Viagra dành cho phụ nữ? Miếng dán testosterone mới giúp những phụ nữ đang giảm ham muốn trong thời kỳ mãn kinh

Tác giả: .Ngưn.

Một công ty startup ở Anh đang phát triển một miếng dán testosterone cho biết nó có thể có tác động “rất lớn” đến ham muốn tình dục và cuộc sống của phụ nữ thời mãn kinh.

Medherant, một công ty spin-off của Đại học Warwick, đặt mục tiêu bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.

Nếu các nghiên cứu diễn ra tốt đẹp và miếng dán được cơ quan quản lý y tế chấp thuận, đây sẽ là miếng dán thay thế testosterone duy nhất dành cho phụ nữ trên toàn thế giới.

Một miếng dán testosterone trước đây do Procter & Gamble sản xuất, có tên là Intrinsa, đã được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu phê duyệt vào năm 2006 nhưng lại bị cơ quan quản lý Hoa Kỳ từ chối vì lý do an toàn. Sau đó, giấy phép tiếp thị của EU bị thu hồi theo yêu cầu của nhà sản xuất thuốc.

Testosterone là hormone chính ở nam giới nhưng nó cũng là một loại hormone thiết yếu đối với phụ nữ. Khi nữ giới bước vào thời kỳ mãn kinh thì việc sản xuất testosterone bị giảm mạnh, kéo theo giảm thiểu ham muốn tình dục.

Phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh hiện có thể tìm kiếm liệu pháp thay thế hormone (HRT) bằng miếng dán hormone estrogen và progesterone, nhưng không có phiên bản testosterone nào trong số này.

Hình ảnh được đăng tải bởi freestocks trên Unsplash

Miếng dán do Medherant phát triển sẽ dính vào da để cung cấp cho phụ nữ liều testosterone phù hợp và chỉ cần thay hai lần một tuần.

David Haddleton, Giáo sư Hóa học tại Đại học Warwick và là người sáng lập Medherant, cho biết: “Với công nghệ đã được chứng minh là có hiệu quả, chúng tôi có thể sử dụng miếng dán loại mới để giảm thiểu những đau khổ không cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của phụ nữ, đặc biệt khi bước vào mãn kinh”.

Nguồn thông tin từ: Women’s viagra? New testosterone patch for menopause sex drive loss to start clinical trials | Euronews 

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tác giả: Ngo Thuy

Quan hệ như thế nào khi bị dị ứng tinh dịch?

Có thể bạn đã từng nghe tới khái niệm “dị ứng tinh dịch” và nghĩ rằng nó khá hiếm gặp. Đúng là hiếm nhưng vẫn có người mắc phải. Và nếu rủi thay bạn rơi vào đúng trường hợp này thì nên làm thế nào hay quan hệ ra sao?

Cứ mỗi lần quan hệ tình dục với chồng, chị Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi – đang sống tại Hà Nội), lại bị ngứa, viêm đến vài tuần liền. Tình trạng này chỉ xuất hiện khi quan hệ với chồng mà không dùng bao cao su. 

Qua thăm khám, ThS.BS Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương xác định chị bị dị ứng với tinh dịch. 

Bác sĩ Thành lý giải tinh dịch là một chất dịch có chứa nhiều thành phần như tinh trùng, các protein, enzyme… Khi tiếp xúc niêm mạc bộ phận sinh dục nữ, các thành phần trong tinh tịch có thể trở thành chất gây dị ứng ở một số bạn có cơ địa dị ứng. 

Vậy dị ứng tinh dịch là gì?

Dị ứng tinh dịch là phản ứng dị ứng với protein hay thành phần trong tinh dịch. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến nữ giới. Một số quan điểm cho rằng dị ứng tinh dịch và dị ứng tinh trùng là như nhau, nhưng thực tế không phải vậy. Tinh trùng là một thành phần của tinh dịch, thường không gây ra dị ứng mà “thủ phạm” lại nằm ở protein trong tinh dịch. 

Dị ứng tinh dịch có thể ảnh hưởng đến vùng da xung quanh vùng sinh dục và bất kỳ khu vực nào khác tiếp xúc với tinh dịch như tay hoặc miệng. 

Các kiểu dị ứng tinh dịch phổ biến

Có 2 kiểu dị ứng tinh dịch phổ biến:

Dị ứng tinh dịch cục bộ: Chỉ những bộ phận cơ thể tiếp xúc trực tiếp với tinh dịch mới bị ảnh hưởng. Hầu hết những bạn bị dị ứng tinh dịch cục bộ đều có cảm giác nóng rát hoặc châm chích ở vùng sinh dục, tay và môi.

Dị ứng tinh dịch toàn thân: Loại dị ứng tinh dịch này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Bạn có thể khó thở, sưng môi hoặc lưỡi, nổi mề đay hoặc có dấu hiệu sốc phản vệ.

Dị ứng tinh dịch có thể phát triển đột ngột hoặc xảy ra khi bạn quan hệ tình dục lần đầu tiên mà không dùng bao cao su. Nó có thể xuất hiện sau khi mãn kinh hoặc sinh con, hay xảy ra với người bạn tình này nhưng không xảy ra với người khác.

Hình ảnh được cung cấp bởi Deon Black trên Unsplash

Triệu chứng

Các triệu chứng của dị ứng tinh dịch có thể giống với nhiễm trùng âm đạo hoặc dị ứng da. Một số triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng tinh dịch là:

+ Ngứa, đỏ, sưng và nóng rát trên da 

+ Nổi mề đay

+ Sưng môi và lưỡi

+ Khó thở

+ Chóng mặt

+ Tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn

Trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể bị sốc phản vệ, gây ra các triệu chứng như sưng họng, mạch yếu và mất ý thức. Lúc này, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức. Tuy nhiên đây là trường hợp rất hiếm gặp.

Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng 30 phút sau khi tiếp xúc với tinh dịch và kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

Ngoài ra, bị phát ban sau khi quan hệ tình dục không nhất thiết có nghĩa là bạn bị dị ứng với tinh dịch. Phát ban hoặc các phản ứng dị ứng khác có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc các chất kích ứng da khác. 

Vì thế nếu bạn cảm thấy có dấu hiệu kích ứng ở vùng kín thì nên thăm khám để được chẩn đoán chính xác nhất nhé. 

Hình ảnh được cung cấp bởi xx liu trên Unsplash

Ai có nguy cơ bị dị ứng tinh dịch?

Bất cứ ai có quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp bảo vệ, để tinh dịch tiếp xúc trực tiếp với cơ thể thì đều có thể bị dị ứng tinh dịch.

Làm sao để biết mình có dị ứng với tinh dịch không?

Bạn có thể kiểm tra khả năng dị ứng tinh dịch bằng cách tiêm một lượng nhỏ tinh dịch của bạn tình vào dưới da (thử nghiệm trong da) và theo dõi phản ứng xảy ra.

Một cách phổ biến khác để xác định dị ứng tinh dịch là sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu bạn không gặp phản ứng khi đeo bao nhưng cứ tháo bao là lại gặp tình trạng bất thường thì nguyên nhân có thể do tinh dịch. Mặt khác, nếu bạn đã đeo bao mà vẫn bị dị ứng thì có thể bạn không bị dị ứng với tinh dịch.

Thực chất chúng ta khó chẩn đoán được mình có bị dị ứng tinh dịch không do vẫn còn nhiều yếu tố khác làm mình bị dị ứng, ví dụ như:

+ Gel bôi trơn.

+ Thuốc diệt tinh trùng.

+ Dung dịch vệ sinh vùng kín hay xà phòng giặt đồ lót

Vì thế, khi có dấu hiệu bị dị ứng thì bạn cần đi bệnh viện để thăm khám, theo dõi và phát hiện đúng nguyên nhân làm mình bị dị ứng.

Hình ảnh được cung cấp bởi Roman Kraft trên Unsplash

Dị ứng tinh dịch có ảnh hưởng đến việc mang thai không?

Dị ứng tinh dịch không gây vô sinh nhưng có thể khiến việc mang thai trở nên khó khăn. Nhưng vẫn có cách để giúp bạn mang thai với điều trị bao gồm rửa tinh trùng để loại bỏ protein gây ra phản ứng. Sau khi được rửa sạch, tinh trùng sẽ được tiêm vào tử cung của bạn nữ gọi là phương pháp bơm tinh trùng (IUI). Hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng là một lựa chọn.

Điều trị dị ứng tinh dịch như thế nào?

Đối với chứng dị ứng thì cách điều trị tốt nhất là không tiếp xúc với chất gây dị ứng. Còn nếu bạn không hề biết mình dị ứng tinh dịch, sau khi quan hệ mới phát hiện thì sẽ có những phác đồ điều trị mà khi thăm khám, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn, và tình trạng chắc chắn được cải thiện. 

Hình ảnh được cung cấp bởi Patty Brito trên Unsplash

Quan hệ như thế nào khi đang bị dị ứng tinh dịch?

Nếu bị dị ứng tinh dịch của bạn tình mà bạn vẫn muốn quan hệ thâm nhập thì cần phải sử dụng bao cao su để bảo vệ chính mình. Bên cạnh đó bạn nên chia sẻ tình trạng của bạn cho bạn tình để cả hai đồng thuận luôn dùng bao cao su khi quan hệ thâm nhập. 

Ngoài ra có nhiều hình thức quan hệ khác không thâm nhập mà bạn và bạn tình hoàn toàn có thể trải nghiệm, nhưng phải đảm bảo không để tinh dịch chạm đến khu vực vùng kín hay cơ thể của bạn. 

Khi dị ứng với tinh dịch, bạn vẫn có thể trải nghiệm tình dục một cách trọn vẹn. Đừng chán chường bản thân mà hãy thấu hiểu cơ thể mình khi có phản ứng như vậy với tinh dịch. Còn nếu bạn có bạn tình bị dị ứng tinh dịch thì mong rằng bạn vẫn trân trọng đối phương, vẫn trân trọng mối quan hệ giữa hai bạn và tận hưởng chuyện “yêu” một cách ngọt ngào, an toàn nhất. 

Nguồn tham khảo

1/ Người vợ trẻ sợ chuyện ấy vì “Dị ứng tinh trùng” – 4WomenClinic

2/ Semen Allergy: Causes, Symptoms, Diagnosis & Treatment (clevelandclinic.org)

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Một hướng dẫn cơ bản về kiểm tra sức khỏe định kỳ

Trước đây người ta thường chỉ gặp bác sĩ khi bị bệnh hoặc sắp lìa đời. Ngày nay, việc chủ động phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe đang trở nên phổ biến khi mọi người được giáo dục nhiều hơn và đời sống vật chất cũng ngày càng được cải thiện. Mọi người ưu tiên tìm kiếm các lời khuyên về cách sống lành mạnh. Người ta tìm cách giảm nguy cơ mắc bệnh bằng việc duy trì chế độ ăn uống, cân nặng và hoạt động thể chất ở mức khỏe mạnh.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo mỗi người, dù khỏe mạnh hay có bệnh, cũng đều nên kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng 1 lần.

Vì sao chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kỳ?

Bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ kể cả khi thấy khỏe mạnh. Bởi việc này sẽ giúp bạn phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trước khi chúng phát triển xấu hơn. Phát hiện sớm tình trạng sức khỏe hoặc bệnh tật sẽ nâng cao tỷ lệ điều trị thành công. Ví dụ bệnh tiểu đường, nếu phát hiện sớm thì có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm, gây tàn phế hay thậm chí là tử vong.

Lợi ích của việc kiểm tra và tầm soát sức khỏe định kỳ bao gồm:

+ Giảm nguy cơ mắc bệnh

+ Phát hiện sớm các tình trạng sức khỏe hoặc loại bệnh có khả năng đe dọa đến tính mạng

+ Tăng cơ hội điều trị và khỏi bệnh

+ Giảm chi phí chăm sóc sức khỏe

+ Giúp bạn đánh giá xem lối sống hiện tại có cần cải thiện điều gì không

Tần suất khám sức khỏe định kỳ như thế nào là hợp lý? 

Tần suất khám hoặc tầm soát thế nào sẽ tùy thuộc vào những yếu tố sau:

1. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn

Nếu bạn đã bị bệnh tiểu đường, cholesterol cao hoặc béo phì thì nên đi kiểm tra sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần, bất kể tuổi tác bao nhiêu. Nếu gần đây bạn đã thực hiện các thay đổi đối với phương pháp điều trị thì tần suất được khuyến nghị cho các xét nghiệm là 3 tháng một lần.

Phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh nên xét nghiệm máu và xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung ít nhất một lần trong năm để kiểm tra tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu và ung thư cổ tử cung.

2. Tùy thuộc vào lối sống của bạn

Nếu bạn có thói quen hút thuốc, hay căng thẳng, thường ngồi bàn làm việc hơn 6 tiếng, thích ăn vặt fast food… thì có thể cần kiểm tra sức sức khỏe định kỳ 6 đến 12 tháng một lần để đề phòng những trường hợp khẩn cấp không lường trước được.

3. Tùy thuộc vào lịch sử sức khỏe của bạn

Nếu bạn từng bị ốm nặng dù chỉ một lần trong đời, bạn có thể phải đi kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, bất kể tuổi tác. Ví dụ nếu bạn đã từng bị vàng da, việc thực hiện LFT (kiểm tra chức năng gan) trở nên rất quan trọng để theo dõi sức khỏe của gan.

4. Tùy thuộc vào tiền sử sức khỏe gia đình của bạn

Nếu có người thân mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim, một số loại ung thư thì nó có thể di truyền đến bạn. Trong những trường hợp như vậy, bạn nên tầm soát sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần 1 năm để theo dõi. Chỉ khi phát hiện sớm thì mới có thể bảo vệ sức khỏe của bạn khỏi những hậu quả nghiêm trọng. 

Khám sức khỏe định kỳ nên bao gồm những gì?

Dưới đây là một số xét nghiệm phổ biến cho các đối tượng. Nhưng bạn nên đi khám trước để bác sĩ có thể chỉ định các loại kiểm tra cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.

1. Khám sức khỏe định kỳ cho người trưởng thành

Tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục (STIs/STDs)

STDs/STIs chỉ nhóm bệnh lây lan qua đường tình dục, phổ biến nhất phải kể đến là chlamydia, HPV, giang mai, bệnh lậu, sùi mào gà, HIV, trichomoniasis, herpes. Bất kỳ ai từng hoạt động tình dục, dù chỉ một lần, cũng đều có khả năng mắc những bệnh này. 

Hình ảnh được đăng tải bởi Nguyễn Hiệp trên Unsplash

Hơn nữa, STDs/STIs thường không có biểu hiện triệu chứng cụ thể mà phần lớn khi phát hiện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Lúc này, việc điều trị trở nên tốn kém và mất nhiều thời gian hơn, chưa kể một số bệnh còn để lại biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Ví dụ chlamydia và bệnh lậu là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm vùng chậu (PID) và vô sinh ở phụ nữ. Giang mai nếu không kịp thời phát hiện và điều trị mà để nó phát triển đến giai đoạn cuối thì có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như điếc tai, mù lòa, bị bại liệt, làm hỏng hệ thần kinh, não và các cơ quan khác…

Cũng vì đặc tính không để lại triệu chứng cụ thể của nhóm bệnh STIs/STDs nên có hơn 1 triệu ca mắc mới mỗi ngày trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó là không có triệu chứng (Theo số liệu của WHO [1]).

Vì vậy, khám sức khỏe định kỳ cũng cần bao gồm tầm soát STDs/STIs nếu bạn đã hoạt động tình dục để giúp bạn luôn cập nhật tình trạng sức khỏe và kịp thời thông báo đến bạn tình nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra. 

Hơn nữa, nếu bạn bắt đầu mối quan hệ cam kết 1:1 với ai đó, hai bạn nên cùng làm xét nghiệm STIs sớm trước khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ một trong hai lây nhiễm cho nhau. Điều này đặc biệt cần thiết khi hai bạn đang đến giai đoạn cân nhắc ngừng sử dụng bao cao su. 

Dưới đây là khuyến cáo tầm soát/xét nghiệm STIs của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), cập nhật năm 2021 [2]:

+ Tất cả người lớn và thanh thiếu niên, từ 13 đến 64 tuổi nên xét nghiệm HIV ít nhất 1 lần.

+ Tất cả phụ nữ dưới 25 tuổi từng quan hệ tình dục nên xét nghiệm chlamydia và lậu hàng năm. Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên có các yếu tố gây nguy cơ nhiễm STIs cao như có bạn tình mới, có nhiều bạn tình hoặc bạn tình bị nhiễm STIs cũng nên xét nghiệm chlamydia và lậu hàng năm.

+ Phụ nữ đang mang thai nên xét nghiệm giang mai, HIV, viêm gan B và viêm gan C từ đầu thai kỳ. Người có nguy cơ bị nhiễm trùng cao cũng nên bắt đầu xét nghiệm chlamydia và bệnh lậu sớm trong thai kỳ. 

+ Tất cả người đồng tính nam, song tính và những đàn ông khác có quan hệ tình dục đồng giới nên được kiểm tra:

• Ít nhất 1 năm 1 lần đối với giang mai, chlamydia và bệnh lậu. Người có nhiều bạn tình hoặc thường lên giường với người lạ (như tình một đêm) nên kiểm tra thường xuyên hơn (ví dụ từ 3 đến 6 tháng 1 lần).

• Ít nhất 1 năm 1 lần đối với HIV, và tốt nhất là nên xét nghiệm thường xuyên (ví dụ từ 3 đến 6 tháng 1 lần).

• Ít nhất 1 năm 1 lần đối với viêm gan C, nếu sống chung với HIV.

+ Bất kỳ ai thực hiện những hoạt động tình dục dễ khiến họ có nguy cơ lây nhiễm (ví dụ quan hệ luôn không dùng bao cao su, quan hệ với gái bán hoa) hoặc dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy thì nên xét nghiệm HIV ít nhất 1 năm 1 lần.

+ Những người đã quan hệ tình dục bằng miệng và hậu môn nên nói chuyện với bác sĩ để cân nhắc xét nghiệm cổ họng và trực tràng.

Các xét nghiệm STIs/STDs bao gồm:

+ Xét nghiệm Chlamydia, bệnh lậu: xét nghiệm này sẽ được thực hiện qua nước tiểu hoặc bằng tăm bông bên trong dương vật của nam giới hoặc cổ tử cung của nữ giới. 

+ Xét nghiệm bệnh viêm gan B và C: xét nghiệm này sẽ được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

+ Xét nghiệm bệnh giang mai: xét nghiệm này sẽ được thực hiện bằng cách lấy máu hoặc tăm bông trên bất kỳ vết loét sinh dục nào.

+ Xét nghiệm Herpes 1 và 2: xét nghiệm này sẽ được thực hiện bằng cách lấy một mô nhỏ hoặc nuôi cấy mụn nước/vết loét. Xét nghiệm máu cũng có thể dùng để phát hiện herpes nhưng không phải kết quả lúc nào cũng đúng mà sẽ phụ thuộc vào độ nhạy của xét nghiệm và giai đoạn nhiễm trùng.

+ Xét nghiệm HIV: virus sẽ được tìm thấy trong máu hoặc nước bọt nên xét nghiệm này sẽ được bác sĩ thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Về mức giá thì tùy vào mức độ xét nghiệm và nơi bạn xét nghiệm sẽ có các mức khác nhau, nếu làm theo gói thì có thể mức giá đến trên 3 triệu ở các bệnh viện tư, ở các bệnh viện công có thể thấp hơn, trên dưới 2 triệu.

Địa chỉ xét nghiệm STIs/STDs uy tín ở TP.HCM:

1. Bệnh viện Da liễu (Quận 3)

2. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (Quận 5)

3. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (Quận 5)

4. Bệnh viện Hòa Hảo (Quận 5)

5. Phòng khám chuyên khoa da liễu Saigon Safe – Chuyên điều trị các bệnh lý STI’s (Quận 10)

Địa chỉ xét nghiệm STIs/STDs uy tín ở Hà Nội:

1. Bệnh viện Da liễu Trung ương (Đống Đa)

2. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Đống Đa)

3. Bệnh viện Da liễu Hà Nội 

4. Bệnh viện Quân đội 108 (Hai Bà Trưng)

5. Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Ba Đình)

Kiểm tra sức khỏe tim mạch

Kiểm tra sức khỏe tim mạch có thể bao gồm:

Hình ảnh được đăng tải bởi National Cancer Institute trên Unsplash

+ Huyết áp: hãy kiểm tra huyết áp 2 năm 1 lần nếu nó bình thường, bạn dưới 40 tuổi và không có tiền sử gia đình bị huyết áp cao. Hãy kiểm tra hàng năm nếu bạn trên 40 tuổi, huyết áp của bạn ở mức cao hoặc bạn có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị huyết áp cao, đột quỵ, đau tim.

+ Xét nghiệm máu: kiểm tra mức cholesterol và chỉ số mỡ máu Triglycerid. Nếu kết quả ở mức độ cao thì có thể cho thấy bạn sẽ tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả bệnh tim. Nếu bạn trên 45 tuổi, bạn nên thực hiện các xét nghiệm máu này 5 năm một lần. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tim cao và có tiền sử gia đình, bạn nên kiểm tra hàng năm từ 40 tuổi trở lên. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng cho bạn biết bạn có bị thiếu máu không, cơ thể có đang trong tình trạng nhiễm trùng không, chức năng đông máu có bình thường không, chức năng gan thận thế nào…

+ Điện tâm đồ (ECG): đây là một xét nghiệm y tế không xâm lấn và không đau, giúp phát hiện các bất thường về tim bằng cách đo hoạt động điện do tim tạo ra khi tim co bóp.

+ Xét nghiệm béo phì – thừa cân. Bạn nên kiểm tra chỉ số BMI và số đo vòng eo của bạn 2 năm một lần. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thì nên kiểm tra cân nặng thường xuyên hơn.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh tiểu đường

Các xét nghiệm bệnh tiểu đường bao gồm xét nghiệm lượng đường trong máu lúc đói, đo lượng đường trong máu sau khi nhịn ăn (tức là không ăn trong một khoảng thời gian). Vì vậy xét nghiệm này thường được thực hiện trước khi bạn ăn sáng. 

Các yếu tố rủi ro đối với bệnh tiểu đường loại 2 bao gồm:

+ Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường

+ Bị tiền đái tháo đường (tình trạng bệnh lý khi nồng độ đường huyết của bạn cao hơn bình thường nhưng chưa đạt đến tiêu chí đủ để chẩn đoán đái tháo đường)

+ Trên 55 tuổi

+ Bị thừa cân hoặc béo phì

+ Huyết áp cao

+ Cholesterol trong máu cao

+ Hút thuốc

+ Thói quen ăn uống không lành mạnh

+ Có lối sống ít hoặc không vận động

+ Từng có tiền sử bị đau thắt ngực, đau tim hoặc đột quỵ

Nếu bạn có những yếu tố rủi ro trên thì nên tầm soát mỗi năm 1 lần.

Xét nghiệm nước tiểu

Thông qua phân tích các thông số nước tiểu, bác sĩ sẽ xác định xem bạn có viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc mắc các bệnh lý về thận hay không.

Chẩn đoán hình ảnh

Danh mục này sẽ gồm chụp phim X-quang tim phổi phát hiện sớm các tổn thương ở phổi cùng các vấn đề liên quan đến tim, lồng ngực.

Ngoài ra, tùy vào tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định thêm chụp X-quang ở các bộ phận khác trên cơ thể.

2. Khám sức khỏe bổ sung cho nữ giới

Riêng ở nữ giới (giới tính sinh học) thì ngoài các xét nghiệm chung cho người trưởng thành ở trên, nữ giới sẽ làm thêm các xét nghiệm bổ sung như:

Tầm soát ung thư vú

Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ (ACP) đưa ra các khuyến nghị chung sau đây cho những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú ở mức trung bình [3]:

+ Phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi: Bạn không nên chụp nhũ ảnh hàng năm nhưng nếu muốn, bạn có thể thảo luận với bác sĩ.

+ Phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 74: Nên chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần.

+ Phụ nữ trong độ tuổi từ 75 trở lên: Không còn khuyến khích chụp nhũ ảnh.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) lại có khuyến nghị sau [4]:

+ Phụ nữ từ 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú hàng năm nếu có nhu cầu

+ Phụ nữ từ 45 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư vú hàng năm

+ Phụ nữ từ 55 tuổi nên tầm soát ung thư vú 2 năm 1 lần

Các khuyến nghị về chụp nhũ ảnh sẽ khác nhau tùy vào mỗi người nên tốt nhất là bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ là có nên chụp nhũ ảnh thường xuyên không.

Xét nghiệm Pap hoặc HPV

Hình ảnh được đăng tải bởi JESHOOTS.COM trên Unsplash

2 xét nghiệm này dùng để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Về tần suất, bạn nên đi xét nghiệm bao nhiêu lần thì còn tùy thuộc vào độ tuổi, tiền sử bệnh và kết quả xét nghiệm Pap hoặc HPV gần đây nhất. Nhìn chung thì:

+ Nếu bạn từ 21 đến 24 tuổi: bạn có thể chọn làm xét nghiệm Pap 3 năm 1 lần hoặc đợi cho đến khi đủ 25 tuổi thì mới bắt đầu xét nghiệm.

+ Nếu bạn từ 25 đến 65 tuổi: hãy làm xét nghiệm HPV 5 năm 1 lần hoặc xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV cùng nhau trong 5 năm 1 lần. 

+ Nếu bạn trên 65 tuổi: bạn có thể không cần xét nghiệm Pap/ HPV nữa.

Khám phụ khoa

Khám phụ khoa sẽ tập trung kiểm tra sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của nữ giới. Qua đó, bạn sẽ sớm phát hiện các thay đổi bất thường liên quan đến đường sinh dục, bệnh lý cơ quan sinh sản.

Thông thường, phụ nữ chỉ đi khám phụ khoa khi có những triệu chứng như ngứa rát ở vùng kín. Rất ít người chủ động đi khám phụ khoa định kỳ, chủ quan nghĩ mình không có triệu chứng gì thì không cần đi kiểm tra, hoặc vì tâm lý ngại ngùng nên không muốn đi khám.

Nhưng cách nghĩ này lại không tốt cho sức khỏe sinh sản của nữ giới. Bởi có những trường hợp bệnh tưởng chừng vô hại hoặc không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, để đến khi bệnh phát triển nặng, người bệnh phát hiện trễ thì căn bệnh đã gây ra viêm nhiễm nặng, dẫn tới các tình trạng như u xơ tử cung, ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con. Trường hợp tệ nhất là dẫn đến vô sinh và tử vong.

Những mầm bệnh âm thầm phát triển trong cơ thể người chỉ có thể được phát hiện khi đi kiểm tra ở bệnh viện. Càng phát hiện sớm chừng nào, tỷ lệ điều trị và khỏi bệnh càng cao chừng ấy.

Vì vậy, mỗi bạn nữ cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách đi khám phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng 1 lần.

Khám phụ khoa sẽ bắt đầu bằng việc bác sĩ thăm khám lâm sàng (hỏi tình trạng mối quan hệ, tiền sử bệnh, chu kỳ kinh nguyệt…), sau đó thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra như soi tươi – nhuộm huyết trắng, siêu âm bụng, soi cổ tử cung, tầm soát ung thư cổ tử cung…

Bằng cách này, bác sĩ có thể phát hiện:

+ Các tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn, virus hoặc nấm men gây ra.

+ Các dị dạng đường sinh dục có thể ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con (tử cung có vách ngăn, tử cung 2 sừng…)

+ Các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh sản (viêm cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, u nang buồng trứng…)

+ Tổn thương tiền ung thư (cổ tử cung, nội mạc tử cung). Kiểm tra này vô cùng quan trọng, vì nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi, còn nếu phát hiện trễ thì việc điều trị không những tốn kém mà còn không hiệu quả, có thể gây tử vong.

Khám phụ khoa sẽ bao gồm các bước cơ bản sau:

1. Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi thông tin cá nhân (gồm tuổi tác, cân nặng, tình trạng hôn nhân, đã từng quan hệ chưa…), tiền sử bị bệnh hoặc các dấu hiệu bất thường mà bệnh nhân cảm thấy.

2. Khám âm đạo: Bác sĩ sẽ quan sát âm đạo xem có gì bất thường không bằng cách đưa mỏ vịt vào bên trong âm đạo. Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh phụ khoa thì sẽ lấy mẫu dịch âm đạo hoặc tế bào. 

Với những bạn đã quan hệ hoặc có gia đình, bác sĩ sẽ siêu âm đầu dò để kiểm tra toàn bộ cơ quan sinh dục. Còn với những bạn chưa quan hệ thì bác sĩ sẽ dùng phương pháp siêu âm vùng bụng.

3. Xét nghiệm dịch âm đạo: Từ dịch âm đạo lấy được trong lúc soi âm đạo bằng mỏ vịt, bác sĩ sẽ đem đi xét nghiệm để xem bạn có mắc các bệnh viêm đạo không.

4. Khám tử cung: Bác sĩ có thể dùng tay sờ nắn vùng bụng để xác định vị trí, kích thước của tử cung hoặc siêu âm để xác định cấu trúc, tình trạng của tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn chứng.

5. Tư vấn điều trị: Sau khi đã khám tổng quát và có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ kết luận tình trạng của bạn và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Địa chỉ khám phụ khoa uy tín ở TP. Hồ Chí Minh:

1. Bệnh viện Từ Dũ (Quận 1)

2. Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5)

3. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (Quận 5)

4. Bệnh viện phụ sản Mekong (Quận Tân Bình)

5. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Quận 5)

Khám sức khỏe bổ sung cho nam giới

Nếu nữ giới có khám phụ khoa thì ở nam giới là khám nam khoa. Cũng tương tự với nữ giới, mục đích khám nam khoa là để kiểm tra sức khỏe sinh sản, sinh lý của phái mạnh. Nhưng nhiều người vẫn còn mang tâm lý e dè, ngại ngùng, dù vùng kín hoặc trong lúc sinh hoạt chuyện “chăn gối” có dấu hiệu bất thường thì cũng không muốn đi khám mà tự mình tìm hiểu hoặc tự chẩn đoán bằng kinh nghiệm cá nhân, bằng Google. 

Hình ảnh được đăng tải bởi Austin Distel trên Unsplash

Điều này không có lợi cho sức khỏe vì chỉ khi được thăm khám, kiểm tra thì mới chẩn đoán được đúng bệnh và điều trị dứt điểm. Không ít trường hợp giấu giếm hoặc làm theo hướng dẫn trên mạng (chưa qua kiểm nghiệm) khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, không những “tiền mất tật mang” mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản (dẫn đến vô sinh) hay thậm chí là tử vong.

Chuyện đi nam khoa cũng bình thường như việc bạn đi nha sĩ để khám chiếc răng đau. Nó không thể hiện giá trị hay phong độ đàn ông của bạn mà biểu thị bạn biết cách chăm sóc sức khỏe.

Nhìn chung, khám nam khoa sẽ gồm 3 nhóm chính sau:

1. Khám tổng quát: Bác sĩ sẽ hỏi thăm các thông tin cá nhân cơ bản như tuổi tác, tình trạng mối quan hệ, bạn từng quan hệ chưa, tiền sử bệnh tật liên quan đến vùng sinh dục, các dấu hiệu, triệu chứng, các loại thuốc đã và đang dùng… Bằng những thông tin này, bác sĩ có thể đưa ra những đánh giá cơ bản về tình trạng sức khỏe của bạn và chỉ định các xét nghiệm cụ thể.

2. Khám cơ quan sinh dục: Bác sĩ sẽ kiểm tra bên ngoài cơ quan sinh dục của nam giới để xem dương vật có dấu hiệu gì bất thường không (vết loét, mụn rộp, nổi hột, khối u…)? 

3. Xét nghiệm nam khoa: Đây là bước vô cùng quan trọng để chẩn đoán bệnh lý cũng như kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản của nam giới. Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào hai bước trên để đưa ra chỉ định xét nghiệm thích hợp nên không phải mọi bệnh nhân đi khám nam khoa cũng đều được nhận các xét nghiệm giống nhau. Dưới đây là một số xét nghiệm phổ biến:

+ Xét nghiệm tinh dịch: là xét nghiệm lấy mẫu tinh dịch của bệnh nhân để phân tích tinh dịch đồ. Phân tích này sẽ cho thấy chính xác khả năng sinh sản của nam giới, đưa ra các thông số về số lượng tinh trùng, hình dáng, khả năng di chuyển…

+ Xét nghiệm hormone: là xét nghiệm định lượng hormone testosterone cùng các hormone liên quan đến khả năng sinh lý, quá trình sản xuất tinh trùng.

+ Xét nghiệm kháng thể kháng tinh trùng: thông thường cơ thể nam giới sẽ có những kháng thể bất thường chống lại chính tinh trùng của bản thân. Chúng sẽ tấn công tinh trùng, ngăn cho tinh trùng bơi đến trứng. Do đó, nhiều nam giới dù sản xuất tinh trùng bình thường nhưng vẫn không thể thụ thai. Những kháng thể này cũng là một nguyên nhân khiến nam giới bị vô sinh.

+ Xét nghiệm máu, nước tiểu: dùng để kiểm tra chỉ số sức khỏe hoặc có đang nhiễm mầm bệnh nào trong người không.

Địa chỉ khám nam khoa uy tín ở TP. Hồ Chí Minh:

1. Bệnh viện Bình Dân (Quận 3)

2. Bệnh viện Từ Dũ (Quận 1)

3. Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM (Quận 5)

4. Bệnh viện Gia Định (Quận Bình Thạnh)

5. Bệnh viện Nhân dân 115 (Quận 10)

Địa chỉ khám nam khoa uy tín ở Hà Nội:

1. Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (cụm chi nhánh Hoàng Mai)

2. Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (Thanh Xuân)

3. Trung tâm Nam học – Bệnh viện Việt Đức (Quận Hoàn Kiếm)

4. Trung tâm Y khoa số 1 – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Quận Đống Đa)

Vài lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ

Bạn cần lưu ý những điều sau trước khi đi khám sức khỏe định kỳ:

+ Không ăn sáng, không uống nước ngọt hoặc chất có chứa caffeine. Chỉ được uống nước lọc để kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu được chính xác nhất.

+ Nếu có siêu âm bụng thì bạn nên uống nhiều nước và nhịn tiểu cho tới khi siêu âm bụng xong.

+ Nếu có nội soi dạ dày thì cần nhịn ăn trước khi nội soi.

Lưu ý khi đi khám phụ khoa dành cho nữ giới:

+ Không cần quá lo lắng, căng thẳng; bác sĩ hỏi thế nào thì bạn cứ trả lời đúng như thế đấy. Trả lời mông lung, vòng vo, che giấu chỉ khiến cuộc thăm khám mất thời gian hơn.

+ Không đi khám lúc đang “rụng dâu” mà chờ khi sạch kinh từ 3 đến 5 ngày rồi hãy đi.

+ Không quan hệ trong vòng 48 tiếng trước khi đi khám.

+ Không dùng dung dịch vệ sinh, thuốc đặt âm đạo trong vòng 72 giờ trước khi khám; cũng không được thụt rửa âm đạo.

+ Mặc trang phục thoải mái, dễ thay để tiện cho việc thăm khám.

Lưu ý khi đi khám nam khoa dành cho nam giới:

+ Không nên e ngại mà hãy chuẩn bị tâm lý thoải mái, cởi mở nói những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Bác sĩ là người nghe để chẩn đoán bệnh chứ không phán xét bạn bất cứ điều gì. Chỉ có cởi mở, thẳng thắn thì công cuộc thăm khám sẽ chính xác hơn, tiết kiệm thời gian hơn.

+ Không uống nhiều nước trước khi đi khám

+ Không quan hệ hoặc kiêng thủ dâm khoảng từ 5 đến 7 ngày trước khi khám nam khoa, đặc biệt nếu vấn đề liên quan đến rối loạn cương dương hoặc vô sinh.

Các nguồn thông tin trong bài:

[1] Sexually transmitted infections (STIs) (who.int) 

[2] Which STD Tests Should I Get? | Prevention | STDs | CDC 

[3] http://doi.org/10.7326/M18-2147 

[4] ACS Breast Cancer Screening Guidelines 

How Often Should You Get Routine Checkups at the Doctor? (healthline.com)

Khám phụ khoa gồm khám những gì | PK BV Đại học Y Dược 1 (umcclinic.com.vn) 

Khám phụ khoa là khám những gì? | Vinmec 

Khám nam khoa gồm những gì và gợi ý cơ sở uy tín | Medlatec

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Sex toy 101: Hiểu đúng để không định kiến

Bạn nghĩ gì về sex toy? Nếu được chọn thì bạn có muốn sở hữu “một em” trong phòng không? 

Dù chủ đề tình dục đã trở nên cởi mở, không còn nhiều rụt rè, e ngại nhưng riêng với seg toy, xã hội vẫn còn nhiều định kiến, dẫn đến những cái nhìn không đúng về món đồ hữu ích trong tình dục này. 

Thông qua bài chuyên đề sau, SEBT sẽ mang đến một cái nhìn toàn diện về seg toy, giúp bạn hiểu đúng để không định kiến và thấy xấu hổ nếu muốn dùng nó.

1. Seg toy là gì?

Seg toy, dịch ra tiếng Việt nghĩa là “đồ chơi tình dục” hay “đồ chơi người lớn”. Đây là những món đồ mà mọi người sử dụng để đạt được nhiều khoái cảm hơn khi quan hệ tình dục hoặc thủ dâm. Có người dùng vì muốn khám phá bản thân hay đơn giản chỉ để giải tỏa.

Đôi khi seg toy cũng có công dụng y tế nếu bạn bị rối loạn chức năng tình dục hoặc đang mắc một bệnh lý nào đó. Vì vậy mà sẽ có nhiều loại seg toy khác nhau cũng như mọi người sử dụng chúng vì nhiều lý do khác nhau.

Việc dùng seg toy là điều hoàn bình thường mà không dùng cũng chẳng có gì bất thường. Đó là quyết định cá nhân của mỗi người; không ai giống ai cả.

2. Lịch sử 30.000 năm của seg toy

Nếu bạn nghĩ seg toy chỉ mới được phát minh vào thế kỷ 20 thì phần này sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên. SEBT sẽ tóm lược lịch sử về cách đồ chơi người lớn đã đóng vai trò quan trọng thế nào trên thế giới trong nhiều thế kỷ ở phần tiếp theo đây.

29.000 năm trước Công nguyên

Đồ chơi tình dục lâu đời nhất được biết đến có niên đại khoảng 29.000 năm trước Công nguyên. Đó là một dương vật bằng đá thời kỳ đồ đá cũ được nhà khảo cổ học Petra Kiesselbach phát hiện tại hang Hohle Fels, tây nam nước Đức. Lúc đó, người ta vẫn đang suy đoán nó có được sử dụng như một dương vật giả thực sự không hay là giống một tác phẩm điêu khắc hơn.

Tuy nhiên, khi so với hình dạng của dương vật có kích thước thật, cách nó được đánh bóng và chất liệu làm ra nó (đá bột kết) đã khiến các nhà khoa học tin rằng nó được sử dụng như một món đồ chơi tình dục. [1]

500 năm trước Công nguyên

Một món seg toy có tên là Ben Wa Balls nổi tiếng hiện nay vốn đã ra đời ở Nhật Bản vào khoảng 500 năm trước CN. Khi đó, nó có tên gọi là Rin no tama. Ở hình dạng ban đầu, nó chỉ có một quả bóng và được thiết kế để tăng khoái cảm cho nam giới khi giao hợp.

Sau đó theo thời gian, nó đã phát triển thành món đồ chơi mà chúng ta quen thuộc ngày nay: gồm hai quả bóng được thiết kế để giúp phụ nữ nâng cao sức mạnh của cơ sàn chậu.

Loại seg toy này xuất hiện lần đầu ở Phương Tây là vào cuối thế kỷ 16, và chủ yếu nam giới dùng. Trong khi ở Thái Lan, nó được sử dụng để tăng kích thước dương vật. [2] [3]

300 năm trước Công nguyên

Hình ảnh từ Anna Shvets

Việc sử dụng dương vật giả đầu tiên được ghi chép lại đến từ Hy Lạp cổ đại, nơi các thương nhân bán một thứ gọi là olisbos. Được làm từ đá, da hoặc trong một số trường hợp là gỗ, olisbos trở thành một công cụ chủ yếu được những phụ nữ độc thân mua, hay có lẽ bằng chứng văn hóa khiến chúng ta tin như vậy.

Miletus, nơi ngày nay là Balat, Thổ Nhĩ Kỳ, được biết đến là trung tâm sản xuất và phân phối của olisbos.

Những năm 1200

Đi về phương Đông một chút thì có ý kiến cho rằng loại dương vật giả hai đầu lần đầu tiên cho hai người phụ nữ sử dụng đã được phát triển ở Trung Quốc vào thế kỷ 12 và 13. Nhưng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về vấn đề này.

Những năm 1400

Tiếp theo, chúng ta chuyển sang nước Ý thời Phục hưng, nơi olisbos trở thành diletto, từ tiếng Ý có nghĩa là vui thích. Tài liệu tham khảo đầu tiên về dương vật giả thời hiện đại bắt nguồn từ Đối thoại của Pietro Aretino, thường được coi là tác phẩm văn học k.hiêu d.âm đầu tiên và Aretino là “cha đẻ” của nội dung k.hiêu d.âm. Đối thoại xoay quanh cuộc đời của Nanna, một kỹ nữ lớn tuổi đang đau đầu không biết phải làm gì với con gái mình.

Ngay cả khi được sử dụng cùng với một lượng lớn dầu ô liu làm chất bôi trơn, diletto cũng không mang lại cảm giác thoải mái như các món seg toy ngày nay. Nhưng lịch sử cho thấy dương vật giả vẫn tiếp tục phát triển và ngày càng phổ biến với bằng chứng là ngành công nghiệp đồ chơi người lớn đang bùng nổ ngày nay.

Năm 1734

Máy rung đồng hồ được phát minh ở Pháp vào năm 1734 và luôn có sẵn trong kho của các nhà cung cấp dụng cụ y tế ở các thuộc địa của Mỹ vào những năm 1750.

Các thiết bị này rất đắt tiền nên chủ yếu chỉ có bác sĩ mua. Và việc mua chúng rất dễ dàng, không bị trở ngại nào về mặt luật pháp hay phong tục, miễn là bạn có đủ khả năng chi trả.

Năm 1791

Năm 1791 chứng kiến sự ra đời của tác phẩm “Justine” do Hầu tước De Sade sáng tác. Đây có lẽ là nhà văn khét tiếng nhất trong lịch sử văn học Pháp, người thỉnh thoảng được ca ngợi là “tinh thần tự do nhất từng tồn tại”. 

Marquis de Sade cũng đã xuất bản các bài viết k.hiêu d.âm, “cha đẻ” của thuật ngữ b.ạo d.âm (s.adism), và lần đầu tiên nó được đưa vào từ điển là vào năm 1834. Bài viết của ông không chỉ khai sinh ra phong trào BDSM mà còn phổ biến nhiều món seg toy dùng trong BDSM, chẳng hạn như roi da, còng tay.

Năm 1844

Khi Charles Goodyear tình cờ phát hiện cách lưu hóa cao su, ông không chỉ tạo ra một cuộc cách mạng hóa thế giới xe hơi mà còn cho cả ngành công nghiệp đồ chơi tình d.ục. Quá trình lưu hóa làm cho cao su cứng hơn, bền hơn và cuối cùng dẫn đến việc nó được sử dụng để sản xuất bao cao su, dương vật giả và các món seg toy khác.

Năm 1882

Tại phương Tây vào thời gian này ở nữ giới xuất hiện một căn bệnh gọi là chứng cuồng loạn (hysteria), với nguyên nhân được cho là do rối loạn của tử cung. Đến giữa thế kỷ 19, chứng cuồng loạn bị đồng nhất với rối loạn chức năng tình dục. Và seg toy được dùng làm thiết bị chữa chứng cuồng loạn này.

Giữa lúc đó, tiến sĩ Joseph Mortimer Granville đã sáng chế ra máy rung cơ điện đầu tiên nhằm điều trị cho những phụ nữ bị mắc chứng cuồng loạn. Máy rung giúp họ giảm căng thẳng và lo lắng để đạt cực khoái. Và trên thị trường đã sản xuất ra ít nhất 20 loại biến thể của máy rung cơ điện này.

Những năm 1890

Hình ảnh từ Anna Shvets

Đây là giai đoạn chứng kiến sự ra đời của giới điện ảnh, và không lâu sau đó, các nhà làm phim bắt đầu sản xuất những bộ phim k.hiêu d.âm đầu tiên. Một số bộ phim đầu tiên bao gồm cảnh phụ nữ thủ dâm bằng nhiều dụng cụ hỗ trợ tình dục khác nhau vào thời điểm đó, đồng thời có dây đeo dương vật giả và máy mát xa.

Từ năm 1900 – 1920

Vào đầu thế kỷ này, đã có hơn 20 kiểu máy rung chạy bằng điện, pin, sức chân hoặc sức nước. Giá cũng đa dạng hơn, từ bình dân, tầm trung cho đến cao cấp. Máy rung là thiết bị gia dụng thứ năm được điện khí hóa, trước máy hút bụi và bàn là 10 năm. 

Hầu hết các thiết bị này đã được quảng cáo như một chiếc máy mát xa trên những tạp chí dành cho phụ nữ có uy tín thời bấy giờ như Modern Priscilla, Women’s Home Companion, McClure’s và Good Housekeep.

Năm 1930

Khi máy rung bắt đầu xuất hiện trong ngày càng nhiều phim khiêu dâm vào thời điểm đó, các nhà sản xuất cũng ngày càng khó quảng cáo những thiết bị này như máy mát xa, và dần dần chúng bắt đầu biến mất khỏi các tạp chí danh tiếng.

Vào những năm 1930, người ta đã phát hiện cao su latex, được khai thác từ cây Hevea. Loại cao su này có ưu điểm là mềm hơn, nhẹ hơn và dẻo hơn cao su lưu hóa và cuối cùng đã tạo ra cuộc cách mạng về bao cao su. Nó cũng dẫn đường cho sự phát triển của đồ chơi tình d.ục bằng latex, hiện vẫn còn phổ biến ngày nay.

Năm 1952

Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (the American Medical Association) cuối cùng đã tuyên bố rằng chứng cuồng loạn không thực sự là một căn bệnh. Tuyên bố này đã khiến cho máy rung không còn được xem là thiết bị y tế nữa.

Năm 1977

Nhà trị liệu tình dục Joanie Blank đã mở cửa hàng đầu tiên chuyên bán máy rung với phương châm lấy phụ nữ làm trung tâm, mang cái nhìn tích cực về tình dục, mà bà gọi là “Good Vibrations.”

Cuối những năm 1990

Alabama, một tiểu bang ở Đông Nam Hoa Kỳ, đã noi gương Georgia – cũng là một tiểu bang của Hoa Kỳ, thi hành luật cấm đồ chơi tình dục. Những ai mua bán hay sử dụng đều có thể bị phạt nặng và thậm chí ngồi tù. 

Trong vòng vài năm, luật này đã bị hủy bỏ, bất chấp lập luận của bang rằng phụ nữ không có “quyền cơ bản hoặc hiến pháp” đối với các vật dụng được dùng để đạt khoái cảm tình dục.

Năm 1998

Seg toy gần như được chấp nhận hoặc ít nhất là nhiều trong số chúng đã trở thành những cái tên quen thuộc với sự ra đời của loạt phim ăn khách “Sex And The City” của HBO™. 

Khi Carrie, Samantha và Charlotte trở thành “ngôi sao” của thành phố thì các sản phẩm họ sử dụng cũng vậy. Dương vật giả thủy tinh Pyrex, máy rung cây đũa thần, love swing bỗng nhiên thịnh hành.

Năm 2003

Ở Hoa Kỳ, phải đến năm 2003 lệnh cấm đồ chơi tình dục mới được dỡ bỏ hoàn toàn. Còn ở Anh và hầu hết các nước châu Âu thì chưa bao giờ có lệnh cấm hoàn toàn về mặt pháp lý đối với seg toy giống như các mặt hàng khác như bao cao su hoặc biện pháp ngừa thai.

Năm 2010

Với sự tiến bộ của công nghệ, đồ chơi tình dục có thể được điều khiển từ xa, đầu tiên là qua bluetooth, sau đó qua internet thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Ngày nay

Ngày nay, đồ chơi tình dục trở thành một thị trường có trị giá hàng tỷ đô la. Người mua trên toàn cầu có thể tiếp cận và mua chúng từ hầu hết mọi nơi, qua trực tuyến hoặc trực tiếp. 

3. Vì sao người ta dùng seg toy?

Hình ảnh được đăng tải bởi IFONNX Toys trên Unsplash

Như SEBT đã nói ở phần đầu, mỗi người chọn dùng đồ chơi tình dục có thể vì nhiều lý do khác nhau. Với một số người, sử dụng seg toy là cách dễ nhất (hoặc duy nhất) để họ đạt cực khoái. Số khác dùng đồ chơi để hỗ trợ thủ d.âm. Cũng có người đem seg toy vào làm tình để tăng thêm gia vị cho cuộc yêu của họ với bạn tình hoặc tạo sự kết hợp cho nhiều dạng khoái cảm.

Đối với những người chuyển giới hoặc phi nhị nguyên giới, một số món đồ chơi nhất định có thể giúp khẳng định bản dạng giới của họ hoặc giúp giảm bớt sự phiền muộn về giới. 

Đối với những người khuyết tật hoặc bị khả năng vận động hạn chế thì việc dùng seg toy sẽ giúp họ dễ dàng thủ d.âm, quan hệ tình dục hay thực hiện các hoạt động/tư thế tình dục mà nếu không có seg toy, họ khó hoặc không thể thực hiện được.

Đồ chơi tình dục cũng có thể giúp điều trị các triệu chứng của một số rối loạn, ví dụ như rối loạn cương dương, rối loạn kích thích sinh dục, rối loạn cực khoái. Và một số người thấy rằng seg toy giúp họ giải quyết các tác dụng phụ về tình dục của một số loại thuốc, tình trạng sức khỏe hoặc thời kỳ mãn kinh – như ham muốn tình dục thấp hoặc giảm cảm giác ở bộ phận sinh dục của họ. [4]

4. Lợi ích về mặt tâm lý của seg toy

Mặc dù hiện nay, tình dục đã không còn bị kỳ thị và né tránh nữa nhưng xã hội vẫn còn định kiến đối với đồ chơi tình d.ục.

Mọi người (đa giới) đều thấy xấu hổ khi dùng seg toy vì nhiều lý do. Có người xem nó như một loại đồ vật vô đạo đức. Người thì coi việc dùng nó như là dấu hiệu cho thấy đời sống tình dục đang không được thỏa mãn. Và một số người, đặc biệt là nam giới, thấy đồ chơi tình dục làm mình trở nên “yếu” đi. 

Tuy nhiên, trên thực tế, chẳng có gì phải xấu hổ khi chúng ta sử dụng seg toy để tận hưởng khoái cảm trong tình dục. Và việc dùng nó cũng không nói lên điều gì về đời sống giường chiếu của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ seg toy và thủ d.âm điều độ, bất kể tình trạng mối quan hệ hay chất lượng đời sống tình dục của chúng ta thế nào. Đồ chơi không chỉ dành cho người độc thân; chúng cũng có thể nâng cao trải nghiệm cho những người đang trong mối quan hệ! Bạn có thể sử dụng đồ chơi tình dục để tìm hiểu thêm về tính dục của chính mình hoặc tăng cường sự thân mật của bạn với đối phương.

Cụ thể, seg toy đem đến những lợi ích về mặt tâm lý như sau:

Giúp bạn hiểu được ham muốn tình dục của mình

Cách tốt nhất để cải thiện đời sống tình dục của bạn mà không nhất thiết phải tìm nhiều bạn tình chính là hiểu cơ thể và ham muốn tình dục của mình. 

Khi bạn khám phá cơ thể mình, bạn sẽ hiểu đâu là cách tốt nhất để bản thân thấy khoái cảm. Bạn phát hiện ra những vùng nhạy cảm trên cơ thể mà vẫn chưa được khai quật. Và đồ chơi tình dục rất quan trọng trong hành trình đánh thức và khám phá tính dục của bạn.

Giúp bạn thêm tự tin vào cơ thể mình, đặc biệt là nữ giới

Cơ thể con người là một cỗ máy tuyệt vời, được chế tạo để có khả năng đạt khoái cảm tình dục cũng như sức mạnh về thể chất và trí tuệ. Trên thực tế, đối với nữ giới, âm vật chứa hơn 8.000 đầu dây thần kinh với mục đích duy nhất là mang lại khoái cảm, không phụ thuộc vào bất kỳ nhu cầu sinh học nào khác. Và seg toy giúp bạn sử dụng cơ thể của mình theo cách mà tạo hóa muốn nó được dùng.

Khi bạn thực sự học cách hiểu cơ thể mình, bạn sẽ biết yêu thương, tôn trọng và nâng niu nó. Những người thủ dâm thường xuyên có sự tự tin hơn cả về hình ảnh cơ thể lẫn trong tình dục. Seg toy cho phép bạn thử nghiệm cơ thể mình mà không sợ bị phán xét hay chỉ trích, cho phép bạn yêu tất cả những cảm giác mà cơ thể bạn có khả năng tạo ra. 

Nhưng điều đó chỉ đúng khi bạn đảm bảo được sự cân bằng với mức thủ d.âm điều độ. Bởi nếu lạm dụng thì hành vi này sẽ làm bạn mất tự tin hoặc nghi ngờ bản thân.

Giúp bạn ngủ ngon hơn

Hình ảnh được đăng tải bởi IFONNX Toys trên Unsplash

Giấc ngủ là điều cần thiết đối với chúng ta. Nó cải thiện hệ thống miễn dịch, khiến chúng ta trở nên sắc sảo hơn và ngăn ngừa trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến thiếu ham muốn tình dục, khiến ta không thể đạt cực khoái và các vấn đề khác, gây ra sự thất vọng to lớn ở trên giường.

Thủ dâm và quan hệ tình dục giúp bạn ngủ ngon vì chúng giải phóng oxytocin và endorphin, khiến bạn cảm thấy thư thái hơn. Tuy nhiên, phụ nữ thường khó đạt cực khoái nếu không có sự kích thích từ bên ngoài, và đó là lúc sex toy ra đời. 

Với seg toy, bạn có thể đạt cực khoái và ngủ một cách thoải mái với lượng endorphin và oxytocin dâng trào. 

Giúp nữ giới giảm thiểu cơn đau khi quan hệ

SEBT nhận thấy không ít bạn nữ bị đau trong và sau khi quan hệ. Nguyên nhân có thể đến từ một trong số sau:

+ Khô âm đạo

+ Bị nhiễm trùng bệnh tình dục

+ Bị lạc nội mạc tử cung

+ Bị nhiễm trùng âm đạo

+ Bị viêm vùng chậu

Nếu cơn đau đến từ chứng khô âm đạo thì seg toy sẽ là liều thuốc giảm đau hữu hiệu cho trường hợp này. [5]

Bạn bị khô có thể do chưa được kích thích đúng cách. Để có một cuộc yêu trơn tru và thỏa mãn, bạn phải thật sẵn sàng từ tâm lý cho đến cơ thể. Điều này có nghĩa là bạn phải ướt, âm vật căng cứng và âm đạo sẵn sàng co giãn để chuẩn bị cho một cuộc “đào hầm”.

Lúc này, nếu bạn kết hợp seg toy với gel bôi trơn: seg toy giúp tăng kích thích còn gel giữ cho nước luôn về thì bạn sẽ giảm được cơn đau khi quan hệ.

Hơn nữa, một số bạn nữ lúc dạo đầu thì bừng bừng ngọn lửa lắm nhưng cứ cho vào nhấp nháy là lại đau. Vì sao? Đó là do có ít dây thần kinh bên trong âm đạo. Hầu hết dây thần kinh đều tập trung ở âm vật, cho nên cực khoái ở phụ nữ chủ yếu ở bé hột le này, thậm chí cả điểm G (ngạc nhiên chưa vì điểm G thật ra nằm gần âm vật hơn bạn nghĩ).

Để giúp giảm đau khi quan hệ, bạn cần tập trung vào âm vật. Đây là lúc để seg toy phát huy tác dụng. Cây đũa thần điểm G, máy rung âm vật, máy rung cặp đôi đều được thiết kế để giúp tăng kích thích cho nữ giới. Bạn càng được kích thích, bạn càng thấy khoái cảm thì chuyện quan hệ sẽ ít bị đau đớn hơn.

Theo Healthline, đồ chơi cũng có thể giúp thúc đẩy lưu lượng máu đến âm vật, càng làm tăng khoái cảm cho nữ giới hơn. [5]

Chốt lại, trừ khi là lần đầu, nếu quan hệ bị đau và kéo dài liên tục, bạn cần tìm ra nguyên nhân. Nếu nó không liên quan đến vấn đề sức khỏe thì có thể dùng seg toy để xem tình trạng có cải thiện được không nhé.

Giúp hỗ trợ điều trị rối loạn chức năng tình dục

Bất cứ ai và tất cả mọi người đều có thể bị rối loạn chức năng tình dục. Không quan trọng bạn ở độ tuổi 20 hay 70; nam hay nữ; LGBT hay thẳng; tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc chứng này. Hơn nữa, rối loạn chức năng tình dục có thể xảy ra do nhiều yếu tố thể chất hoặc cảm xúc, với những biểu hiện như mất ham muốn tình dục, xuất tinh sớm, không thể duy trì sự cương cứng, khó đạt cực khoái.

Tuy nhiên, seg toy lại có thể giúp nam và nữ giới đối phó với chứng rối loạn chức năng tình dục này. Ví dụ vòng đeo dương vật (cock ring) giúp kéo dài thời gian quan hệ lâu hơn, đạt được sự cương cứng mạnh mẽ hơn ở dương vật.

Một số đồ chơi xuất hiện gần đây được thiết kế đặc biệt để kích hoạt toàn bộ cấu trúc âm vật của nữ giới, khiến chúng có khả năng vượt qua mọi rào cản về thể chất hoặc cảm xúc để phụ nữ chạm đỉnh. 

Tuy một số seg toy được thiết kế để giúp giải quyết các triệu chứng rối loạn chức năng tình dục, nhưng chỉ dừng lại ở mức “hỗ trợ”. Rốt cuộc thì mục đích tạo ra những món đồ chơi này chỉ là để đạt khoái cảm.

Vì vậy, nếu bạn thấy lo lắng cho tình trạng sức khỏe tình dục của mình thì nên đến gặp bác sĩ để tư vấn một kế hoạch điều trị chính xác và dứt điểm hơn.

5. Rủi ro tiềm ẩn của seg toy

Hình ảnh được đăng tải bởi Lovense Toys trên Unsplash

Một trong những tác hại của seg toy mà nhiều người thường nghĩ là nó sẽ khiến mình làm giảm sự nhạy cảm khi quan hệ với bạn tình. Vậy sự thật là như thế nào?

Seg toy, đặc biệt là máy rung, có thể gây tê liệt tạm thời, nhất là khi bạn dùng với công suất mạnh, tần suất liên tục và sử dụng trong thời gian dài. Nhưng cảm giác tê liệt ấy sẽ biến mất và chưa có bằng chứng nào cho thấy seg toy gây ra bất kỳ tổn hại vĩnh viễn đối với độ nhạy cảm tình dục.

Đúng là có một số đồ chơi hoạt động rất mạnh, chẳng hạn như máy rung dạng đũa, được dùng để kích thích âm vật với cường độ lớn. Nếu bạn quá nhạy cảm và sợ trải nghiệm này sẽ quá sức với bạn thì nên tránh những thiết bị như vậy và chọn loại máy rung có kích thích nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ thỏa mãn lên âm vật (ví dụ máy rung hình viên đạn hoặc quần lót rung).

Ngoài ra, tất cả máy rung âm đạo hoặc hậu môn đều có thể được điều chỉnh để các xung động phù hợp với bạn. Các chế độ và mức tốc độ khác nhau bắt đầu từ tiếng rì rầm nhỏ và có thể tăng lên tùy theo sở thích cá nhân của bạn.

Do đó, bạn không cần lo lắng về việc mất đi độ nhạy cảm khi sử dụng đồ chơi tình dục. Bạn chỉ cần thử nghiệm và tìm ra tốc độ và áp lực mà bạn cảm thấy thích thú nhất.

Vậy seg toy không tiềm ẩn bất cứ rủi ro nào hay sao?

Câu trả lời là CÓ: bạn có thể bị nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs) từ seg toy. Nhưng bạn cũng đừng lo lắng quá vì bạn không thể tự nhiên bị nhiễm STIs từ món đồ chơi này mà cần 3 điều kiện sau:

1. Bạn tình đang bị STIs.

2. Bạn không vệ sinh seg toy đúng cách trước khi dùng.

3. Dùng chung seg toy với người khác

Bản thân đồ chơi không mang STIs đến cho bạn mà nó chỉ là vật trung gian truyền bệnh. Nếu có máu, tinh dịch, pre-cum, dịch tiết âm đạo hoặc chất dịch cơ thể khác bị dính trên seg toy của người A đang nhiễm STIs, và sau đó seg toy này (đang chưa được vệ sinh sạch sẽ) tiếp xúc với vết thương hở, màng nhầy hoặc vùng kín của người B thì người B có thể nhiễm STIs. 

Không chỉ STIs, bạn có thể bị nhiễm trùng nấm men, viêm âm đạo hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu từ seg toy. Điều này xảy ra khi bạn dùng đồ chơi mà người bị nhiễm khuẩn âm đạo hoặc nhiễm trùng nấm men đã sử dụng qua mà không được vệ sinh đúng cách. 

Ngoài ra, nếu bạn dùng seg toy loại cho hậu môn và sau đó tiếp tục dùng cho âm đạo hoặc xung quanh dương vật (mà không vệ sinh) thì cũng có nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng.

Bạn thấy mình hay bị tái viêm âm đạo? Có thể thủ phạm nằm ở chiếc seg toy bạn đang dùng. Giả sử bạn bị viêm đạo và vẫn sử dụng seg toy nhưng không vệ sinh đúng cách, sau đó bạn uống thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng rồi bệnh khỏi, bạn tiếp tục dùng lại seg toy đó thì có khả năng bạn sẽ bị tái nhiễm trùng lại.

Vậy làm sao để sử dụng seg toy an toàn? SEBT sẽ giải đáp ở phần tiếp theo.

6. Làm sao để sử dụng seg toy an toàn?

Dùng chung đồ chơi tình dục với người khác có thể lây lan STIs như SEBT đã giải thích ở phần trên. Vì vậy, nếu bạn đang dùng chung seg toy với bạn tình thì điều quan trọng là phải thực hiện các bước dưới đây để ngăn ngừa lây nhiễm các bệnh.

1. Rửa đồ chơi sau khi bạn sử dụng chúng và trước khi chúng chạm vào bộ phận sinh dục của người khác. Mỗi loại đồ chơi sẽ có cách vệ sinh khác nhau tùy vào chất liệu. Để biết thì cách tốt nhất là bạn đọc hướng dẫn sử dụng khi mua hoặc hỏi chính nhân viên cửa hàng. 

Ngoài ra, đeo bao cao su vào đồ chơi còn có thể giúp giữ chúng sạch sẽ và ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bạn chỉ cần đảm bảo bạn thay bao cao su mới trước khi đồ chơi chạm vào bộ phận sinh dục của người khác.

Hình ảnh được đăng tải bởi Malvestida trên Unsplash

2. Nếu bạn đang sử dụng đồ chơi tình dục trong hậu môn thì nên thoa nhiều gel bôi trơn. Bởi hậu môn không có cơ chế tự bôi trơn như âm đạo, vì vậy việc đặt một thứ gì đó vào mông mà không thêm bôi trơn có thể gây đau đớn, khó chịu và thậm chí là không an toàn. Và đừng bao giờ đặt đồ chơi tình dục ở hậu môn vào âm đạo mà không rửa sạch hoặc thay bao cao su trước. Nếu vi trùng từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo, nó có thể dẫn đến viêm âm đạo.

3. Một điều quan trọng khác bạn cần ghi nhớ là chỉ sử dụng seg toy được thiết kế cho từng vùng sinh dục. Ví dụ nếu muốn chơi hậu môn thì bạn chỉ dùng đồ chơi riêng biệt cho hậu môn chứ đừng lấy đồ chơi dùng cho âm đạo để nhét vào hậu môn. Tất nhiên trừ những món được thiết kế dùng được cho cả hai vùng âm đạo và hậu môn.

4. Không sử dụng gel bôi trơn loại silicon cho seg toy bằng silicon (trừ khi bạn đeo bao cao su vào đồ chơi). Bởi gel bôi trơn silicon có thể phản ứng với silicone trong đồ chơi và làm hỏng nó. Thay vào đó, bạn hãy dùng gel bôi trơn gốc nước – đây là lựa chọn an toàn nhất để sử dụng với bất kỳ đồ chơi tình dục nào (và bất kỳ loại bao cao su nào).

5. Nếu bạn đang đưa seg toy vào bên trong cơ thể (miệng, âm đạo hoặc hậu môn) thì tốt nhất bạn nên sử dụng đồ chơi làm từ chất liệu không xốp, an toàn cho cơ thể. Ví dụ như 100% làm từ silicone đảm bảo chất lượng cấp y tế (không phải hỗn hợp silicone), nhựa cứng, thép không gỉ, nhôm, ABS, thủy tinh. Đồ chơi làm từ vật liệu không xốp sẽ không hấp thụ mầm bệnh, và dễ làm sạch hơn.

Còn những đồ chơi làm từ vật liệu xốp – như hỗn hợp silicon, cao su dẻo, PVC, nhựa vinyl, TPR, TPE, chất đàn hồi hoặc nhựa cao su khác – có thể hấp thụ mầm bệnh dẫn đến nhiễm trùng, ngay cả khi bạn luôn rửa sạch đồ chơi của mình. Nhưng bạn luôn có thể sử dụng bao cao su cho đồ chơi của mình để giúp đồ chơi luôn sạch sẽ và ngăn mầm bệnh có thể bám trên đồ chơi.

Bạn tìm hiểu thêm các chất liệu làm seg toy tại đây:

[Tập 210] Chất Liệu S*xtoy Liệu Có An Toàn? | CCS | SEBT – YouTube

6. Để vệ sinh và bảo quản seg toy đúng cách, tốt hơn là bạn hãy đọc hướng dẫn sử dụng đi kèm khi mua hoặc hỏi nhân viên tư vấn tại cửa hàng.

Lưu ý: Có không ít trường hợp “tự chế” đồ chơi tình dục tại nhà. Nếu bạn đang có ý định này thì SEBT khuyên là không nên. Bởi seg toy tự làm có thể không an toàn, đặc biệt nếu chúng có thể bị vỡ, có các bộ phận thô ráp, sắc nhọn hoặc lỏng lẻo hay được làm bằng vật liệu không hợp vệ sinh, có thể gây ra dị ứng.

Vì vậy, tốt nhất là bạn nên mua các loại seg toy được thiết kế và sản xuất đúng với mục đích tăng khoái cảm cho con người, đặc biệt nếu bạn muốn cho chúng vào bên trong cơ thể.

7. Chọn mua seg toy ở những nơi uy tín, chất lượng, đừng ham rẻ mà ảnh hưởng đến sức khỏe. 

[Tập 181] Mua S**Toys Ở Đâu Tại Việt Nam – Cửa Hàng Người Lớn | CCS | SEBT – YouTube

Chốt lại, bản chất của seg toy không xấu và mang nhiều lợi ích hơn gây hại. Nhưng điều quan trọng ở đây là bạn chỉ nên dùng nó như một công cụ hỗ trợ hoạt động tình dục. Chứ nó không thể thay thế được sự ấm nóng của hai cơ thể đang hòa quyện vào nhau, sự kết nối về mặt tinh thần và thể xác. 

Các nguồn thông tin trong bài:

[1] http://news.bbc.co.uk/2/hi/science/nature/4713323.stm  

[2] https://research.britishmuseum.org/research/publications/online_research_catalogues/catalogue_image.aspx?objectId=3509622&partId=1&orig=/research/online_research_catalogues/icons_in_the_british_museum/catalogue_of_russian_icons.aspx&numPages=10&currentPage=1&asset_id=1368450001 

[3] https://www.menstrualcup.it/geishe-balls 

[4] Sex Toys (plannedparenthood.org) 

[5] 30% of Women Say Sex Hurts — This Is How Sex Toys Can Fix That (healthline.com)

Sex toys: A Brief History – TheToy.org

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Thủ dâm tác động đến sức khỏe của bạn như thế nào?

Thủ dâm là một hoạt động tình dục bình thường, lành mạnh và ít tác dụng phụ. Hiện nay có không ít các thông tin, quan niệm “kỳ lạ” về thủ dâm, chẳng hạn như thủ dâm sẽ làm giảm số lượng tinh trùng hoặc gây mất tập trung. Hầu hết những thông tin này đều không đúng sự thật.

Thủ dâm là khi một người tự kích thích bộ phận sinh dục của mình để đạt khoái cảm. Hoạt động này phổ biến ở nam và nữ giới trong mọi lứa tuổi, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tình dục lành mạnh.

Người ta thủ dâm vì nhiều lý do. Chúng bao gồm tự sướng vì vui, vì thích hoặc để giải tỏa căng thẳng. Một số vui đùa một mình, số khác thì cùng bạn tình thủ dâm.

Bài chuyên đề lần này của SEBT sẽ vén bức tranh tổng quát về thủ dâm, đưa ra các mặt lợi ích về sức khỏe cũng như một số tác dụng phụ tiềm ẩn dựa trên nguồn nghiên cứu khoa học uy tín. Đồng thời, bài viết cũng làm sáng tỏ những lời đồn hư cấu liên quan đến thủ dâm.

Lợi ích của thủ dâm

Thủ dâm là một hoạt động tình dục lành mạnh, có thể đem đến một số lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Thực chất vẫn còn ít nghiên cứu về lợi ích của thủ dâm nhưng có những nghiên cứu về quan hệ tình dục và kích thích. Chúng cho thấy kích thích tình dục, bao gồm kích thích thông qua thủ dâm có thể giúp bạn (1):

+ Giải tỏa căng thẳng đang tích tụ trong người

+ Ngủ ngon hơn

+ Giúp tâm trạng tốt hơn

+ Ngăn ngừa trầm cảm

+ Giúp thư giãn

+ Giảm chuột rút

+ Giải phóng những căng thẳng trong tình dục

+ Nâng cao lòng tự trọng

+ Hiểu rõ hơn về mong muốn và nhu cầu của bạn trong tình dục

+ Góp phần cải thiện chất lượng quan hệ với bạn tình

Theo một nghiên cứu năm 2015 ở phụ nữ đã kết hôn (2), những người thủ dâm cho biết họ đạt cực khoái nhiều hơn, hiểu rõ cơ thể và bản thân, tăng ham muốn tình dục và hài lòng hơn với cuộc sống hôn nhân cũng như đời sống chăn gối của mình.

Các cặp đôi cũng có thể thủ dâm lẫn nhau để khám phá những ham muốn khác nhau, đồng thời tránh mang thai ngoài ý muốn. “Tự yêu”, khi so sánh với quan hệ tình dục cùng bạn tình, cũng giúp bạn ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs).

Thủ dâm và ung thư tuyến tiền liệt

Một số nghiên cứu cho thấy xuất tinh thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, dù các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn lý do tại sao.

Một nghiên cứu năm 2016 (3) với 31.925 người tham gia và 18 năm theo dõi cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn có liên quan đến tần suất xuất tinh cao hơn. 

Một cuộc khảo sát từ năm 2016 (4) ghi nhận rằng 44% các nghiên cứu báo cáo mối liên hệ tương tự giữa xuất tinh thường xuyên và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn.

Tuy các nghiên cứu trên đưa ra kết quả đầy hứa hẹn nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét là:

+ Không có bằng chứng xác thực nào cho thấy xuất tinh nhiều hơn khiến nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn. Hiện tại các bác sĩ chỉ biết là hai yếu tố này có liên kết với nhau mà thôi. Rất có thể còn những yếu tố khác tác động đến kết quả của mối liên kết này. Ví dụ những người đàn ông xuất tinh nhiều hơn thường đi kèm với thói quen sống lành mạnh nên mới làm giảm tỷ lệ mắc bệnh thì sao?

+ Xuất tinh dường như không thể bảo vệ nam giới khỏi các loại ung thư tuyến tiền liệt nguy hiểm hơn. Các chuyên gia cũng không biết tại sao.

+ Các nhà khoa học không biết liệu xuất tinh khi quan hệ tình dục và xuất tinh khi thủ dâm có mang lại cùng lợi ích không. Một số nghiên cứu phát hiện thành phần của tinh dịch sẽ khác nhau ở mỗi hoạt động. Ví dụ, tinh dịch khi quan hệ tình dục có hàm lượng tinh trùng và một số chất hóa học cao hơn. Có thể những điều này tạo ra sự khác biệt trong tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt của một người đàn ông.

+ Không phải tất cả nghiên cứu đều tìm thấy lợi ích của xuất tinh nhiều với ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu năm 2016 gây chú ý vì độ lớn của số người tham gia (gần 32.000 nam giới) và độ dài của thời gian (18 năm). Nhưng một số nghiên cứu nhỏ hơn không cho ra kết quả tốt như vậy. Một số thậm chí còn phát hiện ra có nam giới, cụ thể là những người đàn ông trẻ tuổi, thủ dâm nhiều hơn lại mang nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn một chút.

Tóm lại, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu mối liên hệ giữa xuất tinh và sức khỏe tuyến tiền liệt. 

Các tác dụng phụ từ thủ dâm

Bản chất của thủ dâm không có tác dụng phụ gây hại. Nhưng bản thân người dùng nó sai cách thì vẫn đem đến tai hại, nổi trội nhất là 2 phương diện sau:

1. Thủ dâm và cảm giác tội lỗi

Một số người thấy tội lỗi khi thủ dâm vì lý do văn hóa, tâm linh hoặc tín ngưỡng tôn giáo. 

Thủ dâm không sai cũng không trái đạo đức nhưng bạn vẫn nghe đâu đó những lời tuyên truyền rằng thủ dâm là bẩn thỉu, đáng xấu hổ, chỉ những kẻ thất bại trong tình trường mới đi tự sướng với bàn tay.

Nó khiến bạn áp lực để rồi mỗi khi thủ dâm xong là lại thấy tội lỗi. Vòng xoáy ấy cứ lặp đi lặp lại khiến bạn stress, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tinh thần.

2. Nghiện thủ dâm

Trên thực tế, thuật ngữ “nghiện thủ dâm” không được công nhận trong “Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần” (DSM-5). Một số người cũng không xem đó là một chứng nghiện thật sự.

Không có tần suất cụ thể nào để khẳng định một người đang bị “nghiện thủ dâm” nhưng nếu thủ dâm đang khiến bạn:

+ Bỏ qua các hoạt động hàng ngày hoặc công việc nhà

+ Chểnh mảng trong công việc, học tập

+ Hủy các cuộc hẹn với bạn bè, gia đình

+ Bỏ lỡ các sự kiện xã hội quan trọng

+ Không dành nhiều thời gian quan tâm đến người thân yêu

Thì bạn đang thủ dâm quá nhiều, gây hại cho các mối quan hệ và cuộc sống của bạn.

Nếu bạn thấy mình đang rơi vào những dấu hiệu trên thì đã đến lúc nên hạn chế số lần thủ dâm lại. Lần tới, khi bạn muốn “tự xử” thì cố gắng thay thế bằng các hoạt động như chạy bộ, ra ngoài đi dạo, dành thời gian chất lượng với bạn bè hoặc tạo một thói quen lành mạnh như viết nhật ký.

Bạn có thể tham khảo thêm cách cai thủ dâm quá mức với chia sẻ của SEBT tại đây:

[Tập 194] Th* D*m Quá Mức & Cách Cai Th* D*m | CCS | SEBT – YouTube

Những hiểu sai phổ biến về thủ dâm 

Hình ảnh từ clark cruz

Thủ dâm có lẽ là chủ đề được người ta gắn nhiều cái mác sai trái nhất trong tình dục. Ví dụ như thủ dâm gây ra vô sinh, mất nước, làm mất cân bằng nội tiết tố, làm thay đổi kích thước hoặc hình dạng tinh trùng, giảm số lượng tinh trùng, gây mù (?), khiến bạn bị rối loạn cương dương hay ham muốn thấp…

Tất cả đều chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cả. 

Bên cạnh đó một số người cho rằng thủ dâm gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ. Kiểu như nếu có người yêu/bạn đời rồi mà vẫn thủ dâm thì nghĩa là người đó không thấy thỏa mãn trong chuyện chăn gối.

Dù thủ dâm quá nhiều gây ra nhiều tác động tiêu cực như SEBT đã đề cập ở trên, nhưng nếu sử dụng đúng cách, thủ dâm có thể giúp giải quyết các vấn đề trong chuyện chăn gối. Ví dụ một người có nhu cầu cao, người kia lại thấp; một người quá bận rộn hoặc căng thẳng nên không thể đáp ứng nhu cầu tình dục của người kia. Lúc này, thủ dâm là một trong những lựa chọn giúp cân bằng mối quan hệ.

Hơn nữa, cực khoái từ thủ dâm sẽ khác so với cực khoái nhận được từ bạn tình. Và chúng ta chẳng có lý do nào lại không thử hết mọi trải nghiệm khoái cảm từ các hoạt động tình dục khác nhau cả.

Ngoài ra, một số cặp đôi còn nhận thấy thủ dâm cho nhau là một trong những gia vị mới mẻ cho chuyện chăn gối của họ.

Và như SEBT đã dẫn một nghiên cứu ở phần lợi ích của thủ dâm, những phụ nữ có thủ dâm trong hôn nhân thấy hài lòng và thỏa mãn với đời sống phòng the của mình hơn.

Bạn có thể xem thêm về những hiểu sai về thủ dâm tại đây:

[Tập 192] ThuDam Hay Không ThuDam – Vô Sinh? Hết Tinh Trùng? | CCS | SEBT – YouTube

Những thắc mắc mà nhiều người hỏi về thủ dâm

1) Thủ dâm ở nam và nữ có khác nhau không? 

Thủ dâm ở nam và nữ có nhiều điểm giống nhau hơn là khác biệt. Đó là bởi mọi người “tự yêu” theo các cách khác nhau và chẳng có phương pháp nào là đúng cho tất cả.

Bạn có thể cho rằng con trai là người duy nhất thủ dâm nhưng sự thực không phải vậy. Con gái ở mọi lứa tuổi đều thủ dâm. Dù nam hay nữ thì thủ dâm chính là cách tuyệt vời nhất để tìm hiểu cơ thể chính mình và biết đâu là điểm làm mình thấy sướng. Nó sẽ giúp ích rất nhiều để rút ngắn khoảng cách lên đỉnh của bạn và bạn tình. 

Bạn có thể xem thêm sự thật khi con gái thủ dâm mà ai cũng muốn biết tại đây: [Tập 171] Sự Thật Khi Con Gái ThuDam Mà Ai Cũng Muốn Biết | Ngứa Gì Gãi Đó | SEBT – YouTube

Ngoài ra thủ dâm là hoạt động tình dục có mức độ an toàn 100%, không làm bạn mang thai hay bị nhiễm STIs nếu không dùng chung đồ chơi tình dục với người khác.

2) Tôi không thủ dâm thì có làm sao không?

Mặc dù thủ dâm là một hoạt động lành mạnh nhưng không có lý do nào để bắt buộc tất cả chúng ta phải thủ dâm cả. Bạn hoàn toàn không cần “tự xử” nếu không muốn và việc này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bạn. Thủ dâm hay không thuộc về quyền tự do lựa chọn cá nhân mỗi người.

3) Tôi thủ dâm với tần suất X mỗi tuần thì có phải là quá nhiều không? 

Hình ảnh được đăng tải bởi Jackson David trên Unsplash

Theo Hiệp hội Y học Tình dục Quốc tế (5), không có tần suất thủ dâm nào là bình thường, quá ít hay quá nhiều. Một số người có thể thủ dâm hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng, số khác thì chọn hoàn toàn không thủ dâm.

Miễn là nó không ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ của bạn hoặc cản trở việc học việc làm thì tần suất thủ dâm hiện tại của bạn vẫn an toàn và lành mạnh.

4) Thủ dâm có làm giảm cảm giác khi quan hệ với bạn tình không? 

Một vấn đề xảy ra ở nhiều bạn nam là họ có thể lên đỉnh dễ dàng khi thủ dâm nhưng lại rất khó đạt cực khoái lúc quan hệ với bạn tình. Vậy nguyên nhân có phải vì thủ dâm quá nhiều nên bạn nam đã quen với bàn tay hơn là “cô bé” không?

Như SEBT đã nói ở trên, bản chất của thủ dâm là lành mạnh. Nếu nó gây hại thì có thể là do bạn đang dùng sai kỹ thuật. Một nghiên cứu từ năm 2022 (6) đã chỉ ra rằng khi nam giới thủ dâm quá mạnh hoặc quá mức kèm với tốc độ nhanh (ví dụ như vuốt quá chặt vào dương vật) thì sẽ làm giảm cảm giác. Đây được gọi là hội chứng death grip, khiến bạn khó lên đỉnh khi quan hệ với bạn tình.

Nếu bạn nhận thấy bản thân đang vấp vào hội chứng này thì hãy thay đổi kỹ thuật thủ dâm: vuốt nhẹ hơn với tốc độ chậm rãi, từ từ. Ngoài ra, khi thủ dâm, bạn có thể thử đeo bao cao su đã bôi gel bên trong. Môi trường ẩm ướt, thay vì để khô, sẽ mô phỏng môi trường bên trong “cô bé”, giúp bạn khôi phục lại độ nhạy cảm khi quan hệ với bạn tình.

Tương tự ở nữ giới, thủ dâm cũng không làm ảnh hưởng đến độ nhạy của âm đạo hoặc âm vật. Nếu quan hệ với bạn tình mà bạn không lên đỉnh thì lý do có thể thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Bạn lên đỉnh ở điểm C (âm vật) nhưng bạn tình dạo đầu chưa đủ, bỏ qua hoặc không kích thích điểm C ở mức bạn cần để lên đỉnh.

+ Bạn dùng đồ chơi tình dục có tốc độ rung mạnh để thủ dâm, khiến bạn đã quen với mức kích thích đó, trong khi bạn tình chưa kích thích đủ đến mức bạn cần để lên đỉnh.

Giải pháp tương tự với nam giới là bạn hãy thủ dâm với tốc độ chậm lại, tập cho bản thân quen với kích thích bằng với kích thích bạn tình làm cho bạn. Không cần phải vội vàng lên đỉnh với tốc độ cực mạnh mà hãy chú trọng đến việc tận hưởng từng khoảnh khắc của khoái cảm.

5) Thủ dâm có ảnh hưởng đến mức testosterone không?

Mức testosterone tự nhiên tăng trong thời gian kích thích tình dục và giảm sau khi đạt cực khoái, nhưng có vẻ như thủ dâm không ảnh hưởng đáng kể đến mức testosterone của một người.

Kết quả của một nghiên cứu năm 2001 (7) cho thấy cực khoái do thủ dâm không ảnh hưởng đến nồng độ testosterone trong huyết tương. Tuy nhiên, các tác giả đã quan sát thấy nồng độ testosterone cao hơn ở những người đàn ông kiêng hoạt động tình dục trong 3 tuần. Đây là một nghiên cứu nhỏ với chỉ 10 người tham gia.

Trong một nghiên cứu ban đầu khác từ năm 2003 (8), các nhà nghiên cứu quan sát nồng độ testosterone dao động tối thiểu trong 5 ngày đầu kiêng tình dục, cao nhất là 7 ngày và sau đó không đổi. Những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy thời gian kiêng khem ngắn có thể dẫn đến sự dao động tạm thời của nồng độ testosterone.

Tóm lại, thủ dâm không mấy ảnh hưởng đến testosterone, và cho dù bạn kiêng thì mức dao động hormone cũng chỉ tạm thời.

6) Nếu tôi thủ dâm mà không lên đỉnh thì có sao không?

Hình ảnh được đăng tải bởi Maddi Bazzocco trên Unsplash

Bạn không lên đỉnh được không nhất thiết có nghĩa bạn đang không ổn. Cực khoái không nên là mục tiêu cuối cùng của hành trình khám phá cơ thể. Bạn đang tự yêu chính mình thì SEBT khuyên bạn nên chú ý đến cảm nhận của bản thân trong từng khoảnh khắc tay bạn (hoặc đồ chơi) len lỏi vào những góc riêng tư nhất của mình. 

Miễn là khi kết thúc, bạn thấy khoan khoái dễ chịu thì việc có lên đỉnh hay không đã chẳng còn vấn đề nữa.

7) Thủ dâm có làm tôi bị rách màng trinh không?

Thủ dâm sẽ không làm bạn bị rách màng trinh nếu bạn chỉ kích thích bên ngoài âm hộ mà không đưa vào trong âm đạo.

Bạn tham khảo video này để biết thêm chi tiết nhé:

[Tập 140] Thudam Nữ Có Làm Rách Màng Trinh? Kéo Dãn Màng Trinh | CCS | SEBT – YouTube

8) Tôi bị đau nhức sau khi thủ dâm thì có vấn đề gì không?

Đau nhức có thể là dấu hiệu của cực khoái bởi nhiều kiểu cực khoái gây ra chuột rút và khó chịu ở vùng xương chậu, bụng, lưng và trực tràng.

Trong khi lên đỉnh, các cơ sàn chậu co lại nhanh chóng và có thể làm bạn bị chuột rút. Điều này gây ra cơn đau ở vùng bụng dưới và xương chậu. Bạn thậm chí có thể cảm thấy đau ở vùng lưng dưới của mình.

Nếu bạn là nữ giới thì có thể bị chuột rút sau khi thủ dâm vì một số lý do như:

+ Vị trí của tử cung. Nếu tử cung của bạn nghiêng về phía sau nhiều hơn phía trước thì sẽ làm tăng tiếp xúc với ngón tay hoặc đồ chơi khi bạn kích thích bên trong âm đạo. Điều này có thể gây ra chuột rút và đau nhức ở âm đạo, bụng dưới, xương chậu cũng như lưng dưới.

+ Bạn đang trong thời kỳ rụng trứng. Khoảng 2 tuần trước khi bạn có kinh, buồng trứng sẽ phóng thích một quả trứng đi xuống ống dẫn trứng để chuẩn bị cho khả năng mang thai. Đây là thời kỳ rụng trứng. Quá trình rụng này không phải lúc nào cũng gây đau nhưng một số người sẽ bị chuột rút. 

+ Bạn gần đến hoặc trong kỳ kinh. Những ngày trước khi bắt đầu có kinh và vài ngày đầu tiên sau khi ra máu là những ngày đau quặn nhất. Bạn thủ dâm trong thời gian này cũng sẽ thấy đau đớn ở vùng bụng dưới.

+ Do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Nếu thủ dâm dẫn đến chuột rút hoặc khó chịu diễn ra thường xuyên thì có thể bạn đang bị u nang, u xơ hoặc lạc nội mạc tử cung. Những bệnh này còn gây thêm nhiều triệu chứng khác như kinh nguyệt ra nhiều, đau bụng kinh dữ dội, đau lưng, đau chân. Nếu bạn thấy thủ dâm gây đau đớn kèm các triệu chứng này kéo dài thì nên đến gặp bác sĩ.

Nếu bạn là nam giới mà cảm thấy khó chịu hoặc bị chuột rút sau khi “tự xử” thì tuyến tiền liệt của bạn có thể là nguyên nhân. Ví dụ bạn đang bị viêm tuyến tiền liệt.

Ngoài những nguyên nhân trên thì còn một số nguyên nhân khác làm bạn bị đau khó chịu sau khi thủ dâm như:

+ Bạn thủ dâm với một món có kích thước lớn hoặc rất dài, gây áp lực quá lớn lên cổ tử cung hoặc tuyến tiền liệt. Điều này dẫn đến cơn đau và chuột rút. Hoặc bạn dùng những món đồ chơi được thiết kế theo dạng cong để kích thích điểm G và điểm P (tuyến tiền liệt ở nam giới), vô tình chạm vào một góc làm bạn khó chịu.

+ Bạn thủ dâm thô bạo hoặc đưa vào quá sâu có thể gây tổn thương cho chính mình.

+ Cơ sàn chậu của bạn bị căng có thể gây chuột rút và khó chịu trong bất kỳ hoạt động tình dục nào chứ không chỉ riêng thủ dâm.

+ Bạn đang lo lắng, căng thẳng hoặc một vấn đề sức khỏe tâm thần khác, ảnh hưởng đến việc cơ thể tiết ra chất bôi trơn tự nhiên và làm cho các cơ trong hoặc xung quanh âm đạo, trực tràng và bụng căng ra, gây đau trong và sau khi thủ dâm.

+ Bạn bị nhiễm trùng nấm men, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng lây qua đường tình dục…

Vậy chốt lại, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn thường xuyên thấy đau đớn khó chịu sau khi thủ dâm.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng vài mẹo này để làm giảm sự khó chịu:

+ Thay đổi kỹ thuật thủ dâm

+ Thử một món đồ chơi nhỏ hơn hoặc linh hoạt hơn

+ Dành thời gian để thư giãn trước khi nhét bất cứ thứ gì vào “cô bé” hoặc chiếc mông xinh của bạn

+ Dùng thêm gel bôi trơn để giảm ma sát và giúp cuộc “tự yêu” trơn tru hơn

+ Không thử các kiểu thâm nhập quá sâu hoặc quá thô bạo

+ Nếu nhà bạn có bồn tắm thì ngâm mình trong nước nóng sẽ giúp giảm các cơn co thắt vùng chậu, lưng hoặc bụng.

Các mẹo nâng cấp kỹ thuật “tự yêu” không làm ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ với bạn tình

Với nam giới

Hình ảnh từ Vinícius Vieira ft

1. Linh hoạt thử nhiều tư thế

Khi quan hệ với bạn tình, ta thường thay đổi nhiều tư thế cho cuộc yêu thêm thú vị. Vậy tại sao bạn không áp dụng điều này khi “tự xử”? Lần tới bạn hãy thử thủ dâm khi:

+ Nằm xuống

+ Ngồi thẳng

+ Đứng lên

+ Dựa vào tường

2. Đừng vội vàng

Nhiều bạn nam có thói quen thủ dâm vội vàng vì chịu ảnh hưởng từ những trải nghiệm trong quá khứ như sợ bị bố mẹ bắt quả tang. Nhưng như SEBT đã giải thích ở trên, thói quen này chỉ khiến bạn khó lên đỉnh hơn khi quan hệ với bạn tình hoặc làm trầm trọng thêm vấn đề xuất tinh sớm.

Kỹ thuật đúng ở đây là hãy thủ dâm với tốc độ thật chậm, kéo dài thời gian “tự yêu” và tận hưởng cơn cực khoái diễn ra chậm rãi và dài hơn.

3. Sử dụng gel bôi trơn

Thủ dâm trong tình trạng khô có thể khiến bạn gặp khó khăn khi quan hệ với bạn tình nữ, bởi môi trường bên trong âm đạo vốn ẩm ướt. Hơn nữa thủ dâm khô cũng dễ làm dương vật bị tổn thương ít nhiều nếu dùng lực quá mạnh.

Vì vậy, bạn nên thoa thêm gel bôi trơn, vừa giúp quá trình tự yêu được trơn tru, bớt ma sát, vừa làm bạn không quên đi cảm giác ướt át lúc quan hệ với bạn tình nữ. Hơn nữa thủ dâm “ướt” cũng tránh khiến bạn dùng lực quá mạnh dẫn đến sau này quan hệ thâm nhập khó lên đỉnh.

4. Lắng nghe cơ thể khi thủ dâm

Bạn có thể chưa từng nghĩ thủ dâm như một hành động thiền định, nhưng nếu bạn sử dụng nó với mục đích này, bạn sẽ thấy tự tin và thoải mái hơn khi ở trên giường với bạn tình.

Do đó, lần tới lúc thủ dâm bạn hãy chú ý đến:

+ Hơi thở 

+ Nhịp tim

+ Bạn có đang căng thẳng không?

+ Bạn đang thư giãn hay lo lắng?

5. Thử thủ dâm bằng tay không thuận

Việc thử tự xử bằng tay không thuận vừa giúp bạn khám phá cảm giác mới lạ vừa rèn kỹ năng linh hoạt trên giường, có ích cho bạn khi quan hệ với bạn tình.

6. Thử các kiểu vuốt khác nhau

Các chàng trai có xu hướng một khi đã tìm thấy một kiểu vuốt “hợp gu” là sẽ gắn bó với nó suốt.

Thói quen này có thể khiến bạn không chuẩn bị được cho những cảm giác khó lường mà bạn tình nữ tạo ra khi đang ân ái với nhau. Để rồi dẫn đến tình trạng khó lên đỉnh lúc quan hệ.

Vì vậy, khi thủ dâm, bạn hãy thử nhiều kiểu vuốt khác nhau, tạo ra phản xạ giúp bạn dễ dàng hòa nhập với các kiểu kích thích mới lạ từ bạn tình. 

7. Đừng chỉ tập trung vào phần đầu dương vật

Phần đầu dương vật đúng là nơi nhạy cảm hơn bất kỳ chỗ nào khác trên bộ phận sinh dục của nam giới nhưng cuộc “tự yêu” sẽ trở nên nhàm chán nếu chỉ mãi tập trung vào một chỗ. 

Lần tới, bạn hãy thử khám phá những nơi hay ho khác như bìu. Nó cũng chứa nhiều đầu dây thần kinh để bạn nghịch. Bạn chú ý đến hai “trái bóng”, kéo nhẹ hoặc vuốt ve sao cho tìm thấy kiểu kích thích phù hợp với mình.

8. Thủ dâm có ý thức

Nhận ra cơ thể bạn hoạt động thế nào, đặc biệt liên quan đến kích thích và cực khoái là rất quan trọng. Bạn cần học cách thủ dâm có ý thức, nghĩa là đặt ra các mục tiêu cụ thể khi thủ dâm và cố gắng đạt được. Ví dụ bạn sẽ “tự yêu” trong bao lâu? Có dùng bao cao su hay không? Có thêm gel bôi trơn không? Có sử dụng đồ chơi nào hỗ trợ không?…

Bằng cách này, bạn sẽ làm quen với việc kết nối não với vùng sinh dục, giúp bạn kiểm soát dương vật khi quan hệ với bạn tình tốt hơn.

Với nữ giới

Ở phái đẹp, họ có nhiều kiểu thủ dâm khác nhau đi kèm với cảm giác khoái cảm cũng khác biệt. Dưới đây là 5 kiểu cơ bản:

1. Âm đạo. Kích thích ở âm đạo sẽ mang lại cảm giác cực khoái từ bên trong cơ thể tỏa ra khắp vùng xương chậu. Bạn có thể kích thích điểm G bằng cách dùng ngón tay hoặc đồ chơi tình dục.

2. Âm vật. Cực khoái ở âm vật tựa như có luồng điện chạy vào cơ thể bạn vậy. Bạn sẽ thấy một làn sóng xung kích thú vị của khoái cảm chạy từ vùng tam giác mật lan tỏa đến lưng bạn.

3. Hậu môn. Bạn có thể đạt cực khoái siêu sâu và mạnh mẽ thông qua kích thích hậu môn.

4. Vùng nhạy cảm khác ngoài bộ phận sinh dục. Nhiều bạn có các điểm khoái cảm khác trên cơ thể như ngực, tai, cổ, đùi trong… 

5. Cực khoái kết hợp. Bạn không cần phải tập trung vào mỗi một điểm cực khoái tại một thời điểm. Bạn có thể dùng đồ chơi kích thích bên trong âm đạo và dùng tay để vuốt ve âm vật để có thể lên đỉnh cùng lúc ở hai điểm này. Trải nghiệm 10/10 nhé. 

Và bạn lưu ý là mỗi người sẽ có điểm cực khoái khác nhau. Kiểu thủ dâm này khiến bạn chạm đỉnh nhưng có thể chẳng hiệu quả gì với bạn nữ khác. Do đó, bạn không cần ngạc nhiên nếu thấy người ta có thể lên đỉnh ở điểm G trong khi bạn lại không. Đừng so sánh với bất kỳ ai cả mà cứ lắng nghe và nương theo cơ thể mình – đây mới chính là cái “chuẩn” mà bạn cần nhìn nhất.

Một số mẹo giúp bạn nữ có trải nghiệm thủ dâm tốt hơn

Hình ảnh được đăng tải bởi Saltanat Zhursinbek trên Unsplash

1. Thử nhiều cách kích thích khác nhau. Nếu bạn chưa biết kiểu thủ dâm nào hợp với mình thì cứ thử lần lượt từ điểm C, điểm G hoặc kết hợp cả hai điểm cùng lúc nếu cần. Ngoài ra, bạn hãy thử nhiều kiểu tốc độ và áp lực. Có bạn thì cần áp lực và kích thích mạnh mẽ mới lên đỉnh được. Nhưng cũng có bạn chỉ cần những cái chạm nhẹ nhàng, nhồn nhột là đã chạm đỉnh rồi. Vì thế, hãy cứ thoải mái thử nghiệm nhiều cách thức cho đến khi tìm được chân ái của đời mình, từ việc cọ xát, véo, cù cho đến chuyển động tròn hoặc vuốt lên xuống…

2. Cho phép bản thân dành thời gian để khám phá. Nếu lần đầu thủ dâm, bạn chẳng thấy sung sướng hay đạt cực khoái gì cả thì cũng đừng lo lắng mình có vấn đề. Chuyện này là hoàn toàn bình thường. Quá trình khám phá để hiểu cơ thể cần sự can đảm, quyết tâm và cả kiên nhẫn mới có thể tìm được đâu là cái chạm khiến mình thấy khoái cảm. Bạn cũng đừng tự tạo áp lực phải đạt cực khoái vào phút cuối. Nếu nó xảy ra thì quá tốt mà không có thì cũng tốt luôn vì bạn đã thu thập thêm thông tin có ích về phản ứng của cơ thể mình.

3. Đừng ngại dùng thêm đồ chơi. Đôi khi ngón tay của bạn không tạo đủ kích thích hoặc không thể chạm vào những góc đủ để bạn đạt đỉnh. Lúc này, một chiếc máy rung với đủ lực và tốc độ sẵn sàng thay thế ngón tay để giúp bạn khám phá bản thân từ trong ra ngoài.  

4. Nhớ dùng gel bôi trơn. Gel không chỉ giúp ích khi quan hệ với bạn tình mà còn cần thiết cho cả lúc thủ dâm. Nó giúp giảm thiểu ma sát để bạn không thấy đau xót khó chịu khi tự kích thích bản thân. SEBT khuyên bạn nên dùng gel bôi trơn gốc nước vì nó an toàn khi dùng với đồ chơi tình dục.

Bạn tham khảo thêm video này để tránh 3 sai lầm thường gặp khi thủ dâm ở nữ giới:

[Tập 127] 3 Sai Lầm Khi Thudam Ở Nữ | CCS | SEBT – YouTube

Điều cuối cùng SEBT muốn nhắn nhủ trước khi kết thúc chuyên đề này là hãy nhẹ nhàng và tử tế với bản thân, tránh xa bất kỳ suy nghĩ tiêu cực, định kiến nào trong câu chuyện thủ dâm của bạn. Bất cứ hình thức tự yêu bản thân và khám phá cơ thể nào mà khiến bạn cảm thấy thoải mái, không ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt thường ngày thì đều an toàn và lành mạnh.

Nguồn thông tin trong bài:

(1) Is Masturbation Healthy? (plannedparenthood.org) 

(2) https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/01614576.1991.11074029  

(3) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5040619/ 

(4) https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S2050052116000780?via%3Dihub 

(5) https://www.issm.info/sexual-health-qa/what-is-the-normal-frequency-of-masturbation

(6) https://www.mdpi.com/2411-5118/3/2/18/htm 

(7) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11760788 

(8) https://link.springer.com/article/10.1631%2Fjzus.2003.0236 

Cramps After Masturbation: 29 Possible Causes, Next Steps (healthline.com)

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: .Ngưn.

Cách chăm sóc vùng kín trong lúc mang thai và sau khi sinh

Trong thời gian mang thai và cả sau khi sinh, vùng kín của bạn sẽ trải qua nhiều thay đổi rõ rệt mà nếu không biết chăm sóc đúng cách thì sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, ở chuyên đề lần này, SEBT sẽ tập trung hướng dẫn cách vệ sinh và chăm sóc âm đạo, giữ vùng kín luôn khỏe mạnh trong và sau khi sinh nở.

Nhận biết sức khỏe của âm đạo khi mang thai

Khi mang thai, bạn sẽ thấy cơ thể mình trải qua nhiều thay đổi rõ rệt như ngực và bụng ngày càng lớn hơn. Thật ra vùng kín cũng trải qua những thay đổi tương tự. Có những thay đổi là bình thường nhưng cũng có những thay đổi cảnh báo các biến chứng tiềm ẩn. Vì vậy, bạn cần nắm được các dấu hiệu nhận biết sức khỏe của âm đạo khi mang thai. 

1. Âm đạo thay đổi thế nào khi mang thai?

Tăng tiết dịch âm đạo

Tăng lượng dịch tiết âm đạo là một trong những thay đổi đáng chú ý ở “cô bé” khi mang thai. Nguyên nhân là do nồng độ estrogen và progesterone đang ở mức cao. Bên cạnh đó, sự gia tăng lưu lượng máu cũng có thể góp phần làm tăng tiết dịch âm đạo.

Dịch tiết khi mang thai phải loãng, có màu trắng đục. Nó có thể đặc hơn khi gần đến ngày sinh. Dịch tiết không nên bốc mùi hôi, nhưng vẫn mang mùi nhẹ dễ nhận thấy hơn bình thường.

Nếu lượng dịch tiết ra quá nhiều làm bạn khó chịu, bạn có thể dùng thêm băng vệ sinh hàng ngày.

Tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo

Trong một số trường hợp, lượng dịch âm đạo tăng lên lại là dấu hiệu cho thấy “cô bé” bị nhiễm trùng.

Nhiễm trùng âm đạo thường gặp trong khi mang thai một phần là do sự thay đổi nội tiết tố dẫn đến mất cân bằng độ pH của âm đạo. Những loại nhiễm trùng âm đạo phổ biến khi mang thai gồm:

+ Nhiễm trùng nấm men: Trong thời kỳ mang thai, dịch tiết âm đạo chứa nhiều đường hơn, mà đây lại là món ăn yêu thích của nấm men. Nhiễm trùng nấm men không gây hại cho thai nhi nhưng sẽ làm sinh hoạt bình thường của bạn trở nên khó chịu. Các triệu chứng của nhiễm trùng nấm men bao gồm ngứa âm đạo, tiết dịch giống như pho mát và có mùi men, kèm theo nóng rát âm đạo.

+ Viêm âm đạo do vi khuẩn: Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, 10% – 30% phụ nữ mang thai sẽ bị viêm âm đạo do vi khuẩn [1]. Tình trạng này là do sự mất cân bằng của vi khuẩn có lợi và hại trong âm đạo. Triệu chứng thường là tiết dịch màu xám, có mùi tanh. Nếu không được điều trị, thai phụ có khả năng chuyển dạ sinh non, sinh con nhẹ cân và sẩy thai.

+ Nhiễm trùng roi Trichomonas: Bệnh nhiễm trùng này lây truyền khi quan hệ tình dục với người bị bệnh. Nó có thể gây ra các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng, chẳng hạn như vỡ ối quá sớm và sinh non. Các triệu chứng của nhiễm trùng roi trichomonas bao gồm tiết dịch vàng xanh có mùi hôi, ngứa và đỏ âm đạo; đau khi đi tiểu và lúc quan hệ tình dục.

Sưng âm đạo

Để nuôi dưỡng thai nhi phát triển, lưu lượng máu của bạn sẽ tăng lên đáng kể trong thai kỳ. Điều này dẫn đến môi âm hộ và âm đạo có vẻ sưng hơn, đầy hơn. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, vùng kín có thể sẫm màu hơn và có màu hơi xanh.

Tình trạng sưng tấy và tăng lưu lượng máu này cũng có thể làm tăng ham muốn tình dục, khiến bạn dễ thấy hưng phấn hơn. 

Giãn tĩnh mạch âm hộ

Chân không phải là nơi duy nhất bị chứng giãn tĩnh mạch khi mang thai. Chúng cũng có thể xảy ra ở vùng âm hộ và âm đạo của bạn. Nguyên nhân là vì lượng máu tăng lên và tốc độ máu chảy từ chi dưới giảm xuống.

Giãn tĩnh mạch âm hộ có thể gây ra áp lực, đầy hơi và khó chịu ở vùng kín. Một số cách giúp giảm các triệu chứng này là chườm lạnh, kê cao hông khi nằm và mặc loại quần áo bó. Hầu hết các chứng giãn tĩnh mạch âm hộ sẽ tự biến mất trong vòng vài tuần sau khi sinh.

Chảy máu âm đạo

Chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt đầu tiên là chuyện bình thường. Có thể là do trứng đã thụ tinh làm tổ đến niêm mạc tử cung của bạn. Cũng có thể chảy máu là bởi lượng máu tăng lên. Trong một số trường hợp, chảy máu âm đạo là dấu hiệu của sảy thai, đặc biệt nếu nó đi kèm với chuột rút dữ dội.

Chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba mới là đáng lo ngại. Bạn nên đi bệnh viện ngay nếu chảy máu âm đạo của bạn là do:

+ Bong nhau thai (khi nhau thai bong ra khỏi niêm mạc tử cung)

+ Mở cổ tử cung sớm

+ Chuyển dạ sinh non

+Vỡ tử cung

Ngoài ra, khi bắt đầu chuyển dạ, bạn có thể thấy âm đạo tiết dịch có lẫn chất nhầy màu hồng. Chuyện này là bình thường, bạn không cần lo lắng.

2. Cách chăm sóc âm đạo khỏe mạnh trong khi mang thai

Hình ảnh từ Deon Black

Âm đạo đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình mang thai và sinh nở. Vì vậy, bạn cần phải đặc biệt quan tâm chăm sóc “cô bé” hơn bình thường. SEBT gợi ý một số mẹo dưới đây:

+ Làm khô âm đạo bằng máy sấy tóc ở chế độ thấp và mát sau khi tắm. Tuyệt đối không để “cô bé” ở trạng thái ẩm ướt.

+ Lau “cô bé” từ trước ra sau khi đi vệ sinh.

+ Không thụt rửa hoặc dùng băng vệ sinh có mùi thơm.

+ Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc vùng kín có mùi thơm.

+ Mặc quần áo hoặc quần lót rộng rãi, làm từ chất liệu cotton. Tránh các loại quần bó hoặc quần tất.

+ Nếu bạn làm hoạt động đổ nhiều mồ hôi thì lập tức thay quần áo khô ngay. Điều này sẽ giúp giữ vùng kín luôn khô ráo.

+ Ăn sữa chua thường xuyên.

+ Giảm lượng đường nạp vào cơ thể.

+ Luôn uống đủ nước.

+ Ăn chế độ lành mạnh, cân bằng và tập thể dục thường xuyên.

+ Nếu quan hệ tình dục, hãy dùng bao cao su để tránh lây nhiễm các bệnh STIs khi đang mang thai.

Chăm sóc âm đạo sau khi sinh con

1. Âm đạo thay đổi thế nào sau khi sinh con? (Kèm cách khắc phục)

Khi thấy cơ thể mình thay đổi lúc mang thai, không ít chị em băn khoăn về tình trạng âm đạo sau khi sinh. Rất nhiều lời truyền miệng khiến các chị em cho rằng vùng kín của mình sẽ trở nên tồi tệ, tan nát, khó mà hồi phục như trước nếu sinh thường. 

Vậy chính xác thì âm đạo sẽ thay đổi như thế nào sau khi sinh và có cách nào giúp hồi phục âm đạo cho mỗi sự thay đổi đó? 

Thay đổi 1: Âm đạo có thể khô hơn trong một thời gian

Khi bạn mang thai, một số hormone như estrogen sẽ tăng cao; sau khi sinh con, nồng độ của chúng giảm xuống, dẫn đến tình trạng khô âm đạo.

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ [2], estrogen giúp giữ ẩm cho vùng kín với chất lỏng tự nhiên và trong suốt, có tác dụng bôi trơn. Nếu không có đủ estrogen, bạn không chỉ mất đi độ ẩm như cũ mà mô âm đạo có thể co lại và mỏng hơn. Tất cả yếu tố này khiến âm đạo bị khô hơn bình thường sau khi sinh.

Nếu bạn không cho con bú, độ ẩm ở âm đạo có thể trở lại bình thường trong vòng vài tuần. Như vậy trong thời gian cho con bú, bạn phải chấp nhận việc âm đạo sẽ bị khô. 

Tình trạng khô âm đạo không chỉ khiến bạn khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày mà còn gây đau nếu quan hệ tình dục.

Giải pháp: Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể dùng gel bôi trơn hoặc biện pháp nào khác giúp cải thiện tình trạng khô âm đạo tạm thời này không. 

Thay đổi 2: Âm đạo và đáy chậu bị đau

Đáy chậu là khu vực nằm giữa âm đạo và hậu môn. Mặc dù nó không thuộc một bộ phận của âm đạo nhưng vẫn có thể bị rách trong khi sinh thường.

Theo Hội Sản Phụ khoa Mỹ (ACOG), từ 53% đến 79% các ca sinh thường sẽ gây ra một số vết rách với 4 mức độ như sau [3]:

1. Rách cấp độ 1: các vết rách xuất hiện ở vùng da xung quanh cửa âm đạo hoặc tầng sinh môn. Cấp độ này có thể không cần khâu và thường lành trong vòng 4 tuần.

2. Rách cấp độ 2: vết rách liên quan đến tổn thương cơ đáy chậu – nơi nâng đỡ tử cung, bàng quang và trực tràng. Cấp độ này thường phải khâu và lành trong vòng 4 tuần.

Hình ảnh được đăng tải bởi charlesdeluvio trên Unsplash

3. Rách cấp độ 3: vết rách ở cơ đáy chậu và cơ quanh hậu môn. Cấp độ này thường nghiêm trọng hơn 2 cấp độ nói trên, có thể cần phẫu thuật để khâu lại trong phòng phẫu thuật mà không phải phòng sinh. Thời gian để hồi phục là 12 tuần.

4. Rách cấp độ 4: vết rách ảnh hưởng đến cơ đáy chậu, cơ xung quanh hậu môn và mô lót trực tràng. Đây là cấp độ nghiêm trọng nhất và phải được khâu lại trong phòng phẫu thuật. Thời gian để hồi phục có thể mất hơn 12 tuần.

Theo một bản tin của ACOG vào tháng 7 năm 2016, rất khó để xác định tỷ lệ thực sự của các cấp độ rách nhưng cấp độ 3 và 4 có thể chỉ chiếm khoảng 11% tổng số vết rách.

Giải pháp: Để xoa dịu cơn đau trong khi chờ đợi các vết rách lành hẳn, bạn có thể thử các cách như chườm đá lạnh (nên bọc đá trong khăn), tắm ngồi. Hoặc bạn hỏi bác sĩ xem có thể dùng thuốc gây tê dạng xịt không.

Đối với tắm ngồi, bạn chỉ nên ngâm trong nước vài cm, mực nước lên đến hông. Ép hai bên mông vào nhau khi đang ngồi để tránh làm đau vết khâu. Ở vài ngày đầu, bạn ngâm trong nước mát, sau đó chuyển sang nước ấm. Bạn ngâm trong khoảng 20 phút, từ ba đến bốn lần một ngày là ổn.

Vết rách cũng gây ra một hệ lụy khác là khiến bạn đau đớn khi đi đại tiện. Giải pháp ở đây là cố gắng giữ phân mềm và đại tiện thường xuyên thay vì để mình bị táo bón hoặc thải ra loại phân cứng – cả hai đều khiến bạn thấy đau đớn hơn. Vì thế bạn nên ăn đủ chất xơ, uống nhiều nước và dùng thuốc làm mềm phân dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. 

Thay đổi 3: Dịch tiết ra nhiều đến mức bạn cần phải mang băng vệ sinh

Dịch tiết sẽ bao gồm máu, chất nhầy và các mô còn sót lại từ âm đạo sau khi bạn sinh; xuất hiện từ 4 đến 6 tuần sau khi sinh con và có thể thay đổi màu sắc theo thời gian. Nó thường chuyển từ một màu đỏ đậm sang màu hồng, rồi cuối cùng thành vàng. Lượng dịch ra nhiều đến mức bạn phải thường xuyên mang thêm băng vệ sinh hoặc tã. 

Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình tiết ra cục máu đông có kích thước hơn hơn trái mận thì nên đi khám bác sĩ. Hoặc nếu dịch tiết đi kèm với mùi hôi khó chịu thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Thay đổi 4: Kinh nguyệt có thể ra nhiều hơn hoặc ít hơn

Có thể bạn sẽ mất một thời gian mới có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh con. Nếu bạn tiết dịch có lẫn màu đỏ trong đó thì nó cũng không được tính là kinh nguyệt thực sự. Cơ thể bạn cần thời gian phục hồi sau khi sinh em bé, điều này đặc biệt đúng khi bạn đang cho con bú. Lúc này, lượng estrogen thấp có thể đẩy lùi kỳ kinh. 

Nhưng đừng vì thế mà bạn cho rằng trong thời gian cho con bú có thể quan hệ không an toàn. Bạn có thể mang thai ít nhất là 3 tuần sau khi sinh, dù là đang cho con bú và kinh nguyệt vẫn chưa có trở lại. 

Khi bạn bắt đầu có kinh trở lại thì “mùa dâu” có thể nặng hoặc nhẹ hơn trước. Nếu lượng estrogen thấp hơn trước khi mang thai thì niêm mạc tử cung có thể mỏng hơn, giúp bạn có kỳ kinh nhẹ hơn. Ngược lại, nếu lượng estrogen cao hơn trước khi mang thai thì lớp niêm mạc tích tụ dày hơn, khiến kỳ kinh nặng hơn.

Thay đổi 5: Âm đạo có thể rộng hơn (hoặc không)

Dù âm đạo và cửa âm đạo thường co lại sau khi kéo căng lúc sinh thường nhưng việc sinh con to, bé có đầu to hoặc sinh thường nhiều lần đều có thể khiến âm đạo khó hồi phục lại tình trạng như trước khi sinh. Kết quả, âm đạo của bạn có thể hơi rộng so với trước đây. Nhưng kết quả này không hẳn xảy ở mọi phụ nữ sinh thường. Bạn cũng có thể thấy cơ âm đạo yếu hơn sau khi sinh. 

Giải pháp: Kegel chính là bài tập hữu hiệu giúp cơ âm đạo săn chắc trở lại. Cách thức thực hiện như sau:

+ Xác định cơ sàn chậu: Khi đi tiểu, bạn cố gắng ngừng tiểu giữa chừng. Cơ mà bạn siết chặt để nín tiểu chính là cơ sàn chậu.

+ Tập luyện thường xuyên: Bạn siết cơ như đang nín tiểu và giữ trong 5 giây, sau đó thả ra trong 5 giây. Bạn lặp lại động tác: siết, thả, siết, thả, từ 5 giây lên đến 10 giây, cứ như vậy mỗi ngày tập ít nhất 10 lần.

+ Chỉ siết cơ sàn chậu, đừng làm căng các cơ ở bụng, đùi hoặc mông. Và nhớ là trong lúc siết, bạn hãy hít thở bình thường.

Thay đổi 6: Bạn bị són tiểu

Hình ảnh từ Deon Black

Sinh con có thể tàn phá sàn chậu của bạn. Trong khi đây là cơ quan có chức năng giữ tử cung, bàng quang, ruột ở đúng vị trí để chúng hoạt động bình thường. Sinh con cũng gây ảnh hưởng đến các cơ và dây thần kinh kiểm soát bàng quang và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể).

Tất cả những điều này có thể khiến bạn bị són tiểu vào những thời điểm không thích hợp như khi hắt xì hơi, cười, đi bộ hoặc nhảy.

Giải pháp: Tin tốt là chứng són tiểu này sẽ được cải thiện theo thời gian nếu bạn luyện tập các bài Kegel thường xuyên.

Thay đổi 7: Cảm giác lên đỉnh của bạn có thể thay đổi tùy vào cơ sàn chậu thay đổi như thế nào

Trong khi đạt cực khoái, các cơ của âm đạo và tử cung tạo ra nhiều cơn co thắt một cách nhịp nhàng và mạnh mẽ. Nếu sàn chậu yếu đi do sinh nở, những cơn co thắt đó có thể không còn mạnh mẽ nữa. Vì vậy, bạn sẽ thấy cảm giác lên đỉnh không còn mạnh như trước. 

Giải pháp: Một lần nữa, Kegel chính là “bài thuốc” hữu hiệu, giúp cơ sàn chậu săn chắc trở lại, giúp bạn cảm nhận sự mạnh mẽ của các cơ co thắt khi lên đỉnh.

Thay đổi 8: Âm hộ có thể đổi màu

Bạn có thể thấy sau khi sinh, vùng kín trở nên sẫm màu hơn, đặc biệt là xung quanh môi âm hộ và đáy chậu. Sự thay đổi màu sắc này là do nội tiết tố gây ra, đến khi mức độ hormone ổn định thì vùng kín có thể trở lại màu sắc trước đó. Nhưng ngay cả khi không thể trở lại thì vẫn chẳng có vấn đề gì. “Cô bé” của bạn vẫn đẹp và độc nhất vô nhị, bất kể mang màu sắc thế nào!

2. Lầm tưởng về độ khít của âm đạo sau sinh

Sau khi nữ giới “vượt cạn”, ngoài niềm hạnh phúc vô bờ khi bé con của mình chào đời thì còn là nỗi lo về những tổn hại ở vùng kín. Người ta truyền miệng nhau những lời đồn về tình trạng của âm đạo như mất đi độ khít, bên trong nhăn nheo, lỏng lẻo hơn…, khiến bạn thấy tự ti về cơ thể.

Nhưng thực tế cơ thể phụ nữ được tạo ra để mang thai nhưng cũng đồng thời được tạo ra để phục hồi sau khi mang thai. Bạn có thể sẽ thấy “cô bé” khang khác trong những ngày đầu sau sinh khi bạn đang dần hồi phục, nhưng nó sẽ không cản trở trải nghiệm tận tình dục của bạn. Ở một số người, bạn sẽ thấy hiện tượng giãn cơ, và sự dao động hormone làm cảm giác lên đỉnh thay đổi. Nhưng đó chỉ là những vấn đề mang tính tạm thời mà thôi. 

Để thêm tự tin hơn vào cơ thể, bạn cần hiểu đúng bản chất của những lời đồn về độ khít của âm đạo sau sinh.

Lời đồn 1: Sinh nở làm tàn phá khả năng đàn hồi của âm đạo

Bất cứ thứ gì bị kéo căng trong thời gian dài đều có thể bị giãn. Nhưng theo Psychology Today, khi âm đạo bị căng ra trong quá trình sinh nở, nó thường khít lại trong vòng 6 tháng [4]. Nếu phụ nữ trải qua nhiều lần sinh thường và lúc già đi, “cô bé” dù cho hồi phục cũng không thể quay trở lại trạng thái như lúc còn “thiếu nữ”.

Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện bằng cách kiên trì tập Kegel mỗi ngày hoặc đi phẫu thuật vùng kín.

Lời đồn 2: Phụ nữ chưa bao giờ có con sẽ “khít” hơn

Hình ảnh từ Deon Black

Dù bạn nghe những lời đồn thổi thế nào thì kích thước âm đạo của phụ nữ nhìn chung là như nhau. Nhà nghiên cứu tình dục Debby Herbenick trong một cuộc phỏng vấn với Men’s Health đã đưa ra các nghiên cứu so sánh những phụ nữ từng sinh con với chưa từng sinh con và phát hiện không có sự khác biệt đáng kể về kích thước âm đạo giữa hai đối tượng này. [5] Vì vậy, nếu sinh con không làm thay đổi vĩnh viễn hình dạng âm đạo thì dương vật cũng như tần suất quan hệ cũng không làm âm đạo rộng ra.

3. Có nên phẫu thuật vùng kín sau khi sinh không?

Khi mang thai, lưu lượng máu tăng lên ở vùng sinh dục dẫn đến môi bé bị sưng. Thường thì sau khi sinh xong, lưu lượng máu trở lại bình thường, môi bé sẽ từ từ phục hồi lại hình dạng ban đầu. Nhưng ở một số người, môi bé vẫn giữ nguyên trạng thái chảy xệ, phì đại hoặc lồi ra ngoài, trông không được đẹp lắm và sinh hoạt cũng trở nên bất tiện.

Lúc này, một số chị em muốn phẫu thuật vùng kín, cụ thể là thu gọn lại phần môi bé nhưng e ngại phẫu thuật có ảnh hưởng không tốt đến vùng kín.

Một trường hợp khác là sau khi sinh thường, âm đạo dù có thời gian hồi phục lại cộng với luyện Kegel thì cũng không được hoàn hảo 100% như lúc chưa sinh. Vì vậy, không ít chị em muốn phẫu thuật vùng kín để thu hẹp âm đạo.

Theo SEBT, có nên phẫu thuật vùng kín sau sinh hay không sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Nếu bạn muốn phẫu thuật để giúp bản thân cảm thấy tự tin hơn, vệ sinh dễ dàng hơn, nâng cao chất lượng đời sống tình dục hơn thì bạn cứ việc nghe theo tiếng gọi trái tim, không có vấn đề gì cả. 

Còn nếu bạn thấy cơ thể hiện tại của mình vẫn ổn, môi bé sau khi sinh có hơi to một chút nhưng bạn muốn giữ lại để làm kỷ niệm cho thấy bạn đã thực hiện thiên chức thiêng liêng của phụ nữ thì cũng không sao. Còn âm đạo thì SEBT từng nghe có những bạn trước khi sinh, âm đạo quá chật, bây giờ sau khi sinh, âm đạo trở nên vừa vặn, không quá chật cũng không quá khít nên không cần thiết phải phẫu thuật.

Mỗi người có một hoàn cảnh và tình trạng khác nhau. Vì vậy, đừng bận tâm đến những lời xì xào xung quanh mà hãy cho mình thời gian để suy ngẫm lại xem bản thân thật sự muốn điều gì, phẫu thuật có thật sự cần thiết với mình không. 

Nguồn thông tin:

[1] http://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/bacterial-vaginosis-during-pregnancy/ 

[2] https://medlineplus.gov/ency/article/000892.htm 

[3] https://www.acog.org/About-ACOG/News-Room/News-Releases/2016/Ob-Gyns-Can-Prevent-and-Manage-Obstetric-Lacerations  

[4] https://www.psychologytoday.com/blog/all-about-sex/201109/the-rare-truth-about-tight-and-loose-women 

[5] http://www.menshealth.com/sex-women/vagina-urban-myths 

How Pregnancy Affects Vaginal Health (healthline.com)

Yeast Infections During Pregnancy: What To Do (webmd.com) 

9 Ways Your Vagina Might Change After You Give Birth | SELF

Bài viết liên quan
Chia sẻ
Sao chép link