Vú và ung thư vú: Hiểu đúng và đủ để giữ “vòng 1” luôn khỏe mạnh

Tác giả: .Ngưn.

Vú là một trong những bộ phận quan trọng của chúng ta và thường gắn liền với hình ảnh tình dục. Nhưng ở bài chuyên đề này, SEBT sẽ không nói về vú trong đời sống tình dục mà đi sâu hơn về những kiến thức cơ bản về vú cũng như cách chăm sóc để phòng ngừa căn bệnh gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ trên toàn thế giới: ung thư vú.

Điều này đặc biệt thiết thực ở Việt Nam khi mà trong tổng số ca mắc ung thư ở phụ nữ thì ung thư vú nằm trong top đầu (mỗi năm khoảng 15.000 ca mắc mới) [1]. Chưa kể những năm gần đây, ung thư vú đang có xu hướng gia tăng ở phụ nữ trẻ, nguyên nhân một phần là do các bạn chủ quan nghĩ mình còn trẻ thì không bị bệnh nên không quan tâm đến việc tầm soát ung thư vú. 

Vì vậy, SEBT mong qua chuyên đề lần này, bạn sẽ hiểu đúng và đầy đủ hơn về “đôi gò bồng đảo” cũng như căn bệnh ung thư vú để nhận thức được các yếu tố rủi ro mà bạn có thể gặp phải, những dấu hiệu cho thấy vú có vấn đề và cách để giảm thiểu rủi ro bị ung thư vú.  

Các hình dạng điển hình của vú

Trước khi giới thiệu các hình dạng điển hình của vú, SEBT muốn nhắn nhủ một điều rằng:

Cũng như âm đạo, vú của bạn là duy nhất. Không có hai người nào mang cùng bộ ngực giống nhau.

Vú có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau nên không có khái niệm nào là “bình thường” hay “bất thường”. Ngay cả khi vú của bạn giống với một hình dạng mà SEBT sẽ giới thiệu dưới đây thì chúng có thể mang những biến thể khiến chúng khác biệt với bộ ngực của người khác. 

Điều duy nhất không bình thường là vú bạn bị đau mà không rõ nguyên nhân (SEBT sẽ đi sâu vào vấn đề này ở phần bên dưới).

Còn bây giờ, bạn hãy nhìn vào gương và xem vú của bạn trông giống hình dạng nào dưới đây nhé.

Bộ ngực nguyên mẫu

Đây là bộ ngực có dạng tròn và đầy đặn, được xem là “tiêu chuẩn” cho vú. Hầu hết áo lót được thiết kế dựa theo hình dạng này.

Bộ ngực không đối xứng

Vú không đối xứng có hai kích cỡ khác nhau, ví dụ một bên to một bên nhỏ. Tình trạng vú không đồng đều theo kích thước cúp ngực trở xuống là chuyện khá phổ biến. Nên bạn đừng lo nếu thấy một bên vú to hơn bên còn lại.

Bộ ngực khỏe khoắn

Người sở hữu bộ ngực này sẽ có vú rộng hơn, nhiều cơ và ít mô vú hơn.

Bộ ngực hình chuông

Như tên gọi, vú có hình quả chuông với phần trên hẹp và phần dưới tròn hơn.

Bộ ngực khắng khít

Hai chiếc vú nằm sát rạt với nhau mà không có khoảng hở hoặc chỉ có một khoảng hở rất nhỏ giữa chúng. Chúng nằm gần giữa ngực hơn nên tạo ra nhiều khoảng cách giữa cánh tay và vú.

Bộ ngực hình nón

Vú này có dạng giống hình nón hơn là hình tròn. Các bạn có ngực nhỏ thường mang hình dạng này hơn là người có ngực lớn.

Bộ ngực Đông Tây

Nếu núm vú ở hai bên của bạn hướng ra ngoài thay vì vào trong thì kiểu ngực của bạn là Đông Tây.

Bộ ngực thư thái

Vú giãn ra, có mô vú lỏng lẻo hơn và núm vú hướng xuống dưới.

Bộ ngực đầy đặn

Vú tròn trịa, có độ đầy đặn ở trên và dưới bằng nhau.

Bộ ngực xa cách

Trái với hình dạng khắng khít, ở bộ ngực xa cách, hai vú được đặt cách xa nhau hơn, có nhiều khoảng trống hơn giữa chúng.

Bộ ngực mảnh khảnh

Vú mảnh mai, hẹp và dài với núm vú hướng xuống dưới.

Bộ ngực giọt nước

Vú có hình giọt nước: tròn và phần dưới đầy đặn hơn phần trên một chút.

Yếu tố nào quyết định hình dạng của vú?

Cho đến nay, di truyền vẫn chiếm phần lớn quyết định vú của bạn có hình dạng thế nào. Các yếu tố khác sẽ bao gồm:

+ Cân nặng. Chất béo chiếm phần lớn của mô và mật độ vú của bạn, vì vậy bạn có thể thấy sự khác biệt trong hình dạng vú của mình khi tăng hoặc giảm cân.

+ Tập thể dục. Vú có thể trông săn chắc hoặc nở nang hơn nếu bạn tạo các cơ phía sau mô vú bằng cách tăng cường sức mạnh cho cơ ngực qua các bài tập thể dục.

+ Tuổi tác. Vú sẽ chảy xệ một cách tự nhiên khi bạn già đi. Vì vậy theo thời gian, vú có thể dài ra và hướng xuống dưới trông như trái mướp.

+ Mang thai và cho con bú. Hormone trong thời kỳ mang thai và cho con bú có thể làm vú sưng lên và thay đổi cách phân bổ chất béo và mô trên khắp bầu ngực của bạn.

Còn về quầng vú thì sao?

Hình ảnh từ cottonbro studio

Quầng vú là vùng sẫm màu xung quanh núm vú. Nó cũng độc nhất vô nhị; không tồn tại hai người nào có cùng quầng vú giống nhau.

Đường kính quầng vú trung bình là 4cm, nhưng có người nhỏ hơn, người thì lớn hơn. Nếu kích thước quầng vú của bạn thay đổi theo thời gian hoặc trong các thời kỳ như mang thai hoặc cho con bú thì cũng là điều bình thường.

Hình dạng quầng vú của bạn có thể không đều hoặc bị lệch nên đừng lo nếu thấy mình chẳng có hai vòng tròn hoàn hảo xung quanh núm vú. Chuyện này rất bình thường và phổ biến hơn bạn nghĩ. 

Thế còn núm vú thì sao?

Và cũng tương tự vú hay quầng vú, núm vú của bạn cũng là độc nhất vô nhị. Chúng có nhiều hình dạng, kích thước, màu sắc và hướng khác nhau. Một số hình dạng núm vú phổ biến như:

+ Mấp mô: Xung quanh quầng vú mọc lên những sần nhỏ li ti hoặc hạt trắng, được gọi là tuyến Montgomery.

+ Sừng sững: Núm vú luôn cương cứng, dựng đứng khỏi quầng vú ngay cả khi không có kích thích.

+ Rụt rè: Núm vú thụt vào trong thay vì nhô ra ngoài như núm vú sừng sững.

+ Bằng phẳng: Núm vú phẳng, nằm ngang với quầng vú, nhưng khi bị kích thích thì vẫn dựng đứng lên như thường. 

+ Nhiều lông: Việc lông mọc xung quanh núm vú là điều hoàn toàn bình thường, và một số người có nhiều lông hơn những người khác.

+ Mạnh bạo: Núm vú nhô ra, đứng thẳng còn hơn cả núm vú sừng sững, ngay cả khi không bị kích thích.

+ Bồng bềnh: Cả quầng vú lẫn núm vú đều tạo nên một gò bồng đảo cho khuôn ngực.

+ Núm vú dư: Không ít người có thêm núm vú thứ ba hoặc thứ tư. Điều này là hoàn toàn bình thường.

+ Ngược thân: Hai núm vú ở hai hình dạng trái ngược nhau, ví dụ một núm bị lõm vào, còn một núm thì dựng đứng lên.

6 sự thật bất ngờ về vú có thể bạn chưa biết

1. Chảy xệ là điều không thể tránh khỏi

Trừ khi bạn dùng đến phẫu thuật để lưu giữ tuổi trẻ, nếu không, khi bạn già đi thì cũng đồng nghĩa bộ ngực sẽ chảy xệ theo thời gian. Ngoài ra, còn những thủ phạm khác làm vú bị chảy xệ là trọng lực, hút thuốc và tư thế ngủ.

2. Có núm vú thứ ba không phải chuyện hiếm

Thực tế, khoảng 6% dân số thế giới sở hữu núm vú thứ ba (hoặc nhiều hơn). Những chiếc vú thừa này thậm chí có thể tiết sữa và trở nên nhạy cảm hơn trong thời kỳ kinh nguyệt.

3. Chúng ta là loài linh trưởng duy nhất có vú vĩnh viễn

Loài người chúng ta phát triển vú trước khi bắt đầu dậy thì. Vú tiếp tục phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời của chúng ta (ví dụ vú sẽ lớn hơn trong thời kỳ kinh nguyệt và khi chúng ta mang thai). Ngược lại, vú của các loài linh trưởng khác chỉ phát triển khi chúng cho con bú.

4. Không phải mọi khối u ở vú đều là ung thư

Chúng ta thường nghĩ hễ ở vú có khối u thì đều là ung thư. Nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm. 

Các khối u ở vú cực kỳ phổ biến và đa số là u nang hoặc khối u lành tính. Ngoài ra, mô vú cũng thay đổi khi mức độ hormone dao động nên trông nó như bị vón cục hơn bình thường, đặc biệt trước khi đến kỳ “rụng dâu” hàng tháng.

Vì vậy, nếu một ngày bạn tự khám vú và thấy có khối u hay điều gì đó khác thường thì trước hết đừng lên Google tra rồi tự lo lắng bởi hàng đống dấu hiệu cảnh báo ung thư. Bạn nên đi khám để nhận kết quả chính xác nhất.

5. Phần lớn các cơn đau vú không liên quan đến ung thư

Hình ảnh từ cottonbro studio

Chắc chắn chúng ta sẽ gặp không ít lần bị đau vú trong cuộc đời. Những cơn đau này thường liên quan đến sự dao động nội tiết tố và có xu hướng đau dữ hơn ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Nhưng cũng có vài bạn nữ sẽ bị đau mà không liên quan đến chu kỳ của mình.

Nếu tình trạng đau hoặc căng vú kéo dài liên tục và gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì bạn nên đi khám. Lúc đó, bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra bao gồm siêu âm để biết được liệu có yếu tố nào khác hoặc bạn có đang dùng loại thuốc nào ảnh hưởng đến cơn đau vú không. Nhưng tin tốt là phần lớn các cơn đau vú không liên quan đến ung thư.

6. Cẩn thận với những lời đồn về áo ngực và vú

Hiện chưa có bằng chứng nào ủng hộ ý kiến cho rằng áo ngực có gọng gây ung thư vú. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy mặc áo ngực có thể ngăn vú bị chảy xệ. Trừ khi bạn dùng đến phẫu thuật, còn không thì theo thời gian, bộ ngực sẽ bị chảy xệ. 

Tất cả những gì áo ngực giúp bạn là hỗ trợ bạn khi ra ngoài, giúp bạn được thoải mái nhất có thể.

Những điều bạn cần biết về tự khám vú

Tự khám vú là một kỹ thuật mà bạn có thể thực hiện tại nhà để kiểm tra các khối u ở vú. Nó không hiệu quả như đi bệnh viện và siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư, nhưng nó có thể giúp bạn sớm nhận ra những bất thường về hình dạng, kích thước và kết cấu của vú.

Bạn nên ghi nhật ký cho mỗi lần kiểm tra vú. Thói quen này giúp bạn theo dõi và ghi lại bất kỳ thay đổi nào bạn nhận thấy ở vú.

Cách tự khám vú

Kiểm tra trực quan

Bạn hãy làm theo các bước sau:

1. Cởi áo, để ngực trần và đứng trước gương, hai tay duỗi thẳng ở hai bên.

2. Bạn quan sát vú và ghi nhận những điều sau:

+ Kiểm tra hình dạng, kích thước và sự đối xứng của vú

+ Da vú có dúm dó, lõm xuống không?

+ Da vú có đổi màu bất thường, bị viêm hay phù nề không?

+ Núm vú có bị tụt bất thường không?

+ Núm vú có bị bong tróc, đóng vảy không?

3. Bạn dang rộng hai cánh tay rồi để sau đầu và kiểm tra các dấu hiệu trên một lần nữa.

Hình ảnh được đăng tải bởi Victoria Strukovskaya trên Unsplash

Kiểm tra bằng tay

1. Bạn nằm ngửa trên giường, tay trái duỗi thẳng sau gáy, tay phải thì khám bên vú trái.

2. Chụm bốn ngón tay lại rồi ấn nhẹ lên bầu vú, vừa ấn vừa xoa tròn để tìm ra khối u hoặc mảng dày bất thường.

3. Bạn bắt đầu từ trong quầng vú rồi từ từ di chuyển ra bên ngoài theo hình xoắn ốc.

4. Sau đó bạn di chuyển tay đến vùng nách để xem có u hạch không.

5. Cuối cùng bạn bóp nhẹ đầu vú để xem có dịch tiết chảy ra không.

6. Bạn đổi tay để khám vú phải.

Bạn tham khảo thêm video này:

Có rủi ro nào khi tự khám vú không?

Không có rủi ro nào về mặt y tế khi tự khám vú. Nếu bạn phát hiện thấy một khối u trong vú thì cũng đừng vội lo lắng vì phần lớn không phải ác tính (gây ung thư). Chúng thường do các tình trạng lành tính khác gây ra.

Tự khám vú, khám vú lâm sàng, siêu âm vú, chụp nhũ ảnh thường được dành riêng cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú.

Một khối u vú thường có cảm giác thế nào?

Nếu có một khối u trên vú, bạn sẽ thấy nó cứng hơn so với các vùng xung quanh. Tuy nhiên, một số người có vú đặc hơn hoặc có nang bị vón cục, dễ bị nhầm là khối u. Nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu bạn thấy trên vú có dấu hiệu của khối u bất thường thì cứ đi khám bác sĩ.

Khi nào nên tự khám vú?

Thời điểm tốt nhất để tự khám vú là vài ngày sau khi sạch kinh (lý tưởng là sau 5 ngày). Những thay đổi về nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến kích thước và cảm giác của vú. Vì vậy bạn nên tự khám khi vú ở trạng thái bình thường. Những phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh nên chọn một ngày nhất định để kiểm tra, chẳng hạn như ngày đầu tiên của mỗi tháng.

Nếu vú bị đau khi bạn ấn vào?

Có những nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng đau ở vú khi bạn ấn vào và không nhất thiết phải là ung thư. Chúng có thể là do thay đổi nội tiết tố, u nang vú và chấn thương ở vú. Nói chung khi tự kiểm tra và thấy đau vú bất thường thì bạn nên đi khám bác sĩ.

Đâu là dấu hiệu cho thấy vú có vấn đề?

Vú sẽ trải qua những thay đổi khi nữ giới có kinh nguyệt, mang thai, cho con bú hoặc khi bước vào mãn kinh. Nhưng ngoài những giai đoạn này, dấu hiệu nào cho thấy vú có vấn đề cần đi khám bác sĩ? 

Khối u

Nếu khi tự khám vú, bạn thấy các khối u lớn ở nách hoặc vùng da có mụn thịt nhưng chúng không biến mất sau 6 tuần thì nên đi gặp bác sĩ.

Vú thay đổi màu sắc và kết cấu

Nếu da vú bị lõm, ngứa, có vảy hoặc chuyển sang màu đỏ, bạn cũng nên đi gặp bác sĩ.

Phát ban ở vú

Bạn bị mẩn đỏ hoặc kích ứng trên vú. Bạn cũng có thể phát ban trên vú gây ngứa ngáy, đau đớn, có vảy hoặc phồng rộp. Một số loại phát ban đến từ nguyên nhân:

+ Áp xe

+ Chứng giãn ống dẫn sữa (khi ống dẫn sữa dưới núm vú bị giãn rộng, khiến ống bị tắc nghẽn, làm phụ nữ bị đau, đỏ núm vú)

+ Viêm vú (một nhiễm trùng mô vú thường liên quan đến việc cho con bú)

+ Viêm da núm vú

Phát ban trên núm vú cũng có thể là dấu hiệu của một số loại ung thư vú. Ví dụ như bệnh Paget vú, một loại ung thư vú hiếm gặp, bắt đầu xuất hiện trên núm vú rồi lan ra vùng da xung quanh. Một bệnh khác là ung thư vú dạng viêm, làm cho vú đỏ, sưng và mềm đi. Bệnh xảy ra khi các tế bào ung thư chặn các mạch bạch huyết trên da vú.

Hình ảnh từ Laker

Núm vú tiết dịch

Núm vú chảy ra bất kỳ chất lỏng nào, có thể xuất hiện trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Thậm chí núm vú liên tục tiết dịch lên đến 2 năm sau khi bạn ngừng cho con bú. Tất cả đều bình thường.

Bên cạnh đó, núm vú có thể rò rỉ dịch màu trắng sữa trước khi mãn kinh. Lý do là vì nội tiết tố, và đây không phải chuyện hiếm.

Nhưng nếu bạn tiết dịch có máu, màu xanh lục hoặc trong; nếu chỉ một bên vú tiết dịch; nếu có một khối u và núm vú tiết dịch; hoặc nếu tiết dịch bất thường thì nên đến gặp bác sĩ. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do nhiễm trùng, u nang hoặc ung thư.

Đau núm vú

Núm vú của bạn nhạy cảm và chúng có thể bị đau vì nhiều lý do, từ việc quần áo không vừa vặn cho đến những lý do nghiêm trọng hơn.

Các vấn đề về da như viêm da, viêm da tiếp xúc và chàm có thể khiến núm vú bị đau. Mang thai hoặc cho con bú cũng có thể dẫn đến cơn đau. Đối với một số người, núm vú bị đau là dấu hiệu sắp có kinh. Các bệnh nhiễm trùng như viêm vú cũng có thể làm trầm trọng thêm cơn đau.

Nếu cơn đau cứ kéo dài nhiều ngày liên tục và càng ngày nặng nề hơn thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem có vấn đề sức khỏe nào không.

Núm vú thay đổi

Bạn tự khám vú và thấy núm vú có khác lạ như mọc lông. Quầng vú có các nang lông nên có thể xảy ra hiện tượng mọc lông. Đây là chuyện bình thường.

Nếu trước đây núm vú của bạn bình thường nhưng tự nhiên lại bị thụt vào trong ở một hoặc hai bên núm (và bạn đang không phải cho con bú hoặc sau phẫu thuật vú) thì nên đến gặp bác sĩ. Chúng có thể là dấu hiệu của viêm vú, viêm tuyến vú, ung thư vú hoặc áp xe dưới quầng vú.

Đau nách

Nếu bạn thấy đau ở nách và không biết nguyên nhân do đâu, bạn nên đến gặp bác sĩ. 

Đau nách có thể vì lý do đơn giản như căng cơ hoặc sưng hạch bạch huyết nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Trong trường hợp này, sưng và đau dưới cánh tay nghĩa là ung thư đã di căn từ vú vào các hạch bạch huyết của bạn.

Vú thay đổi về kích thước hoặc hình dạng

Vú có thể thay đổi ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Ví dụ vú thay đổi khi bạn có kinh và mang thai, thường là do hormone.

Khi đến tuổi mãn kinh, bạn có thể thấy như ngực mình bị chùng xuống, nhỏ lại và mất hình dạng. Điều này là bình thường.

Nhưng nếu bạn nhận thấy những thay đổi này nằm ngoài các thời điểm nêu trên thì nên đi khám để đảm bảo sức khỏe đều ổn.

Những điều bạn cần biết về ung thư vú

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ hai và gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ trên toàn thế giới. Vì vậy, ở bài chuyên đề này, SEBT sẽ dành một lượng nội dung nói về căn bệnh nguy hiểm này.

Ung thư vú là gì?

Hình ảnh từ cottonbro studio

Ung thư vú là ung thư phát triển trong các tế bào vú. Thông thường ung thư hình thành trong các tiểu thùy hoặc các ống dẫn sữa của vú.

Các tế bào ung thư không được kiểm soát sẽ xâm lấn các mô vú khỏe mạnh khác và có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết ở nách. Một khi ung thư xâm nhập vào những hạch bạch huyết này thì nó có thể xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể.

Như vậy bạn có thể thấy ung thư vú không chỉ là một căn bệnh đơn lẻ. Có nhiều loại ung thư khác nhau xảy ra ở các bộ phận khác nhau của vú – chẳng hạn như tiểu thùy, các ống dẫn sữa hoặc thậm chí các mô ở giữa. Do đó, không có phương pháp điều trị chung cho tất cả bệnh ung thư vú.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú

Trong giai đoạn đầu, ung thư vú có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Khi tự khám vú, bạn có thể sờ thấy khối u còn nhỏ, nhưng khi chụp X quang thì vẫn nhận ra bất thường trên phim.

Nếu bạn có thể sờ thấy một khối u, dấu hiệu đầu tiên thường là một khối u mới ở vú mà trước đó không có. Tuy nhiên, không phải tất cả khối u đều là ung thư.

Mỗi loại ung thư vú có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Nhiều triệu chứng trong số này tương tự nhau, nhưng một số có thể khác. Các triệu chứng của bệnh ung thư vú phổ biến nhất bao gồm:

+ Một khối u vú hoặc mô dày lên, làm bạn có cảm giác khác với những vùng xung quanh.

+ Đau vú.

+ Vùng da vú đỏ lên hoặc đổi màu.

+ Sưng vú toàn bộ hoặc chỉ một phần vú.

+ Núm vú tiết dịch bất thường (không phải sữa mẹ).

+ Núm vú chảy máu.

+ Núm vú hoặc vú bị bong tróc, đóng vảy.

+ Kích thước hoặc hình dạng vú bị thay đổi đột ngột hoặc không thể giải thích được.

+ Núm vú đột nhiên bị thụt vào.

+ Màu da vú bị thay đổi bất thường.

+ Ở nách xuất hiện khối u hoặc bị sưng.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì cũng không nhất thiết đồng nghĩa là bạn bị ung thư vú. Ví dụ đau ở vú hoặc có một khối u ở vú có thể do u nang lành tính gây ra. Nhưng nếu bạn cùng lúc xuất hiện nhiều triệu chứng thì hãy đi khám ngay.

Các loại ung thư vú

Hình ảnh từ Anna Tarazevich

Ung thư vú được chia thành hai loại chính: xâm lấn và không xâm lấn

Ung thư xâm lấn thường lây lan từ các ống dẫn sữa hoặc tuyến vú đến các bộ phận khác của vú và lan rộng hơn. Còn ung thư không xâm lấn nghĩa là nó không lây ra bên ngoài mô mà nó đã hình thành từ ban đầu. 

Hai loại này được dùng để mô tả các loại ung thư vú phổ biến bao gồm:

+ Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ (DCIS). Đây là một tình trạng không xâm lấn. Với DCIS, các tế bào ung thư bị giới hạn trong các ống dẫn sữa và không xâm lấn vào các mô vú xung quanh.

+ Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS). Đây cũng là tình trạng không xâm lấn với tế bào ung thư phát triển trong các tuyến sản xuất sữa của vú và chưa xâm lấn vào các mô xung quanh.

+ Ung thư biểu mô ống xâm nhập (IDC). Đây là loại ung thư vú xâm lấn và cũng là loại thường gặp nhất, chiếm 65% – 80% trong ung thư vú. Nó bắt đầu trong các ống dẫn sữa và sau đó xâm lấn vào các mô lân cận trong vú. Một khi ung thư vú đã lan đến mô bên ngoài ống dẫn sữa, nó có thể bắt đầu di căn sang các cơ quan và mô lân cận khác.

+ Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (ILC). Nó phát triển đầu tiên trong các tiểu thùy của vú và đã xâm lấn vào mô lân cận.

Ngoài ra còn có các loại ung thư vú khác ít phổ biến hơn bao gồm:

+ Bệnh Paget vú. Loại ung thư này bắt đầu trong các ống dẫn của núm vú, nhưng khi phát triển, nó bắt đầu ảnh hưởng đến da và quầng vú.

+ Khối u Phyllodes. Loại ung thư vú này rất hiếm gặp, thường phát triển trong mô liên kết của vú. Hầu hết các khối u này là lành tính nhưng một số là ung thư.

+ Angiosarcoma. Đây là bệnh ung thư phát triển trên các mạch máu hoặc mạch bạch huyết ở vú.

Tùy vào loại ung thư vú bạn mắc phải sẽ có cách điều trị khác nhau và quyết định kết quả điều trị của bạn.

Các giai đoạn của ung thư vú

Bác sĩ chia ung thư vú thành các giai đoạn dựa trên kích thước của khối u và mức độ di căn của nó.

Ung thư loại mà lớn hoặc đã xâm lấn các mô, cơ quan lân cận thường ở giai đoạn cao hơn so với ung thư còn nhỏ hoặc còn trong vú. Để phán đoán giai đoạn ung thư vú, bác sĩ cần biết:

+ Ung thư loại xâm lấn hay không xâm lấn?

+ Khối u lớn như thế nào?

+ Liệu các hạch bạch huyết có liên quan không?

+ Ung thư vú đã lan đến các mô hoặc cơ quan lân cận thế nào?

Ung thư vú có 5 giai đoạn chính: từ 0 đến 4.

Ung thư vú giai đoạn 0

Giai đoạn 0 là loại ung thư DCIS. Các tế bào ung thư DCIS vẫn nằm trong các ống dẫn sữa và chưa lan sang các mô lân cận.

Ung thư vú giai đoạn 1

+ Giai đoạn 1A: Khối u nguyên phát rộng từ 2cm trở xuống. Các hạch bạch huyết không bị ảnh hưởng.

+ Giai đoạn 1B. Ung thư được tìm thấy trong các hạch bạch huyết gần đó. Không có khối u trong vú hoặc khối u nhỏ hơn 2cm.

Ung thư vú giai đoạn 2

+ Giai đoạn 2A. Khối u nhỏ hơn 2cm và đã lan đến 1 – 3 hạch bạch huyết gần đó hoặc từ 2 – 5cm và chưa lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào.

+ Giai đoạn 2B. Khối u có kích thước từ 2 – 5cm và đã lan đến 1 – 3 hạch bạch huyết ở nách hoặc lớn hơn 5cm và chưa lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào.

Ung thư vú giai đoạn 3

– Giai đoạn 3A:

+ Ung thư đã di căn đến 4 – 9 hạch bạch huyết ở nách hoặc đã mở rộng các hạch bạch huyết bên trong tuyến vú. Khối u nguyên phát có thể mang bất kỳ kích thước nào.

+ Khối u lớn hơn 5cm. Ung thư đã lan đến 1 – 3 hạch bạch huyết ở nách hoặc bất kỳ hạch nào ở xương ức.

– Giai đoạn 3B: Một khối u đã xâm lấn vào thành ngực hoặc da và có thể có hoặc không xâm lấn tới 9 hạch bạch huyết.

– Giai đoạn 3C. Ung thư được tìm thấy trong 10 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết ở nách, các hạch bạch huyết gần xương đòn hoặc các hạch bên trong tuyến vú.

Ung thư vú giai đoạn 4 (ung thư vú di căn)

Ung thư vú giai đoạn 4 có thể có một khối u với bất kỳ kích thước nào. Các tế bào ung thư của nó đã lan đến các hạch bạch huyết gần và xa cũng như các cơ quan khác.

Bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm để xác định bạn đang mắc ung thư vú ở giai đoạn nào rồi quyết định cách thức điều trị.

Tỷ lệ sống sót của ung thư vú

Hình ảnh từ Michelle Leman

Tỷ lệ sống sót của ung thư vú sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hai trong số các yếu tố quan trọng nhất là loại ung thư bạn mắc phải và giai đoạn ung thư tại thời điểm bạn nhận được chẩn đoán. Các yếu tố khác bao gồm:

+ Độ tuổi

+ Giới tính

+ Sức khỏe tổng thể 

+ Tốc độ phát triển của ung thư

Tin tốt là tỷ lệ sống sót sau khi mắc ung thư vú đang ngày càng được cải thiện. Theo tập san học thuật ACS [1], vào năm 1975, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư vú ở nữ giới là 75.2%. Nhưng đối với những người được chẩn đoán từ năm 2008 đến 2014, con số này là 90.6%. 

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư vú sẽ khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn được chẩn đoán. Chúng dao động từ 99% đối với ung thư giai đoạn đầu đến 27% đối với ung thư đã di căn.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú

+ Tuổi tác. Nguy cơ phát triển ung thư vú của bạn tăng lên khi bạn già đi. Hầu hết các bệnh ung thư vú xâm lấn được tìm thấy ở phụ nữ trên 55 tuổi.

+ Uống rượu. Lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ của bạn.

+ Có mô vú dày đặc. Mô vú dày đặc làm cho hình ảnh khi chụp nhũ bị khó đọc. Nó cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.

+ Giới tính. Theo ACS [3], phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn 100 lần so với nam giới da trắng, và phụ nữ da đen có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 70 lần so với nam giới da đen.

+ Gen. Những người có đột biến gen BRCA1 và BRCA2 mang nhiều khả năng bị ung thư vú hơn những người không có. Các đột biến gen khác cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ của bạn.

+ Có kinh nguyệt sớm. Nếu bạn có kinh lần đầu tiên trước 12 tuổi, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

+ Sinh con muộn. Những người sinh con đầu lòng sau 35 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.

+ Liệu pháp hormone. Những người đã hoặc đang sử dụng thuốc estrogen và progesterone sau mãn kinh để giúp giảm các dấu hiệu của triệu chứng mãn kinh thường có nguy cơ bị ung thư vú cao.

+ Di truyền. Nếu có người thân là phụ nữ bị ung thư vú, bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh này hơn. Trường hợp này cũng bao gồm mẹ, bà, chị hoặc con gái của bạn.

+ Bắt đầu thời kỳ mãn kinh muộn. Những người bắt đầu mãn kinh sau 55 tuổi có nhiều khả năng bị ung thư vú.

+ Chưa bao giờ có thai. Những người chưa bao giờ mang thai hoặc chưa từng mang thai đủ tháng có nhiều khả năng bị ung thư vú.

+ Từng bị ung thư vú trước đây. Nếu bạn đã bị ung thư ở một bên vú, bạn sẽ tăng nguy cơ phát triển ung thư ở vú còn lại hoặc ở một vùng khác của vú đã bị ảnh hưởng trước đó.

Lưu ý: nếu bạn có bất kỳ yếu tố nào trong danh sách trên thì nó cũng không có nghĩ là bạn chắc chắn sẽ phát triển bệnh ung thư vú. 

Phòng chống bệnh ung thư vú

Theo danh sách yếu tố nguy cơ gây ung thư vú kể trên, có những yếu tố mà bạn không thể kiểm soát. Tuy nhiên, nếu bạn duy trì lối sống lành mạnh, sàng lọc thường xuyên và thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào mà bác sĩ đề xuất thì có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư vú.

Duy trì lối sống lành mạnh

Thói quen sống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú của bạn.

Ví dụ những người bị béo phì có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn. Nếu bạn duy trì một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên thì có thể giúp bạn vừa giảm cân vừa giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ [4], lạm dụng rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Lạm dụng ở đây là uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày hoặc uống vô độ.

Vì vậy, bạn nên có chế độ ăn lành mạnh, giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, tránh hoặc hạn chế uống bia rượu.

Ngoài ra, phụ nữ chọn cho con bú ít nhất vài tháng sau khi sinh cũng có thể nhận thêm lợi ích là giảm nguy cơ ung thư vú.

Tầm soát ung thư vú

Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ (ACP) đưa ra các khuyến nghị chung sau đây cho những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú ở mức trung bình [5]:

+ Phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi: Bạn không nên chụp nhũ ảnh hàng năm nhưng nếu muốn, bạn có thể thảo luận với bác sĩ.

+ Phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 74: Nên chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần.

+ Phụ nữ trong độ tuổi từ 75 trở lên: Không còn khuyến khích chụp nhũ ảnh.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) lại có khuyến nghị sau [6]:

+ Phụ nữ từ 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú hàng năm nếu có nhu cầu

+ Phụ nữ từ 45 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư vú hàng năm

+ Phụ nữ từ 55 tuổi nên tầm soát ung thư vú 2 năm 1 lần

Các khuyến nghị về chụp nhũ ảnh sẽ khác nhau tùy vào mỗi người nên tốt nhất là bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ là có nên chụp nhũ ảnh thường xuyên không.

Tự khám vú

Lợi ích và cách tự khám vú tại nhà, SEBT đã hướng dẫn ở phần trên.

Nguồn thông tin trong bài:

[1] Ung thư vú: Hiểu đúng và điều trị kịp thời – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) 

[2] http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.3322/caac.21332/full#caac21332-note-0019  

[3] https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer-in-men/about/key-statistics.html 

[4] https://www.aacr.org/blog/2021/12/22/alcohol-and-cancer-risk-how-much-is-too-much/  

[5] http://doi.org/10.7326/M18-2147 

[6] ACS Breast Cancer Screening Guidelines 

The 12 Different Breast Shapes and Types (healthline.com)

Facts About Female Breasts (health.com)

Hướng dẫn tự khám – YouTube  

Breast Self-Exam: Preparation, Procedure & Risks (healthline.com) 

Breasts: What’s Normal and What’s Not (webmd.com)

Breast Cancer: Symptoms, Stages, Types, and More (healthline.com)

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tác giả: Chuối

Chu kỳ đáp ứng tình dục ở nữ giới & các rối loạn thường gặp

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chu kỳ đáp ứng tình dục ở nữ giới đi từ giai đoạn nổi lên ham muốn cho tới khi đạt cực khoái. Và mỗi giai đoạn sẽ đi kèm các rối loạn thường gặp (ví dụ bạn nữ rất khó lên đỉnh dù đã tìm mọi cách kích thích). Bên cạnh đó, bạn cũng biết được những yếu tố nào ảnh hưởng đến tình dục của chị em cũng như gợi ý cách điều trị khi chịu các rối loạn liên quan.

Chu ký đáp ứng tình dục ở nữ giới

Chu kỳ đáp ứng tình dục ở nữ giới bao gồm 4 giai đoạn độc lập hoặc đan xen vào nhau, cụ thể:

Hình ảnh từ ResearchGate

1. Giai đoạn Ham muốn

Trong giai đoạn này sẽ chia thành 3 loại:

– Ham muốn chủ động:

+ Có nhu cầu, có sự thôi thúc nội tại muốn được hoạt động tình dục.

+ Các suy nghĩ liên tưởng, mong muốn khi nghĩ về hoạt động tình dục.

– Ham muốn thụ động:

+ Đáp ứng lại với các kích thích tình dục.

+ Nhu cầu tăng lên.

– Được chi phối bởi não bộ.

2. Giai đoạn Hưng phấn

Trong giai đoạn này sẽ chia thành 4 loại:

– Hưng phấn ngoại vi.

– Hưng phấn khi có kích thích tình dục.

– Hưng phấn từ cơ quan sinh dục bao gồm những biểu hiện như:

+ Tiết chất nhờn âm đạo

+ Cơ quan sinh dục cương lên (cả dương vật lẫn âm vật) 

+ Cảm giác râm ran bứt rứt từ cơ quan sinh dục.

– Hưng phấn não bộ và toàn thân bao gồm những biểu hiện như:

+ Não bộ hưng phấn, thích thú

+ Tim đập nhanh, thở nhanh hơn

+ Vú và núm vú cương lên, tăng nhạy cảm…

3. Giai đoạn Cực khoái

Giai đoạn này sẽ thể hiện qua:

Hình ảnh được đăng tải bởi Daria Litvinova từ Unsplash

+ Sự thăng hoa tột cùng đến từ các hoạt động tình dục

+ Được kiểm soát bởi hệ thần kinh tự chủ, ngoài ý muốn chủ quan

+ Cơ quan sinh dục, cơ sàn chậu co thắt theo chu kỳ

+ Điểm G co thắt có thể giải phóng chất dịch như xuất tinh ở nam và chất lỏng ở nữ

+ Não bộ thăng hoa, cảm giác thỏa mãn lan tỏa khắp cơ thể

4. Giai đoạn Thư giãn

Đây là giai đoạn mà cảm giác thư giãn lan rộng ra toàn bộ cơ thể sau khi hoạt động tình dục được hoàn thành.

Các rối Loạn trong từng giai đoạn tình dục

– Rối loạn ham muốn tình dục: Giảm hoặc mất hứng thú với tình dục; thấy ghê tởm tình dục.

– Rối loạn hưng phấn: Khó đạt được hoặc khó duy trì sự hưng phấn sinh lý và cảm xúc trong quan hệ.

– Rối loạn cực khoái: Khó hoặc không thể đạt cực khoái sau giai đoạn hưng phấn bình thường.

– Rối loạn đau tình dục: Đau khi giao hợp; bị co thắt âm đạo nên gây đau và cản trở việc quan hệ.

– Rối loạn tình dục do bệnh lý/thuốc men:

+ Một số bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn nội tiết, trầm cảm… có thể gây nên các triệu chứng rối loạn chức năng tình dục.

+ Một số loại thuốc như thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống trầm cảm, hóa trị liệu… cũng có thể có tác dụng phụ ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn và chức năng tình dục.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tình dục ở nữ giới

Yếu tố sinh lý

+ Hormone: Sự cân bằng estrogen, testosterone, và progesterone.

+ Tuổi tác: Thay đổi theo chu kỳ sinh học.

+ Sức khỏe tổng quát: Các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp.

+ Thay đổi sau sinh và sau mãn kinh.

Yếu tố tâm lý

+ Stress và lo âu.

+ Trầm cảm.

+ Hình ảnh cơ thể và sự tự tin.

+ Trải nghiệm tình dục trong quá khứ.

Hình ảnh được đăng tải bởi Molly Blackbird trên Unsplash

Yếu tố mối quan hệ

+ Chất lượng mối quan hệ với đối phương.

+ Sự giao tiếp về nhu cầu tình dục.

+ Sự tin tưởng và an toàn trong mối quan hệ.

Yếu tố xã hội và văn hóa

+ Định kiến và kỳ vọng xã hội.

+ Giáo dục giới tính.

+ Tín ngưỡng tôn giáo.

Lối sống

+ Chế độ ăn uống và tập luyện.

+ Sử dụng rượu, thuốc lá và chất kích thích.

+ Cân bằng công việc và cuộc sống.

Yếu tố y tế

+ Tác dụng phụ của thuốc (như thuốc chống trầm cảm).

+ Điều trị ung thư và các can thiệp y tế khác.

+ Đau mãn tính.

Kiến thức và kỹ năng

+ Hiểu biết về giải phẫu cơ thể và sinh lý.

+ Kỹ năng giao tiếp về tình dục.

+ Kỹ thuật tình dục.

Môi trường

+ Sự riêng tư và thoải mái.

+ Stress từ công việc hoặc gia đình.

Yếu tố di truyền

Một số nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.

Trải nghiệm cá nhân

+ Chấn thương tình dục trong quá khứ.

+ Kỳ vọng và niềm tin cá nhân về tình dục.

Các rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

Định nghĩa

Trước đây, “lãnh cảm” được dùng để chỉ tình trạng suy giảm khả năng tình dục của phụ nữ, tương tự như từ “liệt dương”  ở nam giới.

Hình ảnh được đăng tải bởi Anthony Tran trên Unsplash

Nhưng hiện nay, “lãnh cảm” đã được thay bằng cụm từ “rối loạn chức năng tình dục (RLCNTD) của nữ giới”. 

Các rối loạn này thường được biểu hiện như [5]:

+ Không có ham muốn tình dục 

+ Không thấy hứng trong quan hệ tình dục

+ Không có khoái cảm khi quan hệ thâm nhập

+ Đau khi thâm nhập

+ Không đáp ứng tình dục, không quan tâm hoặc từ chối quan hệ tình dục với bạn tình.    

Các loại rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

+ Rối loạn ham muốn tình dục

+ Rối loạn kích thích tình dục

+ Rối loạn cực khoái

+ Đau khi giao hợp (dyspareunia)

Nguyên nhân gây ra các rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

– Sinh lý: Mất cân bằng hormone, bệnh lý mãn tính.

– Tâm lý: Stress, trầm cảm, lo âu.

– Xã hội: Mối quan hệ không tốt, chịu áp lực xã hội.

– Thuốc: Tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Chẩn đoán rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

– Hỏi bệnh sử chi tiết

– Khám thực thể

– Xét nghiệm hormone

– Đánh giá tâm lý.

Cách điều trị rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

– Người phụ nữ cần được tư vấn để giải tỏa những ức chế tâm lý, giải quyết những mâu thuẫn giữa mình và người ấy.

– Cần có sự cởi mở của bạn nữ đối với người yêu/người chồng. 

– Trường hợp vấn đề tâm lý nặng nề thì phải cần có sự giúp đỡ của những chuyên gia tâm lý.

– Nếu lý do gây “lãnh cảm” là vì bệnh lý thì phải đi khám bác sĩ để tùy nguyên nhân mà chữa trị.

– Đối với phụ nữ lớn tuổi, vấn đề suy giảm nội tiết tố sinh dục có thể cải thiện bằng điều trị nội tiết thay thế nhưng phải dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

– Tập Yoga giúp tăng ham muốn tình dục [1]:

+ Khi luyện tập yoga, tinh thần chị em được thả lỏng, thoải mái hơn, các cơ co giãn, cơ thể dẻo dai…

+ Một số bài tập yoga tăng cường sinh lý nữ như tư thế rắn hổ mang, tư thế cúi chào mặt trời, tư thế lạc đà… 

– Tập các bài tập thể dục hoặc vận động nhẹ nhàng cũng hỗ trợ điều trị rối loạn chức năng tình dục.

Hình ảnh được đăng tải bởi Erriko Boccia trên Unsplash

– Thay đổi thói quen tình dục: thay đổi không gian mới, thay đổi thời gian quan hệ mà khác với thường ngày.

– Liên tục trang bị các kiến thức về tình dục, dành thời gian nhiều hơn cho màn dạo đầu… 

Tác động của rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới

Rối loạn chức năng tình dục có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.

Đó là lý do mà chúng ta cần nâng cao nhận thức về chứng rối loạn này, giúp phụ nữ tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời và phá vỡ các định kiến xã hội.

Vai trò của người yêu/bạn đời

Sự hỗ trợ và thấu hiểu từ người yêu/bạn đời đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị rối loạn chức năng tình dục (RLCNTD).

Nghiên cứu lâm sàng

Laumann và cộng sự nghiên cứu trên 1749 phụ nữ và 1410 nam giới từ 18 – 59 tuổi ở Hoa Kỳ rồi nhận thấy [2]: 

+ 43% phụ nữ có RLCNTD trong khi nam chỉ có 31% 

+ 57% phụ nữ không có RLCNTD

+ Thường xuất hiện ở những người yếu về thể chất và tinh thần 

+ Suy giảm ham muốn tình dục (22%)

+ Khó đạt khoái cảm (14%) 

+ Đau khi giao hợp (7%) 

+ Sự suy giảm chức năng tình dục càng nhiều khi tuổi càng cao

Molouk Jaafarpour và cộng sự nghiên cứu trên 400 phụ nữ Iran tuổi từ 18 – 50 trong thời gian từ tháng 9/2010 – 9/2011 [3]. Kết quả cho thấy:

+ Số người RLCNTD tăng theo số tuổi nhất là trên 40 tuổi (75,7%)

+ RLCNTD ở nữ giới chiếm 45,3%

+ Suy giảm ham muốn tình dục 37,5%. 

+ Khô âm đạo: 41,2%. Đau khi giao hợp: 42,5%

+ Khó đạt khoái cảm: 42%

Mặt khác, có sự khác biệt lớn về tần suất RLCNTD giữa các quốc gia.

Sự khác biệt phản ánh sự khác nhau về các yếu tố tâm lý, y tế, văn hóa, chủng tộc, đặc biệt là yếu tố kinh tế xã hội.

Theo nghiên cứu của Berman và cộng sự, có nơi mà 40% phụ nữ không dám nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ khi họ gặp khó khăn về vấn đề tình dục vì họ thấy xấu hổ nếu đề cập đến tình dục [4].

Nếu tình trạng RLCNTD thỉnh thoảng mới xảy ra hoặc vì người chồng có nhu cầu quan hệ tình dục nhiều hơn người vợ nên có lúc người vợ không cảm thấy hứng thú thì người phụ nữ đó hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, nếu những triệu chứng RLCNTD đã liệt kê ở trên kéo dài liên tục và thật sự làm vợ chồng lo âu, khổ tâm thì cần phải nghiêm túc quan tâm để tìm cách giải quyết sớm, nếu không thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Các nguồn thông tin trong bài

[4] Berman L, Berman J, Felder S, Pollets D, Chhabra S, Miles M, et al. Seeking help for sexual function complaints: what gynecologists need to know about the female patient’s experience? Fertil Steril. 2003;79(3):572–76.

[3]Molouk Jaafarpour et al (2013) Female Sexual Dysfunction: Prevalence and Risk Factors J Clin Diagn Res. 2013 Dec; 7(12): 2877–2880.

[2]Edward O. Laumann, et al (1999) Sexual Dysfunction in the United StatesPrevalence and Predictors JAMA. 1999;281(6):537-544.

 [ 1] Vikas Dhikav , Girish Karmarkar et al (2010) Yoga in female sexual functions J Sex Med . 2010 Feb;7(2 Pt 2):964-70.

Tham khảo nghiên cứu từ PGS.TS VŨ THỊ NHUNG – BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Giải oan cho hormone Cortisol: Liệu nó có xấu như bạn nghĩ?

Được gọi bằng cái tên dân dã là “hormone căng thẳng”, cortisol đóng vai trò chính trong hầu hết quá trình sinh lý giúp cơ thể bạn hoạt động bình thường. Nhưng trong những năm gần đây, nó đã trở thành nạn nhân của chính sự nổi tiếng của mình khi mọi người đổ lỗi cho cortisol dẫn tới các loại bệnh như đau đầu, lo lắng, trầm cảm, kiệt sức, tăng cân…

Vậy sự thực thì như thế nào? Sau đây là những điều bạn cần biết về loại hormone quan trọng này và lý do nó không xấu xa như một số “chuyên gia” sức khỏe trên mạng xã hội muốn bạn nghĩ.

Cortisol là gì?

Cortisol là một loại hormone steroid được tạo ra ở vỏ tuyến thượng thận và sau đó được giải phóng vào máu, vận chuyển nó đi khắp cơ thể. Vì thế nói một cách công bằng thì chúng ta không thể sống thiếu cortisol.

Hầu như mọi tế bào đều chứa thụ thể cortisol. Do đó cortisol có nhiều tác dụng khác nhau tùy thuộc vào loại tế bào mà nó tác động. Những tác dụng này bao gồm:

+ kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể, từ đó điều chỉnh quá trình trao đổi chất

+ hoạt động như một chất chống viêm

+ ảnh hưởng đến quá trình hình thành trí nhớ

+ kiểm soát cân bằng muối và nước

+ ảnh hưởng đến huyết áp và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi

Hình ảnh được đăng tải bởi Bruno Nascimento trên Unsplash

Đây đều là những tác dụng lành mạnh, tích cực của cortisol mà ít ai biết. Bởi cortisol được biết đến nhiều nhất trong vai trò giúp cơ thể phản ứng với các mối đe dọa được nhận thức, khiến nó được gọi là “hormone căng thẳng”.

Khi cơ thể nhận thức được mối đe dọa bên trong hoặc bên ngoài, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích hoạt một chuỗi phản ứng hormone phức tạp. Một trong số đó là thúc đẩy tuyến thượng thận giải phóng cortisol, giúp cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết để đối phó với căng thẳng và trở lại trạng thái cân bằng nội môi.

Cụ thể, trong tình huống căng thẳng cao độ, cơ thể bạn sẽ kích hoạt những thay đổi về mặt thể chất để giúp bạn đối phó với nguy hiểm, cho dù đó là chiến đấu hay bỏ chạy.

Đây là bản năng sinh tồn quan trọng của tổ tiên chúng ta khi đối mặt với những tình huống sống còn, chẳng hạn như đụng độ với một con vật nguy hiểm.

Nhịp tim và nhịp thở của bạn có thể tăng lên, và bạn bắt đầu đổ mồ hôi hoặc cảm thấy một luồng nhiệt chạy khắp cơ thể.

Khi não bạn cảm nhận được nguy hiểm hoặc một số tình huống căng thẳng khác, nó sẽ giao tiếp với các bộ phận khác trong cơ thể để giải phóng một loại hormone gọi là adrenaline. Đây là lúc những thay đổi về mặt thể chất của phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy diễn ra.

Sau khi adrenaline được giải phóng, não của bạn sẽ kích hoạt trục HPA, cuối cùng dẫn đến giải phóng cortisol.

Mặc dù ở hiện tại, chúng ta hiếm khi trải qua những tình huống sống còn giống như tổ tiên nhưng cơ thể chúng ta vẫn phản ứng theo cách này với những tác nhân gây căng thẳng hàng ngày, ví dụ như bị mắc nợ hay cãi nhau với người yêu.

Khi căng thẳng ngắn hạn qua đi, mức cortisol sẽ giảm và cơ thể của bạn trở lại hoạt động bình thường. 

Vậy cortisol trở nên tiêu cực khi nào?

Đó là khi bạn bị mất cân bằng hormone cortisol.

Nếu có quá nhiều hormone cortisol

Hormone cortisol khi ở mức cân bằng thì rất lành mạnh. Nhưng nếu cơ thể liên tục tiết ra quá nhiều cortisol lưu lại trong máu trong một thời gian dài thì có thể gây ra hội chứng Cushing với những triệu chứng:

+ Tăng cân

+ Huyết áp cao

+ Lượng đường trong máu cao

+ Mất cơ và yếu cơ

+ Sưng mặt

+ Trầm cảm

+ Da dễ bị bầm tím

+ Vết rạn da sâu, có màu tím

+ Khó suy nghĩ được rõ ràng

+ Giảm ham muốn tình dục

Hình ảnh được đăng tải bởi Yuris Alhumaydy trên Unsplash

Vậy nguyên nhân nào khiến hormone cortisol tăng cao? 

Nó đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Tiêu biểu nhất là do căng thẳng mãn tính. Trong một nghiên cứu nhỏ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những người tham gia từng trải qua đợt căng thẳng kéo dài có nồng độ cortisol cao hơn so với những người không bị.

Các khối u nội tiết, cũng như một số loại thuốc – chẳng hạn như thuốc dùng để điều trị hen suyễn mãn tính và viêm khớp dạng thấp – cũng có thể dẫn đến nồng độ cortisol cao.

Nếu có quá ít hormone cortisol

Khi bạn có quá ít hormone cortisol thì cũng đem lại những tác động tiêu cực cho sức khỏe, ví dụ như:

+ Mệt mỏi

+ Yếu cơ

+ Nôn mửa hoặc buồn nôn

+ Chán ăn và sụt cân

Vậy nguyên nhân nào khiến hormone cortisol giảm sút? 

Đây thường là do bạn bị một rối loạn mang tên suy thượng thận. Suy thượng thận là khi tuyến thượng thận của bạn không sản xuất đủ một số loại hormone nhất định, bao gồm cả cortisol. Vì việc giải phóng cortisol phụ thuộc vào phản ứng dây chuyền dọc theo trục HPA, nên bất kỳ vấn đề nào trên đường đi đều có thể phá vỡ quá trình này.

Cortisol, căng thẳng kéo dài và hội chứng “Tuyến thượng thận mệt mỏi”

Các “chuyên gia” sức khỏe trên mạng khẳng định khi căng thẳng kéo dài, tuyến thượng thận có thể bị kiệt sức và không thể sản xuất cortisol, dẫn đến một loạt các triệu chứng như mệt mỏi dữ dội, đau đầu, đau cơ, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ…

Hình ảnh được đăng tải bởi Dmitry Schemelev trên Unsplash

Các triệu chứng đó thường được gọi là hội chứng “Tuyến thượng thận mệt mỏi” (adrenal fatigue). Nhưng một bài đánh giá tài liệu năm 2016 về các nghiên cứu cho thấy hội chứng này thực sự không tồn tại. 

Anne Cappola, giáo sư về nội tiết, bệnh tiểu đường và chuyển hóa tại Trường Y khoa Đại học Pennsylvania, đã nói với National Geographic vào tháng 7 năm 2023 rằng:

“Thực sự nếu nói tuyến thượng thận của chúng ta bị kiệt sức đến mức không hoạt động thì là đang xúc phạm nó. Những tuyến này có rất nhiều sự dự phòng tích hợp. Bạn có hai tuyến thượng thận và để hoạt động, bạn chỉ cần dùng một tuyến”.

Dù chúng ta vẫn có những rối loạn nội tiết nghiêm trọng dẫn tới mất cân bằng hormone cortisol nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo bạn không nên cố gắng “cân bằng” hormone tại nhà hoặc tự dùng thực phẩm bổ sung – mà hầu hết đều chưa được chứng minh và không được kiểm soát – để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa cortisol.

Thay vào đó, bạn nên để gặp bác sĩ để có những cuộc chẩn đoán, kiểm tra chính xác hơn. Các bác sĩ nội tiết có thể loại trừ các vấn đề về tuyến thượng thận và thường xác định nguyên nhân nằm ở các tình trạng khác, chẳng hạn như tiền mãn kinh và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), vốn cũng có chung các triệu chứng với các vấn đề về tuyến thượng thận.

Điểm tuyệt vời của tuyến thượng thận là chúng có khả năng cung cấp cho bạn những gì bạn cần để tồn tại và chống chọi với căng thẳng.

Vậy căng thẳng rốt cuộc có tác động xấu đến tuyến thượng thận và cortisol không?

Như đã giải thích ở trên, căng thẳng không làm tuyến thượng thận bị kiệt sức hoặc làm cạn kiệt nguồn dự trữ cortisol của cơ thể. Nhưng tác động tiêu cực của nó là có thật và được hỗ trợ bởi một lượng lớn tài liệu nhằm nhấn mạnh mối liên hệ giữa mức độ căng thẳng cao và sức khỏe bị tổn hại.

Ví dụ, những người trải qua thời thơ ấu căng thẳng và tệ hại dễ mắc nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, từ rối loạn tâm trạng đến béo phì và đột quỵ. Căng thẳng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm một loạt các tình trạng khác, gây tổn hại đến nhiều hệ thống cơ thể và khiến một nhóm các nhà nghiên cứu viết vào năm 2017 rằng “cộng đồng y tế cần đánh giá cao hơn về vai trò quan trọng của căng thẳng trong nhiều bệnh khác nhau”.

Vì vậy, nếu bạn muốn kiểm soát mức độ căng thẳng thì nên tập trung thay đổi lối sống bằng cách tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống lành mạnh, thực hành thiền hoặc chánh niệm và ngủ đủ giấc. Đây là những yếu tố có thể điều trị hoặc thậm chí ngăn ngừa nhiều tình trạng mà một số người có thể nhầm là do vấn đề sản xuất cortisol.

Hình ảnh được đăng tải bởi JD Mason trên Unsplash

Tóm lại là

Cortisol, được gọi là hormone căng thẳng, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng khác nhau trên khắp cơ thể chứ không tiêu cực như những thông tin trên mạng tuyên truyền.

Ngoài phản ứng với căng thẳng, cortisol có tác dụng tích cực tới khả năng miễn dịch, quá trình trao đổi chất và điều hòa lượng đường trong máu cũng như huyết áp.

Mức cortisol lành mạnh rất quan trọng, nhưng mức độ quá cao hoặc quá thấp có thể gây hại cho sức khỏe của bạn theo thời gian. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng của mức cortisol không lành mạnh, hãy đến gặp bác sĩ để làm kiểm tra xem có đúng là do cortisol không.

Cuối cùng, để giữ mức cortisol lành mạnh, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống đủ chất, thực hành thiền, chánh niệm và ngủ đủ giấc. 

Nguồn thông tin:

What is cortisol—and should you actually be worried about it? (nationalgeographic.com)

Cortisol: What It Is and Effects on the Body (zoe.com)

Cortisol | You and Your Hormones from the Society for Endocrinology

Thông tin thêm

Để đánh giá cortisol cao vượt ngưỡng (mọi người lưu ý không tự sử dụng uống hay test mà cần sự thăm khám và hỗ trợ từ bác sĩ):

*Thông tin được cập nhật 01/2024

Cortisol trong máu:

Buổi sáng (8-10 giờ):

Nam và Nữ: 5-23 mcg/dL (138-635 nmol/L)

Buổi chiều (4-6 giờ):

Nam và Nữ: 3-13 mcg/dL (83-359 nmol/L)

Nồng độ vượt quá các giá trị này có thể được coi là cao.

Cortisol trong nước bọt:

Buổi sáng (lúc thức dậy):

Nam và Nữ: 0.094-1.551 mcg/dL (2.6-42.8 nmol/L)

Buổi tối (trước khi đi ngủ):

Nam và Nữ: <0.359 mcg/dL (<9.9 nmol/L)

Cortisol trong nước tiểu 24 giờ:

Nam: 3.5-45 mcg/24 giờ (9.66-124.2 nmol/24 giờ)

Nữ: 4.0-50 mcg/24 giờ (11.04-138 nmol/24 giờ)

Xét nghiệm ức chế dexamethasone:

Sau khi uống dexamethasone, nồng độ cortisol buổi sáng nên giảm xuống dưới 1.8 mcg/dL (50 nmol/L). Nếu cao hơn, có thể chỉ ra tình trạng tiết cortisol bất thường.

Nhịp điệu cortisol ngày đêm:

Cortisol thường cao nhất vào buổi sáng và thấp nhất vào nửa đêm. Mất nhịp điệu này có thể là dấu hiệu của rối loạn tiết cortisol.

Hình ảnh được đăng tải bởi Ella Olsson trên Unsplash

Tổng hợp các nghiên cứu về tác động của cortisol lên sinh lý nữ:

Chu kỳ kinh nguyệt:

Nghiên cứu của Kalantaridou et al. (2004) trên Annals of the New York Academy of Sciences chỉ ra rằng cortisol cao có thể ức chế sự tiết GnRH, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

Nepomnaschy et al. (2004) trên Human Reproduction phát hiện rằng nồng độ cortisol cao liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai sớm.

Khả năng sinh sản:

Nghiên cứu của Lynch et al. (2014) trên Fertility and Sterility cho thấy nồng độ cortisol cao trong nang noãn có liên quan đến giảm khả năng thụ thai.

Massey et al. (2016) trên Psychoneuroendocrinology phát hiện rằng stress mãn tính và cortisol cao có thể làm giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ.

Mật độ xương:

Theo nghiên cứu của Raff et al. (1999) trên Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, cortisol cao kéo dài có thể làm giảm mật độ xương ở phụ nữ.

Cân nặng và phân bố mỡ:

Epel et al. (2000) trên Psychosomatic Medicine chỉ ra rằng phụ nữ có phản ứng cortisol cao với stress có xu hướng tích tụ mỡ ở vùng bụng nhiều hơn.

Ham muốn tình dục:

Nghiên cứu của Hamilton et al. (2008) trên Psychoneuroendocrinology cho thấy nồng độ cortisol cao có liên quan đến giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ.

Thai kỳ:

Davis et al. (2011) trên Journal of Child Psychology and Psychiatry phát hiện rằng nồng độ cortisol cao ở mẹ trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Vì sao Oxytocin được gọi là “hormone tình yêu”?

Được biết đến như một “hormone tình yêu” hoặc “hormone âu yếm”, oxytocin có thể tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của chúng ta. Dưới đây là 11 cách mà oxytocin ảnh hưởng đến bạn trong các mối quan hệ, dù là tình yêu hay tình thân.

1. Oxytocin có liên quan gì đến tình yêu?

Một nghiên cứu năm 2012 đã phát hiện ra các cặp đôi trong thời gian đầu hay quấn quít nhau thường có mức oxytocin cao hơn đáng kể so với những cặp đôi không còn gần gũi.

Nhưng oxytocin không chỉ xuất hiện khi bạn có tình yêu mới. Nó cũng được giải phóng trong quá trình hoạt động tình dục và có liên quan đến cường độ cực khoái.

Một đánh giá năm 2013 đã tóm tắt tất cả tác dụng tăng cường sự gắn kết mối quan hệ có thể có ở oxytocin. Một số trong số này bao gồm:

+ lòng tin

+ nhìn nhau tràn đầy yêu thương

+ sự đồng cảm

+ luôn nhớ về những kỉ niệm tốt đẹp của nhau

+ sự chung thủy

+ giao tiếp tích cực hơn

Hình ảnh được đăng tải bởi freestocks trên Unsplash

2. Chính xác thì oxytocin là gì?

Oxytocin là một loại hormone hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh. Nó đóng một vai trò quan trọng trong sinh sản.

Cụ thể ở nữ giới, hormone này kích thích chuyển dạ và giải phóng sữa mẹ. Còn ở nam giới, oxytocin giúp di chuyển tinh trùng.

3. Cơ thể chúng ta có sản xuất oxytocin một cách tự nhiên không?

Có, oxytocin là một loại hormone được sản xuất bởi vùng dưới đồi – một vùng nhỏ ở đáy não của bạn – và được tiết ra bởi tuyến yên gần đó. 

Cơ thể chúng ta cũng sản xuất oxytocin khi được bạn tình kích thích và khi ta rơi vào lưới tình. Đó là lý do mà hormone này có biệt danh “hormone âu yếm” và “hormone tình yêu”.

4. Nó được kết nối với dopamine và serotonin như thế nào?

Oxytocin, dopamine và serotonin thường được gọi chung là “hormone hạnh phúc” đối với con người.

Khi bạn thấy ai đó thật hấp dẫn thật thu hút, não bạn sẽ giải phóng dopamine, mức serotonin tăng và oxytocin cũng được sản sinh. Điều này khiến bạn cảm thấy dâng trào cảm xúc lâng lâng, hạnh phúc mỗi khi nghĩ tới người ấy.

5. Oxytocin có thể tác động tích cực đến cảm xúc của chúng ta như thế nào?

Một đánh giá nghiên cứu cho thấy oxytocin có tác động tích cực đến các cảm xúc như:

+ thư giãn

+ lòng tin

+ ổn định tâm lý về tổng thể

Hormon này cũng đã được chứng minh là làm giảm mức độ căng thẳng và lo lắng khi được giải phóng vào một số phần của não.

6. Mối quan hệ giữa oxytocin và tình mẹ là gì?

Oxytocin đóng một số vai trò quan trọng trong việc làm mẹ, cụ thể:

Sinh nở

Hormon oxytocin báo hiệu tử cung co bóp, bắt đầu chuyển dạ. Nó giúp thúc đẩy quá trình sinh bằng cách tăng sản xuất các hormone liên quan. Sau khi sinh, nó giúp tử cung trở lại kích thước trước đó.

Cho con bú

Khi em bé ngậm vú mẹ thì sẽ kích hoạt giải phóng oxytocin. Điều này báo hiệu cơ thể tiết sữa cho bé.

Gắn kết

Các nghiên cứu trên người và động vật về tác dụng của oxytocin đối với mối liên kết mẹ con đã phát hiện ra những bà mẹ có mức độ oxytocin cao hơn có nhiều khả năng thực hiện các hành vi nuôi dạy con cái đầy tình cảm, bao gồm:

+ thường xuyên kiểm tra bé

+ có những cái chạm vô cùng trìu mến

+ hát hoặc nói chuyện với bé 

+ thường tắm rửa và chải chuốt cho bé

Một số nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu này sẽ được tăng cường oxytocin, thôi thúc chúng tìm cách tiếp xúc nhiều hơn với mẹ, củng cố hơn nữa mối gắn kết mẹ con.

Những ảnh hưởng này không chỉ giới hạn ở mối quan hệ mẹ con ruột thịt. Các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu năm 2014 đã phát hiện ra oxytocin có tác dụng tương tự ở cả mẹ nuôi.

7. Oxytocin có thể tạo ra tác dụng tương tự đối với người bố không?

Có bằng chứng cho thấy việc lên chức “bố mẹ” cũng kích thích giải phóng oxytocin ở người bố.

Ví dụ một nghiên cứu năm 2010 phát hiện nếu giữa bố và con có nhiều tương tác với nhau thì sẽ dẫn đến mức oxytocin cao hơn. Những kiểu tương tác ví dụ như hướng sự chú ý của con vào một số đồ vật nhất định và khuyến khích con tự khám phá.

Hình ảnh được đăng tải bởi Element5 Digital trên Unsplash

8. Liệu oxytocin có tăng cường sự chung thủy không?

Mối liên hệ giữa oxytocin và sự chung thủy có thể bắt đầu từ khả năng của hormone này khiến nam giới coi người yêu của mình hấp dẫn hơn những phụ nữ khác (dù quen thân hay xa lạ).

Nghiên cứu từ năm 2012 cho thấy oxytocin có thể tác động đến nam giới để giữ khoảng cách với những người phụ nữ xa lạ mà hấp dẫn.

Bạn càng dành nhiều thời gian cho người ấy, bạn càng sản xuất nhiều oxytocin; bạn càng sản xuất nhiều oxytocin thì bạn càng khao khát người ấy nhiều hơn. Đây là cơ chế khen thưởng trong não bộ tạo một vòng lặp, cũng tương tự với cơ chế “gây nghiện”.

Người ta cũng cho rằng oxytocin làm giảm cảm giác mới lạ khi tương tác với người lạ. 

9. Oxytocin có tác dụng chữa bệnh gì không?

Oxytocin có thể được tiêm để tạo ra hoặc cải thiện các cơn co thắt khi phụ nữ chuyển dạ. Nó cũng có thể được sử dụng để giảm chảy máu sau khi sinh con hoặc phá thai.

Nồng độ oxytocin thấp có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm, bao gồm cả trầm cảm sau sinh. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu xem việc cho oxytocin dưới dạng thuốc viên hay thuốc xịt mũi có thể giúp giảm bớt lo lắng và trầm cảm hay không.

Nhưng cho đến nay kết quả vẫn đáng thất vọng. Một phần là do hormone này khó có thể vượt qua hàng rào máu não khi được đưa vào theo cách nhân tạo như vậy.

10. Vậy làm sao để tăng oxytocin một cách tự nhiên?

Một cách hứa hẹn hơn để tăng oxytocin tự nhiên là tập thể dục, đặc biệt là các hoạt động cường độ cao, có thể làm tăng đột biến nồng độ oxytocin. Một nghiên cứu ghi nhận mức tăng vọt nồng độ oxytocin đo được trong nước bọt của người tham gia sau khi tập luyện võ thuật cường độ cao. 

Âm nhạc dường như cũng làm tăng mức oxytocin, đặc biệt là khi mọi người hát karaoke, bởi điều này làm tăng thêm yếu tố gắn kết.

Hoặc chỉ một hành động đụng chạm đơn giản cũng có thể tăng cường giải phóng oxytocin ví dụ nắm tay, ôm, âu yếm hay “phức tạp” hơn là làm tình.

Hình ảnh được đăng tải bởi Maira Gallardo trên Unsplash

11. Oxytocin có nhược điểm nào cần để tâm không?

Mặc dù oxytocin giúp tăng cường sự gắn kết nhưng nó cũng có thúc đẩy sự thiên vị và thành kiến. Điều này dẫn tới việc hình thành “người mình” và “người ngoài”.

Loại hormone này cũng có liên quan đến cảm giác ghen tị và không trung thực. Nhưng chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ những tác động này.

Điểm mấu chốt

Những tác dụng tích cực của oxytocin đến cảm xúc của chúng ta đã được nghiên cứu và chứng minh. Oxytocin được cơ thể tự tổng hợp và tiết ra theo những tín hiệu thần kinh hoặc trong các hoàn cảnh tăng cường sự gắn kết và yêu thương. Lối sống lành mạnh, quan hệ cảm xúc tích cực là những yếu tố giúp cơ thể duy trì một mức oxytocin ổn định và cân bằng.

Nhưng đó chưa phải là bức tranh toàn cảnh. Vai trò của oxytocin trong hành vi của con người còn phức tạp hơn nhiều. Do đó, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu loại hormone mạnh mẽ này có thể làm được những gì đối với tâm sinh lý của con người.

Nguồn thông tin từ:

Love Hormone: What Is Oxytocin and What Are Its Effects? (healthline.com)

Oxytocin: The love hormone – Harvard Health 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Mang bao hay không mang bao?

Hôm nay SEBT muốn chia sẻ về một chủ đề rất quen thuộc: mang bao hay không mang bao? Thật ra câu trả lời sẽ tùy thuộc ở mỗi người chứ không có đúng hay sai. Điều quan trọng là bạn biết được một khi mình đã quyết định thì mọi kết quả đều do mình. Mình là người chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn trong cuộc sống này. 

X và bạn trai quen nhau lâu rồi, cũng đã quan hệ, và những lần trước thì rất ổn. Một lần X và bạn trai quan hệ thì có rách bao cao su. Sau đó bạn trai nói thích cảm giác không bao, bạn cũng hay xem phim p0rn thấy người ta chơi không bao. Rồi dạo gần đây bạn trai hay bị xìu lúc đeo bao vào. X và bạn trai phân vân không biết có nên đeo bao hay không. 

Trong câu chuyện trên, SEBT có vài điều muốn chia sẻ như sau. 

Khi quan hệ có nên đeo bao hay không?

Trước khi bạn quyết định khi quan hệ có đeo bao cao su hay không, trước hết bạn và bạn tình hãy trả lời các câu hỏi sau: 

1/ Các bạn đã trang bị đủ kiến thức về sinh sản, tránh thai cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục chưa?

2/ Các bạn đã trang bị kiến thức về vệ sinh trước và sau khi quan hệ chưa? Vì tình trạng viêm nhiễm sau khi quan hệ trần đang gia tăng.

3/ Các bạn đã nói chuyện với nhau về tâm lý, trách nhiệm và kinh tế cho mọi rủi ro có thể xảy ra khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su chưa? Ví dụ như nếu lỡ có thai ngoài ý muốn thì các bạn sẽ làm gì? Kể cả khi các bạn đã quyết định dùng biện pháp tránh thai khác như thuốc tránh thai hàng ngày.

Bởi một khi đã quan hệ thâm nhập thì luôn có khả năng mang thai dù sử dụng biện pháp tránh thai lâu dài với hiệu quả cao. Vì không biện pháp nào đảm bảo 100% hiệu quả cả. 

4/ Quan hệ không dùng bao cao su còn liên quan đến các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, các bạn đã biết về tình trạng sức khoẻ của nhau chưa? Các bạn đã có thói quen đi khám sức khỏe sinh sản và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục định kỳ chưa? Giả sử quan hệ không dùng bao cao su, các bạn mắc các bệnh STIs thì sẽ giải quyết như thế nào?

Bạn và bạn tình cần ngồi lại, cùng trả lời thật nghiêm túc các câu hỏi trên, rồi hẵng quyết định lựa chọn biện pháp ngừa thai nào, và có nên quan hệ không dùng bao cao su hay không. Khi bạn đã quyết định hành động thì bản thân hãy có bản lĩnh chịu trách nhiệm với mọi sự lựa chọn của mình, không đổ lỗi cho ai hay đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Phim ảnh và việc mang bao cao su

Như vậy chúng ta cũng thấy câu chuyện có mang bao cao su hay không cũng phải cân nhắc nhiều khía cạnh về mặt sức khoẻ chứ không phải dừng lại ở việc là bạn nam thích hay không, bạn bị xìu khi mang, hay là vì bạn muốn cảm giác trần giống trên phim ảnh. 

Phim ảnh mang lại cho chúng ta những hình ảnh để kích thích, để có thêm công cụ thực hành, trải nghiệm tình dục. Nhưng sự an toàn là do chính chúng ta tạo ra cho mình. Trên phim ảnh diễn viên quan hệ trần có thể không mang thai, không lây nhiễm bệnh vì họ có những cách bảo vệ theo luật làm phim, còn chúng ta quan hệ không sử dụng bao cao su thì luôn có xác suất cao mang thai và lây nhiễm bệnh. Và khi có rủi ro xảy ra, chúng ta là người chịu trách nhiệm bởi đó là quyết định của mình, chứ phim ảnh hay những mong muốn không dùng bao của người trong cuộc đều không thể bảo vệ cơ thể của các bạn.

Bạn có thể xem video này để hiểu thêm về thế giới phim p0rn:

[Tập 209] Phim Khi*u D*m Có Đạo Đức | CCS | SEBT (youtube.com)

Cảm nhận trong cuộc “yêu” là cả cơ thể

Chúng ta cũng không thể đổ lỗi hết cho bao cao su làm mình bị xìu vì nó làm mất cảm giác chân thật. Bởi khi kích thích, mình chưa mang bao, đến khi chuẩn bị cương thì mới mang vào, nghĩa là bạn nam đã có thể cảm nhận được sự hưng phấn của những cái chạm từ bạn tình. 

Khi bạn nam chuẩn bị xuất tinh là lúc bạn bước vào giai đoạn lên đỉnh, đây là chuyện có thể xảy ra rất tự nhiên mà không lệ thuộc vào việc mang bao hay không, vì phần lớn não bộ mới là nơi kiểm soát phản ứng tình dục chứ không phải phần bên dưới như mình nghĩ. Có lẽ do bạn trai muốn quan hệ trần nên sinh ra tâm lý không thích đeo bao vào hay đeo bao làm mất cảm xúc.

Thay đổi để mang bao hiệu quả

Sử dụng bao cao su mỏng, ôm sát nhưng vẫn có hiệu quả bảo vệ cao

Hiện nay đã có nhiều loại bao cao su mỏng đến mức có cảm giác đeo như không đeo, có sẵn cả gel bôi trơn nhằm tăng khoái cảm đồng thời mang lại sự bảo vệ tối ưu.

Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash

Mình kích thích bằng tay hoặc đồ chơi đến khi “cậu ciu” chuẩn bị cương cứng thì mới đeo vào, vì thế bạn nam không cần áp lực rằng khi đeo vào thì cảm giác thăng hoa bay mất. Sau 

Đeo bao cao su theo cách gợi cảm hơn

Một trong những cách để đeo bao không bị mất cảm xúc đó là bạn nữ trực tiếp đeo cho bạn nam. Cả hai cùng thực tập để hỗ trợ bạn dùng bao cao cao su thật thoải mái. Trên hết bạn tình đeo bao cao su cho mình, hình ảnh không những gợi cảm mà còn rất đẹp, rất văn minh, mang tinh thần cùng nhau an toàn tận hưởng cuộc “yêu”. 

Bạn gái có thể đeo bao cao su cho bạn nam hoặc sử dụng tay “vuốt trụ”, sau đó khi bạn nam chuẩn bị gần cương thì bạn nữ đeo cho bạn.

Cả hai có thể cùng “tự sướng”

Cả hai có thể cùng “tự sướng”, đây là cách mà chúng ta nhìn quá trình thăng hoa của nhau, khi ấy bạn nam thấy được có sự đồng hành của người mình yêu, có người ấy ở bên, thì việc bạn nam mang bao cao su sẽ như một cách thể hiện bản lĩnh của bạn ấy, rồi bạn sẽ có hình ảnh tốt với bao cao su hơn.

Kích thích những điểm nhạy cảm khác

Bên cạnh đó cảm nhận trong cuộc “yêu” có thể là khắp cơ thể, là cái sâu bên trong khi thấy gắn kết với người ấy, thấy được kích thích nhiều nơi chứ không chỉ là tập trung vào cảm giác của dương vật. 

Vì thế chúng ta có thể cùng nhau cảm nhận từng cái mơn trớn khi “yêu”, sau đó mình khoan hãy thâm nhập. Mà thả cho cơ thể thoải mái, tận hưởng những nét chạm trên cơ thể, đến khi bạn chuẩn bị xuất tinh thì bạn mang bao cao su vào, thay vì thâm nhập bạn nữ tiếp tục ôm bạn nam, hôn bạn hoặc kích thích những điểm nhạy cảm trên người bạn. Như vậy thì dần dần, bạn nam có thể cảm được cực khoái ngay cả khi đeo bao cao su.

Việc luyện tập này sẽ cần thời gian nên cả hai hãy kiên nhẫn, chậm rãi và dùng biện pháp tránh thai khác cho đến khi bạn nam quay lại cảm giác thoải mái khi dùng bao cao su (ví dụ thuốc tránh thai hàng ngày).

Sự an toàn là lựa chọn ở chính bạn. Nếu bạn thật sự mong muốn được tận hưởng tình dục trọn vẹn với sự bảo vệ cơ thể mình và cơ thể đối phương tốt nhất, bạn sẽ tự có cách phù hợp

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

5 cách tăng lưu lượng máu đến “cậu bé” để cương mạnh hơn

Cơ chế hoạt động của dương vật khá đơn giản: lưu lượng máu sẽ chảy đến “cậu bé” vào đúng thời điểm để cậu cương cứng và hành sự. Sau khi xong việc, lưu lượng máu rút về; “cậu bé” nghỉ ngơi trong hình dạng ban đầu.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc đang cần mà lưu lượng máu không chảy đến hoặc chảy quá chậm?

Bạn có thể gặp chứng rối loạn cương dương – tình trạng dương vật không cương cứng lên được hoặc không đủ cương để thực hiện quá trình thâm nhập. Một vấn đề mà gần 1/3 nam giới phải đau đầu đối mặt hiện nay. 

Ở bài viết này, SEBT sẽ gợi ý 5 cách tăng lưu lượng máu đến “cậu bé” để cương mạnh hơn, giúp bạn dễ dàng hành sự. Tất nhiên nếu bạn thật sự đang gặp chứng rối loạn cương dương thì những cách này chỉ là hỗ trợ. Bạn vẫn phải đến gặp bác sĩ để tiếp nhận điều trị phù hợp.

Cách 1: Giảm căng thẳng

Căng thẳng gây ra phản ứng bẩm sinh trong cơ thể là khiến mạch máu co lại và dẫn tới huyết áp cao.

Nó cũng làm tăng hệ thống thần kinh giao cảm, làm giảm lưu lượng máu đến các phần phụ ngoại vi, bao gồm cả dương vật. Mà máu giảm lưu thông tới thì “cậu bé” sẽ khó cương lên.

Điều này cũng cho thấy mối quan hệ giữa sức khỏe tinh thần và sức khỏe tình dục. Bạn gặp căng thẳng nhiều, lưu lượng máu giảm xuống thì càng khó cương cứng.

Nhưng không chỉ xuất hiện mỗi vấn đề cương cứng. Tác giả của bài nghiên cứu này còn cho thấy căng thẳng ảnh hưởng nhiều đến các chức năng tình dục khác như giảm ham muốn.

Hình ảnh được đăng tải bởi Joel Overbeck trên Unsplash

Do đó, cách giải quyết chính là cố gắng giảm bớt mức độ căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng nói thì dễ hơn làm, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra như hiện nay.

Dù vậy, chúng ta vẫn phải cố gắng tìm cách giải quyết, không chỉ để lấy lại phong độ giường chiếu mà còn giúp sức khỏe tinh thần được tốt hơn. SEBT khuyến khích bạn bắt đầu từ những hành động đơn giản như tập thiền và tập thở (có hướng dẫn đúng) sẽ giúp điều hòa lưu lượng máu trong cơ thể bạn.

Cách 2: Giữ mức cân nặng hợp lý

Cân nặng của bạn sẽ ảnh hưởng đến:

+ Sức khỏe tim mạch, tức độ lưu thông máu

+ Mức testosterone

+ Khả năng duy trì sự cương cứng

Cho nên khi bạn tăng cân thì sẽ ảnh hưởng tới phong độ của bạn lúc trên giường.

Cơ thể bạn vận hành một hệ thống hiệu quả với động cơ ở trung tâm (là trái tim đó). Động cơ hoạt động 24 giờ và không ngừng đẩy máu đi khắp cơ thể bạn.

Nhưng nếu cân nặng tăng lên thì nó phải làm việc vất vả hơn một chút vì các mạch máu ở đây có thể mỏng đi. Đây là lý do tại sao bác sĩ khuyên bạn nên duy trì trong khung cân nặng khỏe mạnh.

Và đây cũng là lý do tại sao nó liên quan đến rối loạn chức năng tình dục.

Một nghiên cứu năm 2005 này cho thấy: cân nặng của bạn ảnh hưởng nặng nề đến chứng rối loạn cương dương. Đàn ông béo phì hoặc thừa cân có nhiều khả năng phải đối mặt với các vấn đề về hoạt động tình dục, khả năng cương cứng và có mức testosterone thấp do các yếu tố khác liên quan đến cân nặng.

Do đó, bạn nên duy trì mức cân nặng hợp lý, giúp bạn tự tin hơn về hình ảnh cơ thể lẫn sức khỏe sinh lý khi ở trên giường. 

Cách 3: Chọn lọc những thứ bạn ăn

Tiếp tục phần cân nặng ở trên, chúng ta sẽ thử phác thảo một chế độ ăn gồm các loại thực phẩm giúp cải thiện lưu lượng máu. Chúng cũng có tác dụng lâu dài trong việc cung cấp cho bạn các loại vitamin lành mạnh cần thiết cho đời sống tình dục.

Bởi những gì bạn đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phong độ của bạn khi trên giường. Ví dụ một nghiên cứu cho thấy magie có thể giúp bạn tăng thời gian xuất tinh.

Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm giúp bạn đạt được điều tương tự:

+ Chocolate đen: chứa anandamide, một hợp chất giúp cải thiện tâm trạng, kết hợp với đặc tính chống oxy hóa sẽ làm tăng lưu lượng máu đến dương vật, giúp bạn cương cứng lâu hơn và hỗ trợ điều trị chứng rối loạn cương dương.

+ Trà xanh: là chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp điều hòa việc cung cấp máu đến cơ quan sinh dục và duy trì sự cương cứng. Uống trà xanh thường xuyên có thể tác động lớn đến sức khỏe tình dục nói chung.

+ Cá béo: chứa nhiều Omega-3, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể.

+ Hạt bí ngô: chứa nhiều kẽm và Omega-3 lành mạnh, giúp ích cho hoạt động tình dục của nam giới nói riêng. 

+ Bơ: chứa vitamin B, K, C, cũng như nhiều chất xơ và protein, giúp điều chỉnh lưu lượng máu đến các cơ quan để hoạt động tốt hơn. 

+ Lựu: là chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp cải thiện lưu lượng máu. 

+ Thịt bò: là nguồn cung cấp kẽm tự nhiên, đồng thời chứa axit béo giúp tăng cường sức khỏe tình dục. Nhưng bạn chỉ nên ăn với lượng vừa phải thôi vì suy cho cùng, thịt bò là loại thịt đỏ không tốt cho cơ thể nếu tiêu thụ quá nhiều.

+ Tỏi và nhân sâm. Nhân sâm giúp thực hiện rất nhiều chức năng cốt lõi của cơ thể: tim mạch, thần kinh trung ương và trao đổi chất. Tất cả những yếu tố này đều có tác dụng điều trị rối loạn cương dương. Tỏi cũng có tác dụng tương tự. Nó có đặc tính hạ huyết áp, đảm bảo huyết áp của bạn được điều hòa và cải thiện sức khỏe tình dục.

Cách 4: Tập thể dục thường xuyên để cải thiện lưu lượng máu

Hình ảnh được đăng tải bởi Alexander Redl trên Unsplash

Ai cũng biết tập thể dục có lợi cho cơ thể. Riêng với vấn đề cải thiện lưu lượng máu chảy tới dương vật thì không thể thiếu sự góp mặt của thể dục. Kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý nữa là “cậu nhỏ” sẽ cảm ơn bạn rất nhiều.

Vậy tập cái gì để có lợi cho sức khỏe sinh lý? Đó là những bài tập giúp rèn luyện sức bền và sức đề kháng, ví dụ như plank, chạy bước nhỏ tại chỗ, squat bật nhảy, chạy nâng cao đùi, nhảy dây, nhảy lò cò một chân, chống đẩy…

Cách 5: Giảm cồn và nicotine

Đồ uống có cồn (Alcohol) từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân cản trở hoạt động tình dục của nam giới bằng cách hạn chế lưu lượng máu chảy tới dương vật. 

Bạn uống một chút trước khi quan hệ thì không sao, nhưng nếu lạm dụng là sẽ gặp vấn đề. Chưa kể nếu bình thường bạn đã khó cương dễ xìu thì ngay cả khi uống một chút cũng đã gặp nguy hại rồi.

Tương tự với việc hút nicotine. Ngày nay các thiết bị phân phối nicotine có sẵn ở mọi hình dạng và hình thức, từ thuốc lá đến vape. Nhưng không chất nào trong số chúng tốt cho lưu lượng máu trong bạn và có thể góp phần gây ra chứng rối loạn cương dương.

Bởi nicotine khiến tim bạn hoạt động gấp đôi, làm động mạch bắt đầu co thắt. Điều này dẫn tới việc nam giới khó duy trì sự cương cứng do lưu lượng máu đến dương vật giảm và có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

Hầu hết các chuyên gia y tế đều đồng ý là đồ uống có cồn và nicotine đều có tác dụng phụ không tốt đến sức khỏe của bạn. Nên tránh hoặc giảm thiểu dùng chúng sẽ giúp nâng cao phong độ của bạn khi ở trên giường hơn.

Trên đây là 5 cách giúp bạn tăng lưu lượng máu đến “cậu bé” để cương mạnh và lâu hơn khi cần. Bạn còn biết cách nào nữa không?


Hy vọng SEBT chia sẻ được những thông tin hữu ích để bạn chăm sóc bản thân tốt hơn, cũng như có đời sống tình dục an toàn, lành mạnh và đạt nhiều khoái cảm hơn. Mong bạn có thể hỗ trợ team SEBT có thêm động lực trong việc lan tỏa nhiều kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục bổ ích hơn nữa bằng cách donate cho SEBT qua tài khoản sau:

Ngân hàng: TP Bank

Số tài khoản: 02034029903 _ Nguyễn Minh Trang

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link