8 lý do vì sao bật khóc trong hoặc sau khi quan hệ là chuyện hoàn toàn bình thường

Tác giả: .Ngưn.

Nếu bạn đã từng bật khóc trong hoặc sau khi quan hệ, mình chỉ muốn bạn biết điều đó là hoàn toàn bình thường. Và bạn không đơn độc.

Rơi nước mắt trong hoặc sau khi ái ân có thể vì bạn thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm hoặc mang một chút lo âu. Đó cũng có thể là phản ứng thuộc về thể chất.

Về mặt y học, bật khóc sau khi làm tình được gọi là chứng “u sầu sau quan hệ tình dục” (PCD). Các triệu chứng của PCD bao gồm rơi nước mắt, buồn bã và cáu kỉnh sau khi ái ân (đã có sự đồng thuận), ngay cả khi cuộc yêu làm bạn hoàn toàn thỏa mãn.

PCD không nhất thiết liên quan đến việc lên đỉnh. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính hay xu hướng tính dục.

Bài viết dưới đây sẽ điểm qua một số lý do khiến một người bật khóc trong hoặc sau khi quan hệ, và cần làm gì nếu điều này xảy ra với chính bạn hoặc người yêu.

Khóc vì hạnh phúc

Có nhiều cảm xúc khiến một người bật khóc và không phải tất cả đều tiêu cực. Chẳng hạn như những giọt nước mắt hạnh phúc của cô dâu trong ngày đám cưới hoặc của người mẹ khi nhìn thấy đứa con vừa chào đời.

Điều tượng tự cũng có thể xảy ra với bạn trong hoặc sau khi quan hệ. Bạn yêu say đắm một người và vừa có cuộc ái ân đầy đam mê với người ấy. Nếu bạn đã lâu chưa quan hệ thì những cảm xúc này còn mãnh liệt hơn.

Khóc vì choáng ngợp

Cuộc yêu diễn ra hoàn toàn ngoài mong đợi của bạn. Có thể đối phương khác hẳn với mọi lần quan hệ. Người ấy đột ngột đưa bạn lên chiếc tàu lượn siêu tốc của cảm xúc, khiến bạn sợ hãi đến ngây ngất khi tàu lên đỉnh, để rồi lúc chạm đất, bạn vẫn còn đọng lại cảm giác hồi hộp, chơi vơi. Lúc này, bạn khóc đơn giản chỉ vì choáng ngợp trước mọi thứ diễn ra vượt ngoài suy nghĩ của mình.

Khóc vì phản ứng của cơ thể

Bạn vừa đạt được cơn cực khoái mãnh liệt nhất trong đời? Lần đầu tiên bạn lên đỉnh nhiều lần đến vậy? Niềm khoái cảm về mặt thể chất chắc chắn sẽ tạo phản ứng và khiến bạn rớt nước mắt.

Ngược lại, nếu bạn đang mong chờ một đêm ái ân tuyệt vời nhưng kết cục lại không như ý, bạn có thể sẽ thất vọng và căng thẳng đến mức khóc lóc.

Khóc vì phản ứng sinh học

Một số ước tính cho thấy ở bất cứ đâu, có khoảng 32% đến 46% nữ giới bị PCD. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu xác định lý do tại sao. Có thể vì sự thay đổi nội tiết tố xảy ra khi quan hệ, dẫn đến cảm xúc mãnh liệt đến trào nước mắt.

Khóc cũng có thể là một cơ chế giảm căng thẳng và kích thích thể chất một cách mạnh mẽ. Nếu bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn (công việc đình trệ, gia đình trục trặc), việc đột ngột trút bỏ tất cả năng lượng bị dồn nén ấy khi làm tình có thể khiến bạn rơi nước mắt.

Ảnh của Dids

Khóc vì đau đớn

Đôi khi, bạn khóc đơn giản vì thấy đau trong lúc làm tình bởi các lý do sau:

+ Không đủ chất bôi trơn (do thời gian dạo đầu ít, cô bé có cơ địa khô hạn…)

+ Bé ciu quá khủng

+ Quan hệ quá thô bạo, làm cô bé bị tổn thương

+ Bị dị ứng với latex – chất liệu của bao cao su

+ Bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nấm men hoặc viêm âm đạo

+ Bị bệnh phụ khoa

Nếu cơn đau xuất phát từ những lý do liên quan đến bệnh tật, bạn hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Nếu cơn đau do cách thức quan hệ, bạn hãy nói chuyện với người ấy để tìm cách khắc phục. Ví dụ như dành thời gian cho màn dạo đầu nhiều hơn, sử dụng bao cao su chất liệu non-latex, quan hệ nhẹ nhàng hơn…

Khóc vì lo âu

Khóc là một phản ứng tự nhiên trước sự căng thẳng, sợ hãi và lo lắng.

Nói chung, khi bạn đang lo lắng chuyện gì thì thật khó gạt sang một bên để làm tình. Cơ thể bạn đang chuyển động nhưng tâm trí lại lơ lửng chỗ khác. Và bạn rơi nước mắt vì nó.

Có thể bạn đang lo lắng liệu mình có làm hài lòng người ấy không, kỹ năng của mình có giúp người ta thỏa mãn không, hoặc bạn có đáp ứng được kỳ vọng của người ấy không.

Tất cả lo lắng có thể mở ra những cơn lũ cảm xúc và khiến giọt nước mắt lăn dài.

Khóc vì tình trạng sức khỏe tâm lý không tốt

Nếu bạn nhận thấy mình thường xuyên khóc, đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm hoặc một tình trạng sức khỏe tâm thần khác cần được giải quyết.

Các dấu hiệu khác của trầm cảm có thể bao gồm:

+ Buồn rầu

+ Thất vọng, cáu kỉnh hoặc tức giận

+ Lo âu

+ Khó ngủ, hay bồn chồn hoặc mệt mỏi

+ Mất tập trung, hay quên

+ Thay đổi khẩu vị

+ Đau nhức không rõ nguyên nhân

+ Mất hứng thú làm những hoạt động bình thường, bao gồm làm tình.

Khóc vì di chứng từng bị lạm dụng hoặc tấn công tình dục

Nếu bạn từng bị lạm dụng hoặc bị tấn công tình dục, những tư thế hoặc động tác ái ân ngay lúc này có thể gợi bạn nhớ lại những ký ức đau buồn. Khi ấy, rơi nước mắt là một phản ứng dễ hiểu.

Nếu điều này trở thành vấn đề xảy ra thường xuyên, bạn có thể tạm dừng quan hệ tình dục và cân nhắc đến gặp bác sĩ tâm lý để giúp bạn vượt qua di chứng.

Ảnh của Plato Terentev

Nên làm gì nếu bạn là người thường khóc trong hoặc sau khi quan hệ?

Nếu bị đau hoặc khó chịu về thể chất ngay trước, trong và sau khi quan hệ, bạn hãy đi khám bác sĩ. Nhiều nguyên nhân của cơn đau có thể điều trị được.

Nếu không, bạn hãy nghĩ về lý do mình khóc. Dưới đây là một số câu bạn có thể tự hỏi mình để xác định lý do:

1/ Đó chỉ là vài giọt nước mắt tự phát hay mình đang khóc thật?

2/ Mình khóc vì cảm xúc hay do phản ứng cơ thể?

3/ Mình có đang nhớ lại chuyện đau buồn trong quá khứ không? (Bị lạm dụng, quấy rối?)

4/ Khóc làm mình giảm căng thẳng hay tăng thêm?

Nếu câu trả lời của bạn có xu hướng tràn ngập tình yêu hoặc niềm vui thể xác thuần túy, bạn không cần phải lo lắng gì nhiều.

Nếu câu trả lời hướng đến các vấn đề tình cảm trong mối quan hệ hoặc trong chuyện giường chiếu, bạn nên thử một số giải pháp dưới đây:

+ Cho mình thêm thời gian. Hãy đọc lại các câu hỏi trên vào ngày hôm sau, khi bạn đã cho bản thân thêm thời gian để khám phá đầy đủ cảm xúc của mình.

+ Nói chuyện với người ấy. Việc giải quyết ổn thỏa các vấn đề trong mối quan hệ có thể giải tỏa không khí và nâng cao chất lượng đời sống tình dục của hai bạn.

+ Nói về chuyện ấy. Bạn hãy trao đổi về những gì mình thích và không thích trong chuyện ấy. Tránh không chỉ trích mà chỉ chia sẻ cảm xúc, mong muốn với mục đích giúp cả hai hòa hợp hơn. Chuyện này có thể làm hai bạn khó xử nhưng đáng làm.

Nên làm gì nếu bạn thấy người ấy khóc?

Việc nhìn thấy người mình thương khóc trong hoặc sau khi quan hệ có thể khiến bạn bối rối, vì vậy:

+ Hỏi người ta xem có vấn đề gì xảy ra không, nhưng cố gắng không đổ lỗi hoặc xem nhẹ cảm xúc của người ta.

+ Nếu người ấy muốn một mình, bạn hãy tôn trọng mong muốn đó.

+ Quan tâm, hỏi han và lắng nghe một cách trân trọng khi người ấy chia sẻ. Ngược lại, bạn đừng gặng hỏi nếu người ấy không muốn trả lời bất kỳ câu hỏi nào.

+ Đừng ép người ấy quan hệ.

+ Thử hỏi người ta xem bạn có thể làm gì để giúp người ấy thoải mái hơn.

Về cơ bản, chỉ cần bạn ở đó, bên cạnh người ta, ngay lúc này. Như vậy đã đủ rồi.

Ảnh của Buse Doa

Tóm lại là

Khóc trong hoặc sau khi quan hệ không phải là chuyện bất thường. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, dù bạn đã thử áp dụng các cách trên, bạn có thể tìm đến nhà tư vấn tâm lý. Họ sẽ giúp bạn giải thích lý do khiến bạn khóc và có khả năng khắc phục mọi lo lắng tiềm ẩn trong bạn.

Nguồn thông tin từ: Healthline.

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tác giả: SEBT

“Sao quan hệ xong lại buồn?” – Có phải mình kỳ lạ quá không?

Có những lúc, quan hệ tình dục xong không hề tệ, thậm chí còn vui, thỏa mãn… Nhưng không hiểu sao, vài phút sau lại thấy buồn buồn, trống rỗng, muốn nép vào ai đó hoặc… khóc một mình.

Nếu bạn từng có cảm giác như vậy, thì bạn không hề lạ đời. Và càng không “quá nhạy cảm” đâu. Thật ra, khoa học có tên cho hiện tượng này: Postcoital Dysphoria – Tạm dịch là cảm giác buồn sau khi quan hệ.

Nó là gì vậy?

Đó là khi bạn cảm thấy buồn bã, cô đơn, hụt hẫng, thậm chí xa cách với người bên cạnh, dù trước đó mọi thứ đều consensual (tự nguyện) và có vẻ ổn.

Có người còn miêu tả là “như vừa bị rút hết năng lượng”, “trống rỗng khó hiểu”, “tưởng sẽ thấy gần gũi hơn, mà lại thấy lạc lõng”.

Hình ảnh từ freepik

Vì sao lại xảy ra?

1. Hormone rút như sóng biển

Khi “lên đỉnh”, cơ thể tiết ra hàng loạt hormone khiến bạn thấy vui vẻ, hưng phấn (oxytocin, dopamine, prolactin). Nhưng sau đó, tụt nhanh như sóng rút, khiến cơ thể cảm thấy chới với – kiểu như vừa được nâng lên rồi… thả rơi.

2. Tâm không khớp thân

Có những lúc mình quan hệ vì thân xác muốn, nhưng cảm xúc chưa thực sự sẵn sàng, hoặc không thấy đủ kết nối. Khi xác xong rồi, tâm mới “lên tiếng”: “Ủa, vậy là xong hả?”, “Mình có được thấy – hiểu – yêu – an toàn thật không?”.

3. Cảm xúc cũ ùa về

Đôi khi, những trải nghiệm cũ (tổn thương, bị động chạm không mong muốn, cảm giác bị bỏ rơi…) vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức. Quan hệ tình dục – vốn là một trải nghiệm rất nhạy – có thể vô thức khơi lại những ký ức đó. Dù bạn không cố ý nhớ, cơ thể vẫn nhớ.

4. Kỳ vọng khác với thực tế

Bạn mong cuộc yêu sẽ khiến hai người gần gũi hơn, hay bạn hy vọng mình sẽ cảm thấy “được yêu hơn”. Nhưng nếu người kia quay lưng ngủ, hoặc không ai ôm ai nói gì, cảm giác hụt hẫng có thể ập tới.

Có gì sai với bạn không? Không hề

Cảm giác đó không phải dấu hiệu bạn có vấn đề. Nó chỉ cho thấy:

  • Bạn là người có hệ thần kinh cảm nhận sâu sắc.
  • Bạn cần sự kết nối thật sự, không chỉ là tiếp xúc cơ thể.
  • Bạn xứng đáng được yêu theo cách khiến bạn thấy an toàn và được thấu hiểu.

Hình ảnh từ freepik

Làm gì khi thấy buồn sau khi quan hệ?

  • Nhận ra rằng cảm giác đó không sai – nó là một phần của trải nghiệm sống.
  • Nhẹ nhàng trò chuyện với người yêu, nếu bạn cảm thấy đủ an toàn. Nói ra cảm xúc thật là cách chữa lành.
  • Ghi lại những lần cảm thấy buồn – có thể bạn sẽ nhận ra một kiểu sex, một kiểu quan hệ, hoặc một người nào đó luôn khiến mình buồn, còn kiểu khác thì không.
  • Nếu cảm giác này lặp đi lặp lại và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần – bạn có thể cần một không gian trị liệu an toàn để hiểu và chữa lành sâu hơn.

Tóm lại

Không phải sex làm bạn buồn.

Mà là cơ thể bạn đang nhắc nhẹ: “Mình cần nhiều hơn thế – cần sự kết nối, yêu thương, và sự an toàn thật sự.”

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: SEBT

QUIZ – Bạn hiểu tới đâu chuyện “dính bầu” và “né bầu”?

Nhiều người tưởng mình biết, nhưng… thử mới biết!

Câu 1: Nếu “gần gũi” vào ngày được gọi là “an toàn” thì có thể mang thai không?

A. Không đâu, đã là “an toàn” mà!

B. Có thể, vì chu kỳ mỗi người mỗi khác

C. Tuỳ hôm đó có ăn nóng không

D. Chắc chắn không thể

Câu 2: Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể uống thường xuyên không?

A. Càng uống nhiều càng an tâm

B. Uống thoải mái miễn đúng liều

C. Không nên, dễ rối loạn nội tiết

D. Còn tuỳ cơ địa

Câu 3: Dừng lại đúng lúc” có phải cách tránh thai an toàn không?

A. Có nếu kiểm soát tốt

B. Tuỳ kỹ năng

C. Không an toàn vì vẫn có khả năng dính

D. Còn tuỳ “niềm tin”

Hình ảnh từ freepik

Câu 4: Sau bao lâu thì que thử thai sẽ chính xác nhất?

A. Thử liền sau khi “nghi ngờ”

B. 1–2 ngày sau là ra rồi

C. Ít nhất 7–14 ngày sau

D. Khi nào thấy dấu hiệu lạ

Câu 5: Đặt vòng tránh thai rồi thì còn khả năng có bầu không?

A. Không, vòng là tuyệt đối

B. Có xác suất thấp

C. Tuỳ vào… tâm trạng “vòng”

D. Không rõ, chỉ nghe nói

Đáp Án & Giải Thích


1️⃣ – B → “Ngày an toàn” chỉ là dự đoán, trứng có thể rụng sớm hoặc muộn. Không chắc chắn!
2️⃣ – C → Thuốc khẩn cấp không nên dùng thường xuyên, có thể gây rối loạn nội tiết.
3️⃣ – C → “Dừng đúng lúc” vẫn có khả năng mang thai do tinh trùng có thể xuất hiện trước
4️⃣ – C → Phải đợi ít nhất 7–14 ngày để hormone đủ cao thì que mới chính xác.
5️⃣ – B → Vòng tránh thai rất hiệu quả nhưng không tuyệt đối 100%. Vẫn có rủi ro nhỏ.

Hình ảnh từ freepik

Xếp Hạng Kết Quả

✅ 5/5: Quá đỉnh! Tư vấn luôn được rồi đó!

✅ 3–4/5: Ổn rồi, nhưng vẫn nên cập nhật thêm hen!

✅ 1–2/5: Coi chừng hiểu sai là “có chuyện” thiệt á!

✅ 0/5: Bắt đầu lại từ đầu cũng không muộn – bạn không cô đơn đâu!

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Chuối

Chuyện nhỏ to về BABY OIL: Từ da đến “cô bé”, “hoa cúc” và hơn thế nữa!

Hôm nay, hãy cùng SEBT đi sâu hơn vào thế giới của baby oil và khám phá những tác động của nó không chỉ trên da mà còn đến cả những vùng nhạy cảm nhất của cơ thể. Từ đó, bạn sẽ biết cách dùng đúng khi muốn đưa baby oil vào trong cuộc làm tình.

Baby oil: Người bạn đang được bàn luận nhiều nhất vào nửa cuối năm 2024 với nhiều bí mật

Baby oil, nghe tên thôi đã thấy dễ thương và an toàn rồi phải không? Nhưng bạn đừng vội, hãy cùng tìm hiểu xem nó được làm từ gì nhé:

1. Dầu khoáng: Chiếm đến 98 – 99%.

2. Vitamin E: hàm lượng xíu xiu để bảo vệ da.

3. Hương liệu: tạo mùi thơm dễ chịu.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi thành phần đều có vai trò riêng. Dầu khoáng tạo lớp màng bảo vệ, vitamin E chống oxy hóa, còn hương liệu thì… để cho thơm thôi!

Hình ảnh từ Medical News Today

Tại sao là có những người “mê mẩn” baby oil trong chuyện yêu?

1. Mượt mà như lụa, trơn tuột như chuối?!

Nhiều người khen baby oil có độ trơn “đỉnh của chóp”. Bôi vào là cảm giác mượt mà, trơn tuột như đang vuốt ve tấm lụa vậy.

2. Giá “hạt dẻ”, hiệu quả cao

So với các loại gel bôi trơn chuyên dụng, baby oil có giá “hạt dẻ” hơn hẳn. Một chai to đùng mà dùng được cả tháng, quá là kinh tế phải không nào? Mà khổ nỗi, rẻ quá hóa đắt, vì những tác hại về sau thì mời bạn đọc thật kỹ từ phần tiếp theo trở đi để hiểu tại sao ta nên cân nhắc khi sử dụng.

3. Dễ kiếm, không ngại ngùng

Bạn có thể mua baby oil ở bất kỳ đâu: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thậm chí cả hiệu thuốc. Không cần phải ngại ngùng, đỏ mặt như khi mua các sản phẩm “yêu” khác. Tiện thật nhưng lại không an toàn.

4. Đa năng “2 trong 1”

Nhiều cặp đôi thích dùng baby oil vì tính đa năng của nó. Vừa có thể dùng để massage, vừa có thể “chuyển mục đích sử dụng” nhanh chóng. Từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, quả là tiện lợi! Nhưng mà này, đừng quên “thay đầu xe” khi chuyển làn đường nhé, kẻo “tai nạn” đấy!

5. Hiệu ứng “ánh nước”

Nếu bạn từng xem các bộ phim “người lớn”, hẳn bạn đã thấy các diễn viên thường có làn da bóng loáng, như vừa tắm xong. Đó chính là nhờ baby oil! Nhiều cặp đôi muốn tái hiện cảnh đó ở nhà, nên họ chọn em này làm “trợ thủ đắc lực”.

Tuy với những lý do trên khiến baby oil được nhiều người mê mẩn nhưng bạn đừng dừng lại ở đây mà hãy đọc hết phần còn lại của bài viết để hiểu rõ những ảnh hưởng không ngờ đến sức khỏe vùng kín và cơ thể do baby oil gây ra, từ đó bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp khi “yêu”.

Khi baby oil “đi dạo” trên da

Nhiều bạn thắc mắc: “Em bôi baby oil lên da rồi, bao lâu thì nó bay hơi hết?”

SEBT trả lời: Em nó không “bay” đâu mà “ở lại” đấy! Bởi thời gian lưu trữ trên da phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

1. Bạn bôi nhiều hay ít?

2. Da bạn thuộc team khô, dầu hay hỗn hợp?

3. Thời tiết thế nào? Nóng hay lạnh, ẩm?

4. Bạn có vận động nhiều không?

Trung bình thì:

– Trên da thường: 4 – 6 giờ.

– Da khô: Có khi đến 8 – 12 giờ.

– Da dầu: Chỉ khoảng 2 – 4 giờ.

Nhưng đừng nghĩ nó ở lại lâu là tốt nhé! Có khi còn gây bít lỗ chân lông và viêm nang lông.

Hình ảnh từ Coconu

Khi baby oil “ghé thăm” vùng kín

Nhiều bạn tò mò: “Em nghe nói dùng baby oil ‘bôi trơn’ khi ‘yêu’ sẽ êm ái hơn, có đúng không?”

SEBT trả lời: Không không, baby oil không phải là “anh hùng cứu tinh” trong chuyện “yêu” đâu vì những tác động của nó:

1. Thời gian lưu lại trên niêm mạc vùng kín:

– Ở âm đạo: Khoảng 2 – 4 giờ.

– Ở trực tràng: 4 – 6 giờ.

Nhưng nó có thể “trốn” trong các nếp gấp và ở lại đến cả ngày.

2. Tác động đến môi trường pH:

– pH bình thường của “cô bé”: 3.8 – 4.5.

– Baby oil làm tăng pH lên 6.5 – 7.5.

Tưởng không sao nhưng lại sao không tưởng! Nó làm mất cân bằng hệ vi khuẩn “có lợi” trong âm đạo.

3. Gây nhiễm trùng và nấm:

– Phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên.

– Tạo môi trường cho vi khuẩn xấu phát triển.

– Ức chế hệ miễn dịch tại chỗ.

Khi lỡ “yêu” quá đà với baby oil

Nếu bạn nghĩ rằng chỉ dùng baby oil một vài lần sẽ không sao thì sai lầm to. Thực tế là sử dụng baby oil nhiều và lâu dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

1. Tác động lên âm đạo:

a) Rối loạn hệ vi sinh vật:

– Các em Lactobacillus (vi khuẩn có lợi) bị giảm số lượng.

– Vi khuẩn gây bệnh như Gardnerella vaginalis lại phát triển mạnh.

– Kết quả: Viêm âm đạo, mùi khó chịu, ngứa ngáy.

b) Tăng nguy cơ nhiễm trùng:

– Âm đạo trở nên dễ bị tổn thương hơn.

– Các bệnh lây qua đường tình dục có cơ hội “đột nhập” dễ dàng hơn.

– Nguy cơ viêm vùng chậu tăng cao.

c) Khô rát và đau đớn:

– Baby oil làm giảm khả năng tiết dịch tự nhiên của âm đạo.

– Gây cảm giác khô rát, đau đớn khi “yêu”.

– Có thể dẫn đến chứng co thắt âm đạo (vaginismus).

Hình ảnh từ Hypebae

2. Tác động lên trực tràng:

a) Viêm nhiễm và kích ứng:

– Niêm mạc trực tràng bị tổn thương, dễ bị viêm.

– Có thể xuất hiện các vết nứt, chảy máu.

b) Rối loạn đại tiện:

– Giảm phản xạ đi ngoài tự nhiên.

– Có thể gây táo bón hoặc són phân.

c) Tăng nguy cơ nhiễm trùng:

 – Vi khuẩn có hại như E. coli dễ xâm nhập.

– Nguy cơ viêm đại tràng tăng cao.

3. Viêm nấm ở trực tràng – Kẻ thù thầm lặng:

Ôi, nghe có vẻ lạ nhỉ? Nhưng đây là trường hợp rất phổ biến ở những người “tương tác sinh học” cửa sau! Viêm nấm ở trực tràng càng không phải chuyện đùa.

a) Nguyên nhân:

– Baby oil tạo môi trường ẩm ướt, thuận lợi cho nấm phát triển.

– Nấm Candida (thường gây viêm âm đạo) có thể di chuyển đến trực tràng.

b) Triệu chứng:

– Ngứa ngáy, rát bỏng vùng hậu môn.

– Đau khi đi đại tiện.

– Có thể thấy những mảng trắng quanh hậu môn.

c) Hậu quả lâu dài:

– Viêm nấm tái phát nhiều lần.

– Có thể lan rộng đến các cơ quan lân cận.

– Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm chúng ta rất mất tự tin.

Làm sao để “dọn dẹp” sau khi dùng baby oil?

Nếu bạn lỡ dùng rồi thì sao? Đừng lo lắng, hãy làm theo các bước sau:

Hình ảnh từ healthline

1. Vùng kín:

– Dùng nước ấm và sản phẩm vệ sinh chuyên biệt dành cho âm đạo với pH cân bằng.

– Rửa từ trước ra sau (tránh vi khuẩn từ hậu môn di chuyển lên).

– Lau khô nhẹ nhàng, không chà xát mạnh.

2. Vùng hậu môn:

 – Vệ sinh bằng nước ấm theo dạng bơm rửa.

 – Dùng vòi xịt nước nếu có.

 – Lau khô cẩn thận, nhất là ở các nếp gấp.

Nhớ là phải kiên nhẫn và nhẹ nhàng nhé!

Giải pháp thay thế an toàn cho baby oil

Thay vì dùng baby oil, bạn có thể thử:

1. Chất bôi trơn gốc nước: An toàn cho cả “cô bé” và bao cao su.

2. Gel bôi trơn silicone: Lưu lại lâu hơn, ít gây kích ứng.

3. Dầu dừa nguyên chất: Có tính kháng khuẩn tự nhiên.

4. Chất bôi trơn có chứa hyaluronic acid: Dưỡng ẩm tốt cho niêm mạc.

Lưu ý: Luôn kiểm tra kỹ thành phần và thử trên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng nhé!

Những dấu hiệu cần đi khám ngay

Nếu bạn đã lỡ dùng baby oil và gặp các triệu chứng sau thì hãy đi khám ngay:

1. Ngứa ngáy, rát bỏng kéo dài ở vùng kín hoặc hậu môn.

2. Tiết dịch bất thường hoặc có mùi khó chịu.

3. Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đi vệ sinh.

4. Xuất hiện các nốt đỏ, mụn nước hoặc vết loét.

5. Sốt, ớn lạnh kèm theo các triệu chứng trên.

Yêu thương cơ thể đúng cách

Baby oil là sản phẩm tuyệt vời để chăm sóc da, nhưng không phải là lựa chọn an toàn cho vùng kín. Bạn cần nhớ cơ thể mỗi người là độc nhất, vì vậy hãy lắng nghe cơ thể mình và tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào.

Chăm sóc vùng kín cũng quan trọng như chăm sóc bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Hãy yêu thương chúng đúng cách bằng việc:

1. Giữ vệ sinh sạch sẽ nhưng không quá mức.

2. Sử dụng các sản phẩm phù hợp và an toàn.

3. Lắng nghe cơ thể và đi khám định kỳ.

4. Trao đổi cởi mở với bạn đời về sức khỏe tình dục.

5. Trang bị kiến thức đầy đủ.

Bạn nhớ nhé, “yêu” là chuyện hai người, vì vậy việc chăm sóc sức khỏe vùng kín cũng nên là trách nhiệm chung. Đừng ngại chia sẻ bài viết này với người mình thương nhé!

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Tránh thai sau khi phá thai: Cần lưu ý điều gì để bảo vệ sức khỏe?

Có 2 loại phá thai mà bạn cần biết:

1. Phá thai bằng phẫu thuật (hay còn gọi chấm dứt thai kỳ bằng phẫu thuật) là hành động cố ý chấm dứt thai kỳ bằng thủ thuật phẫu thuật do bác sĩ thực hiện.

2. Phá thai bằng thuốc (hay còn gọi chấm dứt thai kỳ bằng thuốc) là hành động cố ý chấm dứt thai kỳ bằng các loại thuốc cụ thể cần được bác sĩ kê đơn.

Sau khi phá thai thì bao lâu bạn có thể mang thai?

Dù bạn phá thai bằng phẫu thuật hay bằng thuốc, bạn đều có thể rụng trứng ngay sau khi phá thai. Và điều này có thể xảy ra ngay trước khi kinh nguyệt của bạn trở lại. 

Hình ảnh được đăng tải bởi Julia Caesar trên Unsplash

Do đó, điều quan trọng là bạn phải bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai ngay lập tức nếu có phát sinh quan hệ và muốn tránh thai ngoài ý muốn.

Sau khi phá thai thì bao lâu bạn có thể quan hệ được?

Bạn có thể quan hệ tình dục qua đường âm đạo sau 2 tuần hoặc vài ngày sau khi hết chảy máu.

Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn tránh bơi lội hoặc tắm bồn, và sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san trong 2 tuần hoặc vài ngày sau khi hết chảy máu.

Bạn có thể sử dụng biện pháp tránh thai nào sau khi phá thai?

Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những biện pháp bạn có thể lựa chọn cũng như biện pháp nào phù hợp với thể trạng của bạn nhất. 

Hình ảnh được đăng tải bởi charlesdeluvio trên Unsplash

Nhìn chung các biện pháp tránh thai bao gồm loại tác dụng ngắn, tác dụng dài hoặc vĩnh viễn:

Nhóm các biện pháp tránh thai có tác dụng ngắn bao gồm: bao cao su (phải được dùng mỗi khi quan hệ) hoặc thuốc tránh thai hàng ngày (phải uống mỗi ngày).

Nhóm các biện pháp tránh thai có tác dụng dài, và nếu ngừng thì mang thai lại được mà không cần thực hiện thêm bất kỳ hành động nào khác. Chúng bao gồm que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai và vòng tránh thai (nội tiết hoặc bằng đồng).

Nhóm các biện pháp tránh thai vĩnh viễn, khó có thể mang thai lại, bao gồm triệt sản nữthắt ống dẫn tinh nam.

Biện pháp tránh thai sẽ có hiệu quả sau khi phá thai bao lâu?

Điều này tùy thuộc vào loại biện pháp tránh thai bạn chọn và loại phá thai bạn đã thực hiện.

Biện pháp tránh thai sau khi phá thai bằng phẫu thuật

Các loại que cấy, thuốc tiêm, vòng tránh thai và thuốc tránh thai nội tiết đều được coi là có hiệu quả ngay sau khi bạn phá thai bằng phẫu thuật.

Nếu bạn tiêm tránh thai hoặc bắt đầu dùng thuốc tránh thai sau hơn 5 ngày sau khi phá thai, bạn sẽ cần dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong một tuần. Bởi lúc này, thuốc tiêm và thuốc tránh thai chưa phát huy tác dụng bảo vệ. Còn nên dùng thêm biện pháp nào thì bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhé.

Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash

Bạn có thể đặt vòng tránh thai ngay sau khi phá thai bằng phẫu thuật, bao gồm cả khi bạn đang được gây mê hoặc dùng thuốc an thần.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy vẫn có nguy cơ vòng tránh thai bị đẩy ra (di chuyển ra khỏi vị trí hoặc rơi ra); và nguy cơ này tăng nhẹ khi được đặt ngay sau khi phá thai. 

Biện pháp tránh thai sau khi phá thai bằng thuốc

Bạn có thể dùng hầu hết các biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố (thuốc viên, thuốc tiêm hoặc que cấy) tại thời điểm phá thai bằng thuốc.

Thời điểm chính xác có thể thay đổi tùy theo loại biện pháp tránh thai. Để cho chắc chắn thì bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn kỹ càng hơn nhé.

Ngoài ra, bạn có thể đặt vòng tránh thai ngay lập tức hoặc vài ngày sau khi phá thai bằng thuốc. Trong thời gian chờ đặt vòng, bạn cần sử dụng một biện pháp tránh thai khác nếu có phát sinh quan hệ và không muốn mang thai.

Cuối cùng, bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. SEBT khuyên bạn đọc để lấy kiến thức và thông tin, còn quan trọng nhất vẫn là gặp bác sĩ để được tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe của mình.

Nguồn thông tin từ: Contraception after an abortion – Better Health Channel 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Tránh thai sau khi sinh: Biện pháp nào phù hợp với bạn?

Phụ nữ sau khi sinh có rất nhiều nỗi lo. Một trong số đó là cách phòng tránh thai với những thắc mắc như:

Sau sinh thì khi nào mình mới bắt đầu dùng biện pháp tránh thai?

Nếu đang cho con bú thì có nên dùng thuốc tránh thai không?

Cho con bú có tác dụng tránh thai không?

Vì vậy ở bài viết này, SEBT sẽ thông tin đến bạn mọi điều cần biết về phòng tránh thai sau khi sinh.

Sau sinh thì khi nào bạn mới bắt đầu dùng biện pháp tránh thai?

Nhìn chung, nữ giới có khả năng sinh sản khoảng 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt. Kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại bất kỳ lúc nào từ khoảng sáu tuần đến ba tháng sau khi sinh, tùy thuộc vào việc bạn chỉ cho con bú, cho con bú sữa công thức hay sử dụng cả hai biện pháp.

Hình ảnh được đăng tải bởi Alexander Grey trên Unsplash

Kinh nguyệt của bạn có thể không trở lại cho đến khi bạn giảm hoặc ngừng cho con bú. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có khả năng sinh sản mà không hề hay biết.

Nói tóm lại, nếu bạn muốn sử dụng biện pháp tránh thai thì nên bắt đầu từ khoảng 3 tuần sau khi sinh.

Cho con bú có tác dụng tránh thai không?

Cho con bú có thể được dùng như một hình thức tránh thai bằng cách trì hoãn việc kinh nguyệt trở lại. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng nếu bạn cho con bú thường xuyên và đều đặn. Cụ thể, cho con bú như một biện pháp tránh thai chỉ có tác dụng nếu:

+ con bạn dưới 6 tháng tuổi.

+ kinh nguyệt của bạn chưa trở lại.

+ bạn cho con bú hoàn toàn theo nhu cầu, cả ngày lẫn đêm (tức là tối thiểu 6 lần bú kéo dài trong 24 giờ, không có khoảng cách giữa các lần bú quá 4 giờ).

Nếu con bạn đã ngừng bú hoàn toàn thì phương pháp này không còn hiệu quả nữa và bạn sẽ cần sử dụng một hình thức tránh thai khác.

Vậy đâu là biện pháp tránh thai an toàn nếu bạn đang cho con bú?

Câu trả lời là:

+ Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin

+ Bao cao su

+ Thuốc tiêm tránh thai (loại Depo-Provera® hoặc Depo-Ralovera®)

+ Que cấy tránh thai (Implanon NXT™) 

+ Vòng tránh thai (IUD)

+ Triệt sản vĩnh viễn (thắt ống dẫn trứng).

Nếu bạn cần sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp thì loại an toàn để sử dụng là thuốc tránh thai khẩn cấp levonorgestrel. 

Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash

Biện pháp tránh thai không được khuyến khích nếu bạn đang cho con bú

1. Thuốc tránh thai loại kết hợp vì nó có thể làm giảm sản xuất sữa mẹ nếu bạn đang cho con bú dưới 6 tuần tuổi.

2. Thuốc tránh thai khẩn cấp loại ulipristal acetate (UPA) không được khuyến khích vì nó được bài tiết qua sữa mẹ và vẫn chưa biết là có tác động lên trẻ sơ sinh hay không. Nếu ai đã sử dụng thuốc này thì được khuyên là không nên cho con bú trong bảy ngày sau khi uống.

Làm thế nào để chọn được biện pháp tránh thai phù hợp với mình sau khi sinh?

Để chọn được biện pháp tránh thai nào phù hợp nhất với bạn sau khi sinh thì hãy hỏi bác sĩ về:

Hình ảnh được đăng tải bởi Bermix Studio trên Unsplash

+ Các biện pháp tránh thai nào phù hợp với tình hình hiện tại của bạn.

+ Cách thức hoạt động của chúng và hiệu quả của chúng như thế nào khi sử dụng (tức xác suất thất bại trong thực tế).

+ Các biện pháp nào phù hợp với cơ thể và lối sống của bạn (nếu bạn hay quên thì khó dùng thuốc tránh thai hàng ngày).

+ Bạn có thể bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai sớm nhất khi nào.

+ Bạn và bạn đời có thể chia sẻ trách nhiệm tránh thai như thế nào.

+ Các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Đặc biệt, bạn hãy tìm hiểu về hiệu quả của từng biện pháp tránh thai nhé. Tuy không có biện pháp nào hiệu quả 100% nhưng sẽ có biện pháp mang hiệu quả cao hơn những biện pháp khác.

Cuối cùng, nếu bạn vẫn không biết lựa chọn như thế nào thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn nhé.

Nguồn thông tin từ: Contraception after giving birth – Better Health Channel

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link