻ điều này với người yêu không? 

3/ Giả sử bạn chấp nhận quan hệ với người mình không yêu chỉ để trải nghiệm cảm giác quan hệ tình dục thì có 2 phương thức: “ăn bánh trả tiền” hoặc FWB. Với “ăn bánh trả tiền”, bạn có thể mua bằng tiền. Với FWB, ngoài tiền ra, bạn còn phải bỏ tâm sức và sự đồng thuận giữa hai bên. Về mặt rủi ro thì hai bên có thể ngang nhau. Bạn cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn. Hoặc bạn có thể dùng đồ chơi tình dục để giải tỏa ham muốn quan hệ mà lại rất an toàn, không sợ rủi ro nào.

Hình ảnh được đăng tải bởi Zhu Liang trên Unsplash

4/ Việc mình quan hệ với người khác thì cần có sự đồng thuận, đó là đồng thuận của chính mình, là mình sẵn sàng quan hệ và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Tiếp đến là đồng thuận dù có dùng biện pháp bảo vệ về ngừa thai và ngừa STIs thì vẫn có rủi ro xảy ra. Thì giả sử có mang thai ngoài ý muốn hay bị nhiễm STIs thì bạn sẽ làm gì? Nếu bạn trả lời được và chấp nhận giải pháp mình đưa ra thì hẵng quan hệ.

5/ Trước khi bắt đầu quan hệ, chúng ta nên kiểm tra sức khoẻ, tình trạng nhiễm STIs của mình và bạn tình. Sau đó cả hai chia sẻ tình trạng sức khoẻ của nhau, rồi mình lại tiếp tục hỏi là bản thân có đồng ý quan hệ với đối phương hay không. Giả sử bạn quan hệ với người không quen biết và họ không đồng ý chia sẻ tình trạng sức khỏe của họ với mình thì bạn có chấp nhận không? 

Chúng ta nên tự hỏi và có câu trả lời cho bản thân về những vấn đề trên. Khi bạn đã rõ ràng thì cứ lựa chọn theo mong muốn của bạn, và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi hành động, mọi quyết định của mình là được.

Lựa chọn quan hệ tình dục như thế nào là sự khác nhau ở mỗi người. Và trước khi bắt đầu quan hệ, chúng ta nên tự hỏi bản thân là đã thật sự sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình chưa?

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Hợp nhau chuyện ấy và tiến đến hôn nhân, chúng ta nên cân nhắc thế nào cho phù hợp?

X năm nay 28 tuổi. X và bạn trai rất hợp chuyện ấy. Nhưng có một vấn đề lớn là X đã sẵn sàng cho việc lập gia đình và sinh con nhưng bạn trai thì đang có công việc không ổn định. X băn khoăn là có nên tiếp tục mối quan hệ này hay không. Vì nếu tiếp tục chỉ vì yêu và hợp nhau khoản giường chiếu nhưng không có tương lai thì có nên không. Làm như vậy có phải là đang làm mất thời gian của cả hai không vì hai người cũng không còn nhỏ tuổi. Nếu X chọn dừng lại vì bạn trai thất nghiệp, không phải là đối tượng lý tưởng để lấy làm chồng thì như vậy có phũ quá không. Giữa tình cảm và tương lai, X không biết phải chọn như thế nào.

Thông qua câu chuyện của X, SEBT xin chia sẻ đôi điều để chúng ta có thêm góc nhìn và tự có cho mình quyết định phù hợp nếu cũng đang ở trong hoàn cảnh như X. 

Hôn nhân

Mình và đối phương thật sự có thể tiến đến hôn nhân hay không thì tự mỗi người hỏi chính bản thân rằng mình cần làm gì, mình phải làm gì và có thể làm gì cho cuộc đời của nhau. Hôn nhân là chặng hành trình mới của mỗi người, có nhiều câu chuyện mà mình phải đương đầu, có nhiều khía cạnh mà mình cần cùng nhau phát triển. Ví dụ một vài điều dưới đây: 

+ Về tài chính, hai bên đã kế hoạch làm sao để đủ tài chính xây dựng tổ ấm chưa? (có thể hiện tại mình chưa có công việc ổn định nhưng mình có kế hoạch rõ ràng cho tương lai)

+ Làm sao để hoà hợp về quan điểm sống của nhau?

+ Sự đồng thuận về việc có con hay không giữa hai người thế nào?

+ Cách đón nhận những điểm khác nhau giữa hai con người từ trước đến giờ ra sao? Và tương lai, bạn nghĩ mình sẽ làm gì khi nhiều khía cạnh khác của nhau được thể hiện ra nhiều hơn?

+ Cách hài hoà giữa hai bên gia đình, bạn và đối phương đã từng ngồi bàn bạc với nhau chưa?

Hình ảnh được đăng tải bởi Jonathan Borba trên Unsplash

Hay có nhiều tiêu chí khác nữa, mà bản thân mình cần liệt kê ra mình muốn gì để có một gia đình nhỏ hạnh phúc, đầy đủ, ấm no cả thể chất lẫn tinh thần. Khi mình hiểu rõ bản thân mình, mình nói chuyện với đối phương, lắng nghe nhau để biết liệu rằng cả hai có đang cùng nhìn về một hướng cho tương lai của nhau không. Sau nhiều buổi chuyện trò, chúng ta sẽ tự trả lời được rằng người đó có phải là người mình muốn kết hôn không.

Chấp nhận

Yêu nhau, đến với nhau là một chuyện, bước sang một giai đoạn phát triển mới cùng nhau thì cần chúng ta phải trải qua nhiều việc, tự vấn bản thân để biết mình có nên tiếp tục mối quan hệ như thế nào. Hợp tan, tan hợp là việc hết sức bình thường. Mình yêu nhau, đi lâu dài hay có chia tay thì tất cả đều đáng được trân trọng vì những gì đã có với nhau, vì những giây phút chúng ta trọn vẹn cùng nhau. 

Vì sao chúng ta quyết định bước vào mối quan hệ tình cảm với đối phương? Lý do đó có đủ cho mình động lực để tiếp tục đi lâu dài hơn cùng nhau trong tương lai không? Sau khi ngẫm nghĩ thật kĩ, bản thân sẽ biết mình nên làm gì. 

Chẳng ai bắt buộc yêu là phải cưới cả. Tất nhiên sẽ có bạn rõ ràng rằng: “Tôi muốn yêu để đi đến hôn nhân” nhưng cũng vẫn tồn tại những người mà họ: “Tôi muốn yêu trước đã, chứ không lấy hôn nhân làm áp lực”. Vì giai đoạn yêu và giai đoạn kết hôn sẽ hoàn toàn khác nhau. 

Mỗi người có những quy chuẩn nhất định cho mối quan hệ giữa yêu và cưới: hoặc là yêu để cưới, hoặc là yêu rồi cưới, hay yêu là yêu và chỉ cưới khi thấy phù hợp. Bên cạnh đó, không có một quy định nào là đến độ tuổi đó thì mình phải yêu để cưới. Mỗi người có hệ quy chiếu và mục tiêu cuộc sống khác nhau. Làm những gì mà mình thấy mình được thoải mái nhất, được sống cho chính mình là tốt rồi. 

Và chính mình cũng cần làm rõ quan điểm về tình yêu, hôn nhân hay độ tuổi kết hôn của mình. Hãy chậm lại, lắng nghe chính mình rồi chúng ta sẽ có câu trả lời phù hợp. 

Người bạn đời

Mỗi người có những mong muốn khác nhau về người bạn đời của mình. Có thể một số bạn ưu tiên chuyện hoà hợp giường chiếu, song song đó họ cũng biết rõ cần làm gì để phát triển mối quan hệ dài lâu với người ấy, vì họ và đối phương đã nói chuyện với nhau nhiều, đã hiểu mình cần gì, mình thích gì, và quyết định nắm tay nhau đi tiếp. Nhưng cũng có bạn ưu tiên gắn kết về mặt tinh thần, gắn kết về giá trị sống, mục tiêu sống để quyết định một người sẽ trở thành bạn đời của họ. Sau đó mới đến sự hoà hợp trong tình dục. 

Người bạn đời sẽ đi cùng mình nhiều chặng đường trong cuộc đời, nên khi trong mối quan hệ, mình cũng sẽ tự nhìn thấy nhiều dấu hiệu rằng liệu người ấy có phải là Mr/Ms. Right hay không. Khi muốn gắn bó với một người lâu dài, mình cần suy xét nhiều khía cạnh mà mình thấy quan trọng cho việc phát triển hai cuộc đời cùng nhau. 

Hình ảnh được đăng tải bởi zelle duda trên Unsplash

Một điều mà mọi người thường bỏ qua đó là nền tảng tình bạn của mình và người bạn đời. Nếu chúng ta bỏ qua tất cả các yếu tố từ ngoại hình, tài chính, tình dục, môi trường sống, giới tính, chúng ta hãy tự hỏi bản thân mình có muốn chơi, muốn làm bạn với đối phương hay không. Khi câu trả lời là không, vậy thì bản thân đừng nên tiến tới hai chữ bạn đời cùng họ. 

Bạn đời, trong từ ngữ đã ánh lên chữ “bạn”. Chúng ta có thể làm bạn, chúng ta có thể gắn kết sâu sắc với họ vì chúng ta thấy đó là người bạn xứng đáng chúng ta có trong đời. Khi ấy chúng ta sẽ có mối quan hệ bền vững chứ không chỉ dừng lại ở cảm xúc yêu đương, hay cảm nhận tình dục. 

Ai cũng có quyền tìm ra con đường hạnh phúc của chính mình, không phải cứ gặp nhau, yêu nhau, giữ nhau bên mình là đúng, còn chia tay thì phũ phàng. Ở mỗi giai đoạn mình dám hành động, dám quyết định, dám thẳng thắn nói rõ ý muốn và dám chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn của mình, thì tự khắc mình sẽ thấy mình đã sống trọn vẹn, sống thoải mái. 

Ai cũng có quyền tự tìm ra con đường hạnh phúc của chính mình. Và bạn đời là người bạn mà chúng ta cảm thấy họ xứng đáng làm bạn lâu dài với mình trong cuộc đời này. 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Tôn trọng những cảm nhận tự nhiên của nhau trong tình dục

Hôm nay tiếp tục với những bức thư tâm sự của các bạn về chuyện quan hệ tình dục. Đó là bản thân các bạn không biết người yêu có đang thật sự thể hiện thăng hoa khi làm tình không. 

Y gần đây quan hệ với bạn gái, nhưng không biết là bạn có “lên đỉnh” không. Y hỏi bạn gái cảm thấy thế nào, bạn gái trả lời là sướng, thấy thoải mái, mơn man. Nhưng Y sợ bạn chỉ nói vậy cho Y vui thôi. Y không biết liệu sự thăng hoa của nữ giới có giống nhau không. 

Cũng một bạn giống Y nhưng đổi vai: T là nữ, T và bạn trai đã yêu nhau được 2 năm. Nhưng mỗi lần quan hệ T không biết là bạn ấy có cảm giác đạt cực khoái không vì nét mặt của bạn ấy tỉnh bơ, không thấy có sự hào hứng. Có lúc đang quan hệ, T nhìn bạn ấy khiến T chạnh lòng không biết bạn có thật sự đang tận hưởng cùng mình không.

Sự thăng hoa

Cảm nhận của mỗi người sẽ khác nhau nên không có một dấu hiệu chung nào cho thấy phải như vậy thì bạn nữ đang lên đỉnh. Cách thể hiện sự sung sướng, sự thăng hoa, sự chạm đỉnh hay chỉ đơn giản là sự thoải mái, mơn man của từng bạn sẽ rất đặc trưng. 

Đối với bạn nam thì khi lên đỉnh, một trong những dấu hiệu có thể thấy đó là sự cương cứng và xuất tinh. Còn nét mặt hay cách bạn bộc lộ sự lên đỉnh cũng tùy thuộc vào phản ứng tự nhiên của cơ thể. Hoặc khi kích thích điểm G ở nam giới, mang lại sự khoái cảm rất khác thì cách các bạn dùng cơ thể để nói lên cảm nhận của mình cũng khác nhau.

Đối phương thấy thế nào thì chỉ đương sự đó cảm nhận được và chia sẻ trực tiếp bằng lời nói. Chúng ta nên thẳng thắn hỏi nhau cảm nhận sau mỗi cuộc làm tình chứ đừng tự suy diễn, võ đoán rồi tự mình làm khổ mình. 

Mình không thể thay đổi những phản ứng của cơ thể người khác, vì nó thuộc về cái riêng của mỗi người. Chưa kể sự thể hiện chạm đỉnh cũng phải xuất phát từ mong muốn cũng như cái tự nhiên của bản thân, ví dụ như có bạn nữ muốn rên lên khi sướng, nhưng cũng có bạn thì lại không thích rên, chỉ muốn bấu tay vào bạn tình để biểu hiện sự thăng hoa. 

Hình ảnh được đăng tải bởi Claudia Love trên Unsplash

Do đó, để hiểu được cảm nhận của nhau thì quan trọng vẫn là giao tiếp, nói chuyện rõ ràng để tìm ra sự thể hiện thăng hoa phù hợp với cả hai. Chúng ta nên ngồi xuống trao đổi với nhau về những ngôn ngữ, hành động, cử chỉ, hành động hay cách ra hiệu rằng là “em/anh đang rất thoải mái với những giây phút ân ái lúc này”. 

Không phải lúc nào sự thăng hoa, lên đỉnh cũng thể hiện bằng những hình ảnh mà bạn thấy trên phim. Có bạn mới trải nghiệm tình dục thì sẽ khó định nghĩa được khoái cảm của mình là gì, cảm giác thật sự ra sao, nên đôi lúc thấy bối rối không biết thể hiện thế nào. Có bạn dù đã trải nghiệm tình dục nhiều, nhưng mỗi lần là một cảm nhận khác nhau, cơ thể cũng sẽ phản ứng khác nhau trên khuôn mặt, trong giọng điệu hay hơi thở. 

Điều chúng ta cần làm là lắng nghe cũng như chia sẻ thật tâm cảm nhận của mình. Đôi lúc bạn cũng khá mơ hồ về những gì mình trải qua trong cuộc làm tình vừa rồi, thì vẫn có thể nói với đối phương là “em/anh cũng chưa xác định rõ nữa, thấy mơn man nhưng không biết có phải là thăng hoa không?”. Mình sẽ cần học cách chấp nhận rằng những cái riêng của người yêu có thể không giống như số đông.

Cảm ơn những giây phút ở cạnh nhau

Nhiều khi chúng ta cứ chạy theo một điều gì đó rất mơ hồ. Ví dụ khi xem phim hay nghe mọi người nói rằng quan hệ tình dục lúc lên đỉnh là sẽ “ra nước”. Nhưng “ra nước” là gì thì bản thân lại chưa thật sự hiểu rõ. Hay chúng ta nghĩ rằng khi quan hệ với nhau thì nhất định phải lên đỉnh. Hoặc ai khi đạt cực khoái cũng đều rên la sung sướng mặt chữ O. 

Nhưng thật ra điều rõ ràng nhất, xác thực nhất mà chúng ta thấy được đó là sự thể hiện của đối phương trước mặt mình và những gì họ chia sẻ với mình. 

Cái giây phút mà chúng ta ở cạnh nhau, da kề da, trao nhau từng cử chỉ thân mật, chúng ta nên tập trung trọn vẹn với nó, cảm ơn vì sự hiện diện của nhau thì sẽ mang đến sự gắn kết và thăng hoa cho cuộc làm tình. 

Chúng ta hay nghĩ ngợi rằng không biết hành động của đối phương có ý gì. Thực ra đôi khi nó chẳng có ý gì, hoặc nếu có thì thường khác với những gì chúng ta nghĩ. Vậy thay vì cứ mãi võ đoán thì chúng ta hãy nói chuyện, trao đổi, lắng nghe nhau thật lòng. 

Hy vọng SEBT chia sẻ được những thông tin hữu ích để bạn chăm sóc bản thân tốt hơn, cũng như có đời sống tình dục an toàn, lành mạnh và đạt nhiều khoái cảm hơn. Mong bạn có thể hỗ trợ team SEBT có thêm động lực trong việc lan tỏa nhiều kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục bổ ích hơn nữa bằng cách donate cho SEBT qua tài khoản sau:

Ngân hàng: TP Bank

Số tài khoản: 02034029903 _ Nguyễn Minh Trang

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link