Vì sao một số người không thích quan hệ bằng miệng (oral sex)?

Tác giả: .Ngưn.

Xét trong lịch sử thì quan hệ tình dục bằng miệng vốn không phổ biến và bình thường như bây giờ, dù nó được cho là có từ khi con người xuất hiện, và tồn tại cả trong thế giới động vật. Mãi đến đầu thế kỷ XX, thái độ của mọi người mới thay đổi đáng kể từ khi quan hệ tình dục bằng miệng được gọi là “nụ hôn sinh dục” (the genital kiss).

Tuy vậy, không phải ai đang hoạt động tình dục cũng đều thực hiện “nụ hôn” này. Thậm chí có người còn thấy ác cảm với nó.

Đối với những người không muốn quan hệ bằng miệng, không thích ở đây có thể là từ người nhận, người cho hoặc cả hai. Vì vậy, bài viết này sẽ giải thích lý do cho cả hai đối tượng.

Đối tượng 1: Vì sao có người không thích oral cho bạn tình?

Ảnh của Deon Black

Vị giác và (hoặc) khướu giác có lẽ là phản ứng phổ biến nhất khi nói về sự chán ghét quan hệ bằng miệng. Đây thường đơn giản là vấn đề sở thích, và không nhất thiết chỉ vì người đó chê vùng kín đối phương bẩn. Sự chán ghét này cũng chẳng phân biệt giới tính. Cả nam và nữ đều cho rằng lý do họ không quan hệ tình dục bằng miệng là do không thích mùi vị của bộ phận sinh dục.

Một số người thì có cơ địa dễ buồn nôn. Họ thấy xấu hổ nếu có phản ứng buồn nôn khi oral cho bạn tình. Hoặc họ muốn tránh mọi hoạt động có thể gây ra phản ứng khó chịu này.

Một lý do khác phải kể đến là có người không thích bất kỳ dịch tiết cơ thể nào dính trong miệng.

Ngoài ra, những trải nghiệm trong quá khứ cũng góp vào một phần lý do. Có thể người đó từng trải qua chấn thương hoặc lạm dụng tình dục, và quan hệ bằng miệng sẽ khiến họ nhớ lại những thứ họ muốn quên.

Cũng có người lo ngại kỹ năng oral của mình không tốt. Nên họ thà không làm còn hơn là cố gắng làm để rồi nhận được sự thất vọng từ bạn tình.

Ích kỷ cũng là một nguyên nhân không thể không nhắc đến. Một số người hoàn toàn hạnh phúc và thấy thỏa mãn khi bạn tình oral cho mình nhưng lại không có ý định “đáp lễ”. Điều này cũng phù hợp với tâm lý của một người chỉ quan tâm đến việc lên đỉnh của mình mà hoàn toàn không để tâm đến cực khoái của bạn tình.

Và cuối cùng, trong quá trình được nuôi dạy, có người lớn lên với tư tưởng rằng quan hệ tình dục bằng miệng là sai trái về mặt đạo đức, hoặc đó là điều mà chỉ một số nhóm người làm – và thường đó là nhóm người bị kỳ thị trong xã hội. Ví dụ một cô gái từng nói cô được nuôi dạy rằng điều khiến một phụ nữ trở thành “gái điếm” là thực hiện quan hệ tình dục bằng miệng với đàn ông. Dù cho sau này lớn lên, cô đã vứt bỏ quan niệm này trong đầu nhưng cô vẫn không thể tự oral cho bạn tình do lối suy nghĩ thời thơ ấu ấy vẫn còn dư âm trong cô.

Đối tượng 2: Vì sao có người không thích bạn tình oral cho mình?

Cũng giống như một số người ác cảm với mùi hoặc (và) vị của vùng kín người khác, một số cũng tự ý thức được mùi vị vùng kín của mình và không đủ tự tin để cho bạn tình oral.

Không phải ai cũng là chuyên gia khi nói đến các kỹ thuật quan hệ tình dục bằng miệng. Cũng không phải tất cả đều sẵn sàng trao đổi với bạn tình về những gì họ cảm thấy và mong muốn khi quan hệ. Họ sợ phải nói với đối phương, cuối cùng là im lặng và đẩy người đó ra khi người ta đang cố oral.

Một lý do khác cũng trùng với đối tượng đầu là những chấn thương trong quá khứ có thể khiến một người không muốn bạn tình oral cho mình.

Ngay cả khi đối phương rất lão luyện với kỹ thuật dùng miệng, môi và lưỡi thì vẫn có người đơn giản là không thích cảm giác được người khác “sục sạo” chỗ ấy ấy của mình. Trong một số trường hợp, oral tạo ra quá nhiều kích thích, và cảm giác ấy lại gây khó chịu cho vài người.

Ngoài ra, nếu một người luôn tự ti về hình ảnh cơ thể và vùng kín của mình, người ấy cũng không muốn bạn tình “thân mật” chỗ ấy.

Vậy thì việc ghét oral có ý nghĩa gì khi làm tình?

Ảnh của Deon Black

Việc không thích quan hệ tình dục bằng miệng là hoàn toàn bình thường, dù là bên nhận hay cho. Chẳng có giao ước tình dục nào quy định bất kỳ ai cũng phải thích và oral mỗi lần làm tình.

Và chúng ta cũng không cần phải giới hạn bản thân trong những quan niệm hay tuyên bố mà xã hội đưa ra. Ví dụ như quan hệ tình dục bằng miệng là tốt nhất hoặc oral là cách dễ dàng nhất để phụ nữ lên đỉnh. Điều quan trọng ở đây là hai bên cần trao đổi với nhau về những gì mình thích và không thích đối với một hành vi tình dục nào đó và cùng thỏa hiệp để hai bên đều thấy hài lòng.

Quan hệ tình dục bằng miệng có thể đem đến cảm giác thú vị và thỏa mãn. Nhưng để điều đó xảy ra, cả hai cần phải có sự hứng thú và tự muốn tham gia. Và đương nhiên, chúng ta cũng không có lý do gì để phán xét hay chế nhạo ai đó chỉ vì người ấy không thích oral.

Nguồn thông tin từ: Why Some People Don’t Enjoy Oral Sex | Psychology Today

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tác giả: .Ngưn.

Vì sao nhiều nam giới thích “bắn” lên mặt bạn tình?

Tình cờ SEBT nhận được một câu hỏi khá thú vị từ bạn đọc là:

“Tại sao mấy anh con trai hay thích xuất lên mặt bạn gái mình nhỉ?”

Hình ảnh được đăng tải bởi ian dooley trên Unsplash

Theo như SEBT tìm hiểu, các nhà khoa học hiện vẫn chưa khám phá ra các động cơ tâm lý đằng sau hành động “chăm sóc da mặt” người yêu này của các chàng trai.

Hầu như mọi thứ được viết về chủ đề này đều bắt nguồn từ ý kiến cá nhân nhiều hơn là dữ liệu thực nghiệm. Do đó, SEBT không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này.

Nhưng SEBT có thể cho bạn biết các quan điểm phổ biến liên quan đến chủ đề trên cùng suy nghĩ của riêng SEBT.

Có lẽ quan điểm phổ biến nhất mà SEBT tìm hiểu được là sở thích “bắn” lên mặt bạn tình của nam giới có liên quan đến quyền lực. Đó là hành động mang tính hạ thấp phẩm giá bạn tình, nâng cảm giác “ở trên” của nam giới. Nên nhiều anh chàng mới thấy thích hành động như vậy.

SEBT thì nghĩ quan điểm này không ổn. Nhiều người thích được xuất bên trong cơ thể bạn tình vì mang đến cảm giác hai cơ thể được hòa làm một. Vậy tại sao hành động xuất ra ngoài, cụ thể là “bắn” lên mặt bạn tình, lại được xem là hạ thấp phẩm giá bạn tình? Nghe mâu thuẫn đúng không?

Theo SEBT, quan điểm trên hết sức tiêu cực vì nó hạ bệ một số hành vi tình dục để nâng cao một số hành vi tình dục khác. Hơn nữa, không ít cặp đôi rất tận hưởng việc xuất lên khuôn mặt và họ thực hiện nó một cách đồng thuận. Nếu xem hành động “bắn” lên mặt như một cách hạ thấp phẩm giá bạn tình thì chẳng phải là áp đặt cái nhìn tiêu cực này lên những cặp đôi đó sao?

Thêm một điểm quan trọng mà SEBT muốn nhấn mạnh: Nếu trong trường hợp một anh chàng “bắn” lên mặt bạn tình nhưng không hỏi ý người ta trước mà chỉ muốn nhìn thấy phản ứng bị sốc của bạn tình thì có lẽ đây đúng là hành vi bắt nguồn từ nhu cầu thể hiện quyền lực hoặc mong muốn làm nhục người khác. 

Đây được xem như kiểu quyền lực độc hại, thường thấy ở những người đàn ông thuộc kiểu Toxic Alpha Male: thích hạ thấp phẩm giá bạn tình để tôn lên giá trị của mình. 

Một cách giải thích khác cho lý do một số đàn ông thích “chăm sóc da mặt” bạn tình là vì họ muốn nhìn thấy sự kết hợp giữa khoái cảm trên khuôn mặt bạn tình và sự thỏa mãn tình dục của chính mình (dưới dạng xuất tinh). 

Sự kết hợp này đặc biệt kích thích đối với đàn ông dị tính bởi khuôn mặt phụ nữ là một tín hiệu quan trọng cho thấy nàng bị kích thích như thế nào trong khi làm tình. 

Hình ảnh được đăng tải bởi Jeremy Bishop trên Unsplash

Một nghiên cứu theo dõi bằng mắt cho thấy đàn ông dị tính có xu hướng nhìn vào khuôn mặt phụ nữ khi xem phim heo. Vì cơ thể phụ nữ không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sự kích thích tình dục (không như đàn ông thể hiện rõ qua sự cương cứng của “súng”). 

Do đó, các chàng trai sẽ nhìn vào khuôn mặt các cô gái như một dấu hiệu cuối cùng cho biết nàng có “thích” cuộc làm tình này không.

Thêm một lý do khác khiến một số nam giới thích “bắn” lên mặt bạn tình là vì họ đã được điều chỉnh về mặt tâm lý để nhìn thấy xuất tinh khi đạt cực khoái. 

Không chỉ thường xuyên nhìn thấy xuất tinh của chính mình khi họ thủ dâm mà họ còn thường nhìn thấy xuất tinh của những người đàn ông khác lúc đang xem phim người lớn. 

“Bắn” lên mặt bạn tình cùng những hình thức xuất tinh bên ngoài khác đã trở nên phổ biến trong phim người lớn từ vài thập kỷ qua. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của người xem là nam giới, khiến họ phải thấy xuất tinh khi lên đỉnh thì mới coi là trọn vẹn cho cuộc làm tình.

Trên đây là một số lý giải cho hành động thích xuất lên mặt bạn tình ở một số nam giới. Tất nhiên là sẽ còn nhiều lý do khác bởi tâm lý mỗi người rất phức tạp. Trọng điểm chính mà SEBT muốn nhấn mạnh khi bàn về chủ đề này là chúng ta nên tránh thói quen phân loại hành vi này là tốt hay xấu.

Nếu bạn thấy thích hành vi này và nhận được sự đồng thuận từ bạn tình thì không có nghĩa bạn muốn hạ thấp phẩm giá bạn tình để nâng mình lên mà nó đơn thuần là sở thích trong tình dục của mỗi người mà thôi. 

Chưa kể về phía nữ giới, có những bạn nữ thích được “bắn” lên mặt vì họ nghĩ người đàn ông của mình sẽ thấy thích hành vi này. Người ấy hạnh phúc thì họ cũng thấy hạnh phúc. Đây có thể nói là sự hòa hợp và tôn thờ của các cặp đôi trong mối quan hệ.

Hình ảnh từ Unsplash

Do đó, thay vì đánh giá một hành vi nào đó trong hoạt động tình dục, chúng ta nên khuyến khích nhau có một cuộc trò chuyện trung thực với bạn tình về những gì chúng ta thấy thoải mái và không thoải mái nhằm đạt đến sự đồng thuận cuối cùng trên nền tảng tôn trọng ranh giới của nhau trong tình dục.

Tất cả nhằm đạt được cái kết toàn vẹn cho những cặp đôi yêu nhau: sự hòa hợp, tôn thờ và hạnh phúc.

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Chuối

Chu kỳ đáp ứng tình dục ở nữ giới & các rối loạn thường gặp

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chu kỳ đáp ứng tình dục ở nữ giới đi từ giai đoạn nổi lên ham muốn cho tới khi đạt cực khoái. Và mỗi giai đoạn sẽ đi kèm các rối loạn thường gặp (ví dụ bạn nữ rất khó lên đỉnh dù đã tìm mọi cách kích thích). Bên cạnh đó, bạn cũng biết được những yếu tố nào ảnh hưởng đến tình dục của chị em cũng như gợi ý cách điều trị khi chịu các rối loạn liên quan.

Chu ký đáp ứng tình dục ở nữ giới

Chu kỳ đáp ứng tình dục ở nữ giới bao gồm 4 giai đoạn độc lập hoặc đan xen vào nhau, cụ thể:

Hình ảnh từ ResearchGate

1. Giai đoạn Ham muốn

Trong giai đoạn này sẽ chia thành 3 loại:

– Ham muốn chủ động:

+ Có nhu cầu, có sự thôi thúc nội tại muốn được hoạt động tình dục.

+ Các suy nghĩ liên tưởng, mong muốn khi nghĩ về hoạt động tình dục.

– Ham muốn thụ động:

+ Đáp ứng lại với các kích thích tình dục.

+ Nhu cầu tăng lên.

– Được chi phối bởi não bộ.

2. Giai đoạn Hưng phấn

Trong giai đoạn này sẽ chia thành 4 loại:

– Hưng phấn ngoại vi.

– Hưng phấn khi có kích thích tình dục.

– Hưng phấn từ cơ quan sinh dục bao gồm những biểu hiện như:

+ Tiết chất nhờn âm đạo

+ Cơ quan sinh dục cương lên (cả dương vật lẫn âm vật) 

+ Cảm giác râm ran bứt rứt từ cơ quan sinh dục.

– Hưng phấn não bộ và toàn thân bao gồm những biểu hiện như:

+ Não bộ hưng phấn, thích thú

+ Tim đập nhanh, thở nhanh hơn

+ Vú và núm vú cương lên, tăng nhạy cảm…

3. Giai đoạn Cực khoái

Giai đoạn này sẽ thể hiện qua:

Hình ảnh được đăng tải bởi Daria Litvinova từ Unsplash

+ Sự thăng hoa tột cùng đến từ các hoạt động tình dục

+ Được kiểm soát bởi hệ thần kinh tự chủ, ngoài ý muốn chủ quan

+ Cơ quan sinh dục, cơ sàn chậu co thắt theo chu kỳ

+ Điểm G co thắt có thể giải phóng chất dịch như xuất tinh ở nam và chất lỏng ở nữ

+ Não bộ thăng hoa, cảm giác thỏa mãn lan tỏa khắp cơ thể

4. Giai đoạn Thư giãn

Đây là giai đoạn mà cảm giác thư giãn lan rộng ra toàn bộ cơ thể sau khi hoạt động tình dục được hoàn thành.

Các rối Loạn trong từng giai đoạn tình dục

– Rối loạn ham muốn tình dục: Giảm hoặc mất hứng thú với tình dục; thấy ghê tởm tình dục.

– Rối loạn hưng phấn: Khó đạt được hoặc khó duy trì sự hưng phấn sinh lý và cảm xúc trong quan hệ.

– Rối loạn cực khoái: Khó hoặc không thể đạt cực khoái sau giai đoạn hưng phấn bình thường.

– Rối loạn đau tình dục: Đau khi giao hợp; bị co thắt âm đạo nên gây đau và cản trở việc quan hệ.

– Rối loạn tình dục do bệnh lý/thuốc men:

+ Một số bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn nội tiết, trầm cảm… có thể gây nên các triệu chứng rối loạn chức năng tình dục.

+ Một số loại thuốc như thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống trầm cảm, hóa trị liệu… cũng có thể có tác dụng phụ ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn và chức năng tình dục.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tình dục ở nữ giới

Yếu tố sinh lý

+ Hormone: Sự cân bằng estrogen, testosterone, và progesterone.

+ Tuổi tác: Thay đổi theo chu kỳ sinh học.

+ Sức khỏe tổng quát: Các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp.

+ Thay đổi sau sinh và sau mãn kinh.

Yếu tố tâm lý

+ Stress và lo âu.

+ Trầm cảm.

+ Hình ảnh cơ thể và sự tự tin.

+ Trải nghiệm tình dục trong quá khứ.

Hình ảnh được đăng tải bởi Molly Blackbird trên Unsplash

Yếu tố mối quan hệ

+ Chất lượng mối quan hệ với đối phương.

+ Sự giao tiếp về nhu cầu tình dục.

+ Sự tin tưởng và an toàn trong mối quan hệ.

Yếu tố xã hội và văn hóa

+ Định kiến và kỳ vọng xã hội.

+ Giáo dục giới tính.

+ Tín ngưỡng tôn giáo.

Lối sống

+ Chế độ ăn uống và tập luyện.

+ Sử dụng rượu, thuốc lá và chất kích thích.

+ Cân bằng công việc và cuộc sống.

Yếu tố y tế

+ Tác dụng phụ của thuốc (như thuốc chống trầm cảm).

+ Điều trị ung thư và các can thiệp y tế khác.

+ Đau mãn tính.

Kiến thức và kỹ năng

+ Hiểu biết về giải phẫu cơ thể và sinh lý.

+ Kỹ năng giao tiếp về tình dục.

+ Kỹ thuật tình dục.

Môi trường

+ Sự riêng tư và thoải mái.

+ Stress từ công việc hoặc gia đình.

Yếu tố di truyền

Một số nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.

Trải nghiệm cá nhân

+ Chấn thương tình dục trong quá khứ.

+ Kỳ vọng và niềm tin cá nhân về tình dục.

Các rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

Định nghĩa

Trước đây, “lãnh cảm” được dùng để chỉ tình trạng suy giảm khả năng tình dục của phụ nữ, tương tự như từ “liệt dương”  ở nam giới.

Hình ảnh được đăng tải bởi Anthony Tran trên Unsplash

Nhưng hiện nay, “lãnh cảm” đã được thay bằng cụm từ “rối loạn chức năng tình dục (RLCNTD) của nữ giới”. 

Các rối loạn này thường được biểu hiện như [5]:

+ Không có ham muốn tình dục 

+ Không thấy hứng trong quan hệ tình dục

+ Không có khoái cảm khi quan hệ thâm nhập

+ Đau khi thâm nhập

+ Không đáp ứng tình dục, không quan tâm hoặc từ chối quan hệ tình dục với bạn tình.    

Các loại rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

+ Rối loạn ham muốn tình dục

+ Rối loạn kích thích tình dục

+ Rối loạn cực khoái

+ Đau khi giao hợp (dyspareunia)

Nguyên nhân gây ra các rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

– Sinh lý: Mất cân bằng hormone, bệnh lý mãn tính.

– Tâm lý: Stress, trầm cảm, lo âu.

– Xã hội: Mối quan hệ không tốt, chịu áp lực xã hội.

– Thuốc: Tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Chẩn đoán rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

– Hỏi bệnh sử chi tiết

– Khám thực thể

– Xét nghiệm hormone

– Đánh giá tâm lý.

Cách điều trị rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

– Người phụ nữ cần được tư vấn để giải tỏa những ức chế tâm lý, giải quyết những mâu thuẫn giữa mình và người ấy.

– Cần có sự cởi mở của bạn nữ đối với người yêu/người chồng. 

– Trường hợp vấn đề tâm lý nặng nề thì phải cần có sự giúp đỡ của những chuyên gia tâm lý.

– Nếu lý do gây “lãnh cảm” là vì bệnh lý thì phải đi khám bác sĩ để tùy nguyên nhân mà chữa trị.

– Đối với phụ nữ lớn tuổi, vấn đề suy giảm nội tiết tố sinh dục có thể cải thiện bằng điều trị nội tiết thay thế nhưng phải dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

– Tập Yoga giúp tăng ham muốn tình dục [1]:

+ Khi luyện tập yoga, tinh thần chị em được thả lỏng, thoải mái hơn, các cơ co giãn, cơ thể dẻo dai…

+ Một số bài tập yoga tăng cường sinh lý nữ như tư thế rắn hổ mang, tư thế cúi chào mặt trời, tư thế lạc đà… 

– Tập các bài tập thể dục hoặc vận động nhẹ nhàng cũng hỗ trợ điều trị rối loạn chức năng tình dục.

Hình ảnh được đăng tải bởi Erriko Boccia trên Unsplash

– Thay đổi thói quen tình dục: thay đổi không gian mới, thay đổi thời gian quan hệ mà khác với thường ngày.

– Liên tục trang bị các kiến thức về tình dục, dành thời gian nhiều hơn cho màn dạo đầu… 

Tác động của rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

Rối loạn chức năng tình dục có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.

Đó là lý do mà chúng ta cần nâng cao nhận thức về chứng rối loạn này, giúp phụ nữ tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời và phá vỡ các định kiến xã hội.

Vai trò của người yêu/bạn đời

Sự hỗ trợ và thấu hiểu từ người yêu/bạn đời đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị rối loạn chức năng tình dục (RLCNTD).

Nghiên cứu lâm sàng

Laumann và cộng sự nghiên cứu trên 1749 phụ nữ và 1410 nam giới từ 18 – 59 tuổi ở Hoa Kỳ rồi nhận thấy [2]: 

+ 43% phụ nữ có RLCNTD trong khi nam chỉ có 31% 

+ 57% phụ nữ không có RLCNTD

+ Thường xuất hiện ở những người yếu về thể chất và tinh thần 

+ Suy giảm ham muốn tình dục (22%)

+ Khó đạt khoái cảm (14%) 

+ Đau khi giao hợp (7%) 

+ Sự suy giảm chức năng tình dục càng nhiều khi tuổi càng cao

Molouk Jaafarpour và cộng sự nghiên cứu trên 400 phụ nữ Iran tuổi từ 18 – 50 trong thời gian từ tháng 9/2010 – 9/2011 [3]. Kết quả cho thấy:

+ Số người RLCNTD tăng theo số tuổi nhất là trên 40 tuổi (75,7%)

+ RLCNTD ở nữ giới chiếm 45,3%

+ Suy giảm ham muốn tình dục 37,5%. 

+ Khô âm đạo: 41,2%. Đau khi giao hợp: 42,5%

+ Khó đạt khoái cảm: 42%

Mặt khác, có sự khác biệt lớn về tần suất RLCNTD giữa các quốc gia.

Sự khác biệt phản ánh sự khác nhau về các yếu tố tâm lý, y tế, văn hóa, chủng tộc, đặc biệt là yếu tố kinh tế xã hội.

Theo nghiên cứu của Berman và cộng sự, có nơi mà 40% phụ nữ không dám nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ khi họ gặp khó khăn về vấn đề tình dục vì họ thấy xấu hổ nếu đề cập đến tình dục [4].

Nếu tình trạng RLCNTD thỉnh thoảng mới xảy ra hoặc vì người chồng có nhu cầu quan hệ tình dục nhiều hơn người vợ nên có lúc người vợ không cảm thấy hứng thú thì người phụ nữ đó hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, nếu những triệu chứng RLCNTD đã liệt kê ở trên kéo dài liên tục và thật sự làm vợ chồng lo âu, khổ tâm thì cần phải nghiêm túc quan tâm để tìm cách giải quyết sớm, nếu không thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Các nguồn thông tin trong bài

[4] Berman L, Berman J, Felder S, Pollets D, Chhabra S, Miles M, et al. Seeking help for sexual function complaints: what gynecologists need to know about the female patient’s experience? Fertil Steril. 2003;79(3):572–76.

[3]Molouk Jaafarpour et al (2013) Female Sexual Dysfunction: Prevalence and Risk Factors J Clin Diagn Res. 2013 Dec; 7(12): 2877–2880.

[2]Edward O. Laumann, et al (1999) Sexual Dysfunction in the United StatesPrevalence and Predictors JAMA. 1999;281(6):537-544.

 [ 1] Vikas Dhikav , Girish Karmarkar et al (2010) Yoga in female sexual functions J Sex Med . 2010 Feb;7(2 Pt 2):964-70.

Tham khảo nghiên cứu từ PGS.TS VŨ THỊ NHUNG – BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Cương cứng không phải là dấu hiệu cho thấy sự đồng thuận

Mỗi khi nhắc đến các vụ cưỡng hiếp hay tấn công tình dục, chúng ta thường cho rằng thủ phạm là đàn ông còn nạn nhân là phụ nữ. Nhưng thực tế, số lượng nam giới là nạn nhân của quấy rối, lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp không hề ít. Thủ phạm có cả đàn ông lẫn phụ nữ.

Số lượng nữ giới cưỡng hiếp đàn ông phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy hoặc nghe trên tin tức, mạng xã hội. Bởi người ta không dám báo cáo vì xấu hổ hoặc sợ bị kỳ thị khi bị coi là “không phải đàn ông đích thực”. 

Khi phụ nữ quấy rối hoặc cưỡng hiếp đàn ông, họ thường ép buộc đàn ông cương cứng và thậm chí xuất tinh. Điều này khiến nam giới rất hoang mang bởi họ không hề muốn quan hệ nhưng cơ thể thì phản ứng ngược lại. Có người còn lấy hiện tượng này để vu cho họ là có sự đồng thuận chứ không hề bị cưỡng ép, là “đang thấy sướng gần chết mới cương lên chứ bị hiếp cái gì”.

Hình ảnh được đăng tải bởi Jon Tyson trên Unsplash

Lại nói thêm, chính vì hoang mang, bị cương trong ép buộc và đang bị đe dọa nên sinh ra hiện tượng cơ thể bị tê liệt, đông cứng hoàn toàn. Khi nạn nhân không chống cự lại nữa thì thủ phạm càng cho rằng nạn nhân đã đồng thuận và sẵn sàng tham gia vào hành vi quan hệ tình dục.

Thực chất, chỉ cương cứng thôi thì không có nghĩa người đó đã sẵn sàng hoặc muốn quan hệ tình dục. Cương cứng và xuất tinh là những phản ứng sinh lý thường không được kiểm soát một cách có ý thức. Chúng có thể xuất phát từ sự hưng phấn hoặc ham muốn nhưng đau đớn, sợ hãi hoặc lo lắng cũng làm đương sự cương lên. 

SEBT đã từng có bài viết nói về chủ đề phụ nữ “ướt” không có nghĩa là đang ham muốn.

Tương tự với đàn ông, cương cứng không đồng nghĩa là đang ham muốn hay đồng thuận quan hệ.

Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) chỉ ra rằng nam giới và phụ nữ đều có khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục như nhau. Tuy nhiên, hành vi tấn công tình dục đối với nam giới lại không được báo cáo đầy đủ, không được công nhận cũng như không được điều trị.

Theo dữ liệu của Mạng lưới Quốc gia về Hiếp dâm, Lạm dụng & Loạn luân (RAINN), cứ 33 đàn ông thì có 1 người từng bị tấn công hoặc bị cưỡng hiếp trong đời. Và cứ 10 nạn nhân bị hiếp dâm thì có 1 người là nam giới. Nhưng đây chỉ là những gì được báo cáo.

Thực tế nhiều nam giới không muốn báo cáo vì xấu hổ, sợ bị chế nhạo, sỉ nhục, bị coi là kẻ yếu đuối hoặc sợ không ai tin tưởng mình. Ngoài ra, nếu người hiếp dâm mình là đàn ông, nạn nhân lo ngại người khác sẽ nghi ngờ xu hướng tính dục của mình.

Hình ảnh được đăng tải bởi Andrik Langfield trên Unsplash

Từ vấn đề này, chúng ta hãy cùng điểm qua những quan niệm sai lầm về tính dục của nam giới:

+ Đàn ông luôn sẵn sàng tham gia vào hoạt động tình dục.

+ Chỉ khi thấy hưng phấn và ham muốn thì “cậu bé” sẽ cương cứng. 

+ Đàn ông mà không muốn quan hệ thì là bị bệnh hoặc bất thường.

+ Đàn ông chỉ bị cưỡng hiếp bởi những người đàn ông khác.

+ Đàn ông mà cương cứng thì nghĩa là đồng thuận quan hệ.

+ Xuất tinh là biểu hiện của sự thích thú khi quan hệ tình dục.

+ “Đàn ông đích thực” không bị tấn công tình dục.

+ Đàn ông thích làm chủ trong phòng ngủ.

Những quan niệm sai lầm này đã khiến cho quá trình xác định và nhận biết hành vi tấn công tình dục gặp khó khăn. Tình trạng cương cứng hoặc xuất tinh khiến cuộc tấn công gây tranh cãi, bởi không ít người cho rằng nạn nhân chắc chắn đã bị kích thích hoặc ít nhất là thấy thỏa mãn tình dục ở một khía cạnh nào đó.

Ngay cả trong liệu pháp tâm lý, nhà trị liệu đôi khi đặt câu hỏi liệu nạn nhân có thực sự bị cưỡng hiếp hay không. Những thái độ và hành vi này thường khiến nạn nhân cảm thấy bị coi thường và bị hạ thấp.

Do đó, nam giới thường không nhận được sự hỗ trợ về mặt y tế, pháp lý hoặc tinh thần như là nữ giới trong các vụ tấn công tình dục. Điều này sẽ kéo dài sự đau khổ và tổn thương của nạn nhân do chấn thương tâm lý.

Hy vọng chúng ta sẽ xóa bỏ được cái nhìn định kiến giới lỗi thời rằng đàn ông thường là thủ phạm độc ác còn phụ nữ chỉ là nạn nhân bất lực. Bất cứ giới nào nếu phải quan hệ tình dục khi không có sự đồng thuận thì đều là nạn nhân cả. Và thủ phạm có thể là bất kỳ ai trong chúng ta.

Lược dịch từ bài viết: An Erection Is Not Consent | Psychology Today

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Chưa có người yêu thì nên trải nghiệm quan hệ tình dục với gái ngành không?

Đến một độ tuổi, mỗi người sẽ có sự phát triển mong muốn trong tình dục, sẽ tìm kiếm cho mình những điều mình thích, những điều phù hợp với mình. Trong quá trình phát triển đó chúng ta không chỉ dừng lại ở việc “muốn” mà còn nên cân nhắc, phân tích nhiều khía cạnh để thực hiện điều mình “muốn” một cách an toàn. Trong tình dục, mỗi cơ thể sẽ mong được xúc chạm theo những cách khác nhau, quan trọng nhất là chúng ta cần chậm rãi xem xét câu chuyện về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần trước khi bắt đầu quan hệ. 

T năm nay 22 tuổi, là nam chưa có người yêu. T rất muốn trải nghiệm cảm giác tình dục với người khác giới. Dạo gần đây T có tìm hiểu về dịch vụ gái ngành. Nhưng T cũng đắn đo về sự không an toàn khi dùng dịch vụ đi kèm với nhiều hậu quả khác. T không biết phải làm sao khi muốn trải nghiệm tình dục nhưng phải trong an toàn, ngặt nỗi điều kiện hiện tại chưa cho phép (không có người yêu). 

Thật ra mọi người sẽ dễ dàng nghĩ, nếu bản thân đã thấy quan hệ với người khác không an toàn thì sao phải quan hệ. Câu trả lời đã quá rõ, đúng không? Tuy nhiên đôi lúc trong thâm tâm, cái mình muốn và những phân tích lý trí lại lẫn vào nhau, làm ta không thể phân định được nên làm gì cho đúng. Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta cần giao tiếp. Mỗi lần giao tiếp, chia sẻ với người khác là chúng ta đang sắp xếp lại dòng suy nghĩ của mình, để rồi tự có câu trả lời phù hợp cho bản thân trong mọi vấn đề. 

Mong muốn

Hình ảnh được đăng tải bởi Noah Silliman trên Unsplash

Khi cơ thể mình thật sự muốn làm gì đó, nó sẽ kích thích bản thân làm cho bằng được, vì đó là một trong những cơ chế để cơ thể phát triển. Nhưng đôi lúc vì quá hướng đến mục tiêu, chúng ta lại dễ dàng bỏ quên những điều nhỏ bé mà giúp chúng ta nhận ra rằng dường như mình cần chậm lại, đừng vì quá muốn thỏa mãn sự khát khao trong người mà khiến bản thân không an toàn. Tất nhiên cũng sẽ có lúc chúng ta vẫn quyết tâm làm, để đến khi vấp ngã thì mới tự nhận ra có những cách làm hiệu quả hơn. Tất cả đều là quá trình chúng ta lớn và trưởng thành. 

Trong tình dục mỗi người cũng sẽ có những mong muốn khác nhau, muốn được trải nghiệm những hình thức khác nhau. Ở một lúc nào đó, cơ thể tự nhiên rất rạo rực, rất muốn quan hệ, rất muốn được cảm nhận sự thăng hoa. Những dòng chảy này hoàn toàn tự nhiên, không ai có thể phán xét đúng sai ở đây. 

Chỉ là việc mình thỏa mãn sự mong muốn của bản thân trong tình dục thì không dừng lại ở việc thoả mãn rồi xong. Bởi nó còn liên quan đến nhiều câu chuyện về sức khỏe thể chất, tinh thần mà nếu mình không có những góc nhìn, kiến thức cơ bản thì sẽ dễ đưa mình đến rủi ro mà mình không kiểm soát được. 

Tự hỏi bản thân

Việc mình muốn trải nghiệm quan hệ tình dục là chuyện bình thường theo sự phát triển tự nhiên của cơ thể. Trước khi quan hệ với bất kỳ ai, chúng ta phải tự hỏi mình:

1/ Bả thân đã có những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, sức khoẻ tình dục, việc ngừa thai và các bệnh STIs hay chưa? 

2/ Nếu mình chưa có người yêu, mình muốn quan hệ với bạn tình để trải nghiệm thì cũng nên tự hỏi rằng mình muốn quan hệ tình dục kết hợp tình yêu hay bản thân có thể tách biệt tình yêu và tình dục? Có thể bạn sẽ chưa thể trả lời được ngay. Vậy giả sử bạn quan hệ với người mình không yêu thì sau này có người yêu, bạn có thể chia sẻ điều này với người yêu không? 

3/ Giả sử bạn chấp nhận quan hệ với người mình không yêu chỉ để trải nghiệm cảm giác quan hệ tình dục thì có 2 phương thức: “ăn bánh trả tiền” hoặc FWB. Với “ăn bánh trả tiền”, bạn có thể mua bằng tiền. Với FWB, ngoài tiền ra, bạn còn phải bỏ tâm sức và sự đồng thuận giữa hai bên. Về mặt rủi ro thì hai bên có thể ngang nhau. Bạn cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn. Hoặc bạn có thể dùng đồ chơi tình dục để giải tỏa ham muốn quan hệ mà lại rất an toàn, không sợ rủi ro nào.

Hình ảnh được đăng tải bởi Zhu Liang trên Unsplash

4/ Việc mình quan hệ với người khác thì cần có sự đồng thuận, đó là đồng thuận của chính mình, là mình sẵn sàng quan hệ và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Tiếp đến là đồng thuận dù có dùng biện pháp bảo vệ về ngừa thai và ngừa STIs thì vẫn có rủi ro xảy ra. Thì giả sử có mang thai ngoài ý muốn hay bị nhiễm STIs thì bạn sẽ làm gì? Nếu bạn trả lời được và chấp nhận giải pháp mình đưa ra thì hẵng quan hệ.

5/ Trước khi bắt đầu quan hệ, chúng ta nên kiểm tra sức khoẻ, tình trạng nhiễm STIs của mình và bạn tình. Sau đó cả hai chia sẻ tình trạng sức khoẻ của nhau, rồi mình lại tiếp tục hỏi là bản thân có đồng ý quan hệ với đối phương hay không. Giả sử bạn quan hệ với người không quen biết và họ không đồng ý chia sẻ tình trạng sức khỏe của họ với mình thì bạn có chấp nhận không? 

Chúng ta nên tự hỏi và có câu trả lời cho bản thân về những vấn đề trên. Khi bạn đã rõ ràng thì cứ lựa chọn theo mong muốn của bạn, và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi hành động, mọi quyết định của mình là được.

Lựa chọn quan hệ tình dục như thế nào là sự khác nhau ở mỗi người. Và trước khi bắt đầu quan hệ, chúng ta nên tự hỏi bản thân là đã thật sự sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình chưa?

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Hợp nhau chuyện ấy và tiến đến hôn nhân, chúng ta nên cân nhắc thế nào cho phù hợp?

X năm nay 28 tuổi. X và bạn trai rất hợp chuyện ấy. Nhưng có một vấn đề lớn là X đã sẵn sàng cho việc lập gia đình và sinh con nhưng bạn trai thì đang có công việc không ổn định. X băn khoăn là có nên tiếp tục mối quan hệ này hay không. Vì nếu tiếp tục chỉ vì yêu và hợp nhau khoản giường chiếu nhưng không có tương lai thì có nên không. Làm như vậy có phải là đang làm mất thời gian của cả hai không vì hai người cũng không còn nhỏ tuổi. Nếu X chọn dừng lại vì bạn trai thất nghiệp, không phải là đối tượng lý tưởng để lấy làm chồng thì như vậy có phũ quá không. Giữa tình cảm và tương lai, X không biết phải chọn như thế nào.

Thông qua câu chuyện của X, SEBT xin chia sẻ đôi điều để chúng ta có thêm góc nhìn và tự có cho mình quyết định phù hợp nếu cũng đang ở trong hoàn cảnh như X. 

Hôn nhân

Mình và đối phương thật sự có thể tiến đến hôn nhân hay không thì tự mỗi người hỏi chính bản thân rằng mình cần làm gì, mình phải làm gì và có thể làm gì cho cuộc đời của nhau. Hôn nhân là chặng hành trình mới của mỗi người, có nhiều câu chuyện mà mình phải đương đầu, có nhiều khía cạnh mà mình cần cùng nhau phát triển. Ví dụ một vài điều dưới đây: 

+ Về tài chính, hai bên đã kế hoạch làm sao để đủ tài chính xây dựng tổ ấm chưa? (có thể hiện tại mình chưa có công việc ổn định nhưng mình có kế hoạch rõ ràng cho tương lai)

+ Làm sao để hoà hợp về quan điểm sống của nhau?

+ Sự đồng thuận về việc có con hay không giữa hai người thế nào?

+ Cách đón nhận những điểm khác nhau giữa hai con người từ trước đến giờ ra sao? Và tương lai, bạn nghĩ mình sẽ làm gì khi nhiều khía cạnh khác của nhau được thể hiện ra nhiều hơn?

+ Cách hài hoà giữa hai bên gia đình, bạn và đối phương đã từng ngồi bàn bạc với nhau chưa?

Hình ảnh được đăng tải bởi Jonathan Borba trên Unsplash

Hay có nhiều tiêu chí khác nữa, mà bản thân mình cần liệt kê ra mình muốn gì để có một gia đình nhỏ hạnh phúc, đầy đủ, ấm no cả thể chất lẫn tinh thần. Khi mình hiểu rõ bản thân mình, mình nói chuyện với đối phương, lắng nghe nhau để biết liệu rằng cả hai có đang cùng nhìn về một hướng cho tương lai của nhau không. Sau nhiều buổi chuyện trò, chúng ta sẽ tự trả lời được rằng người đó có phải là người mình muốn kết hôn không.

Chấp nhận

Yêu nhau, đến với nhau là một chuyện, bước sang một giai đoạn phát triển mới cùng nhau thì cần chúng ta phải trải qua nhiều việc, tự vấn bản thân để biết mình có nên tiếp tục mối quan hệ như thế nào. Hợp tan, tan hợp là việc hết sức bình thường. Mình yêu nhau, đi lâu dài hay có chia tay thì tất cả đều đáng được trân trọng vì những gì đã có với nhau, vì những giây phút chúng ta trọn vẹn cùng nhau. 

Vì sao chúng ta quyết định bước vào mối quan hệ tình cảm với đối phương? Lý do đó có đủ cho mình động lực để tiếp tục đi lâu dài hơn cùng nhau trong tương lai không? Sau khi ngẫm nghĩ thật kĩ, bản thân sẽ biết mình nên làm gì. 

Chẳng ai bắt buộc yêu là phải cưới cả. Tất nhiên sẽ có bạn rõ ràng rằng: “Tôi muốn yêu để đi đến hôn nhân” nhưng cũng vẫn tồn tại những người mà họ: “Tôi muốn yêu trước đã, chứ không lấy hôn nhân làm áp lực”. Vì giai đoạn yêu và giai đoạn kết hôn sẽ hoàn toàn khác nhau. 

Mỗi người có những quy chuẩn nhất định cho mối quan hệ giữa yêu và cưới: hoặc là yêu để cưới, hoặc là yêu rồi cưới, hay yêu là yêu và chỉ cưới khi thấy phù hợp. Bên cạnh đó, không có một quy định nào là đến độ tuổi đó thì mình phải yêu để cưới. Mỗi người có hệ quy chiếu và mục tiêu cuộc sống khác nhau. Làm những gì mà mình thấy mình được thoải mái nhất, được sống cho chính mình là tốt rồi. 

Và chính mình cũng cần làm rõ quan điểm về tình yêu, hôn nhân hay độ tuổi kết hôn của mình. Hãy chậm lại, lắng nghe chính mình rồi chúng ta sẽ có câu trả lời phù hợp. 

Người bạn đời

Mỗi người có những mong muốn khác nhau về người bạn đời của mình. Có thể một số bạn ưu tiên chuyện hoà hợp giường chiếu, song song đó họ cũng biết rõ cần làm gì để phát triển mối quan hệ dài lâu với người ấy, vì họ và đối phương đã nói chuyện với nhau nhiều, đã hiểu mình cần gì, mình thích gì, và quyết định nắm tay nhau đi tiếp. Nhưng cũng có bạn ưu tiên gắn kết về mặt tinh thần, gắn kết về giá trị sống, mục tiêu sống để quyết định một người sẽ trở thành bạn đời của họ. Sau đó mới đến sự hoà hợp trong tình dục. 

Người bạn đời sẽ đi cùng mình nhiều chặng đường trong cuộc đời, nên khi trong mối quan hệ, mình cũng sẽ tự nhìn thấy nhiều dấu hiệu rằng liệu người ấy có phải là Mr/Ms. Right hay không. Khi muốn gắn bó với một người lâu dài, mình cần suy xét nhiều khía cạnh mà mình thấy quan trọng cho việc phát triển hai cuộc đời cùng nhau. 

Hình ảnh được đăng tải bởi zelle duda trên Unsplash

Một điều mà mọi người thường bỏ qua đó là nền tảng tình bạn của mình và người bạn đời. Nếu chúng ta bỏ qua tất cả các yếu tố từ ngoại hình, tài chính, tình dục, môi trường sống, giới tính, chúng ta hãy tự hỏi bản thân mình có muốn chơi, muốn làm bạn với đối phương hay không. Khi câu trả lời là không, vậy thì bản thân đừng nên tiến tới hai chữ bạn đời cùng họ. 

Bạn đời, trong từ ngữ đã ánh lên chữ “bạn”. Chúng ta có thể làm bạn, chúng ta có thể gắn kết sâu sắc với họ vì chúng ta thấy đó là người bạn xứng đáng chúng ta có trong đời. Khi ấy chúng ta sẽ có mối quan hệ bền vững chứ không chỉ dừng lại ở cảm xúc yêu đương, hay cảm nhận tình dục. 

Ai cũng có quyền tìm ra con đường hạnh phúc của chính mình, không phải cứ gặp nhau, yêu nhau, giữ nhau bên mình là đúng, còn chia tay thì phũ phàng. Ở mỗi giai đoạn mình dám hành động, dám quyết định, dám thẳng thắn nói rõ ý muốn và dám chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn của mình, thì tự khắc mình sẽ thấy mình đã sống trọn vẹn, sống thoải mái. 

Ai cũng có quyền tự tìm ra con đường hạnh phúc của chính mình. Và bạn đời là người bạn mà chúng ta cảm thấy họ xứng đáng làm bạn lâu dài với mình trong cuộc đời này. 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link